Hà Nội, 27/2/2013
Lê Anh Hùng
Trưa
hôm sau ngày tôi bị bắt, mẹ tôi vào thăm tôi. Mẹ tôi cho biết là cán bộ
trung tâm yêu cầu bà viết giấy không cho ai khác ngoài bà được vào thăm
tôi; bà phải viết thế thì họ mới cho vào gặp con. Tôi tiếp tục thuyết
phục mẹ về việc làm của mình, và trách bà sao lại ký đơn đưa tôi vào
đây, nhưng bà chối là bà không làm chuyện đó. Mặc dù mẹ tôi nói vậy
nhưng tôi vẫn không thật sự tin lời bà. Khoảng 12h20, tôi lấy điện thoại
của mẹ gọi điện ra cho một bác ở công ty, xin gặp hai đứa em mà mình
tin cẩn ở đó là Từ Anh Tú và Đỗ Văn Ngọc. Hoá ra, chúng đã biết nơi tôi
bị nhốt vì ngay buổi chiều hôm đó người ta đã chuyển cho công ty quyết
định của Sở LĐ-TB-XH Hà Nội. Chúng cho tôi hay là tin tôi bị bắt đã tràn
lan trên mạng. Tôi bảo hai đứa là mẹ tôi đang ở đây và bà nói là bà
không ký vào đơn cho tôi vào đây, mà ngay cả khi bà có ký đi nữa thì đó
cũng là một quyết định tuỳ tiện, trái pháp luật. (Chính vì Tú loan báo
như thế nên ban đầu trên mạng có thông tin là mẹ tôi không ký vào đơn.)
Tôi bảo Tú nói chuyện với mẹ tôi để động viên bà.
Độ
5 phút sau, điện thoại của mẹ tôi đổ chuông. Thì ra là chị Bùi Thị Minh
Hằng. Chị cho mẹ tôi biết là một tổ chức quốc tế đã lên tiếng về vụ
việc của tôi. Chị hỏi địa chỉ nhà mẹ tôi và đề nghị gặp bà. Tôi nghe
những gì chị nói qua điện thoại mà vui mừng khôn xiết, trào cả nước mắt.
Tôi không cầm máy nói chuyện trực tiếp với chị Minh Hằng phần vì đang
quá xúc động, phần vì không muốn sự kiện tôi bị cách ly khỏi xã hội bớt
đi ít nhiều kịch tính một khi tôi có thể liên lạc điện thoại ra ngoài.
Tôi
nói với mẹ: “Đấy, mẹ thấy chưa? Chuyện con bị bắt đã tràn lan trên
mạng. Một tổ chức quốc tế đã lên tiếng, nhiều người ủng hộ. Người ta
không thể ủng hộ một kẻ bị tâm thần được!” Mẹ tôi có vẻ bắt đầu tin tôi.
Mẹ
tôi vừa dứt cuộc nói chuyện điện thoại với chị Minh Hằng độ 1 phút thì 2
nhân viên trung tâm chạy vào. Họ phàn nàn chuyện mẹ tôi trước đó bảo
không mang điện thoại theo mà rồi lại điện thoại, đồng thời bảo mẹ tôi
là đã hết giờ thăm bệnh nhân. Như vậy, nếu lúc đó tôi có nói chuyện với
chị Minh Hằng thì chắc cũng chỉ nói được vài câu là bị phá ngang.
Từ
ngày thứ hai ở trung tâm, các nhân viên bắt đầu quan tâm đến tôi một
cách đặc biệt. Họ mua sắm cho tôi gần như đầy đủ mọi thứ: 1 áo phao, 1
quần dài, 1 áo sơ mi, 2 quần lót, 2 đôi tất, 1 chậu rửa mặt, kem và bàn
chải đánh răng, chăn, màn. Những bệnh nhân khác có mà nằm mơ cũng chẳng
được một phần như thế, vào những nơi như thế này gia đình họ thậm chí
còn phải chạy chọt chứ chẳng phải tự dưng mà được “vinh hạnh” như tôi.
