Lê Anh Hùng -
"Tôi chẳng hiểu người ta đưa tôi đi đâu, hỏi viên công an kia thì anh
ta cứ quanh co hoặc trả lời nhăng cuội. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi xe đi
qua lối rẽ vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương (địa điểm toạ lạc của Viện
Giám định Pháp y Tâm thần TW, nơi tôi được “giám định tâm thần” năm
2009) mà không rẽ vào. Trong đoàn cũng chẳng ai rõ địa điểm phải đến nằm
ở đâu nên lái xe phải vài lần dừng xe hỏi đường. Xe đi đến Trung tâm
Nuôi dưỡng và an dưỡng người có công số II (Sở LĐ-TB-XH), nằm bên trái
đường, thì rẽ vào. Tôi rất ngạc nhiên và cất câu hỏi bâng quơ: “Người
‘có công’ hay người ‘có tội’ đây?” Vài người nhìn tôi cười. Đến lúc đó,
tôi vẫn nghĩ là có thể họ muốn cách ly tôi để điều tra vụ việc do tôi tố
cáo."
*
*
Phần I - Hành trình vào “thế giới tâm thần”
Sáng 24/1/2013, như thường lệ, tôi tiếp tục công việc của mình tại Công ty HVT trong Khu CN Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên.
Khoảng 10h15, anh giám đốc đột nhiên vào chỗ tôi đang làm và gọi tôi ra
ngoài. Tôi đi ra thì gặp 6 người lạ mặt tự xưng là công an huyện Văn Lâm
và xã Tân Quang, trong đó chỉ có một người mặc quân phục cảnh sát, mang
quân hàm thượng tá. Họ nói là “mời” tôi về trụ sở công an xã để làm
việc về vấn đề tạm trú, tạm vắng. Anh giám đốc công ty phản đối với lý
do đó là trách nhiệm của công ty và yêu cầu họ muốn làm việc thì phải có
giấy mời đàng hoàng, muốn đưa người đi thì phải có biên bản, nhưng họ
gạt đi. Họ hỏi tôi giấy tờ tuỳ thân, tôi bảo để tôi đi lấy CMND. Nhưng
tôi mới đi được mấy bước thì họ gọi giật lại, bảo không cần nữa, rồi dẫn
tôi đi. Tôi đề nghị thay bộ quần áo bảo hộ trên người họ cũng không
cho. Viên thượng tá cùng một tay công an khác xách nách tôi như áp giải
tội phạm. Trước sự phản đối của tôi, họ buộc phải buông tay để tôi đi tự
nhiên. Họ đưa tôi lên một chiếc xe Innova rồi chở đến trụ sở UBND xã
Tân Quang, cách chỗ tôi làm hơn 1km.
Đến nơi, họ dẫn tôi vào hội trường UBND xã, không quên bảo nhau lục soát
người tôi để xem tôi có “thiết bị” gì ngoài điện thoại không. Họ định
mang điện thoại của tôi đi, nhưng do tôi phản đối nên họ phải bỏ lại
trên bàn, cạnh chỗ tôi ngồi. Một trong số 6 người trên hỏi tôi về giấy
tờ tuỳ thân với thái độ không lấy gì làm nhã nhặn. Tôi đáp: “Tôi chẳng
biết anh là ai cả; hơn nữa, lúc ở công ty tôi bảo để tôi đi lấy CMND,
các anh không cho. Giờ anh lại còn vặn vẹo gì nữa?” Anh ta nói là anh ta
đã tự giới thiệu là Trưởng CA xã khi ở công ty tôi rồi. Nói đoạn, anh
ta rút ví và chìa cái thẻ công an trước mặt tôi, nhưng tôi chỉ thấy bên
ngoài thẻ chứ không thấy thông tin bên trong thẻ. Một tay xách máy quay
phim luôn chỉa máy về phía tôi để ghi hình ngay khi tôi mới bước vào hội
trường.
Sau đó, tôi gặp lại viên sỹ quan công an chừng 52 tuổi mà tôi đã chạm trán hôm 27/6/2011, khi tôi bị Cục A67 bắt cóc.
Anh ta chắc là người của Công an Hà Nội, vì lúc tôi “làm việc” với Cục
A67 thì anh ta không có mặt, mà khi anh ta đến thì tôi đã làm việc xong
với họ, và sau đó hồ sơ vụ việc của tôi lại được chuyển cho Công an Hà
Nội thụ lý. Anh ta cho tôi biết là muốn “mời” tôi đi làm việc. Tôi phản
đối: “Các anh muốn làm việc với tôi thì phải có giấy mời đàng hoàng, bởi
tôi tố cáo công khai và đúng pháp luật. Hơn nữa, tôi đã có quá nhiều
kinh nghiệm xương máu với công an các anh rồi, các anh luôn đẩy bất lợi
về phía những người như chúng tôi thôi.” Anh ta ôn tồn là lần này không
phải phía công an mời tôi làm việc mà là phía dân sự. Dù chưa biết là
người ta sẽ “làm việc” với mình theo kiểu gì, nhưng tôi vẫn đồng ý đi
theo họ, phần vì tò mò, phần vì nghĩ là có muốn cưỡng lại cũng không
được.
Sau khoảng mươi phút ở trụ sở UBND xã, họ dẫn tôi ra một chiếc xe du
lịch 12 chỗ ngồi, mang biển xanh, và đưa đi. Trên xe có 12 người, trong
đó có 2 phụ nữ, một người khoảng 35 tuổi và người còn lại nghe nói là
mới ra trường; viên sỹ quan Công an Hà Nội và tay quay phim kia cũng có
mặt trong đoàn. Dọc đường đi, viên sỹ quan công an cứ huyên tha huyên
thuyên với tôi, anh ta cố ý lái câu chuyện sao cho mọi người trên xe
nghĩ là tôi bị “tâm thần”. Tôi buộc phải nhũn nhặn nói với anh ta: “Anh
không cần phải hạ thấp mình mà huyên thuyên linh ta linh tinh như vậy.
Anh đừng để mọi người phải coi thường mình như thế chứ.” Từ đó anh ta
mới bớt nói nhăng nói cuội. Một người đứng tuổi, ngồi phía sau tôi, cất
tiếng: “Nghe tiếng Hùng đã lâu, giờ mới gặp.” Tôi quay lại hỏi anh ta có
phải là công an không thì anh ta nói không phải, mà là người của ngành
LĐ-TB-XH. Tôi băn khoăn tự hỏi: “Thế quái nào lại xuất hiện người của
cái ngành lạ hoắc này ở đây cơ chứ?!” Và cứ nghĩ chắc tay này lại bịp
mình thôi.
Tôi chẳng hiểu người ta đưa tôi đi đâu, hỏi viên công an kia thì anh ta
cứ quanh co hoặc trả lời nhăng cuội. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi xe đi qua
lối rẽ vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương (địa điểm toạ lạc của Viện
Giám định Pháp y Tâm thần TW, nơi tôi được “giám định tâm thần” năm
2009) mà không rẽ vào. Trong đoàn cũng chẳng ai rõ địa điểm phải đến nằm
ở đâu nên lái xe phải vài lần dừng xe hỏi đường. Xe đi đến Trung tâm
Nuôi dưỡng và an dưỡng người có công số II (Sở LĐ-TB-XH), nằm bên trái
đường, thì rẽ vào. Tôi rất ngạc nhiên và cất câu hỏi bâng quơ: “Người
‘có công’ hay người ‘có tội’ đây?” Vài người nhìn tôi cười. Đến lúc đó,
tôi vẫn nghĩ là có thể họ muốn cách ly tôi để điều tra vụ việc do tôi tố
cáo.
Vào trung tâm, mọi người xuống xe, vài người đi gặp những người có trách
nhiệm của trung tâm. Một lát sau, họ quay ra cho biết là “nhầm địa
chỉ”. Mọi người lại lên xe đi tiếp. Cách Trung tâm kia khoảng 2km thì xe
rẽ vào một lối đi nằm ở bên phải đường, với tấm biển mang dòng chữ cho
thấy đích đến của cuộc hành trình mà tới lúc đó vẫn còn “bí hiểm” đối
với tôi: Trung tâm Bảo trợ Xã hội II – Sở LĐ-TB-XH. Lúc này tôi mới ngờ
ngợ ra mục đích của họ: người ta muốn nhốt tôi ở cái “trung tâm bảo trợ xã hội”
này đây! Khi xe tiến vào sân trung tâm, nhác thấy nhiều người mang bộ
dạng khó lẫn vào đâu của người mắc bệnh tâm thần, tôi lại càng nhận ra ý
đồ của họ.
