Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2013

TRÍ THỨC VIỆT NAM ĐANG TRỞ LẠI CHÍNH MÌNH

     Đào Tiến Thi
    Thời xã hội Việt Nam dưới chế độ phong kiến, trí thức không phải một lực lượng độc lập. Nền Nho giáo cùng thiết chế của chế độ phong kiến tạo ra một lớp người gọi là “sỹ” (sỹ hoạn, sỹ phu, kẻ sỹ, sỹ quân tử), họ vừa là người có học, vừa là người được vua ban cho chức và tước để làm nhiệm vụ “chăn dân”. Như vậy, chỉ trừ những ông đồ không đỗ đạt, chấp nhận “tiến vi quan, thoái vi sư”, trừ một số ít kẻ sỹ đỗ đạt nhưng “treo ấn từ quan” về ở ẩn, thì suốt gần một nghìn năm, trí thức Việt Nam gắn chặt với bộ máy thống trị của giai cấp phong kiến. Cho nên họ là trí thức cũng đồng thời là quý tộc. Tất cả quyền lợi của trí thức – quý tộc được hưởng đều được coi là “ơn mưa móc” của nhà vua.
    Tuy nhiên do có quá trình miệt mài học tập và tu dưỡng, một số trí thức – quan lại đã vượt lên vị trí nô bộc, sẵn sàng từ bỏ bổng lộc để trở thành những nhà phản biện “cứng đầu” ngay trong lòng chế độ chuyên chế. Đấy là trường hợp của những Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm,... thậm chí trở thành “đầu đảng giặc” – tức lãnh tụ nông dân khởi nghĩa như trường hợp Cao Bá Quát. 

    Từ khi trở thành thuộc địa của Pháp, xã hội Việt Nam chuyển biến theo con đường hiện đại hoá, và tầng lớp trí thức dần dần hình thành. Tuy rằng nhỏ bé, nhưng họ đã tồn tại như một lực lượng độc lập – tức là một lực lượng sản xuất của xã hội (chứ không phải lực lượng thống trị hay ăn bám vào lực lượng thống trị), do đó họ không phải chịu ơn “mưa móc” của nhà nước. Đó là các luật sư, bác sỹ, kỹ sư, nhà văn, nhà báo, nhà giáo,... Tất nhiên trong số này, vẫn có nhiều người ở trong biên chế bộ máy hành chính nhà nước, nhưng họ được độc lập về tư tưởng, vì không phải độc tôn một chủ thuyết nào, không bị áp đặt buộc phải tham gia một đảng phái nào. Pháp luật cũng đảm bảo cho họ những quyền tự do tối thiểu.
    Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam (từ đây gọi tắt là Đảng) thành lập và từ đó lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc cũng như xây dựng đất nước về sau. Thuở ban đầu, thành phần Đảng chủ yếu là trí thức. Lãnh tụ Hồ Chí Minh – người sáng lập và đứng đầu Đảng trong gần 40 năm – là một nhà văn, nhà báo có tài. Ông Trần Phú – Tổng bí thư đầu tiên của Đảng là một nhà giáo. Trước đó, ông hoạt động trong tổ chức Tân Việt Cách mạng Đảng, một tổ chức cách mạng của trí thức thời ấy, cùng với các nhà trí thức khác như Hà Huy Tập (nhà giáo), sau này cũng có thời gian làm Tổng bí thư Đảng, cùng với Phan Đăng Lưu (kỹ sư canh nông), sau trong Ban chấp hành Trung ương Đảng, phụ trách Xứ uỷ Nam Kỳ.
    Trong suốt thời kỳ làm cách mạng giải phóng dân tộc (1930 – 1945), qua kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954), Đảng thu hút được hầu hết trí thức do chế độ thuộc địa để lại, trong đó có những trí thức sáng giá, ở tầm quốc tế như  Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng,... và đông đảo lớp văn nghệ sỹ Tiền chiến tài năng (Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Tô Ngọc Vân, Văn Cao,...). Đến kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1975), ngoài lớp trí thức Tiền chiến vẫn tiếp tục phụng sự, Đảng còn lôi kéo được một số trí thức trong lòng chế độ Sài Gòn.
