Lê Trung Thành
Viết tiếp về dự án Bauxite Tây Nguyên
Mũi Kê Gà
Với tham vọng xây dựng cảng nước sâu Kê Gà tại xã Tân Thành huyện Hàm
Thuận Nam tỉnh Bình Thuận để phục vụ cho việc phát triển công nghiệp
nhôm khu vực Tây Nguyên Nam Trung bộ, Tập đoàn công nghiệp Than và
Khoáng sản Việt Nam (VINACOMIN) dự kiến vốn đầu tư ban đầu (thời giá
2007) khoảng 600 triệu USD cho giai đoạn 1: 3040 tỷ và giai đoạn 2: 6060
tỷ, bảo đảm cho loại tàu trọng tải 30.000- 50.000 DWT ra vào cảng. Họ
cũng “phấn đấu” đến 2015 bốc xếp 10-15 triệu tấn (T)/năm và tới 2025,
bốc xếp 25-30 triệu T/năm. Những chỉ tiêu này được Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng phê duyệt trong bản “Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế
biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007-2015 có xét đến năm 2025” tại
quyết định số 167/2007 QĐ-TTg ngày 1/11/2007.
Hy vọng sẽ đầu tư từ 11,8-15,6 tỷ USD trong giai đoạn 2007-2015,
Vinacomin bồng bềnh trên mây xanh với kế hoạch sẽ sản xuất được 6-8,5
triệu T alumin (nhôm oxit) và 0,2- 0,4 triệu T nhôm tại 6 nhà máy chế
biến alumin và 1 nhà máy điện phân nhôm đặt ở Đăknông và Lâm Đồng. Cũng
vào thời điểm ấy, tuyến đường sắt Tây Nguyên đi từ Đăknông qua Bảo Lộc -
Lâm Đồng về cảng Kê Gà có khổ rộng 1,435 m dài 270 km sẽ được thiết kế
gấp gáp và tổ chức thi công một đường đơn và sau năm 2015, sẽ nâng thành
đường đôi. Công suất vận chuyển giai đoạn 1 (đến năm 2015) khoảng 10-15
triệu T/năm và giai đoạn 2 (sau năm 2025) khoảng 25-30 triệu T/năm!
Sống giữa những con số ảo nhưng từ nguời ký quyết định phê duyệt đến
những nguời được giao nhiệm vụ thực hiện đều mơ mộng chỉ dăm bảy năm
nữa, ngành công nghiệp nhôm Việt Nam sẽ sánh vai với các cường quốc,
chẳng khác gì Vinashin muốn đứng hàng thứ 5 thế giới trong ngành đóng
tàu!
Sự hoang tưởng về số vốn khổng lồ của Vinacomin “sắp có” khiến bao
người trong cuộc mờ mắt, tối mũi, không còn phân biệt được đâu là thật,
đâu là giả bởi họ tin và buộc phải tin rằng “dự án khai thác bauxite Tây
Nguyên là chủ trương lớn của Đảng đã được mấy kỳ Đại hội ghi vào nghị
quyết!”. Từ niềm tin vô tiền khoáng hậu ấy, họ đặt cả tương lai của Đại
dự án bauxite Tây Nguyên vào sự giúp đỡ “chí tình” của đối tác số 1 là
Tập đoàn công nghiệp nhôm Trung Quốc - Chalco thông qua những “văn kiện”
ký giữa Đảng cộng sản Trung Quốc và Đảng cộng sản Việt Nam từ sau
chuyến đi thăm Trung Quốc năm 2001 của ông Tổng bí thư Nông Đức Mạnh.
Họ cũng quá tin vào khả năng huy động vốn, bằng kiểu phát hành trái
phiếu Chính phủ trên thị trường thế giới như Chính phủ đã từng vay 750
triệu USD cho tập đoàn Vinashin cuối năm 2005 quá dễ dàng. Mặt khác, khi
chuẩn bị bản Quy hoạch năm 2007, ngành công nghiệp nhôm toàn cầu đang
sôi sục, giá nhôm từ năm 2005-2008 thường ở mức 1,35-1,45 USD/1 pound,
tức vào khoảng 2900-3150 USD/1T. Với giá cao ngất ngưởng này, Vinacomin
tin sẽ có nhiều Tập đoàn của Úc, Mỹ, Nhật Bản, Tây Ban Nha… rầm rập kéo
vào xin bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà máy chế biến alumin, xây dựng đường
sắt và cảng Kê Gà… Trên thực tế, cũng có một số nhà đầu tư tới khảo sát,
tỏ ý muốn hợp tác như tập đoàn Alcoa - Hoa Kỳ tại Đăknông.
Tới năm 2008, Vinacomin triển khai kế hoạch đấu thầu xâu dựng tổ hợp
bauxite Tân Rai “lựa chọn” được nhà thầu Chalieco, một thành viên của
Chalco. Sau đó, theo ý kiến chấp thuận của ông Phó Thủ tướng Hoàng Trung
Hải, Vinacomin giao hợp đồng xây dựng tổ hợp Nhân Cơ cho Chalieco dựa
trên giá thắng thầu Tổ hợp Tân Rai.
Giữa lúc “bừng bừng khí thế”, dự án bauxite Tây Nguyên vấp phải sự
phản đối quyết liệt của dư luận xã hội. Các nhà khoa học, các nhà nghiên
cứu bauxite Tây Nguyên từ đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, khi Việt Nam
còn là thành viên khối SEV, đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ với nhiều dẫn
chứng cụ thể. Đại tướng Võ Nguyên Giáp hai lần gửi thư cho lãnh đạo nhà
nước, tiếp sau đó, là những bản kiến nghị của giới nhân sĩ, trí thức,
các nhà xã hội học, dân tộc học cùng hàng ngàn người ký tên đồng lòng
đòi dừng ngay dự án. Kết quả là, dự án Tân Rai và Nhân Cơ vẫn tiếp tục
thi công nhưng thông qua chuyến đi thị sát của thường trực Bộ Chính trị
Trương Tấn Sang, Bộ Chính trị đã chỉ đạo chỉ làm “thí điểm” Tân Rai và
Nhân Cơ, tạm dừng xây dựng các nhà máy khác đồng thời không cho nước
ngoài hợp tác đầu tư.
Ngay từ thời điểm đó, bản Quy hoạch năm 2007 đã bị phá vỡ về mặt lý thuyết.
Chờ ngoại viện không còn nữa, chờ vốn vay quốc tế gặp khó do đế chế
Vinashin lâm vào cảnh khốn cùng do vung tay quá trán dẫn đến sự sụp đổ
thảm hại. Vinacomin bắt đầu nao núng tinh thần. Không xây hàng loạt nhà
máy ở Đăknông, Lâm Đồng như kế hoạch ban đầu thì chẳng bao giờ có tuyến
đường sắt Tây Nguyên tốn gần 3 tỷ USD, không có sản lượng 10- 15 triệu T
alumin thì xây dựng cảng Kê Gà với dự toán đã lên tới hơn 1 tỷ USD sẽ
dẫn tới thua lỗ nghiêm trọng, làm tan rã mộng tưởng hoang đường của
Vinacomin, nhưng đó cũng chỉ là “khúc nhạc dạo đầu” cho những phiền toái
và hậu quả ngoài ý muốn của Vinacomin!
Trong bản Quy hoạch năm 2007, Chính phủ và Vinacomin chỉ chăm chăm
vào việc xây dựng ngay tuyến đường sắt Tây Nguyên chọc xuống cảng Kê Gà
(mặc dù biết Kê Gà không phải nơi thuận lợi để xây cảng nhưng lại là
điểm kết nối thuận tiện nhất của toàn tuyến vận chuyển alumin tương
lai). Họ không ngờ tới việc bản Quy hoạch khai thác và chế biến bauxite
Tây Nguyên vĩ đại như vậy, từng làm vừa lòng ông bạn vàng và hấp dẫn bao
kẻ thèm muốn nguồn bauxite 7-8 tỷ tấn của Việt Nam, lại bị mấy ông trí
thức phá hủy toàn bộ!
Không làm đường sắt thì vận chuyển nguyên vật liệu và alumin theo lối nào, đường nào?
