Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

Chuyện cũ viết lại

Đào Dục Tú
Trong lịch sử hiện đại,dân tộc Việt Nam buộc phải cầm súng chiến đấu chống ” hai đế quốc to”(lời cụ Hồ) là Pháp và Mỹ.Sau khi quân viễn chinh Pháp chịu thua trận đánh có tính cách chiến lược,quyết định cục diện chiến tranh ở cứ điểm Điện Biên Phủ vào tháng 5 năm 1954, tình thế dẫn tới kết quả hội nghị Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Sau sự kiện này, nhiều chính trị gia, chính khách nổi tiếng của Pháp và Mỹ thời “chiến tranh lạnh” đều thừa nhận một thực tế là họ không thể nào giành được phần thắng trong chiến tranh Việt Nam. Trong cuốn sách “Apokalypse Vietnam”-dịch giả Phan Ba chuyển ngữ, tác giả Pierre Salinger thư ký báo chí của Tổng thống Mỹ JohnF.Kenedy kể về chuyến đi thăm nước Pháp năm 1961, Tổng thống Pháp de Gaulle trong cuộc hội kiến có đưa ra “lời nói gần như là khẩn nài” với nguyên thủ nước Mỹ rằng:
” Anh đừng bước vào cuộc chiến tranh với Việt Nam ! Anh thấy những gì đã xẩy ra cho chúng tôi rồi. Chúng tôi đã thua cuộc chiến đó. Cả anh cũng sẽ thua nó !”. Năm 1963 một thượng nghị sĩ,một chính khách chống cộng nổi tiếng Mỹ Eugene McCarthy, tác giả của thuyết “đô-mi-nô” “ngăn làn sóng đỏ cộng sản” cũng đã đưa ra lời khuyến nghị tương tự với Tổng thống Mỹ. Ngay sau đó, ông trùm học thuyết đô-mi-nô nói lại với thư ký báo chí, tác giả Pierre Salinger: ” Bây giờ tôi nói với anh chính xác điều mà tôi đã nói với Kenedy, ông ấy không bao giờ, không bao giờ nên tiến hành chiến tranh ở Việt Nam vì ông ấy sẽ thua nó. Đó là một sai lầm !” Đúng như tiên đoán và quyết đoán của những chính trị gia, những chính khách Âu Mỹ hàng đầu thời bấy giờ, gây chiến tranh Việt Nam bao giờ, trước sau thì chung cục cũng là một “thua cuộc”, một sai lầm rất đáng tiếc. Sự thật đó khiến người ta liên tưởng đến cuốn Hồi ký chính trị ” Chiến tranh Việt Nam và những bài học” của một vị tướng, một “yếu nhân” cuộc chiến tranh Việt Nam của Mỹ, ông Mắc Na-ma-ra. Ông ” kiến trúc sư chiến tranh” Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thừa nhận cuộc chiến tranh ấy là một sai lầm và Mỹ thua cuộc vì “chúng tôi đánh giá quá cao sức mạnh vũ khí bom đạn và đánh giá quá thấp tinh thần dân tộc của người Việt Nam “.

