Thứ Tư, 10 tháng 9, 2014

Nhân triển lãm CCRĐ đang diễn ra tại Hà Nội: Về người bị "bắn thí điểm" trong CCRĐ

Lê Thọ Bình
10506629_709774655738549_7938157630541455680_o.jpg
Nếu lấy lý do chênh lệch giàu nghèo để làm cải cách ruộng đất, phải chăng bây giờ cải cách ruộng đất là cần thiết? Ảnh minh họa của Dân Luận.
Cho đến nay, Cải cách ruộng đất (CCRĐ) 1953-1956 vẫn là một trong những giai đoạn bi thương nhất trong lịch sử phát triển của đất nước. Kết quả là hàng trăm ngàn người bị bắt, giết, gia đình ly tán.
Người đầu tiên được “lựa chọn” để “xử bắn thí điểm” là bà Nguyễn Thị Năm. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, câu chuyện về bà Năm, từ khi bà bị bắn năm 1953 cho đến nay, vẫn là đề tài gây nhiều tranh cãi và còn không ít những uẩn khúc cần tiếp tục được giải mã.

CCRĐ - bi kịch của lịch sử dân tộc

Để chúng ta có thể hình dung lại, mức độ, quy mô và hậu quả của một trong những giai đoạn bi thương nhất của lịch sử dân tộc, chúng ta cùng nhau trở về thời kỳ 1953-1956.
Tháng 11 năm 1953 Quốc hội VNDCCH nhóm họp và thông qua Dự luật CCRĐ 197/HL. Chủ tịch Hồ Chí Minh phê thuận và chính thức ban hành bộ luật này vào ngày 19-12-1953 để kỷ niệm ngày Toàn quốc Kháng chiến, mang tên "Luật Cải cách Ruộng đất". Đồng thời điểm này, Ủy ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Đại hội Toàn quốc Đảng Lao động Việt Nam cũng họp và tổ chức chuẩn bị thi hành CCRĐ sâu rộng trên toàn lãnh thổ. Ủy ban lãnh đạo chương trình CCRĐ và hoạch định tiến trình CCRĐ được thành lập.
Hồ Chí Minh, Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước phát động và làm tư tưởng chiến dịch.
Trưởng ban chỉ đạo trực tiếp là ông Trường Chinh lúc bấy giờ là Tổng bí thư Đảng. Trưởng ban chỉ đạo thí điểm khu vực Thái Nguyên là Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương đảng; Trưởng ban chỉ đạo thí điểm vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh là Lê Văn Lương, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị và Giám đốc trực tiếp điều hành chiến dịch là ông Hồ Viết Thắng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương đảng.
Chương trình CCRĐ được áp dụng qua bốn bước chính như sau:

1. Huấn luyện cán bộ

Các cán bộ tham gia CCRĐ được đưa đi học khóa Chỉnh huấn 1953 và một số được đưa đi huấn luyện tại Trung Quốc. Các chương trình học tập nhằm giúp cán bộ nắm vững đường lối của Đảng trong CCRĐ, quán triệt quan điểm: "Trí, phú, địa, hào đào tận gốc trốc tận rễ". Tổng số cán bộ được điều động vào công tác là gần 50.000 người.