Chiều
26/1, PGĐ Trung tâm Lê Công Vinh vào nói chuyện với tôi. Hoá ra, anh ta
là đồng môn với tôi ở trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Anh ta cho biết
là trước kia anh ta chẳng biết gì về câu chuyện của tôi; sau khi tôi vào
trung tâm, anh ta tìm hiểu trên mạng thì mới biết. Anh ta mong tôi chia
sẻ và thông cảm: “Chúng tôi chỉ là cấp thừa hành”; “Ai sai người ấy
chịu”; “Chúng tôi cũng không muốn anh ở đây làm gì”…
Sáng
27/1, một nhân viên hộ lý cho tôi biết: “Sáng hôm kia có một đoàn
khoảng 2 chục người, đi trên mấy chiếc ô tô đến trước cổng trung tâm đòi
thả cháu. Họ chất vấn lãnh đạo trung tâm, rồi quay phim, chụp ảnh trung
tâm. Cháu yên tâm đi. Thế nào cháu cũng được cứu khỏi đây thôi!” Tôi
quá đỗi vui mừng! (Thỉnh thoảng cũng có người này người nọ cho tôi biết
những thông tin bên ngoài, chẳng hạn như việc lãnh đạo trung tâm cấm
CBCNV tiếp xúc với tôi, chuyện họ dự định mời bác sỹ đến “giám định” cho
tôi…)
Trưa
28/1, mẹ và em trai tôi vào thăm. Mẹ tôi cho biết là đã gặp chị Minh
Hằng và nhiều người nữa. Bà cũng đã trả lời phỏng vấn một đài nước
ngoài. Tôi dặn mẹ: “Không được thoả hiệp với công an. Nếu họ kết luận
con bị bệnh, bắt con uống thuốc thì con sẽ tuyệt thực.” Bà nói nhỏ vào
tai tôi: “Thế thì đừng có uống.” Mẹ chuyển cho tôi gói quà mà chị Minh
Hằng gửi.
Một
bác bảo vệ “phàn nàn” với tôi: “Cậu vào đây làm chúng tôi thêm khổ.
Trước kia thỉnh thoảng còn tranh thủ chạy về nhà được chứ từ khi cậu vào
đến giờ chúng tôi phải túc trực thường xuyên. Đi đâu cũng thấy mọi
người bàn tán về Lê Anh Hùng cả.”
Chiều
31/1, PGĐ Lê Công Vinh vào thông báo với tôi là mẹ tôi đang làm thủ tục
để đưa tôi về. Độ một vài hôm nữa là tôi sẽ được về nhà thôi.
Sáng
thứ Bảy, 2/2, mẹ tôi lại vào thăm tôi. Bà cho biết là đang làm thủ tục
để đưa tôi về, lẽ ra đã xong khâu giấy tờ nhưng một trong số những người
chịu trách nhiệm giải quyết đơn lại nghỉ vì nhà có đám tang, hẹn chiều
thứ Hai, 4/5, mới giải quyết. Nếu sớm thì ngày 5/2 tôi sẽ về nhà, muộn
thì một vài hôm sau. GĐ Đỗ Tiến Vượng cũng vào thăm hỏi tôi mấy câu xã
giao.