Vì vậy, mới có chuyện ông Hoàng Trung Hải phải đích thân mấy lần thị
sát cùng bầu đoàn thê tử để chọn hướng tuyến đường bộ mới đi từ Nhân Cơ,
Tân Rai về Kê Gà. Tiếp đó là phương án chữa cháy là từ hai nhà máy ấy
theo quốc lộ 20, quốc lộ 51 về cảng Gò Dầu- Đồng Nai… như bây giờ.
Phương án này là phương án bổ sung, bất đắc dĩ nên họ đâu có đưa vào
quy hoạch, đâu có tính trong giá thành sản phẩm. Trong lúc tiền đầu tư
xây dựng hai tổ hợp Nhân Cơ và Tân Rai còn thiếu quá nhiều, chạy vạy mãi
mới vay được 300 triệu USD của Citi Việt Nam thì lấy tiền đâu xây dựng
đường mới hay sửa chữa đường cũ đang hư hỏng nặng nề để chuyên chở sản
phẩm?
Loay hoay mãi, kêu gào mãi, Chính phủ và Bộ Tài chính, Bộ Công Thương
mới đồng ý cho Vinacomin vay vốn làm đường 725 từ cửa nhà máy Tân Rai
ra QL20 và đường 769 nối từ ngã ba Dầu Giây về Long Thành giáp QL51 với
một quy chế thoáng, là Tập đoàn mẹ được khấu trừ trong 5 năm. Nhờ vậy,
hai đoạn đường đang được cải tạo và nâng cấp sau mấy chục tháng nằm chờ
vốn. Còn QL20, đoạn từ Bảo Lộc về ngã ba Dầu Giây được Tổng cục Đường bộ
VN - Bộ Giao thông Vận tải sửa chữa, nâng cấp, giao cho Ban quản lý dự
án 9 làm chủ đầu tư. Số tiền trên dưới 5000 tỷ đồng dành cho việc sửa
chữa đường và hàng loạt cầu yếu, trọng tải thấp trên tuyến khó lòng thu
hồi được từ Vinacomin vì dự án Tân Rai và Nhân Cơ không có lãi suất 10%
như chỉ đạo ban đầu của ông Hoàng Trung Hải.
Chỉ cải tạo và nâng cấp đường cũ mà đi đã gặp nhiều khốn khó thì
Vinacomin làm sao có vốn để mở đường mới nối Nhân Cơ với Tân Rai, nối
Tân Rai với cảng Kê Gà?
Bởi vậy, việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức công bố dừng việc
chuẩn bị dự án xây dựng cảng Kê Gà là điều tất yếu phải xảy ra.
Tuy nhiên, những người có trách nhiệm trong dự án bauxite Tây Nguyên
và Vinacomin vẫn loanh quanh, vòng vo chuyện chọn cảng nào thay thế cảng
Kê Gà.
Điều đó, càng thể hiện sự yếu kém trong công tác điều hành và kiểm tra, giám sát dự án.
Quyết định ngừng dự án Kê Gà dẫu có muộn màng, vẫn còn kịp cho Bình
Thuận chuyển đổi lại các phương án và kế hoạch phát triển du lịch, nghỉ
dưỡng ở vùng ven biển Phan Thiết. Giải quyết những hậu quả, đền bù cho
các dự án bỏ hoang 5- 6 năm rồi cũng sẽ xong nhưng với Vinacomin và
Chính phủ, đây là sự thừa nhận thất bại một cách miễn cưỡng vì bản quy
hoạch 2007 đổ vỡ chứng tỏ sự vội vã, hấp tấp và nông cạn của các tác giả
lẫn người phê duyệt.
Làng chài Kê Gà đang xây dựng kè dọc bờ biển và làm đường mới để phục vụ du lịch
Bản quy hoạch mới do Bộ Công Thương soạn thảo và lấy ý kiến của nhiều
bên liên quan được đệ trình từ gần cuối năm 2011 đến nay chưa thấy hồi
âm.
Hiệu ứng “domino” từ cái chết yểu của dự án cảng Kê Gà làm tiêu tàn một giấc mơ hoa”!
L.T.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN