Dương Hoài Linh
Dân Luận: Thực ra thì có những Thiên đường mù, Đêm giữa ban ngày, Hoa xuyên tuyết v.v... thì mới có những người mở mắt ra trước những sai lầm của chế độ độc tài đảng trị. Có những người mở mắt thì mới có những người hành động, mới có những người dám xuống đường bảo vệ sự tự do và dân chủ. Do đó Đèn Cù có chỗ đứng của nó, khó có thể nói chuyện xuống đường cần thiết hơn hay truyền bá Đèn Cù cần thiết hơn. Lời kêu gọi xuống đường phản đối cơ chế Đảng Cử Dân Bầo vào thời điểm này ở Việt Nam có bao nhiêu người sẽ hưởng ứng?
Mấy hôm nay dư luận xôn xao về hiện tượng "Đèn Cù" xuất hiện vào đúng
dịp Trung thu, một cái tết thiếu nhi cổ truyền của dân tộc. Tâm lý, bức
bối, tối tăm, ngột ngạt rất mong chờ những cơn mưa hạ, những giọt nước
mát hoặc một chút ánh sáng soi rọi trong đêm. Dân mạng lao vào đọc,
trích dẫn, bình luận "Đèn Cù" với mong muốn tác phẩm này sẽ tạo ra một
chuyển biến lớn về nhận thức,bạch hóa những góc khuất còn tăm tối trong
cuộc đời của các huyền thoại một thời của dân tộc.
Đèn Cù đã đáp ứng những thông tin về một sự giải thiêng. Khi trước đó
vẫn còn những đoàn người rồng rắn vào viếng lăng cụ Hồ,viếng mộ cụ
Giáp. Đèn Cù đã đưa ra những chi tiết xác thực, có sức thuyết phục hơn
về những gì trước đây chỉ là các giai thoại truyền miệng trong dân. Đèn
Cù cũng cung cấp cho lớp hậu sinh sau này một cái nhìn trực diện vào
"thần tượng" sau khi bóc đi lớp hào quang giả tạo, đưa họ trở về đúng
với cái bản chất vốn có của nó.
Thế nhưng để nói rằng "Đèn Cù" sẽ tạo một chuyển biến mạnh mẽ, tác
động đến phong trào "đấu tranh dân chủ", kéo gần đến ngày "tự đào huyệt"
của thể chế toàn trị tôi e rằng chỉ là một sự lạc quan tếu. Hình ảnh
gởi gắm ý niệm của tác giả trong việc vẽ ra một đoàn nông dân chân đất,
áo vải xoay quẩn quanh trong một ngọn nến yếu ớt cũng không mới lắm nếu
so với các ý niệm của các hồi ký trước đó (Thiên đường mù, Đêm giữa ban
ngày, Hoa xuyên tuyết...) Và các thông tin về lãnh tụ, về CCRĐ, về vụ án
xét lại chống Đảng... cũng đã được đề cập bởi Vũ Thư Hiên, Bùi Tín,
Dương Thu Hương... Có chăng lần này sự thật được phơi ra một cách trần
trụi hơn mà thôi.
Có lẻ chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng, cái mà chúng ta muốn đạp
đổ không phải Đảng CS, người CS hiện tại cũng như quá khứ của họ mà
chính là thể chế độc tài, độc đảng. Trong một thể chế dân chủ thì mọi
đảng phái đều có quyền tồn tại. Và sự giải thiêng hình ảnh của một lãnh
tụ một đảng phái chỉ là một phần nhỏ trong quá trình vận động để giải
thể một chính thể. Vấn đề cần thiết hơn là phải giúp người dân thấy rõ
tầm quan trọng của việc phân chia và hạn chế quyền lực, phân biệt rõ
giữa dân chủ thực chất và dân chủ giả hiệu,quyền tự do tối thiểu của một
con người.
Những ngày qua cũng là những ngày mà nền dân chủ của Hồng Kông đang
bị đe dọa nghiêm trọng. Quốc hội Trung Quốc hôm 31/8 đã bác bỏ lời kêu
gọi về việc công khai đề cử các ứng viên cho vị trí trưởng đặc khu hành
chính Hồng Kông.
Theo đó, người dân Hồng Kông có thể được bầu chọn trực tiếp lãnh đạo
của mình vào năm 2017 nhưng việc đề cử ứng viên cho vị trí này sẽ được
tiến hành thông qua một ủy ban đại diện. Như vậy chính quyền Trung Quốc
đã can thiệp vào chính trị của mảnh đất "một quốc gia hai chế độ" này
bằng xe bọc thép và cả hơi cay. Các nhà đấu tranh dân chủ Hồng Kông
tức giận tuyên bố sẽ bắt đầu "kỷ nguyên bất tuân dân sự" với
nhiều hoạt động nhằm chiếm cứ khu trung tâm tài chính Hồng Kông.
Có lẽ với chúng ta việc truyền bá "Đèn Cù" là cần thiết. Nhưng có lẽ
cần thiết hơn là noi gương Hồng Kông. Bởi chúng ta không thể để cho
chính phủ luôn rêu rao: "Đòi hỏi dân chủ, pháp quyền của nhân dân là tất
yếu"... bằng mồm.