2. Chiến dịch Giảm tô

Bước đầu, các đội cán bộ CCRĐ đi vào các làng xã và áp dụng chính sách "3 Cùng" (cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm) với các bần cố nông trong làng xã đó, kết nạp họ thành “rễ”, thành “cành” của Đội, sau đó triển khai chiến dịch từng bước như sau:
- Phân định thành phần: Đội CCRĐ ra mắt làng xã, và tất cả các gia đình trong xã được họ phân loại thành 5 thành phần: (a) địa chủ; (b) phú nông; (c) trung nông cứng (sở hữu 1 con bò, 1 con heo, 1 đàn gà); (d) trung nông vừa (sở hữu 1 con heo, 1 đàn gà); (e) trung nông yếu (sở hữu 1 đàn gà hay không có gì cả); (f) bần nông; (g) cố nông. Gia đình có 2 con heo đã có thể gọi là phú nông. Tỷ lệ địa chủ được quy định trước là 5,68% dân số nông thôn và các đoàn và đội cải cách đều cố truy bức để đôn tỷ lệ địa chủ lên 5% như một quy định bắt buộc, gọi là “kích thành phần”.
- Phân loại địa chủ: Tất cả các gia đình bị xếp vào thành phần địa chủ như nói trên được đội cải cách phân loại thêm một lần nữa thành (a1) Địa chủ gian ác; (a2) Địa chủ thường; (a3) Địa chủ có ủng hộ kháng chiến. Thành phần địa chủ gian ác bị đội cải cách bắt ngay lập tức và quản thúc.
- Áp dụng thoái tô: Đối với các gia đình có địa chủ bị bắt nói trên, Đội cải cách thông báo với họ về các sắc lệnh giảm tô của Chính phủ, bao gồm: Sắc lệnh giảm tô xuống còn 25% vào tháng 11-1945, Sắc lệnh số 87/SL năm 1952 và 149/SL năm 1953 giảm tô thêm 25%.
(Cần nói thêm rằng, tại miền Bắc, tô hay địa tô là tiền thuê ruộng mà tá điền phải trả cho địa chủ sau mùa gặt, có thể trả bằng thóc. Căn cứ theo đó, địa chủ nào chưa giảm tô cho nông dân thì bây giờ phải trả số nợ đó - gọi là “thoái tô”. Nếu không trả đủ nợ thì tài sản bị tịch thu, phân phát do nông dân).
(Sau bước này, hầu hết gia đình địa chủ lâm vào hoàn cảnh khánh kiệt, nhiều người đến chỗ tự sát).
- Học tập tố khổ, lùng bắt địa chủ: Các bần nông, cố nông, “gốc”, "rễ" được Đội cải cách cho đi học lớp tố khổ do Đội mở, qua đó học viên được nhận dạng các tội ác của địa chủ và được khuyến khích nhớ ra tội ác của từng địa chủ đã bóc lột họ như thế nào.
- Công khai đấu tố: Ban đầu các buổi đấu tố được tổ chức, thông thường vào ban đêm (do để tránh máy bay địch oanh tạc. Sau đó được tiến hành vào ban ngày). Số lượng người tham gia đấu tố được huy động từ vài trăm đến cả ngàn người. Thời gian đấu tố từ một đến ba đêm tùy theo mức độ tội trạng của địa chủ. Trong đêm đấu tố, các bần nông bước ra kể tội địa chủ đã bóc lột họ như thế nào. Tại các tỉnh có tổ chức cải cách ruộng đất đều cho ra tờ báo lấy tên là Lá Rừng (ngụ ý tội ác địa chủ nhiều như lá rừng) tường thuật chi tiết các vụ đấu tố. Sau khi bị đấu tố các địa chủ được tạm giam trở lại để chờ tòa án nhân dân xét xử. Gia đình và thân nhân người bị đấu tố bị cô lập và chịu nhiều sự phân biệt đối xử thậm chí là nhục hình.
- Xử án địa chủ: Tại các huyện, một tòa án nhân dân đặc biệt được lập ra và đi về các xã xét xử các địa chủ. Sau khi kết án, địa chủ bị xử bắn trước công chúng do đội tự vệ xã hành quyết. Những người không được xử bắn thì bị cô lập trong các làng xã.
Tổng cộng có tám đợt giảm tô từ 1953 đến 1956 tiến hành tại 1.875 xã.

3. Chiến dịch CCRĐ

Nhiều tháng sau khi Chiến dịch Giảm tô được triển khai, chương trình CCRĐ chính thức bắt đầu, với hình thức tương tự nhưng trên địa bàn rộng lớn hơn. Tổng cộng có 6 đợt CCRĐ từ 1953 đến 1956, được tiến hành tại 3.314 xã.
Từ cuối năm 1954, dưới sức ép của cố vấn Trung Hoa, chiến dịch cải cách ruộng đất bắt đầu được đẩy mạnh và nhanh, với cường độ lớn. Từ giữa năm 1955 ở một số nơi đã xuất hiện hiện tượng đấu tố tràn lan, mất kiểm soát. Từ đó đến cuối năm 1955, cảnh đấu tố địa chủ xảy ra tràn lan, nhiều lúc chỉ đơn thuần bằng một lời tố giác đơn giản, những thành viên trong tòa án nhân dân cũng có thể xử tử hình hay tù khổ sai đối với người bị tố giác. Đã xuất hiện tình trạng lạm dụng quyền hành của các cán bộ đội viên đội công tác ruộng đất trong công tác đất đai. Số người chết trong đợt này là rất lớn, trong đó số người chết oan chiếm tỷ lệ cao. Quyết liệt nhất là ở Thái Bình, nơi có đến 294 xã được đưa vào cải cách.