Mẹ
tôi cho biết là bà đi cùng anh Ngô Nhật Đăng (con trai của nhà thơ Xuân
Sách), người mà tôi đã gặp vài lần trong CLB Bóng đá No-U. Tôi bảo mẹ
ra đưa anh vào, nói dối nhân viên anh là người nhà. Anh Nhật Đăng cho
tôi biết qua về tình hình ở ngoài. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là anh ta
lại cung cấp cho tôi nhiều thông tin sai lạc mà khi về nhà kiểm tra lại
thì tôi mới biết. Chẳng hạn như anh ta cho biết là đã post một bài lên
blog của tôi. Điều này tôi hết sức ngạc nhiên, vì chỉ có admin của blog
mới có thể đăng bài lên đó được. Anh ta lại khẳng định là mẹ tôi không
hề ký đơn đề nghị đưa tôi vào trại tâm thần, mà thực ra bà đã lừa công
an (?). Chưa hết, anh ta còn cho tôi biết là Hội đồng Nhân quyền Liên
Hợp Quốc đã lên tiếng phản đối vụ bắt giữ tôi, họ đã chất vấn ông Nguyễn
Phú Trọng về vụ việc của tôi khi ông ta đang ở thăm một số nước Châu
Âu, và ngay lúc anh nói chuyện với tôi thì Hội đồng Nhân quyền LHQ đang
làm việc với Bộ Ngoại giao Việt Nam về vụ việc (?), v.v. Anh ta “khuyên”
tôi không nên để các phe phái lợi dụng vụ tố cáo của mình. (Thật ra,
chẳng phải chính tôi đang lợi dụng sự đấu đá của họ để thúc đẩy vụ việc
của mình đó sao? Họ lợi dụng tôi đã đành nhưng xem ra tôi cũng biết lợi
dụng họ đấy chứ.) Anh ta còn “chỉ bảo” tôi thế này: “Bọn họ đang rơi vào
cảnh ‘chó cùng cắn dậu’ nên mình tạm nhún một chút để ra khỏi đây đã
rồi tính sau, kể cả chuyện người ta có bảo mình bị ‘hoang tưởng’ nhẹ thì
cũng mặc (?!).” Anh ta nói là vụ của tôi lẽ ra có thể được giải quyết
êm ngay trong mấy ngày đầu, nhưng tại vì chị Minh Hằng làm um quá khiến
nhà chức trách rơi vào tình thế khó xử (?). Khi tôi muốn gọi điện gặp
chị Minh Hằng, người mà ngay lúc ấy tôi đã biết là đang làm hết sức vì
tôi ở bên ngoài, thì anh ta nói là “số máy chị Hằng bị chặn” (?).
Lúc
đó, tôi nghĩ ý kiến của anh ta là quan điểm chung của những người đang
tìm cách giải cứu tôi nên tôi cũng không phản ứng gì, nhất là với người
mà lúc đó tôi vẫn nghĩ là đang giúp mình.
Chiều
3/2, PGĐ Lê Công Vinh gặp và trao đổi với tôi qua cửa sổ. Anh ta nói
mọi người ở trung tâm “chia sẻ” với tình cảnh của tôi và mong tôi cũng
“chia sẻ” với điều kiện và hoàn cảnh họ.
9h
sáng 5/2, khi tôi đang nóng lòng chờ tin tức bên ngoài thì một nhân
viên bảo tôi dọn đồ để về, mẹ tôi đang làm thủ tục ở ngoài kia. Tôi thu
xếp tư trang và phát quà cho mọi người để chia tay. Lát sau, PGĐ Lê Công
Vinh vào gặp tôi, cho biết là mẹ tôi đang làm thủ tục. Anh ta đưa cho
tôi 2 tờ giấy trắng khổ A4 và đề nghị tôi viết vài lời cám ơn trung tâm
trong thời gian tôi ở đây.
9h30,
tôi được đưa ra khỏi khu nhà dành cho bệnh nhân tâm thần. Ra tới gần
toà nhà chính của trung tâm, tôi nhác thấy đằng xa những người đồng đội
của mình ở CLB Bóng đá No-U (No-U FC) đang hân hoan chờ đón tôi: nhà văn
Nguyễn Tường Thuỵ, blogger Lê Dũng, Nguyễn Lân Thắng và Lã Việt Dũng.
Tôi vẫy tay chào mọi người rồi vào phòng PGĐ Lê Công Vinh để hoàn tất
nốt thủ tục. Trong phòng có GĐ Đỗ Tiến Vượng, PGĐ Lê Công Vinh, mẹ tôi,
“đồng chí” Ngô Nhật Đăng và một nhân vật mà trước đấy tôi mới gặp 1
trong No-U FC nhưng chưa hề nói chuyện với nhau – người có nick Facebook
là Ngọc Tây Hồ.