Mọi người xuống xe. Viên sỹ quan công an gọi tôi lại, chìa tay ra bắt và
nói: “Hùng ở lại đây nhé. Tôi về.” Thế là rõ âm mưu của bọn họ! Lúc đó
là khoảng 12h30.
Trung tâm Bảo trợ Xã hội II - Hà Nội
Người ta đưa tôi lên phòng hội trường trung tâm, nằm ở tầng ba, tầng cao
nhất của toà nhà chính, và lấy nước nôi “tiếp đãi” tôi khá tử tế trong
khi chờ đoàn làm việc với lãnh đạo trung tâm ở tầng một. Không hiểu họ
làm việc với nhau về những gì mà rất lâu, mất tới cả tiếng đồng hồ.
Trong lúc chờ đợi, tôi hỏi mấy người đi theo về mục đích họ đưa đến đây
là gì, nhưng không ai trả lời cụ thể, kể cả tay cán bộ LĐ-TB-XH mà tôi
đã nói ở trên, người lúc này mới cho biết mình là cán bộ của Phòng
LĐ-TB-XH quận Thanh Xuân. Anh ta nói là mới về phòng công tác, bảo đi
theo đoàn thì đi chứ cũng không biết đi làm gì cả (?!). Tình cờ, tôi
nhác thấy trên xấp tài liệu mà anh ta đang xem có tờ quyết định tiếp
nhận đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có dòng chữ “tiếp nhận ông Lê
Anh Hùng…”. Thấy tôi sán lại định cầm tờ quyết định lên xem thì anh ta
vội chuyển cho người khác. Tôi nói: “Các anh phải cho tôi xem người ta
quyết định số phận của tôi như thế nào chứ.” Tuy nhiên, họ chối quanh và
không cho tôi xem.
Lúc này thì tôi không còn hồ nghi gì về mục đích của việc người ta dẫn
tôi vào cái gọi là “trung tâm bảo trợ xã hội” này nữa. Tôi bèn bảo mọi
người muốn tìm hiểu vụ việc của tôi thì hãy vào tiện ích tìm kiếm Google
và gõ “Lê Anh Hùng” thì sẽ ra rất nhiều thông tin về tôi, đồng thời sẽ
hiểu được nguyên do vì sao tôi bị đưa vào đây. Một tay nhân viên của
trung tâm liền lấy chiếc smart phone của mình ra và truy cập vào mạng
theo chỉ dẫn của tôi. Vài người cùng xúm lại xem.
Sau một hồi, cảm thấy không khí trong phòng ngột ngạt, tôi đi ra ngoài
hành lang. Vài nhân viên trung tâm theo sát tôi, dường như họ sợ tôi
phẫn chí rồi nhảy từ tầng 3 xuống. Tôi bảo họ: “Tôi không sợ chết nhưng lại sợ đau. Các anh không cần phải cứ kè kè bên tôi như thế đâu.”
Tôi muốn điện thoại ra ngoài để dặn dò mấy người bạn của tôi ở công ty,
nhưng biết điện thoại của mình đang bị nghe lén nên thôi. Lường trước
việc người ta sẽ thu điện thoại của mình nên tôi mở điện thoại, ghi nhớ
số điện thoại của một người trong công ty, để khi có điều kiện thì sẽ
mượn điện thoại ai đó gọi về dặn dò mọi người.