    Bài này không có mục đích phân tích mối quan hệ giữa trí thức và Đảng. Điểm qua như trên chỉ để thấy: thời kỳ đầu, Đảng tuy tôn chỉ là “đảng của giai cấp vô sản” nhưng thực ra là một đảng dân tộc và lực lượng nòng cốt của Đảng là trí thức mang tinh thần dân tộc (chứ không phải công nhân mang ý thức hệ “vô sản”)
    Tuy nhiên, càng về sau, khi đã nắm quyền tuyệt đối, Đảng dần dần chuyển sang ý thức hệ cộng sản của phe cộng sản, độc tôn chủ nghĩa Marx – Lenin (thực ra cũng không còn là Marx – Lenin nguyên bản, mà là tư tưởng Stalin, tư tưởng Mao Trạch Đông). Trí thức muốn tồn tại phải “vô sản hoá”, về sau thì “Đảng hoá”. Trí thức không còn tự do tư tưởng khi đã đặt học thuyết Marx – Lenin làm cơ sở cho tư duy và nhận thức. Về nhân thân, nếu trí thức không vào Đảng, thì cũng chưa được coi là trí thức chính danh, vì không đạt tiêu chuẩn “vừa hồng vừa chuyên”. Không chính danh thì không có cơ hội cống hiến, kể cả cơ hội làm khoa học. Về tác phong sinh hoạt, trí thức phải từ bỏ “lối sống tiểu tư sản”. v.v..
    Trong bối cảnh ấy, bất cứ nhà trí thức nào, dù là những “cây đa cây đề”, nếu nói khác tiếng nói chính thống (Đảng), làm khác chính thống, sống khác chính thống đều bị coi là “có vấn đề”, nhẹ thì là dạng “dao động”, nặng thì thành “phản động”. Ấy là bi kịch của những Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Nguyễn Hữu Đang và của rất nhiều văn nghệ sỹ trong cái gọi là “Nhóm Nhân văn giai phẩm”.
    Trí thức dần dần mất hẳn tiếng nói độc lập. Những ai còn chút máu “kẻ sỹ”  đôi khi vẫn trình bày ý kiến của mình, nhưng phải “lựa lời”, “lựa thời” sao cho thật khéo để may ra vừa cải thiện tình hình vừa không không gặp nạn. Nói như Nguyễn Minh Châu là “muốn nói một câu trung cần phải có ba câu nịnh”.
    Hậu quả thật là buồn tẻ. Ngoài số mà nhân dân tặng cho danh hiệu trí nô (chỉ biết ăn theo nói leo nhà cầm quyền), phần đông trí thức đã trở thành một thứ công chức, đơn thuần làm công ăn lương, “sớm vác ô đi tối vác về”. Từ khi có kinh tế thị trường, một bộ phận lao ra làm giàu, tự bưng tai bịt mắt về chính trị.
    Hậu quả là tuy khổng lồ về số lượng[1] nhưng trí thức không những lơ mơ về khoa học mà còn dửng dưng trước các vấn đề sống còn của đất nước. Điều này thật trái quy luật. Từ thời phong kiến, nước mạnh là nhờ có mưu sỹ, vua không phạm sai lầm là nhờ có gián quan. Trí thức nô bộc, trí thức dửng dưng, trí thức vụ lợi báo hiệu thảm cảnh của đất nước. Đảng muốn trí thức phụ thuộc hoàn toàn vào Đảng, nhưng “theo Đảng” kiểu ấy, chính trí thức đã góp phần không nhỏ làm Đảng suy yếu.