Tôi đưa tờ giấy viết “Lời cám ơn” cho PGĐ Lê Công Vinh:
Anh
ta có vẻ thoả mãn. Tuy nhiên, khi đưa sang GĐ Đỗ Tiến Vượng thì ông ta
lại không hài lòng với hai chữ “bị tạm giữ” và “bất đắc dĩ” và đề nghị
sửa lại. Tôi định không đồng ý thì “đồng chí” Ngô Nhật Đăng lại hùa theo
họ khiến tôi phải tặc lưỡi sửa chữ “bị tạm giữ” thành chữ “sống” và bỏ
chữ “bất đắc dĩ” đi cho họ hài lòng. Anh bạn Ngọc Tây Hồ nhanh tay lấy
bản cũ đút vào túi.
Sau khi mẹ tôi hoàn tất thủ tục giấy tờ với họ, chúng tôi đi ra trong niềm vui vỡ oà của cả người được đón lẫn người đón.
Từ
trái qua: Lã Việt Dũng, mẹ tôi, tôi, nhà văn Nguyễn Tường Thuỵ, blogger
Lê Dũng, “đồng chí” Ngô Nhật Đăng, Ngọc Tây Hồ. Ảnh: Nguyễn Lân Thắng
Tôi
lên chiếc xe do Ngọc Tây Hồ lái; trên xe còn có mẹ tôi, nhà văn Nguyễn
Tường Thuỵ và cả “đồng chí” Ngô Nhật Đăng nữa. Nguyễn Lân Thắng đi cùng
xe với Lã Việt Dũng, còn blogger Lê Dũng thì một mình một xe.
Trên
hành trình trở về trung tâm Hà Nội, ngay cả với sự có mặt của nhà văn
Nguyễn Tường Thuỵ, người theo rất sát vụ việc bắt giữ tôi và đăng nhiều
bài về tôi trên blog của mình, “đồng chí” Ngô Nhật Đăng của chúng ta vẫn
tiếp tục lặp lại chiêu trò hòng làm cho tôi rối trí như lần gặp tôi
ngày 2/2. Chính nhà văn Nguyễn Tường Thuỵ cũng quá đỗi ngạc nhiên khi
nghe anh ta nói là anh ta đã post bài lên blog của tôi, trong khi tôi
mới là người nắm quyền quản trị. Anh ta “chỉ bảo” cho tôi là khi trả lời
phỏng vấn các đài báo thì chỉ cần nói là tôi hiện mới về nhà, đang cần
nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng để ăn Tết với mẹ, hiện tôi chưa muốn nói gì thêm.
Anh ta còn bảo tôi chuẩn bị để trả lời phỏng vấn của Hội đồng Nhân quyền
Liên Hợp Quốc (?) và khi có một người gọi điện đến đề nghị tôi trả lời
phỏng vấn một đài nào đó thì anh ta thản nhiên trả lời là tôi đang trả
lời phỏng vấn một đài khác, dù lúc đó tôi chẳng hề trả lời phỏng vấn ai
cả.
Anh
ta cũng “doạ” tôi là bây giờ sát Tết rồi, mình trả lời phỏng vấn mà
khơi lại vụ tố cáo kia thì bọn họ sẽ bắt nhốt trở lại trong lúc bạn bè,
đồng đội tứ tán hết cả thì nguy (!?). Anh ta “khuyên” tôi nên về nhà chứ
không nên tụ họp ở đâu để gặp gỡ mọi người, bởi nhiều kẻ đang muốn lợi
dụng tôi để “đánh bóng” tên tuổi, ai thăm thì cứ việc đến nhà thăm chứ
đừng đi đâu cả, v.v. Đáng chú ý là “anh bạn” Ngọc Tây Hồ cũng “tung
hứng” rất ăn ý với “đồng chí” Ngô Nhật Đăng. [i]
Mặc
dù vậy, ngay khi còn đang trên đường trở về trung tâm Hà Nội, lúc phóng
viên Đài Á Châu Tự Do (RFA) phỏng vấn, tôi đã trả lời thẳng thắn về
nguồn cơn của việc người ta bắt tôi vào trại tâm thần – đó chính là vụ tố cáo mà tôi vẫn theo đuổi suốt gần 5 năm qua.
Khi
xe về đến lối rẽ vào nhà mẹ tôi, ngõ 120 Kim Giang, mẹ con tôi xuống
xe. Xe của Lã Việt Dũng cũng vừa trờ tới. Và trong khi Lã Việt Dũng và
Nguyễn Lân Thắng đòi kéo tôi ra quán bia gặp gỡ chia vui với đồng đội
thì “đồng chí” Ngô Nhật Đăng lại khuyên tôi về nhà đi. Đến thời điểm đó,
mặc dù vẫn chưa nhận ra âm mưu của anh ta (vì chưa kịp kiểm chứng những
thông tin mà anh ta cung cấp cho tôi), nhưng tôi cũng không mắc mưu anh
ta: tôi lên xe cùng Lã Việt Dũng và Nguyễn Lân Thắng ra thẳng nhà hàng
181 Nguyễn Lương Bằng, "tụ điểm" quen thuộc của anh em No-U FC, để chia
vui với những người đồng đội đã làm hết mình trong cuộc “giải cứu” tôi -
một “bệnh nhân tâm thần”. Sau đó, tôi lần lượt trả lời phỏng vấn các
đài BBC, Chân Trời Mới, VOA (2 lần), RFI… nhưng tôi vẫn không mắc bẫy
anh ta, dù đến lúc đó tôi vẫn chưa kịp kiểm chứng những thông tin mà anh
ta cung cấp cho tôi lúc gặp tôi trong Trung tâm BTXH cũng như lúc tôi
trên đường từ Trung tâm về nhà.[ii]
Chia sẻ niềm vui với đồng đội tại “tụ điểm” quen thuộc
Thật
chẳng vui vẻ gì khi phải lật chân tướng của một “đồng đội” trá hình,
nhưng vì lợi ích của cộng đồng, của phong trào dân chủ vốn đã bị chia
năm sẻ bảy bởi những “ngón nghề” quỷ quyệt của lực lượng an ninh, tôi
buộc lòng phải nói lên một sự thật đáng ghê tởm. Chừng đó thôi cũng đủ
cho quý vị thấy là suốt hơn 7 năm qua, trong tình cảnh đơn thương độc
mã, tôi đã phải đối phó vất vả đến thế nào với đủ mọi mưu ma chước quỷ
để có thể sống sót và, quan trọng hơn, để đưa được những sự thật kinh
hoàng, ảnh hưởng vô cùng lớn đến vận mệnh dân tộc, ra trước công luận.
÷
Qua những gì mà chị Bùi Thị Minh Hằng đã tường thuật trong “thiên phóng sự” Nhật ký chuyện Lê Anh Hùng cùng
những gì mà tôi thuật lại trên đây, quý vị có thể nhận ra vai trò của
lực lượng công an trong vụ bắt tôi đưa vào trại tâm thần. Ngay cả khi mẹ
tôi có “tỉnh ngộ” rồi viết đơn đòi con đi nữa mà thiếu áp lực của công
luận thì cũng chưa biết điều gì có thể xẩy ra với tôi trong cái trại
giam trá hình tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đó. Chính vì vậy, việc tôi được
thả tự do chỉ sau 12 ngày bị giam giữ trái phép, trước hết, là thắng lợi
của các lực lượng tiến bộ và công luận ở cả trong và ngoài nước.
Đầu
tiên, tôi xin dành sự tri ân đặc biệt đối với những người đồng đội
tuyệt vời của tôi ở CLB Bóng đá No-U (No-U FC), mà nhân vật đặc biệt
nhất chính là chị Bùi Thị Minh Hằng. Nhà văn Nguyễn Tường Thuỵ, bác
Nghiêm Việt Anh, blogger Lê Dũng, blogger JB Nguyễn Hữu Vinh, blogger
Người Buôn Gió, Nguyễn Lân Thắng, Lã Việt Dũng, Nguyễn Chí Đức, Nguyễn
Chí Tuyến, Ngô Quỳnh, Lan Lê, anh Trương Văn Dũng, Nguyễn Văn Phương, Từ
Anh Tú, Lưu Đức, cùng bao đồng đội khác mà tôi không thể nào nêu hết
tên ra đây, là những người đã vào cuộc gần như ngay lập tức và đã làm
tất cả những gì có thể để giải thoát tôi khỏi trại tâm thần kia.