Khoảng 13h30, sau khi những người có trách nhiệm trong đoàn làm việc
xong với lãnh đạo trung tâm, người ta dẫn tôi xuống tầng 1, vào phòng
của Phó Giám đốc Trung tâm Lê Công Vinh, người trước đó đã lên tầng ba
“thăm dò” tôi qua mấy câu hỏi xã giao. Trong phòng, ngoài PGĐ Lê Công
Vinh còn có GĐ Đỗ Tiến Vượng, vài cán bộ của trung tâm và vài người có
trách nhiệm trong đoàn “áp giải” tôi. Tôi ngồi xuống 1 trong bốn chiếc
ghế xa-lông nhỏ quanh bàn nước. Những người khác kẻ đứng người ngồi xung
quanh. Cô cán bộ của Phòng LĐ-TB-XH quận Thanh Xuân, chừng 35 tuổi,
ngồi đối diện với tôi, bắt đầu trình bày qua sự vụ rồi đọc quyết định
của PGĐ Sở LĐ-TB-XH Hà Nội về việc “tiếp nhận đối tượng bảo trợ xã hội vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội II Hà Nội”. Tay quay phim gần như liên tục chỉa máy quay về phía tôi.
Tôi lớn tiếng phản đối quyết định của họ, chỉ ra những điểm sai trái và
tuỳ tiện trong quyết định kia. Các cán bộ của Phòng LĐ-TB-XH quận Thanh
Xuân phân bua rằng họ chỉ là những người thừa hành thôi, và họ sẽ phản
ánh lên cấp trên. Trong khi những người này đang bối rối trước phản ứng
quyết liệt và lý lẽ của tôi thì một nhân viên của trung tâm hô hào mọi
người xông vào áp chế tôi, buộc tôi phải đi vào khu vực nhốt bệnh nhân
tâm thần. Bọn họ tước điện thoại của tôi, và cũng chẳng thèm hỏi xem tôi
có đói bụng hay không, dù đã quá bữa trưa từ lâu. Lúc này khoảng 2h
chiều.
Phần II –
Cuộc sống trong “thế giới tâm thần”
Trung tâm Bảo trợ Xã hội II là một trung tâm
chăm sóc đối tượng xã hội thuộc Sở LĐ-TB-XH Hà Nội. Trước kia, nó chuyên chăm
sóc người tàn tật cũng như các đối tượng xã hội khác; bệnh nhân tâm thần cũng
có, nhưng không nhiều. Từ
tháng 6/2012, khi Trung tâm Bảo trợ Xã hội IV ở Ba Vì (nơi chăm sóc bệnh nhân
tâm thần đã qua điều trị ở các bệnh viện tâm thần) quá tải thì Trung tâm BTXH
II mới bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân tâm thần từ Ba Vì chuyển qua và từ nơi khác
đến. Lúc tôi đến thì ở đây đã có 30 bệnh nhân, đến khi tôi về thì con số này là
34 người. Phần lớn số bệnh nhân này mang bệnh nhẹ, hoặc đã đỡ nhiều. Song cũng
có một vài bệnh nhân khá nặng, thậm chí có người còn thường xuyên ỉa đái cả
quần.
Tôi được bố trí ở trong một căn phòng khoảng 12m2 với
4 giường đơn dành cho 4 người. Toàn bộ khu vực bệnh nhân tâm thần nam bao gồm 1
phòng lớn rộng khoảng 50m2, chứa trên dưới 10 người; 5 phòng nhỏ như phòng của
tôi, mỗi phòng chứa 4 người; 2 phòng dành cho bệnh nhân lên cơn kích động cần
cách ly, không có giường mà chỉ có bệ xi-măng lát đá hoa, với bồn cầu riêng; 1
nhà kho chứa quần áo bệnh nhân, chăn màn, vật dụng vệ sinh; 1 khu vệ sinh chung
với 2 phòng tắm nhỏ và 3 phòng vệ sinh. Khu nhà có hình chữ nhật, gồm 1 dãy nhà
chính (5 phòng nhỏ + 1 phòng lớn) và một dãy nhà phụ (khu vệ sinh, 1 phòng kho
và 2 phòng dành cho bệnh nhân kích động). Trước mặt dãy nhà chính là tường của
một toà nhà khác. Ở giữa khu nhà là một khoảng sân hình chữ nhật rộng chừng
100m2. Đối diện với dãy nhà phụ là cửa chính thông ra ngoài của khu nhà, cửa
xếp bằng sắt, luôn được khoá cẩn thận mỗi khi cán bộ, nhân viên trung tâm ra vào.