    May mắn thay, trong mấy năm qua, một bộ phận trí thức đã nhận thấy tình thế nguy hiểm của đất nước mà 3 quốc nạn trực tiếp nhất là nạn tham nhũng, nạn lạm quyền và nạn ngoại xâm, cho nên từ sự thức tỉnh, họ đã dần dần dấn thân vì tiền đồ dân tộc.
    Từ khoảng 2007 – 2010, đã bắt đầu có những phản biện lẻ tẻ của một số trí thức “lề trái” và một số hoạt động nghị trường của các trí thức “lề phải”. Năm 2009, lần đầu tiên có một bản kiến nghị của đông đảo trí thức về khai thác bauxite Tây Nguyên, và sang năm 2010 lại tái kiến nghị khi xảy ra thảm hoạ bùn đỏ ở Bungaria. Nếu như năm 2009, đông đảo trí thức can ngăn về việc tạm chưa xây dựng nhà máy điện hạt nhân nhưng không thành thì năm 2010 họ lại can ngăn không nên xây dựng đường sắt cao tốc, và lần này đã thành công. Tuy đó là kết quả bỏ phiếu của Quốc hội nhưng chính nhờ họ đã lắng nghe những ý kiến phản biện của trí thức và trong Quốc hội cũng có những nhà trí thức sáng giá, chẳng hạn GS. Nguyễn Minh Thuyết.
    Sang năm 2011, có thể nói đây là một năm thức tỉnh của trí thức, bắt đầu từ sự kiện chủ quyền quốc gia bị xâm phạm nghiêm trọng. Từ hai vụ tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của ta (đầu mùa hè 2011), đã bùng lên phong trào biểu tình chống xâm lược. Linh hồn các cuộc xuống đường này là các trí thức danh tiếng như các Giáo sư Nguyễn Đinh Đầu, Phạm Duy Hiển, Nguyễn Huệ Chi, nhà văn Nguyên ngọc, các nhân sỹ Sài Gòn vốn là các lãnh tụ sinh viên xuống đường từ trước 1975 như Luật gia Lê Hiếu Đằng, Bác sỹ Huỳnh Tấn Mẫm, ông Lê Công Giàu,.... Bản Tuyên cáo của trí thức về việc Trung Cộng gây hấn được thanh niên Nguyễn Văn Phương đọc ngay tại thềm Nhà hát Lớn trong cuộc biểu tình ngày 7-7-2011. Tiếp theo đó các trí thức lại soạn thảo Kiến nghị 1107 về bảo vệ và xây dựng đất nước. Cũng năm 2011, gần hai nghìn người đã ký vào bản kiến nghị yêu cầu trả tự do cho TS. Cù Huy Hà Vũ  do các trí thức khởi xướng.
    Tuy nhiên, năm 2012 mới thực sự là năm dấn thân của trí thức Việt Nam. Gọi là dấn thân vì nó diễn ra trong bối cảnh hết sức khó khăn nguy hiểm. Vì sao nguy hiểm thì có lẽ không cần nói. Năm 2012 số tù nhân lương tâm tăng vọt. Những tiếng nói yêu nước, đòi công bằng, công lý đều phải trả giá. Nhưng không vì thế mà lương tri không lên tiếng. Trái lại tiếng nói của lương tri ngày càng mạnh. Ngay những ngày đầu năm, hàng loạt trí thức đã lên tiếng về vụ cưỡng chế đất sai trái ở Tiên Lãng, biện hộ cho hành động chống trả của anh em Đoàn Văn Vươn và  kêu gọi quyên góp giúp các nạn nhân của vụ cưỡng chế, đồng thời gửi Kiến nghị khẩn cấp đến Viện Kiểm sát ND Hải Phòng.
    Ngay tiếp đó là Tuyên bố Văn Giang sau khi xảy ra vụ cưỡng chế đất ở Văn Giang (24-4-2012) chấn động dư luận thế giới.