4. Chiến dịch Sửa sai

Do nhận định chiến dịch CCRĐ giết lầm nhiều người vô tội và gây ra chống đối mạnh trong dân chúng, Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ tiến hành các bước sửa sai.
Tháng 2 năm 1956, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 9 tuyên bố các sai lầm trong CCRĐ. Tháng 3 năm 1956, Quốc hội họp lần thứ 4 tường trình bản báo cáo các sai lầm và biện pháp sửa sai. Ngày 18- 8-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào và cán bộ nhìn nhận sai lầm và cho biết Trung ương Đảng và Chính phủ đã nghiêm khắc kiểm điểm các sai lầm. Ngày 24-8-1956, báo Nhân Dân công bố có một số đảng viên trung kiên đã bị hành quyết sai lầm trong chiến dịch CCRĐ. Tháng 9 năm 1956, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (họp từ 25-8 đến 24-9-1956) nhận định các nguyên nhân đưa đến sai lầm và thi hành kỷ luật đối Ban lãnh đạo chương trình CCRĐ. Kết quả là ông Trường Chinh từ chức Tổng Bí thư Đảng, hai ông Hoàng Quốc Việt và Lê Văn Lương ra khỏi Bộ Chính trị và ông Hồ Viết Thắng ra khỏi Chấp hành Trung ương.
Ngày 29-10-1956, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người không tham gia trực tiếp vào chương trình CCRĐ, thay mặt Chủ tịch nước đọc bản báo cáo của Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại nhà hát lớn Hà Nội, kê khai sai lầm và phát động chiến dịch sửa sai, phục hồi các chức vụ tài sản cho cán bộ, bộ đội bị đấu tố.
Cũng cần phải nói thêm là chiến dịch sửa sai cũng gây thêm chết chóc khi những người được phục hồi trả thù những người đã đấu tố họ oan ức, hoặc chưa kịp trả thù thì bị thủ tiêu trước để tránh việc trả thù.
Phong trào trả thù bằng bạo động lan rộng khiến nhà chức trách phải dùng quân đội trấn áp. Ở Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, có bản báo cáo ghi nhận 20.000 nông dân mang gậy gộc chống lại quân đội khi chính quyền dùng vũ lực để tái lập trật tự.
Tuy nhiên, theo nhiều nhân chứng mà tôi có dịp trao đổi thì việc sửa sai chỉ đơn thuần là phục hồi đảng tịch, quy lại thành phần (từ địa chủ, phú nông trở lại thành trung nông) chứ ít khi họ được trả lại tài sản, nhà đất.
Thậm chí mãi đến năm 2004 (theo báo Hà Nội Mới) thì Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội mới ra quyết định trợ cấp cho một số trường hợp bị qui sai thành phần và có tài sản bị trưng thu, trưng mua trong thời kì CCRĐ với mức ba triệu đồng một trường hợp.

Nguyễn Thị Năm là ai?

