Phạm Công Trình
Chào các bạn, trước khi đọc những gì mình sắp viết, mình chỉ muốn nhờ
các bạn chia sẻ những lời gan ruột này của mình. Bởi vì có quá nhiều sự
thật đang bị bẻ cong đi và nó khiến trái tim mình đau đớn, có lẽ không
ít người còn sống sót trên chuyến xe định mệnh đó cũng phải chịu cảm
giác như mình đang chịu đựng.
Vì vậy, mình xin các bạn hãy chia sẻ, để xã hội này biết rõ được một
phần câu chuyện mà người ta chưa cho các bạn biết hết, về những thứ mà
họ cố tình không mang lên khỏi đáy con vực kia…
Trước hết, mình xin giới thiệu, mình là Phạm Công Trình đang sống
tại thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình; vợ mình là Đỗ Thị Lan, trú tại thị
xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Bọn mình là nạn nhân của vụ lật xe ở Sapa tối
01/9/2014. Vợ mình không may đã qua đời trong vụ tai nạn này. Nếu bạn
nào có thắc mắc thì trước tai nạn chúng mình là bạn bè, sau tai nạn bọn
mình đã là vợ chồng, có sự chứng kiến và đồng ý của hai bên gia đình
cũng như bạn bè của hai đứa. Bây giờ, mình xin bắt đầu vào câu chuyện…
Tối 01/9, chúng mình bắt xe về Hà Nội sau 2 ngày du lịch ở Sapa.
18h01, xe bắt đầu lăn bánh rời bến xe Sapa. Xe gồm 3 hàng giường, mỗi
hàng giường ngăn cách với nhau bằng 1 lối đi ở giữa rộng chừng 5, phân.
Có tổng cộng 6*3*2 + 4*2 = 44 giường. Tất cả đều kín người, ngoài ra vẫn
còn một vài khách nằm ở giữa lối đi lại, mình không nhớ rõ là bao nhiêu
nhưng khẳng định là có. Hôm nằm viện trên Lào Cai, mình nghe tin là có
53 nạn nhân, chả hiểu sao về nhà đọc báo lại còn có 48. Mà nguyên 44
giường + 2 lơ + 1 lái đã là 47 rồi.
Mình nằm ở giường tầng 2, hàng thứ 2 từ trên xuống và cũng là hàng ở
giữa. Vợ mình nằm ngang mình, bên tay trái mình, cùng phía với mấy
người lái xe. Lúc ấy đã là cuối ngày, mọi người sau một hồi trò chuyện
thì hầu hết đều chuẩn bị đi vào giấc ngủ, trong đó có mình và vợ mình.
Xe đang đổ đèo thì đột nhiên lái xe la lên: “mất phanh rồi “. Mình
vội bật người dậy thì thấy cửa xe đã bật mở, 1 cậu lơ trẻ hơn đang nhảy
vội ra khỏi xe. Xe va chạm vào dải phân cách 2 3 lần và tiếp theo mình
nghe thấy tiếng la thất thanh của cậu đó. Hai đứa mình mới vội nhào
người sang định ôm lấy nhau,nhưng vừa chạm tay vào nhau thì xe bắt đầu
lật. 2 đứa mình bị hất văng xuống sàn. Rồi xe cuộn tròn như máy giặt.
Lăn vài vòng thì cả 2 đứa cùng bị bắn ra theo hai hướng, mình bắn ra góc
cao hơn nên rơi gần hơn, cọn vợ mình thấp hơn nên xa hơn. Mình bay
trong không trung khoảng 30m rồi rơi trúng một bụi cỏ rậm, nên chỉ ngất
đi một lúc là tỉnh lại. Mình bò lên đường nhưng không thấy Lan đâu, mình
lần ngược xuống vực để tìm, lật giở tất cả những chiếc chăn đang che
xác các nạn nhân cũng không tìm thấy Lan..
Đây là những gì mình trả lời các phóng viên và công an điều tra. Có 3
phóng viên phỏng vấn mình, 1 người của đài truyền hình Lào Cai, 1 bạn
là cộng tác viên của vnexpress, 1 anh nữa thì của đài tiếng nói Việt
Nam. Đoạn phỏng vấn mình đã được đưa lên truyền hình, với ai mình cũng
đều trả lời trước sau như một. Mình chỉ nghĩ đơn giản rằng, mình là
người bị nhẹ nhất trong cả đoàn, chuyện xảy ra cũng xảy ra rồi, mình
phải có trách nhiệm cho xã hội biết chuyện gì thực sự đã xảy ra trong
chuyến đi đó…Vậy mà…
Đủ các báo thi nhau phỏng vấn trực tiếp, thi nhau vẽ câu chuyện theo
chiều hướng mà mình không thể tưởng tượng nổi. Mình nằm viện, cũng
chẳng có tâm trí xem báo đài nói gì, nhưng bạn bè người thân vào thăm,
ai cũng mở đầu bằng câu hỏi: “Cháu đập cửa kính bay ra à?” … Nó thực sự
khiến trái tim mình tổn thương. Nó thực sự khác xa với những gì đã thực
sự xảy ra. Trong cái giây phút ngắn ngủi ấy, không ai có thể kịp làm gì,
mình thậm chí còn chưa kịp sợ xe đã lật rồi. Bọn mình nằm ngay cạnh
nhau, đến muốn ôm lấy nhau còn không kịp. Đằng này… Rồi người ta sẽ nghĩ
gì? Bạn bè Lan sẽ nghĩ gì? “Lan yêu một thằng không ra gì, lúc nguy
hiểm chỉ biết đến mình nên mới phải chết oan?”