    Vào giữa mùa hè 2012, trước hành động láo xược của nhà cầm quyền Trung Cộng – mời thầu 9 lô dầu khí trên vùng đặc quyền kinh tế Biển Đông của Việt Nam – trí thức Hà Nội và Sài Gòn lại cùng nhân dân xuống đường phản đối. Tuy nhiên, khác mùa hè năm 2011, mùa hè này, chính quyền Hà Nội chỉ “thả” cho hai cuộc đầu, sau đó ra tay đàn áp, đặc biệt là cuộc 5-8. Còn chính quyền TP. Hồ Chí Minh ra tay chặn bắt gắt gao ngay từ cuộc đầu (1-7). Nhưng ngày 27-7-2012, 42 vị nhân sỹ, trí thức Sài Gòn đã ra văn bản Đề nghị biểu tình phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc gửi đến các nhà chức trách Thành phố. Đề nghị không được chấp nhận, nhưng đó là một bước công khai để biến việc bảo vệ Tổ quốc từ tự phát thành tự giác, bác bỏ khẩu hiệu “đã có Đảng và Nhà nước lo”.
    Ngày 14-10, sinh viên Nguyễn Phương Uyên (ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh) bị bắt một cách bí mật, cho đến tận 19-10 mới có quyết định khởi tố với những chứng cớ tội danh không rõ ràng mà theo dư luận thực chất chỉ vì em bày tỏ sự phản đối hành động xâm lược của Trung Cộng. Bức xúc trước tình trạng một sinh viên yêu nước bị bắt vô lý, ngày 30-10, 144 trí thức gửi Thư khẩn lên Chủ tịch nước. Bức thư rất dài, không những phản đối việc bắt giữ Phương Uyên mà còn phản đối việc đàn áp người yêu nước nói chung, đặc biệt là đối với thanh niên yêu nước. Trước áp lực đó, chí ít Công an Thành phố và Công an Long An đã buộc phải làm một việc là ra họp báo công khai (3-11-2012).
    Vào những tháng cuối năm 2012, Trung Cộng lại gia tăng các hành động gây hấn trên Biển Đông. Sau các vụ cho hàng nghìn tàu cá xâm phạm vùng biển của Việt Nam vào các tháng 7 và 8, ngày 30-11, chúng lại “làm đứt” cáp (theo cách nói của báo chí chính thống) tàu thăm dò dầu khí Bình Minh của ta. Ngày 6-12-2012, năm vị đứng đầu “nhóm 42” nói trên là các ông Hồ Ngọc Nhuận, Lê Hiếu Đằng, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, Tương Lai lại ra bản Thông báo, thực chất là công khai kêu gọi biểu tình chống xâm lược. Về sự kiện này, chủ blog Ba Sàm bình luận: “Một bước đột phá trong thủ tục pháp lý đối với một quyền hiến định nhưng vẫn bị vi phạm (...). Thông báo, chứ không còn là xin xỏ”. Về việc này, riêng ông Hồ Ngọc Nhuận, Phó chủ tịch MTTQVN của Thành phố còn ra một bản Tuyên bố của cá nhân ông.
    Ngày 25-11, ba ngày sau khi báo chí loan tin nhà cầm quyền Trung Cộng cho in hình lưỡi bò vào hộ chiếu, các trí thức ra ngay bản Tuyên bố phản đối và thu thập chữ ký, sau đó có hàng loạt bài phân tích sự vô lý của nó và cùng nêu giải pháp “cắt” đường lưỡi bò.