Tôi
xin gửi lời cám ơn chân thành nhất tới các cơ quan báo chí trong và
ngoài nước đã phản ảnh về vụ bắt giữ tôi: Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA),
Đài Á Châu Tự Do (RFA), Đài RFI Việt ngữ, Đài BBC, Radio Chân Trời Mới,
Radio Sài Gòn – Dallas..., bên cạnh các trang mạng độc lập như blog
Nguyễn Tường Thuỵ, blog Anh Ba Sàm, Bauxite Việt Nam, Quê Choa, blog
Huỳnh Ngọc Chênh, blog Nguyễn Xuân Diện, blog Phạm Viết Đào, blog Bùi
Thị Minh Hằng, blog Dân Làm Báo, Đàn Chim Việt, Thông Luận, Dân Luận,
Diễn đàn X-CafeVN, Vàng Anh, blog Xuân Việt Nam, blog Châu Xuân
Nguyễnv.v.
Tôi
cũng xin trân trọng cám ơn các tổ chức quốc tế đã lên tiếng về vụ việc
của tôi: Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (International Federation for
Human Rights – FIDH), Tổ chức Thế giới Chống Tra Tấn (World Organisation
Against Torture – OMCT), Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam
(Vietnam Committee on Human Rights – VCHR), Uỷ ban Bảo vệ Nhà báo
(Committee to Protect Journalists). Đặc biệt, tôi được biết là đích thân
ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ về vụ bắt giữ tôi để đệ nạp lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc ngay trước khi tôi được thả tự do.
Thắng
lợi ngoạn mục này có sự đóng góp hữu hiệu của rất nhiều cá nhân, mà
tôi không thể nào nêu hết tên ở đây, như nhà văn Nguyễn Tường Thuỵ, nhà
báo Nguyễn Đình Ấm, nhà văn Nguyễn Quang Lập, thạc sỹ Đào Tiến Thi, TS
Nguyễn Xuân Diện, GS Chu Hảo, nhà báo Lê Diễn Đức (Mỹ), phóng viên Gia
Minh (Mỹ), phóng viên Nguyễn Trung (Mỹ), nhà báo Trà My (Mỹ), phóng viên
Thanh Phương (Pháp), phóng viên Nguyễn Khắc Long (Mỹ), đạo diễn Song
Chi (Na Uy), học giả Đỗ Thông Minh (Nhật Bản), cô Nguyễn Ngọc Nhi
(Australia), v.v.
Tôi
xin ghi nhận tấm lòng vô cùng đáng quý của anh Hoàng Văn Trung, Giám
đốc Công ty HVT, nơi tôi đã làm việc suốt 9 tháng qua. Để đảm bảo cho
tôi một chỗ dung thân và mưu sinh trong bước đường đấu tranh đòi công
lý, anh đã phải chịu đựng không ít áp lực cũng như nhiều hình thức đe
doạ khác nhau.
Tôi
cũng không thể nào quên lãnh đạo và CBCNV của Trung tâm Bảo trợ Xã hội
II – Hà Nội, những người đã chia sẻ với tình cảnh của tôi và dành cho
tôi sự quan tâm chu đáo, bất kể điều đó là do áp lực của công luận hay
tự trong thâm tâm họ khi họ hiểu được nghịch cảnh của tôi.
Cuối
cùng, song không kém phần quan trọng, chính là sự đóng góp thầm lặng
với sức lan toả cực lớn của vô số người qua những bình luận trên
Facebook, dưới các bài viết trên các trang mạng, hay qua những hình thức
chia sẻ thông tin và biểu đạt chính kiến khác về vụ bắt giữ tôi.
Khép
lại loạt bài về quãng thời gian 12 ngày trong "thế giới tâm thần" này,
tôi muốn khẳng định một lần nữa với quý vị rằng: Tôi vẫn sẽ tiếp tục con
đường đấu tranh đòi công lý của mình, bất chấp mọi hậu quả có thể xẩy
ra với bản thân và gia đình.[iii] Đó
vừa là lương tâm của một con người, vừa là trách nhiệm của một công dân
trước Tổ quốc, nhất là khi mà giờ đây tôi không còn đơn độc như suốt
gần 5 năm qua nữa./.
nguồn Blog Lê Anh Hùng