Một bên cửa chính là phòng dành cho CBCNV trực. Trong phòng có đặt một chiếc TV
Samsung 21 inch, thường bật lên cho bệnh nhân xem qua cửa sổ.
Sân và hai
phòng dành cho bệnh nhân lên cơn. Ảnh: Ngô Nhật Đăng
Theo tìm hiểu của tôi, mỗi bệnh nhân hàng tháng được
700.000VNĐ tiền ăn và 15.000VNĐ tiền mua thuốc, một năm được phát một bộ quần
áo. Chăn màn và quần áo ấm cho bệnh nhân phần lớn là do quyên góp hay do các tổ
chức và cá nhân tặng. Một cô hộ lý tâm sự với tôi là quần áo rét thì hiện tạm
ổn nhưng trung tâm đang lo thiếu quần áo lót cho bệnh nhân trong mùa hè tới,
bởi mùa hè trời nắng, bệnh nhân hay lên cơn mà mỗi lần như thế họ thường xé
quần áo của mình. Do số tiền được cấp mua thuốc ít ỏi nên có bệnh nhân bệnh
tình không những không cải thiện mà còn xấu hơn lúc mới đến.
Khoảng 6h sáng, bệnh nhân được đánh thức đồng loạt rồi
ra sân tập thể dục (trừ những ngày trời mưa). Sau đó, họ làm vệ sinh cá nhân và
chờ ăn sáng, uống thuốc. Việc tắm giặt được nhân viên quan tâm khá chu đáo.
Trời nắng thì bệnh nhân tắm trong khu vệ sinh, trời lạnh thì họ được đưa ra
ngoài tắm nóng lạnh ở khu nhà gần đó. Việc giặt giũ quần áo, chăn màn do nhân
viên trung tâm đảm nhiệm. Một vài bệnh nhân tỉnh táo, ưa sạch sẽ thì tự giặt
quần áo của mình.
Ở đây, bệnh nhân được ăn ngày ba bữa. Bữa sáng vào lúc
7h30, với thực đơn luân phiên: bánh mì, bánh chưng, bánh nếp, bánh giò… Bữa
trưa ăn vào lúc 10h30 và bữa chiều vào lúc 16h30. Thực đơn hai bữa chính thường
gồm một món thịt và một món canh hay rau, cũng luân phiên đổi món hàng ngày: thịt
lợn/thịt gà/trứng vịt luộc (1 quả)/giò chả (1 khúc)... Nhân viên trung tâm trồng
rau trong những khu đất dành cho mục đích tăng gia sản xuất rồi bán lại cho
trung tâm; ngoài ra, họ còn trồng rau ở nhà và bán cho trung tâm để cải thiện
đời sống. Nhờ thế, mọi người ở đây đều được ăn rau sạch, thứ của hiếm trên các khu
chợ ở Hà Nội. Ban đầu, tôi phải ăn với một tô đựng cả cơm lẫn thức ăn (kể cả
canh) như các bệnh nhân khác. Sau vài hôm, nhân viên ở đây cho tôi một cái cặp
lồng để đựng canh, rồi tôi cũng xin được nước rửa bát để tự rửa đồ dùng cho
mình. Có hai bệnh nhân tỉnh táo và siêng năng hơn số khác được giao nhiệm vụ
thay nhau rửa bát hàng ngày.
Các bệnh nhân tâm thần ở trung tâm,
cũng như ở những
nơi khác, hầu hết đều nghiện thuốc lá. Họ dễ bắt chước nhau và không làm
chủ được hành vi. Hễ gia đình hoặc ai cho đồng nào là hầu
như họ chỉ dùng để mua thuốc bằng cách nhờ các nhân viên mua ở căng-tin
của
trung tâm. Không chỉ nghiện thuốc lá, một số bệnh nhân còn rất khoái
uống trà.
Họ mua trà ở trung tâm và xin nước sôi của nhân viên, hoặc của số đối
tượng xã
hội tỉnh táo, không bị giam nhốt. Thời gian tôi ở đây tuy ngắn ngủi
nhưng cũng may
mắn được nhận quà từ 2 cuộc từ thiện của các nhà hảo tâm bên ngoài.
Việc phân biệt một người mắc bệnh tâm thần với một
người tỉnh táo là điều không mấy khó khăn, nhất là đối với những người vẫn
thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân tâm thần. Do vậy, trong thời gian ở trung
tâm, phần lớn CBCNV đều xem tôi là một hiện tượng lạ, nhất là khi tôi không
phải uống thuốc gì hết mà vẫn cứ ăn ngon ngủ kỹ (bệnh nhân tâm thần thiếu thuốc
thì không ngủ được, mà mất ngủ sẽ dẫn đến rối loạn tâm thần). Với một số người,
tôi bảo họ hãy lên mạng tìm hiểu thông tin về tôi. Người nọ rỉ tai người kia
nên hầu hết mọi người đều hiểu tình cảnh của tôi, vì thế họ rất chia sẻ với
tôi. Một vài người thậm chí còn cảnh báo tôi việc người ta có thể tiêm thuốc
loạn thần kinh cho mình.
Bệnh nhân ở đây được chia làm 2 loại: loại nặng ngày
uống thuốc 2 lần (vào lúc 8h và 19h) và loại nhẹ uống thuốc ngày 1 lần vào lúc
19h). Là những bệnh nhân tâm thần nên việc họ hay gây gỗ, thậm chí lên cơn rồi choảng
nhau là “chuyện thường ngày ở huyện”. Thậm chí có lần tôi còn bị một bệnh nhân
nổi xung đánh lại khi “dũng cảm” nhảy vào can ngăn cuộc ẩu đả giữa anh ta với
một người khác. Một “bài học” đáng nhớ!
Nói chung, những ai không may mắc phải căn bệnh quái
ác này thì đều có hoàn cảnh đáng thương tâm. Đặc biệt, có những gia đình rơi vào
tình cảnh phải nói là thê thảm, mà trường hợp tôi kể sau đây là một trong số
đó. Tôi vào được mấy hôm thì có một bệnh nhân nam trông rất khôi ngô, tuấn tú,
tên là Trương Tuấn Hoàng, chuyển từ Bệnh viện Tâm thần Hà Nội tới. Hoàng là con
trai duy nhất trong gia đình, sinh năm 1980, nhà ở trên phố Tôn Đức Thắng (HN),
do thất tình rồi phát bệnh khi đang học lớp 11, vào viện hết lần này đến lần
khác nhưng cứ hễ ra viện một thời gian là lại tái phát. Bố cậu đã xác định khi
đưa cậu đến trung tâm là cậu sẽ ở lại đây suốt đời, và cậu cũng hiểu điều đó.
Cậu kể, mẹ cậu bị trầm cảm (một dạng bệnh tâm thần) từ năm cậu mới 2 tuổi, và
hiện vẫn đang điều trị ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương (Thường Tín). Hoàng tâm
sự với tôi, niềm ao ước lớn nhất bây giờ của cậu là mong bố cậu xoay xở thế nào
để mẹ cậu được đưa đến đây, để ngày ngày mẹ con có cơ hội được nhìn thấy nhau,
như thời gian cậu và mẹ cùng điều trị ở Bệnh viện Tâm thần TW.
Nếu bỏ qua những điều bất tiện như tình trạng bẩn thỉu
(mặc dù các hộ lý vẫn quét dọn hàng ngày nhưng khu vệ sinh thường hôi hám, vì “ý
thức vệ sinh” là một khái niệm xa lạ với bệnh nhân tâm thần) hay việc thường
xuyên phải “đề cao cảnh giác” bởi họ có thể lên cơn bất cứ lúc nào… thì việc
sống với những bệnh nhân tâm thần cũng là một trải nghiệm lý thú. Đơn giản, họ là
những con người thật thà và “hồn nhiên” nhất trên trái đất này. Họ ít bị chi
phối bởi những thói hư tật xấu của con người như bon chen, dối trá… Cũng như
những người tàn tật, họ là những người thiếu may mắn trong xã hội, hay có thể
nói, họ phải gánh chịu tội lỗi của đồng loại. Chính vì vậy mà chúng ta, những
người may mắn hơn, cần quan tâm và chia sẻ nỗi bất hạnh với họ. Đó không chỉ là lương tâm mà còn là trách nhiệm của
mỗi người trong xã hội!