    Những ngày cuối năm 2012 mới thực sự là những ngày hoạt động sôi nổi của trí thức Việt Nam. Nếu tính theo dương lịch, thì có 2 sự kiện lớn: Lời kêu gọi thực thi quyền con người (25-12) và việc Nghệ sỹ Kim Chi từ chối bằng khen của Thủ tướng (28-12). Lời kêu gọi thực thi quyền con người do 82 nhân sỹ trí thức khởi xướng (đến 27-1-2013 có 3536 người ký). Trọng tâm của Lời kêu gọi là bác bỏ Điều 88 của Bộ luật Hình sự và Nghị định 38/2005/NĐ-CP của Chính phủ. Những người khởi xướng cho rằng Điều 88 (về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”) là vi phạm quyền tự do ngôn luận trong Hiến pháp và trái với tinh thần Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945. Còn Nghị định 38 (cấm tụ tập đông người) là một nghị định nhằm vô hiệu hoá quyền biểu tình của công dân đã được Hiến pháp thừa nhận.
    Việc Nghệ sỹ Kim Chi từ chối bằng khen của Thủ tướng đã dấy lên một luồng dư luận sôi nổi, rất nhiều người ca ngợi dũng khí của nghệ sỹ Kim Chi và nhiều người từ đây bàn về nhân cách văn nghệ sỹ ngày nay.
    Nếu tính theo âm lịch thì trước khi kết thúc năm Nhâm Thìn còn có một sự kiện “động trời”: Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp. Nhưng trước khi nói về Kiến nghị tập thể này, cần nhắc đến hai bài viết “nảy lửa” của GS.VS. Toán học Hoàng Xuân Phú. Với bài Hai tử huyệt của chế độ, tác giả đã đặt trọng tâm sửa đổi Hiến pháp phải nhằm vào Điều 4 (Đảng lãnh đạo) và Điều 17, 18 (Quyền sở hữu đất), những điều đặc biệt hệ trọng nhưng lâu nay vẫn coi là vùng cấm, vùng “nhạy cảm” ít ai dám động đến. Bài Teo dần quyền con người trong Hiến pháp, với cách phân tích tinh vi, tác giả cho ta thấy các quyền con người (Điều 50) trong Hiến pháp 1992 vốn đã mong manh càng trở nên hư ảo hơn trong Hiến pháp sửa đổi (Điều 21, 35); các điều 71 (Quyền bất khả xâm phạm về thân thể), 74 (Quyền khiếu nại tố cáo) sẽ trở nên thoi thóp trong Điều 22, 31, 32 của Hiến pháp sửa đổi. Một số quyền khác như Tự do tôn giáo, Tự do ngôn luận, Biểu tình,... trong Hiến pháp sửa đổi trở thành các quyền “chim treo trên lửa” hoặc “cá nằm dưới dao” khi kèm theo nó là các cụm từ “cấm lợi dụng”, “không được lợi dụng” một cách chung chung, không có quy định rõ ràng; nghĩa là, nếu công dân nào thực hiện các quyền này đồng nghĩa với mắc vòng lao lý!    
    Trở lại với Kiến nghị sửa đổi hiến pháp 1992. Kiến nghị do 72 nhân sỹ, trí thức khởi thảo, được đưa lên mạng ngày 22-1-2013 và ngày 4-2-2013 chính thức được 15 vị đại diện đem đến trụ sở tiếp dân của Quốc hội, 37 Hùng Vương, trao tận tay ông Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Ban Biên tập dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992.
    Trong 72 chữ ký lần này, ngoài những nhân sỹ trí thức lớn quen thuộc đã ký kiến nghị nhiều lần, còn thấy có cả những trí thức hàng đầu của “lề phải”, như Tiến sỹ Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Tư pháp, GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm UBGDTTN của Quốc hội, GS. Hồ Ngọc Đại, nhà giáo dục học nổi tiếng, nguyên Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm Giáo dục Giảng Võ.
