Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

Lo cho cụ Tổng nghẹn ngào lần nữa…



TBT phát biểu bên cạnh gạo cứu đói Cuba
Sáng nay, tôi đọc tờ Jakarta Post thấy hai tin đáng lưu ý. Bà Bộ trưởng Thương mại Indonesia đang tranh cử chức Giám đốc WTO, thay ông Pascal Lamy sắp về vườn. Nếu bà trúng thì đây là lần đầu tiên có một phụ nữ giữ trọng trách này.
Ngay tại World Bank, bà cựu Bộ trưởng Tài chính Indonesia đang giữ chức Giám đốc Điều hành tại Washington DC, một chức danh cao ngất ngưởng tại tổ chức tài chính lớn nhất thế giới.
Cạnh đó có tin, bà Park Geun-Hye vừa tuyên thệ nhậm chức tổng thống Nam Triều tiên, một người phụ nữ lần đầu giữ chức này ở một quốc gia có nền phong kiến, trọng nam khinh nữ lâu đời. Bà ngang nhiên thách thức Bắc Triều Tiên hãy ngừng ngay phát triển vũ khí hạt nhân.

Ở hai quốc gia có nền dân chủ, đa đảng, đa nguyên và báo chí tự do đang trăn trở đi lên. Việc những phụ nữ này tham gia vào chính trường thế giới, chứng tỏ thương hiệu của đất nước trong hội nhập.
Ghé sang tin quê nhà đọc, bỗng muốn viết vài dòng.
Chỉ đạo lấy ý kiến cho dự thảo Hiến pháp tại Vĩnh Phúc, TBT Nguyễn Phú Trọng nói: “… Vừa rồi đã có các luồng ý kiến cũng có thể quy vào được là suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, … Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không? Người ta đang có những quan điểm như thế, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa! … Tham gia khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể … thì đó là cái gì?
Ở cương vị của mình, Tổng BT có lý khi qui kết như vậy. Tuy thế, những người đưa lên ý kiến trái chiều với TBT chưa chắc đã suy thoái. Nhiều trí thức thực sự lo quốc gia sẽ đi về đâu, sức mạnh của đất nước thế nào khi hội nhập. Bởi định chế chính trị liên quan đến sự phát triển.
Theo một nghĩa nào đó, nếu “thoái hóa” về chính trị mà có lợi cho phát triển thì vẫn hơn là trung thành với tư tưởng để rồi đất nước chẳng biết đi về đâu.
Trong lịch sử, bí thư Kim Ngọc bị buộc tội thoái hóa biến chất, văn nghệ sỹ trong vụ Nhân văn Giai phẩm cũng vậy. Và gần đây thôi, vụ Bauxit Tây Nguyên, những ai chống lại dự án bị coi là chống đảng, chống nhà nước. Kể ra còn nhiều vụ khác vì trí thức và dân không có không gian dân chủ để lên tiếng, và kết quả ai đã sai như thế nào, có lẽ không cần nhắc lại.
Trong thời gian tại vị, TBT đã đi thăm một số nước rồi, từ dân chủ đến độc đảng và TBT có dịp so sánh.
Vừa rồi TBT thăm nước Anh, cội nguồn đối lập, đa đảng của cả thế giới. Lẽ ra cụ nên ra dự một lần họp Quốc hội nước Anh, xem đối lập cãi nhau ra sao, thì cụ Tổng lại lăn ra ồm, tiếc thế. Cụ thừa biết, nước Anh chỉ hơn 60 triệu dân nhưng chẳng ai dám coi nước Anh là yếu.
Cụ Tổng định đến Brazil, nơi đó có Tam quyền phân lập, có đa đảng, không đưa đảng vào hiến pháp. Nhưng rồi TBT chả đến được vì bận…đột xuất.
Năm ngoái đến Cu Ba, một nơi không có tam quyền phân lập, không đa nguyên, đa đảng, sau hơn nửa thế kỷ kiên định XHCN, quốc đảo này vẫn cần 5000 tấn gạo chống đói do chính TBT gửi tặng và ngồi giữa nắng hè để nghe thuyết giáo về chủ nghĩa Mác Lê.
Những nước có thể chế dân chủ mạnh như thế nào thì rõ rồi. Dù có nước đang đi theo dân chủ nhưng chưa mạnh. Nhưng chắc chắn quốc gia phi dân chủ thì không thể mạnh được.
Liên Xô và khối XHCN từng mạnh nhưng rồi sụp đổ vì hệ thống chính trị đầy lