Diên Vỹ chuyển ngữ
Đối diện với kinh tế yếu kém ngày càng trầm trọng cũng như nỗi bất
đồng chính trị ngày càng tăng trong nội bộ Đảng Cộng sản cầm quyền,
chính quyền Việt Nam vừa qua đã đàn áp trả thù những phản kháng được họ
cho là chống đối nhà nước. Những bản án khắc nghiệt đầu tháng Giêng dành
cho một nhóm các blogger và các nhà hoạt động là dấu hiệu mới nhất
trong chiến dịch đàn áp mở rộng đối với những tiếng nói chống đối đang
lan toả trên mạng.
Những người viết blog độc lập đã nêu bật những vấn đề vốn hiếm khi
được nhắc đến trên truyền thông nhà nước chính thống, bao gồm những căng
thẳng ngày càng tăng với Trung Quốc trên biển Đông, nạn lạm dụng cướp
đất do nhà nước bao che, nạn tham nhũng cấp cao đang hoành hành và những
vấn đề kinh tế và chính trị được xem là nhạy cảm. Bất chấp con số người
sử dụng Internet đang lên nhanh cũng như hoạt động trên các mạng tăng
mạnh, vẫn còn một khoảng cách do nhà nước kiểm soát giữa đời sống thực
và trên mạng ảo ở Việt Nam.
Tuy nhiên, đây là khoảng cách mà nhà cầm quyền rõ ràng là đang vất vả
để giữ nguyên. Được nhiều người Việt xem là an toàn hơn những mạng xã
hội trực tuyến khác, lượng người sử dụng Facebook gần đây đã tăng mạnh
với hơn 5 triệu người dùng mới trong sáu tháng qua. Bất chấp việc bị
không chính thức ngăn chặn về mặt kỹ thuật từ năm 2009, giới sử dụng
Facebook hiện đang công khai bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề tranh
chấp biển Đông nhạy cảm trên những hội nhóm và những fan page trên
Facebook như “Trường Sa Hoàng Sa Đất mẹ Việt Nam”.
Trang Facebook “87 triệu chữ ký đả đảo Trung Quốc vi phạm lãnh hải Việt Nam”, trong đó Trung Quốc bị gọi là “ChiNazi” và những bức ảnh của cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào và tân chủ tịch Tập Cận Bình được chú thích là “Hải tặc châu Á”,
trang hiện có đến 20 nghìn người hâm mộ. Một trang khác có tên là “Sức
mạnh Quân sự Việt Nam”, trong đó ca ngợi hệ thống vũ khí và hoả lực quân
sự của Việt Nam, có đến hơn 4 nghìn người hâm mộ.
Trang fan page ít nổi tiếng hơn “HoangSa.org”, chuyên cung cấp
những phân tích sâu sắc về những ảnh hưởng địa chính trị của các hội
nghị, hội thảo, diễn đàn và những diễn biến gần đây như cuộc đụng độ
hiện tại giữa Nhật và Trung Quốc trong quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang bị
tranh chấp, đã có đến 13 nghìn người hâm mộ. Tất cả các trang mạng có
nhiều người đọc này đều có xu hướng dân tộc chủ nghĩa, nhấn mạnh cảm xúc
phổ biến đối với lịch sử chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa.
Những tình cảm này đã tổng hợp lại thành những cuộc biểu tình chống
Trung Quốc gần đây, mới nhất là cuộc biểu tình vào tháng Mười hai với
hàng trăm người Việt tham gia. Cũng như những vụ đàn áp khác, ban đầu
công an cho phép những người biểu tình được tuần hành trước khi đàn áp
bắt bớ. Những cuộc biểu tình trước cuối cùng đều bị lực lượng công an
dập tắt, được biết là đã được phát động từ trên mạng, trong đó có sử
dụng cả Facebook.
Trò chơi mèo vờn chuột này cho thấy các nhà hoạt động Việt Nam hiện
chỉ được tự do phần nào để phản ánh lòng yêu nước cũng như sự phản kháng
dân tộc chống lại Trung Quốc. Trong những năm gần đây đã có những báo
cáo thường xuyên về việc các nhà ngoại giao Trung Quốc gây áp lực với
chính quyền Việt Nam để đàn áp thái độ chống đối Trung Quốc ngày một
tăng, cả ở trên phố lẫn trên mạng. Trong khi đại sứ quán Trung Quốc ở Hà
Nội cũng như những cơ sở quyền lợi của Trung Quốc tại Việt Nam dễ dàng
gia cố để phòng thủ trước những người biểu tình nhưng nhà cầm quyền lại
gặp khó khăn hơn trong việc kiểm soát thái độ chống Trung Quốc mạnh mẽ
đang bùng nổ trên khắp không gian mạng ở Việt Nam.
Những phản ứng không đồng đều và dường như tuỳ tiện của chính quyền
đã đưa ra câu hỏi liệu có phải một vài thành phần trong nội bộ Đảng Cộng
sản đang muốn cho phép thái độ chống Trung Quốc được bày tỏ trên những
mạng xã hội để đánh lạc hướng dư luận khỏi những tiêu cực của họ. Những
người khác tự hỏi liệu có phải nhà cầm quyền đang cho phép các bài viết
và nhận định trên mạng để hiểu rõ thêm về mạng lưới phản kháng rằng bên
cạnh việc chống đối Trung Quốc, còn có những chỉ trích liên quan đến
việc cầm quyền của Đảng Cộng sản.
Năm 2011, Trung Quốc và Việt Nam đã tái xác nhận cam kết của mình trong việc giải quyết tranh chấp biển Đông “qua
tham khảo ý kiến và thương lượng hoà bình hữu nghị” và “để ngăn chặn
những ngôn ngữ hành động gây thiệt hại đến tình hữu nghị và mối tin
tưởng chung giữa nhân dân hai nước”. Trong khi không gian blog độc
lập của Việt Nam lại có thái độ cứng rắn đói với những hành động quyết
liệt gần đây của Bắc Kinh trên vùng biển Đông, nhng đội quân blogger
Trung Quốc với chủ nghĩa dân tộc đã phản pháo lại với quan điểm tương tự
trong đó Việt Nam được xem là có những đòi hỏi chủ quyền đầy tham vọng.
Đối với khoảng 31 triệu người sử dụng mạng ở Việt Nam, chiếm 35% dân
số, trong đó 73% dưới tuổi 35, việc luồn lách khỏi những ngăn cản của
chính quyền tại những mạng xã hội phổ biến cũng như những trang mạng
chống đối là chuyện thường ngày. Nhiều blogger lên án Trung Quốc và cũng
chỉ trích chính quyền do Đảng Cộng sản thống trị, dẫn đầu là Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng. Vị thủ tướng này đã trả đòn tương xứng: trong một phát
biểu trên đài truyền hình nhà nước vào tháng Chín năm ngoái, ông Dũng đã
kêu gọi các quan chức có trách nhiệm phải điều tra và trừng phạt những
blogger nào phổ biến tài liệu chống chính quyền.
Ông Dũng, người có trang Facebook cá nhân đạt đến 139 nghìn người hâm
mộ, đã nêu đích danh ba trang blog chủ yếu là Dân Làm Báo, Quan Làm Báo
và Biển Đông. Lời đe doạ cấp cao này được cho là đã làm cho ba trang
blog được điều hành bí mật này thêm nổi tiếng và đã tăng cường lượng
người đọc. Dân Làm Báo, một trang blog tập thể của các phóng viên công
dân, cho biết là trang của họ đã đạt đến 32 nghìn lượt đọc trong vòng
một giờ sau khi ông Dũng thông báo trên truyền hình.
Đấu đá nội bộ
Vũ Tường, phó giáo sư ngành khoa học chính trị tại Đại học Oregon,
trên một bài báo của tạp chí Time, cho rằng những trang blog này “được mở ra bởi một thành phần hoặc nhóm lợi ích nào ấy muốn ông thủ tướng phải ra đi”.
Một phe trong Đảng do Chủ tịch Trương Tấn Sang đứng đầu, được biết là
đang kình địch với Dũng, một tranh chấp quyền lực nội bộ có nguy cơ bùng
nổ công khai trong khi kinh tế đang suy sụp và thái độ chống đối trên
mạng đối với hệ thống độc đảng đang gia tăng. Quan Làm Báo, trang blog
từng đăng những tài liệu nội bộ chính quyền nhạy cảm đã tuyên bố là
không có liên hệ gì đến chính quyền.
“Có những cá nhân ở chức vụ cao đang bảo vệ những thông tin này.
Vài bài viết và tấn công từ những trang blog kiểu này thiếu vắng tài
liệu tham khảo và một phần sinh ra từ những đồn đãi trong khi những phân
tích và giả thiết khác lại được ghi chú đầy đủ,” một đảng viên Cộng
sản nhận định với Asia Times Online với điều kiện ẩn danh. Ông ta nói
rằng những tấn công cá nhân và đồn đãi “không thể làm được gì ngoài
việc gây trầm trọng thêm cuộc đấu đá chính trị mà chúng tôi không cần
đến trong thời điểm lịch sử nàỵ”
Những nhận định và bình luận đăng trên mạng về nạn chính quyền tham
nhũng, sự chênh lệch thu nhập đang tăng và những vấn đề chính trị kinh
tế nhạy cảm không được giới truyền thông chính thống trong nước đăng tải
đã khiến chính quyền có những phản ứng nhạy bén. Từ lâu nhà nước đã ưu
tiên phát triển kinh tế tối đa, trong đó việc tạo công ăn việc làm và
nâng cao mức sống được xem là những yếu tố quyết định đối với sự ổn định
chính trị và xã hội hơn là cải cách chính trị.
Tuy nhiên, ”có lý do để tin rằng người dân Việt Nam đang ngày càng lo lắng về chất lượng tăng trưởng chứ không chỉ về số lượng,”
theo một thăm dò do phòng Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới
thực hiện như là một phần trong nghiên cứu chẩn đoán chống tham nhũng.
Vì nạn kiểm duyệt của chính quyền, việc thảo luận này chỉ xảy ra chủ yếu
trên mạng.
Với việc chính quyền thúc đẩy tăng cường phổ biến mạng internet, gần
như mọi quán cà phê, nhà hàng hoặc khu vực công cộng ở Hà Nội và Thành
phố Hồ Chí Minh đề được phủ sóng kết nối mạng hoặc sóng di động 3G. Tại
những vùng ít phát triển hơn hoặc tại khu vực cao nguyên miền trung hoặc
vùng núi phía bắc nghèo khó hơn, trong khi thiếu vắng hoàn toàn hệ
thống kết nối mạng bền vững, mạng Internet lại có mặt rộng rãi qua việc
sử dụng ngày càng nhiều các loại điện thoại di động thông minh có thể
truy cập mạng.
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng đầu tiên của năm 2012 con số
người thuê bao di động mới đã đạt đến 832.000, tăng 15,4% so với cùng kỳ
năm trước. Đến cuối tháng Giêng 2012, Việt Nam có đến hơn 118,5 triệu
thuê bao di động, cho thấy đã có hơn 100% tỉ lệ sử dụng trong một đất
nước với khoảng 90 triệu dân.
Để đối phó với mối đe doạ kết nối ngày càng tăng, chính quyền đang
tìm cách kiểm soát chặt chẽ hơn nữa mạng Internet. Năm ngoái, Bộ Thông
tin Truyền thông đã đưa ra dự thảo nghị định ”Quản lý, Cung cấp, Sử dụng Dịch vụ Internet và Nội dung Thông tin trên Mạng”
trong đó bên cạnh những điều khoản khác bắt buộc các trang mạng và các
nhà cung cấp dịch vụ Internet từ nước ngoài phải hợp tác với quan chức
Việt Nam bằng cách ngăn chặn những nội dung được cho là bất hợp pháp và
chuyển các cơ sở dữ liệu vào trong nước.
Nghị định còn đang được xem xét này cũng sẽ đưa ra những mức phạt
nặng nề hơn đối với nhng ai đăng bài chỉ trích cũng như đưa ra những
giói hạn trong việc sử dụng bí danh hoặc ẩn danh trên mạng. Nghị định
gây tranh cãi này chủ yếu nhắm vào việc ngăn chặn ”hành viphá hoại
khối đại đoàn kết toàn dân, phá hoại phong tục truyền thống dân tộc và
lạm dụng qui định và việc sử dụng Internet và thông tin”. Nếu được áp
dụng, nghị định này sẽ củng cố thêm những mức phạt vốn đã nặng nề đối
với việc gieo rắc “tuyên truyền” chống phá nhà nước, một tội danh mơ hồ mà chính quyền thường sử dụng để tống giam một số đông những blogger.
Các tổ chức nhân quyền và phóng viên quốc tế đã mạnh mẽ lên án việc
tăng cường đàn áp này. Ngày 16 tháng Mười hai, chính quyền đã ngăn cấm
Huỳnh Trọng Hiếu sang Hoa Kỳ để nhận giải thưởng Hellman/Hammett của tổ
chức Giám sát Nhân quyền vì tinh thần can đảm trước nạn đàn áp thay mặt
cho cha mình là Huỳnh Ngọc Tuấn và em mình là Huỳnh Thục Vy, và họ đã
tịch thu hộ chiếu của anh. Với ít nhất 14 nhà báo bị bắt giam, ”Việt Nam là quốc gia cầm tù nhà báo đứng thứ hai trên thế giới ở châu Á, chỉ sau Trung Quốc”, căn cứ theo thông tin của Uỷ ban Bảo vệ Nhà báo có trụ sở ở New York.
Có những dấu hiệu mờ nhạt rằng chính quyền đang đáp ứng lại những chỉ
trích. Ví dụ như nhà kinh tế kỳ cựu Phạm Chi Lan được phép phê bình
những quyết định chính trị trên truyền thông trong nước cũng như quốc
tế, nơi bà thường xuyên được trích dẫn từ những lời khuyên làm cách nào
để phát triển hướng đi của nền kinh tế quốc gia. Trong khi đó, các đảng
viên và các đại biểu quốc hội công khai thảo luận trên truyền thông
trong nước nhu cầu đổi mới trong việc thực hiện luật đất đai, thừa nhận
rằng vấn đề trưng thu đất đai của nhà nước phải được giải quyết ”công bằng”.
Hơn nữa, những thừa nhận nghiêm trọng bởi các quan chức về nạn tham
nhũng của chính phủ trong những bài phát biểu trước công chúng đã được
truyền thông nhà nước tường thuật. Trần Huy Sáng, giám đốc Sở Nội vụ Hà
Nội vừa qua đã nói rằng việc hối lộ để xin vào các chức vụ nhà nước béo
bở là phổ biến, trong đó có người đã chi đến 100 triệu đồng (4.800 Mỹ
kim) chỉ để được tham dự các kỳ thi tuyển, căn cứ theo cơ quan thông tin
Việt Nam Bridge.
Những chính sách đóng-mở đầy mâu thuẫn khiến cho các phóng viên và blogger khó hiểu được giới hạn của quyền tự do ngôn luận. ”Làm
phóng viên ở đây không dễ. Áp lực từ xếp rất cao và hiện tại dường như
họ chỉ quan tâm đến việc doanh số bán bị sụt giảm và tìm cách để trục
lợi từ Internet,” một nhà báo trẻ yêu cầu giấu tên cho biết. ”Đôi
khi tôi tự hỏi tại sao tôi lại quyết định làm nghề này và tại sao tôi
lại phải chú trọng vào những vấn đề nhạy cảm khi có nguy cơ bị đuổi việc
hoặc thậm chí tệ hơn nữa, bị truy tố”.