Phản tỉnh muộn màng của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong cuốn hồi ký chính trị khiến người ta “ngược dòng lịch sử”, nhớ đến nhận định của tác giả Claude Cheysson, nhân viên Bộ Ngoại giao Pháp và sau là cố vấn của Thủ tướng Pháp Pierre Mendes. thời chiến tranh Đông Dương. Ông nói ” Chúng tôi chiến đấu chống lại một dân tộc muốn có nền độc lập của họ. Người ta không thể thắng một cuộc chiến tranh chống lại những con người tự hào,quyết tâm chiến đấu vì nền độc lập của họ”. Đối với người Pháp và người Mỹ, nhất là đối với những chính khách, tướng lĩnh từng là yếu nhân, trụ cột của bộ máy chiến tranh, can dự trực tiếp chiến tranh Việt Nam ; hoặc từng là chứng nhân ở vị thế các cơ quan đầu não có cái nhìn toàn cục, tổng thể, bao quát, rõ ràng; có một sự thật “không thể đảo ngược” trước sau sớm muộn gì rồi họ cũng sẽ nhận ra. Đó là về bản chất, các cuộc chiến tranh do “chính giới diều hâu” của họ gây ra ở Việt Nam, chính nghĩa không bao giờ thuộc về phía họ. Đó là những cuộc chiến phi lý, phi nghĩa, phi nhân bản, chỉ có nạn nhân không thể có anh hùng và lại càng tuyệt nhiên không thể có “khải hoàn ca” thắng lợi cuối cùng !. Họ quá hiểu bài học đắt giá buộc phải trả cho chiến tranh Việt Nam về sinh mạng và của cải, nhân lực và tài lực,. Đấy là chưa nói đến thể diện dân tộc và quốc gia, chưa nói đến hội chứng tinh thần dai dẳng mấy thập niên hậu chiến cũng không sao xóa hết như chiến tranh Việt Nam của nước Mỹ.. Dù sao thì đó cũng là chuyện lịch sử đã qua. Vấn đề hiện tại cần là cần cố sự tân biên- chuyện cũ viết lại, với tinh thần ” ôn cố tri tân”-ôn chuyện xưa để hiểu thời nay. Như đại văn hào của nhân dân Trung Quốc Lỗ Tấn sinh thời từng hay ” nghĩa hiệp hành xử” với tư cách một người cầm bút liêm chính.
Chỉ có điều đáng nói và đáng tiếc là những vị cầm quyền ở Trung Nam Hải, trong quan hệ đối ngoại với nước láng giềng Việt Nam, họ chưa bao giờ hành xử như những chính khách nước lớn, như những danh nhân hiền triết, những thi nhân, văn nhân làm vinh hiển nền văn hóa Trung Hoa kỳ vĩ, trong đó có đại văn hào Lỗ Tấn, người suốt đời trăn trở ” phản tỉnh dân tộc” với tinh thần thực sự cầu thị, ôn cố tri tân. Cố sự, chuyện cũ quan hệ Việt Trung có biết bao nhiêu là hoa thơm trái ngọt của tình hữu nghị cao cả giữa nhân dân hai nước thời kỳ cùng đứng chung chiến hào chống đế quốc, giải phóng dân tộc. Nhưng đáng tiếc thay, bên cạnh thành tựu hữu nghị, tiếp sau thành tựu hữu nghị, đã xẩy ra những sự kiện hết sức đáng buồn, đáng tiếc trong quan hệ hai nước do những người đứng đầu Trung Nam Hải gây ra. Cướp trắng Hoàng Sa năm 1974 ;đột kích chiếm Gạc Ma và nhiều bãi đá cạn thuộc quần đảo Trương Sa năm 1988 đồng thời tiến hành xây căn cứ quân sự trá hình dân sự ở đây. Chưa thỏa nguyện với việc xâm chiếm hai tiền đồn này thuộc chủ quyền biển Việt Nam. Tháng 5 năm nay,họ liều lĩnh đưa “lãnh thổ Trung Quốc di động “là giàn khoan nước sâu HD981 tiến sâu vào lãnh hải Việt Nam và hành xử ngang ngược bất chấp công pháp quốc tế, gây ra một “cú sốc” trong quan hệ hai nước như người đứng đầu Trung Nam Hải mới đây đã nói. Ai gây ra “cú sốc” đó thì đã hai năm rõ mười trước công luận khu vực châu Á và thế giới.
Trải qua trường kỳ lịch sử chống ngoại xâm, nhân dân Việt Nam là người hiểu rõ hơn ai hết cái giá của hòa bình, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Hai cuộc chiến tranh chống “hai đế quốc to” đâu chỉ là bài học Việt Nam của riêng người Pháp và người Mỹ. Đó còn là bài học chung cho tất cả các thế lực ngoại xâm nào nuôi tham vọng muốn sử dụng sức mạnh quân sự và tiềm năng quốc phòng hơn người của họ để đe dọa, gây áp lực xâm phạm lảnh thổ và lãnh hải Việt Nam, lăm le quen thói “lấy thịt đè người”, lấy “họng súng” và “chính sách ngoại giao pháo hạm” cổ hủ thời thực dân cũ, thực thi mưu bá đồ vương quá sức lỗi thời ở thế kỷ 21.
. Bài học lịch sử có tên “chiến tranh Việt Nam” chưa bao giờ là cũ !. Cố sự tân biên-chuyện cũ viết lại trên tinh thần ôn cố tri tân, như người Trung Quốc nói, vẫn còn nguyên giá trị như một đạo lý, như một chân lý. Thực sự cầu thị-hành xử theo chuẩn mực ấy ngay lúc này đây cần thiết và cấp thiết biết bao cho hiện tại và tương lai hòa bình, hòa hiếu, cùng phát triển của nhân dân hai nước láng giềng Việt Trung vốn có truyền thống giao hảo lâu đời. /.
Đ.D.T

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"