Khi cuộc CCRĐ được tiến hành và trớ trêu thay, người đầu tiên được “lựa chọn” để bắn “thí điểm” là bà Nguyễn Thị Năm. Sau những cuộc đấu tố với đủ các thứ tội ác được gán ghép, người phụ nữ mới 47 tuổi (sinh năm 1906) này đã bị đem ra xử bắn (năm 1953) và được báo chí đương thời coi là phát súng hiệu cho một cuộc vận động “long trời lở đất”.
Vậy bà Nguyễn Thị Năm là ai?
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc thì “Bà Nguyễn Thị Năm, hay còn gọi là Cát Hanh Long (tên hiệu trong buôn bán giao dịch của bà Năm, được ghép từ tên của hai người con trai của bà là Nguyễn Hanh và Nguyễn Cát-NV) sinh năm 1906 vốn là một phụ nữ giỏi làm ăn trên đất cảng Hải Phòng, từ nhiều nghề khác nhau trong đó có buôn bán sắt vụn, bà đã sớm thành đạt trên thương trường, xây nhà tậu ruộng như thói tục của người xưa vừa làm ăn nơi thành thị vừa bám sát với thôn quê, nhất là vào thời chiến tranh loạn lạc.
Người sớm giác ngộ nhà buôn trẻ tuổi Nguyễn Thị Năm chính là nhà văn Nguyễn Đình Thi tham gia Mặt trận Việt Minh ở Hải Phòng rồi sau đó bà gặp, công tác phục vụ, giúp đỡ nhiều cán bộ cách mạng. Sau này bà là người đã che giấu và nuôi dưỡng nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Lê Thanh Nghị, Lê Giản, Hoàng Hữu Nhân (Bí thư Thành uỷ Hải Phòng), Hoàng Tùng, Vũ Quốc Uy, Hoàng Thế Thiện...
Khó kể hết những đóng góp của nhà tư sản ấy cho cách mạng. Từng ủng hộ Việt Minh trước Cách mạng Tháng Tám 20.000 đồng bạc Đông Dương (tương đương bảy trăm lạng vàng) rồi sau này là thóc gạo, vải vóc, nhà cửa. Bà là một trong những người đóng góp tiêu biểu nhất của “Tuần lễ Vàng” ở Hải Phòng với hơn một trăm lạng vàng.
Một sự kiện vô tiền khoáng hậu khi ấy đối với một phụ nữ chân yếu tay mềm là bà đã ngồi trên chiếc xe ô tô riêng của gia đình mình, treo cờ đỏ sao vàng, phóng từ Hải Phòng lên thẳng Chiến khu qua thành phố Thái Nguyên, nơi quân Nhật còn chiếm đóng đến Đồng Bẩm, Đình Cả, Võ Nhai để báo cho con trai và các đồng chí của mình tin Hà Nội đã giành được chính quyền. Sau thời điểm kháng chiến toàn quốc, bà chính là người đã trao chiếc búa cho đội tự vệ làm cái việc san bằng địa khu biệt thự Đồng Bẩm thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến”.
Cũng vẫn theo nhà sử học Dương Trung Quốc “Hai con trai bà, ông Nguyễn Công và ông Nguyễn Hanh đều theo Việt Minh từ trước 1945. Khi CCRĐ được phát động, ông Nguyễn Hanh là Đại đội phó bộ đội thông tin. Ông Hanh từng bị thương khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ ngay ở Cầu Giấy - cửa ngõ Thủ đô. Còn ông Công từng tháp tùng đoàn đại biểu chính phủ do các ông Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu... vào Huế tước ấn kiếm vua Bảo Đại rồi sau này trở thành một Trung đoàn trưởng nổi tiếng của Sư đoàn 351”.
Trong suốt thời gian kháng chiến chống Pháp, bà Năm tham gia các cấp lãnh đạo của Hội Phụ nữ của tỉnh Thái Nguyên và Liên khu Việt Bắc... Nhiều cán bộ cách mạng, nhiều đơn vị bộ đội thường tá túc trong đồn điền của bà cho đến khi bà bị đưa ra đấu tố và bị bắn “thí điểm”.

Vì sao lại là bà Năm?

Trong Hồi ký của mình ông Đoàn Duy Thành, từng là Bí thư Thành ủy Hải Phòng, sau này là Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và tiếp theo là Phó Chủ tịch HĐBT có kể: "Sau này khi sửa sai CCRĐ xong, tôi được nghe nhiều cán bộ cao cấp nói lại: “Khi chuẩn bị bắn Nguyễn Thị Năm, Bác Hồ đã can thiệp và nói đại ý: ‘Chẳng lẽ CCRĐ không tìm được một tên địa chủ, cường hào gian ác là nam giới mà mở đầu đã phải bắn một phụ nữ địa chủ hay sao?”. Nhưng cán bộ thừa hành báo cáo là đã hỏi cố vấn Trung Quốc và được trả lời là: “Hổ đực hay hổ cái, đều ăn thịt người cả!”. Thế là đem hành hình Nguyễn Thị Năm!"
Thủa sinh thời, trong một lần trò chuyện với ông Hoàng Tùng, Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương, người từng nhiều năm “điếu đóm” cho Cụ Hồ (ông tự nhận thế) có kể lại rằng (1): "Chọn địa chủ Nguyễn Thị Năm để làm trước là do có người mách cho cố vấn Trung Quốc. Họp Bộ Chính trị Bác nói: “Tôi đồng ý người có tội thì phải xử thôi, nhưng tôi cho là không phải đạo nếu phát súng đầu tiên lại nổ vào một người đàn bà, mà người ấy lại cũng giúp đỡ cho cách mạng, người Pháp nói không nên đánh vào đàn bà, dù chỉ là đánh bằng một cành hoa”. Sau cố vấn Trung Quốc là Lê Quý Ba đề nghị mãi, Bác nói: “Tôi theo đa số, chứ tôi vẫn cứ cho là không phải”. Và họ cứ thế làm".
Khi còn sống Giáo sư Trần Quốc Vượng có lần kể lại với tôi rằng theo lập luận của đội CCRĐ thì “Việc con mụ Năm đã làm chỉ là giả dối nhằm chui sâu, leo cao vào hàng ngũ cách mạng để phá hoại. Bản chất của giai cấp địa chủ là rất ngoan cố xảo quyệt và tàn bạo, chúng không từ thủ đoạn nào để chống phá cách mạng. Nông dân phải luôn luôn sáng suốt dù chúng giở thủ đoạn nào”.
Ông Bùi Tín còn kể: “Ông Hoàng Quốc có lần Việt kể lại rằng hồi ấy ông chạy về Hà Nội, báo cáo việc hệ trọng này với cụ Hồ Chí Minh. Cụ chăm chú nghe rồi phát biểu: Không ổn! Không thể mở đầu chiến dịch bằng cách nổ súng vào một phụ nữ, và lại là một người từng nuôi cán bộ cộng sản và mẹ một chính uỷ trung đoàn Quân đội Nhân dân đang tại chức. Ông hẹn sẽ can thiệp, sẽ nói với Trường Chinh về chuyện hệ trọng và cấp bách này. Thế nhưng không có gì biến chuyển cả”.
Còn tác giả của “Màu tím hoa sim” Hữu Loan thì nói với tôi rằng, việc lựa chọn bà Năm có các nguyên do sau: Thứ nhất, phương châm chính trong CCRĐ là “thà giết lầm 10 người vô tội, còn hơn để thoát một kẻ thù”. CCRĐ là một cuộc đấu tranh giai cấp giữa bần cố nông và địa chủ (nông dân có ruộng). Do đó địa chủ không thể được lọt lưới, được bỏ sót. Bà Năm lại có đến 2,789 mẫu đất, là một đại địa chủ. Thứ nhì, phát súng đầu tiên bắn vào một phụ nữ để xác định CCRĐ là một cuộc đấu tranh giai cấp và trong đấu tranh giai cấp không phân biệt địa chủ phong kiến là phụ nữ hay đàn ông. Thứ ba, ảnh hưởng kinh tế và chính trị của bà, và của các địa chủ khác, cần phải được thủ tiêu để mở đường xây dựng chế độ mới.
Vấn đề được đặt ra ở đây là, người đứng đầu Đảng LĐVN lúc đó có thực sự “bất lực” trước sức ép của cố vấn Trung Quốc mà buộc phải đồng ý cho xử bắn bà Nguyễn Thị Năm không?
Điểm qua như thế để chúng ta thấy được rằng vụ án Nguyễn Thị Năm nói riêng và CCRĐ nói chung còn rất nhiều uẩn khúc. Những uẩn khúc này không phải chỉ liên quan đến các nạn nhân hay gia đình nạn nhân CCRĐ. Nó còn in đậm nét trong tâm trí của những người đã một thời tin vào chủ nghĩa cộng sản, vào lý tưởng cộng sản, trong đó có những người từng trực tiếp tham gia CCRĐ. Những uẩn khúc này cần phải tiếp tục được làm sáng tỏ.

Bà Năm bị đấu tố và xử bắn như thế nào?