    Chưa nói nếu đọc toàn văn Dự thảo Hiến pháp sửa đổi do nhóm nhân sỹ trí thức đưa ra gửi kèm Kiến nghị, chỉ đọc nội dung Kiến nghị, ta sẽ thấy, ngoài kiến nghị thứ 7 – kéo dài thời hạn góp ý –  thì cả 6 nội dung đều mới, mới đến mức mà những người yếu bóng vía phải lắc đầu lè lưỡi biểu thị sự sợ hãi: sao các ông dám làm chuyện động trời vậy? Tuy nhiên bình tĩnh một chút thì sẽ thấy những nội dung ấy vốn là bình thường ở các nước dân chủ và người ta đã thực hiện lâu lắm rồi. Ta cũng mệnh danh là một nước dân chủ thì lý gì lại đi tìm một thứ dân chủ “gấp vạn lần dân chủ tư sản” mà đến giờ mò mẫm mãi không ra? Không những không ra mà xã hội ngày càng mất dân chủ. Đổ ra núi xương sông máu làm gì để nước độc lập mà dân không có quyền và cái độc lập cũng đang ngàn cân treo sợi tóc trước tham vọng ngày càng lớn của nhà cầm quyền Trung Cộng, kẻ tham vọng và hung hãn hơn tất cả các triều đại phong kiến Trung Hoa?
    Viết đến đây xin quý độc giả lượng thứ, rằng người viết bài không có ý tổng kết các hoạt động của trí thức, mà chỉ viết theo kiểu nhớ đâu viết đấy. Cũng có nhiều sự kiện nhớ nhưng không thể đưa vào vì dung lượng bài đã dài. Chỉ nêu thêm ở đây hoạt động của Câu lạc bộ bóng đá No – U của các bạn trí thức trẻ cùng các cổ động viên đủ mọi lứa tuổi của họ là một hiện tượng rất đáng trân trọng. Đội No – U đã duy trì hoạt động suốt từ mùa thu năm 2011 đến nay. Khi biểu tình đã bị dẹp gắt gao thì No – U chính là nơi các bạn trí thức trẻ chia sẻ và thể hiện lòng yêu nước. Mặc dù “lực lượng chức năng” luôn tìm cách ngăn cản, doạ dẫm, mặc dù từ thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc vẫn luôn phát ra những lời “nhắc nhở” chính phủ Việt Nam về hoạt động “chống phá” (Trung Quốc), nhưng đội No – U vẫn có cách tồn tại và vẫn ra sân đều đều mỗi chủ nhật hằng tuần. Thật đáng phục các bạn trí thức trẻ No – U.
    Trên kia chúng tôi đã đặt vấn đề về sự thức tỉnh và dấn thân của trí thức. Tất nhiên đấy là một cách nhìn. Người viết bài này biết rằng đến nay phần đông trí thức Việt Nam vẫn dửng dưng và thậm chí coi những người dấn thân là “điên”, là “dở hơi”. Người viết bài này cũng đã từng nhận được giọng cười vừa mỉa mai vừa thương hại của nhiều người. Họ luôn bảo: “Có ai nghe đâu. Đấy rồi xem!”. Nhưng chúng tôi nghĩ khác. Xin lấy câu nói của Trương Định ngày xưa để bày tỏ: “Triều đình Huế không nhìn nhận chúng ta, nhưng chúng ta cứ bảo vệ Tổ quốc chúng ta”. Thấy lẽ phải thì cứ làm, phải làm, nên hư lại là chuyện khác.
    9-2-2013 (Đêm Ba mươi Tết)
    ĐTT
    [1] Theo báo Tuổi trẻ 20-2-2011 (http://tuoitre.vn/Giao-duc/425452/Chuc-danh-%E2%80%9Cgiao-su%E2%80%9D-can-cai-cach.html), tính đến 2010, cả nước có 9000 lượt người được phong giáo sư, phó giáo sư. Còn số tiến sỹ, thạc sỹ, theo báo Giáo dục Việt Nam ngày 5-12-2012 (http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Viet-Nam-co-qua-nhieu-tien-si-nhung-it-phat-minh/256413.gd), hiện nay có 24.300 tiến sỹ và 101.000 thạc sỹ, đứng đầu Đông Nam Á về mặt số lượng.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"