Các nhà báo, các người có lương tâm hay không? Viết về những tai nạn
thương tâm, các người vẫn còn nghĩ đến chuyện tô vẽ để thu hút độc giả
nữa hay sao?
Chuyện thứ 2 mình muốn nói, ấy là chuyện hôi của của một số người tự
nhận là “cứu hộ” trong vụ tai nạn này. Sau khi tìm không thấy vợ mình
đâu, ở trong viện mình đã mượn điện thoại của một người quen và liên tục
gọi vào số của cô ấy nhưng không có người trả lời. Đến tối muộn mình
nhận được một cuộc gọi ngược lại từ số của Lan thông báo vẻn vẹn 1 câu:
“chị ấy mất rồi” và cúp máy. Mình gọi lại thì không ai nhấc máy.
Sáng 2/9 thì người ta tìm được xác Lan, đến chiều cả hai gia đình
cùng về Bắc Ninh để đưa tiễn Lan. Mấy ngày sau đó, mình liên tục gọi
điện và nhắn tin vào số Lan, bởi vì đó không chỉ là kỉ vật, mà nó còn
chứa vô vàn những kỷ niệm của 2 đứa mình. Tuy nhiên không có hồi âm. Thế
rồi mẹ Lan gọi cho mình báo, có đứa nó bảo gửi tiền lên cho nó rồi nó
gửi điện thoại cho. Thì ra, chiếc điện thoại ấy đã được đem bán cho 1
cửa hàng điện thoại; họ bảo rằng họ mua lại với giá 1,7 triệu trong khi
chiếc điện thoại Nokia Lumina 525 này mình mới mua với giá chỉ hơn 3
triệu. Mình biết là họ cố tình muốn hút máu gia đình thêm một chút nhưng
dù sao người cũng không còn, chút kỉ niệm có tốn bao nhiêu mình cũng
không tiếc. Nhưng khi lấy máy về chiếc máy đã không còn sim. Hỏi lại cửa
hàng thì họ bảo khi mua đt thì sim không còn.
Có lẽ vì trước hôm nghỉ lễ Viettel khuyến mại, mình đã nạp cho cả
mình và cô ấy mỗi người 150K. Thằng khốn nạn ấy còn không bỏ xót đến
từng đồng nó kiếm được từ những con người không may mắn trên chuyến xe
ấy. Hôm nay, mình gọi lại cho số của Lan, phía bên ấy thậm chí còn lôi
đủ những thử tục tĩu ra để chửi bới, thách thức mình, còn hỏi cả địa chỉ
để đến tận nhà xử mình. Thật quá hay cho cái danh “cứu hộ”. Mà mình
nghĩ phần nhiều đó là người của “cứu hộ” chính thức, bởi vì vợ mình là
nạn nhân cuối cùng được tìm thấy tại hiện trường, là nạn nhân thứ 12. Ấy
vậy mà…
Thậm chí, ngay sáng 2/9, một chị chăm người nhà ở gần chỗ mình nằm
trên Lào Cai cũng nhận được điện thoại từ số người thân của chị đòi tiền
chuộc điện thoại. Chị ấy bảo người thân còn chưa biết sống chết thế nào
mà chúng nó đã nã tiền rồi. Lương tâm con người “cứu hộ” đấy. Tài sản
trên chuyến xe ấy không nhỏ. Tiền bạc, tư trang không ít. Những con
người mang cái danh “cứu hộ”, thực ra phải gọi các người như thế nào cho
đúng đây?
Câu chuyện thứ 3 mình muốn nói là về các tổ chức sớm lên tiếng trong
vụ việc này. Bộ trưởng Thăng nói là làm, không có gì để chê trách, tất
cả những gì Bộ trưởng yêu cầu đều được thực hiện. Còn Bộ Y tế, chả biết
ai, nhưng bên ấy cũng thật nhanh nhảu mà rằng: “miễn toàn bộ viện phí
cho các nạn nhân”. Các cụ cứ nói cho sướng cái mồm, lời nói có mất tiền
mua đâu?
Về các bệnh viện, đâu đâu cũng tạo điều kiện cứu chữa nhưng viện phí
ai trả? Không có công văn hướng dẫn, Sở Y tế không đồng ý bệnh viện
cũng không làm được. Trên Lào Cai còn không có nữa là Ninh Bình, gia
đình lại đi thanh toán.
Các bộ ban ngành cũng thi nhau: nào là hỗ trợ các nạn nhân bằng này,
bằng kia… Bảo Việt cũng nhanh nhảu: đã ứng 1 tỷ để chi cho các hành
khách… Tất cả những gì mình nhận được từ các bộ, ban ngành, đoàn thể… là
1 triệu đồng của Hội chữ thập đỏ tỉnh Lào Cai. Các cụ tranh công thì
nhanh lắm, chỉ có điều trách nhiệm là chưa thấy cụ nào nhận cho thôi…
Xin cảm ơn các bạn!