Tôi đã nhiều lần có dịp lên Đồng Bẩm (Thái Nguyên) để tìm hiểu và nghe lại những vị cao niên ở đây kể về vụ án bà Nguyễn Thị Năm, nhưng tiếc rằng, kết quả thu được không nhiều. Năm 2007, tình cờ tôi có đọc được bài viết trên “Người Làng Trà” Nhà báo Nguyễn Thông đã đưa một số chi tiết có liên quan đến bà Nguyễn Thị Năm. Tôi có tìm đến cụ Vãn mà anh Thông nói tới, người được cho là người ở trong nhà bà Năm. Tuy nhiên cụ Vãn đã khước từ kể nhớ lại chuyện cũ.
Theo cuốn “Trần Huy Liệu – Cõi đời” của Trần Chiến, Nhà xuất bản Kim Đồng 2009, thì ông Trần Huy Liệu, lúc đó là uỷ viên Thường trực Quốc hội, thanh tra Cải cách Ruộng đất tại hai xã Đồng Bẩm, Dân Chủ (Thái Nguyên). Ông dự cả hai buổi xử Nguyễn Văn Bính (ngày 18-5-1953) và bà Nguyễn Thị Năm (22-5-1953).thì phiên xét xử bà NGuyễn Thị Năm diễn ra như sau:
“Hôm ấy là ngày 22/5/1953, trời nắng chói chang. Để tránh cái nắng nóng nhiều người đã lấy cành cây che đầu, nhưng vì làm như thế thì người ngồi sau sẽ bị che khuất nên Chủ tịch đoàn đã yêu cầu mọi người vứt lá đi. Phiên tòa hôm ấy khoảng 1 vạn người. Cũng như ngày trước, Chủ tịch đoàn lại ra lệnh cho quần chúng hễ thấy địa chủ vào là đả đảo kịch liệt. Khi bà Nguyễn Thị Năm và hai con Hanh, Công (2) cùng đầy tớ là đội Hàm, Chính, Chiêu được Đội dân quân dẫn vào các bần cố nông đã bật dậy hô đả đảo vang trời. Có người còn đòi “bọn địa chủ gian ác” phải đứng lên cao và quay mặt tứ phía cho ai nấy đều trông thấy mặt để đả đảo.
Chủ tịch đoàn giới thiệu từng tên “địa chủ ác ôn” và ngắc ngứ đọc lý lịch, nhưng không nêu tội ác cụ thể. Cứ sau mỗi lần như vậy những người tham dự phiên tòa lại hô vang 3 lần: “Đã đảo, đã đảo, đã đảo!”.
Đám đông đã tỏ ra hết sức phẩn nộ trước thái độ của đội Hàm. Đôi mắt anh này cứ gườm gườm đầy thách thức. Nhiều người đã hét lên yêu cầu lính gác phiên tòa “tát cho nó nảy đom đóm mắt ra để nó cúi gằm mặt xuống mà nhận tội”.Rút kinh nghiệm lần trước, Chủ tịch đoàn tuyên bố đề nghị quần chúng phải giữ vững trật tự và không cần đánh đập tội nhân hay bắt quỳ, bò”.
Vẫn theo Trần Huy Liệu: bà Năm, tham gia phiên tòa hôm ấy kể lại rằng: bà Năm cùng đầy tớ là đội Hàm, Chính được cho ngồi trên một cái bục dưới gốc cây. Quần chúng lần lượt vào đấu tố.
Những tiếng hò hét “Mày có biết tao là ai không?”, “Mày dựa vào thế lực nào?”, “Mày cho tao ăn cơm của chó, mèo thế à?”… vang lên rầm rầm. Bầu không khí hờn căm ngùn ngụt ngút trời xanh! Rút kinh nghiệm của lần đấu trước đó là cứ sau mỗi lần hô như vậy là kèm theo một cái tát vào mặt kẻ bị đấu tố, lần này Chủ tịch đoàn yêu cầu: “chỉ đấu tố, không được tát kẻ thù!”
Những người tố được quần chúng cảm động và tán thưởng nhiều nhất là bà Sâm, chị Đăng và anh Cò. Bà Sâm, với một giọng gợi cảm, kể lể vì Thị Năm mà mình phải suốt đời cô độc, có người rơi nước mắt. Nhưng sự thực, nội dung câu chuyện không có gì.
Chị Đăng (3), một người ở của gia đình bà Năm lâu năm, tố lên rất nhiều sự việc bí mật và chi tiết. Nhưng, tiếc là với một giọng quá lưu loát quen thuộc như một người “tố nghề” được huấn luyện nên ít làm cho ai cảm động.
Cũng có những người lên tố, nhưng do trình độ, học vấn không có nên nói không đạt ý, không rõ việc. Không ai hiểu họ nói gì. Một bà tên là Minh nói việc chẩn bần tại đồn điền Đồng Bẩm năm 1945 đã làm bao nhiêu người chết đói, rồi kết luận bằng những câu: “Mày đừng nhận là chủ đồn điền có được không?”, “Mày chỉ có hình thức thôi” và “Mày nói nhân nghĩa mà mày không nhân nghĩa gì cả” khiến người nghe không hiểu tội bà Năm ở đâu.
Còn một ông tên là Giồng tố cáo bà Năm đã cướp gánh cỏ của ông ta để cho ngựa của bà ăn và cướp cả giỏ củ mài làm cho cả nhà ông ta phải nhịn đói.
(Câu chuyện tuy hết sức phi lý và hài hước của ông này, nhưng thật kỳ lạ là sau đó đã được một văn nghệ sĩ làm thành hẳn một bài thơ tràng thiên rất cảm động-NV).
Con gái ông Giồng, hơn mười tuổi, đáng nhẽ cứ kể rành rọt cảnh đói rét của nhà mình phải chịu vì sự bóc lột của bà Năm, nhưng nó lại nói bằng một giọng “bà cự” nên nhiều người không cảm động, mà lại phát ghét.
Hài hước hơn cả là trường hợp của một chị có tên là Lý. Chị Lý tố cáo rằng, chị ta là con nuôi của bà Năm, được bà Năm trang điểm cho để định gả cho một võ quan Nhật. Nhưng sau khi biết chị chỉ là thân phận tôi đòi, không có tiền của gì thì tên Nhật lại không lấy và chị lại bị bà Năm bắt lột trả lại quần áo, trở lại thân tàn ma dại như trước. Nội dung tố cáo chỉ là thế, nhưng vì chị ta vừa nói vừa khóc nên không ai rõ chị ta nói gì.
Tuy vậy, trong đám người tố, vẫn còn sót lại một ít những phong thái cũ. Câu hỏi “Mày có biết tao là ai không?” đã được chủ tịch đoàn ngắt đi bằng câu: “Cứ việc tố không cần bắt nó trả lời”. Một vài cái tát vẫn còn diễn ra. Một người ở Phúc Trừu tố cáo Thị Năm về tội chiếm đoạt ruộng đất khẩn hoang của nông dân và cơi thùng thóc lên để thu thóc, rồi kết luận “Như thế mày có xứng đáng là địa chủ không?”. Một người khác tố Thị Năm, đội Hàm và Lý Nguyên Lập bảo an đoàn ở Phúc Trừu bắt nông dân gác và đánh đập tàn nhẫn, cũng để đi tới kết luận: “Mày là con chó! Chứ không phải địa chủ?”.
Một tá điền tố Thị Năm lấy ruộng của mình đương làm bán cho người khác vì mình không có tiền mua, bằng câu: “Lấy tiền ở mả bố mày mà mua à?”. Nhiều người vẫn gắn vào hai chữ “tiến bộ”: “Mày nói mày tiến bộ mà như thế à?” Đi xa hơn nữa, có người nói Thị Năm lập quán Bông Lau ở thị xã Thái Nguyên để đón gián điệp trong khi ai cũng biết đó là cơ quan sinh lợi của hội Phụ nữ liên hiệp tỉnh Thái Nguyên”.

Địa chủ ác ghê

Chỉ một ngay sau khi bắn bà Năm, ngày 21-7-1953, báo Nhân dân đăng bài “Địa chủ ác ghê”. Sau đây là toàn văn bài báo:
“Thánh hiền dạy rằng: "Vi phú bất nhân". Ai cũng biết rằng địa chủ thì ác: như bóc lột nhân dân, tô cao lãi nặng, chây lười thuế khoá - thế thôi. Nào ngờ có bọn địa chủ giết người không nháy mắt. Đây là một thí dụ:Mụ địa chủ Cát-hanh-Long cùng hai đứa con và mấy tên lâu la đã:Giết chết 14 nông dân. Tra tấn đánh đập hằng chục nông dân, nay còn tàn tật. Làm chết 32 gia đình gồm có 200 người - năm 1944, chúng đưa 37 gia đình về đồn điền phá rừng khai ruộng cho chúng. Chúng bắt làm nhiều và cho ăn đói. Ít tháng sau, vì cực khổ quá, 32 gia đình đã chết hết, không còn một người.Chúng đã hãm chết hơn 30 nông dân - Năm 1945, chúng đưa 65 nông dân bị nạn đói ở Thái Bình về làm đồn điền. Cũng vì chúng cho ăn đói bắt làm nhiều. Ít hôm sau, hơn 30 người đã chết ở xóm Chùa Hang.Năm 1944-45, chúng đưa 20 trẻ em mồ côi về nuôi. Chúng bắt các em ở dưới hầm, cho ăn đói mặc rách, bắt làm quá sức lại đánh đập không ngớt. Chỉ mấy tháng, 15 em đã bỏ mạng.
Thế là ba mẹ con địa chủ Cát-hanh-Long, đã trực tiếp, gián tiếp giết ngót 260 đồng bào!
Còn những cảnh chúng tra tấn nông dân thiếu tô thiếu nợ, thì tàn nhẫn không kém gì thực dân Pháp. Thí dụ:Trời rét, chúng bắt nông dân cởi trần, rồi dội nước lạnh vào người. Hoặc bắt đội thùng nước lạnh có lỗ thủng, nước rỏ từng giọt vào đầu, vào vai, đau buốt tận óc tận ruột.Chúng trói chặt nông dân, treo lên xà nhà, kéo lên kéo xuống. Chúng đóng gióng trâu vào mồm nông dân, làm cho gẫy răng hộc máu. Bơm nước vào bụng, rồi giẫm lên bụng cho hộc nước ra.Chúng đổ nước cà, nước mắm vào mũi nông dân, làm cho nôn sặc lên. Chúng lấy nến đốt vào mình nông dân, làm cho cháy da bỏng thịt.Đó là chưa kể tội phản cách mạng của chúng. Trước kia mẹ con chúng đã thông đồng với Pháp và Nhật để bắt bớ cán bộ. Sau Cách mạng tháng Tám, chúng đã thông đồng với giặc Pháp và Việt gian bù nhìn để phá hoại kháng chiến.
Trong cuộc phát động quần chúng, đồng bào địa phương đã đưa đủ chứng cớ rõ ràng ra tố cáo. Mẹ con Cát-hanh-Long không thể chối cãi, đã thú nhận thật cả những tội ác hại nước hại dân. Thật là:Viết không hết tội, dù chẻ hết tre rừng. Rửa không sạch ác, dù tát cạn nước bể!”.
Tác giả bài báo được ghi là: C.B.

Nhà tan cửa nát

Theo nhà báo Xuân Ba thì ngay sau khi bà Năm bị bắt, Đội cải cách đã nhiều lần khám xét, lục lọi mọi hang cùng ngõ hẻm ngôi nhà, khu vườn của gia đình bà Năm và đem đi tất cả những gí, kể cả dao cùn, giẻ rách,có thể mang đi được. Theo lời cô dâu cả bà Năm thì trước khi bị bắt đưa đi bà Năm còn ném lại cho cô một cái túi đựng đầy kim cương. Trong một đợt khám xét Đội cải cách đã phát hiện ra cái túi kim cương ấy và ra lệnh tịch thu! Tịch thu nhưng không hề có biên bản, giấy biên nhận mà là thu trắng tài sản của bọn tư sản địa chủ cường hào gian ác. “Không biết cái túi của cụ nhà tôi mà đội cải cách tịch thu ngày ấy có mang sung vào công quỹ hay là mang đi làm của riêng?” - Cô con dâu bà Năm sau này mỗi lần nhắc lại việc này đều băn khoăn với một câu hỏi như vậy.
Những người con của bà Nguyễn Thị Năm sau này có một cuojc sống hết sức long đong. Theo nhà báo Xuân Ba thì ông Cát qua đời năm 1989, ở tuổi 64, trong một tai nạn giao thông thảm khốc. Còn ông Hanh, sau khi Đảng sửa sai CCRĐ, quyết định đưa gia đình con cháu rời Thái Nguyên, mảnh đất đã chứng kiến cảnh nhà tan cửa nát, nơi mà dẫu những gào thét “địa chủ ác nghê”đã dịu đi đôi chút, nhưng còn đầy thù hận và khổ đau. Ông đưa vợ con, cháu về Hà Nội. Vài người bạn thân hoặc quen biết từng nhờ cậy gia đình ông trước đây cho ở nhờ, Nay đây mai đó. Mãi sau này ông mới tậu được một căn phòng nhỏ ở 117 Hàng Bạc và tá túc tại đó cho tới ngày nay, khi cả hai ông bà đã ở tuổi 90.
Năm 1998 ông Nguyễn Hanh và ông Nguyễn Cát hai con trai của bà Năm đã được công nhận là cán bộ hoạt đông lâu năm, cán bộ tiền khởi nghĩa. Còn người con dâu Đỗ Thị Diệp, sớm hơn năm 1980 đã được xác nhận danh hiệu cán bộ hoạt động lâu năm.
Còn riêng đối với bà Nguyễn Thị Năm thì người ta mới có động thái duy nhất là hạ thành phần cho cụ từ tư sản địa chủ cường hào gian ác xuống tư sản địa chủ kháng chiến!
P/S: Tôi biết, trong cuộc CCRĐ còn nhiều người bị bắn oan, nhà tan cửa nát, con cháu cũng long đong, lận đận, cơ cực thậm chí còn hơn cả gia đình bà Nguyễn Thị Năm và cho đến nay họ vẫn chưa được viết một dòng nào về số phận của họ, con cháu họ. Tôi muốn dành bài viết này như một nén hương dành cho bà Nguyễn Thị Năm và những nạn nhân như bà để chúng ta, mà không chỉ chúng ta, không bao giờ quên một trong những giai đoạn bi thương nhất của lịch sử dân tộc!

Ghi chú:

(1) Sau này trong Hồi ký của mình và trong nhiều bài trừ lời phỏng vấn báo chí Ông Hoàng Tùng vẫn khẳng định lại lời nói này.
(2) Theo một số nhà nghiên cứu khác thì lúc này hai con bà Nguyễn Thị Năm là ông Hanh và ông Công không có mặt trong phiên tòa này.
(3) Chưa xác định được chị Đăng trong phiên tòa này và cụ Vãn mà nhà báo Nguyễn Thông nói trong “Làng Trà” có phải là một không.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"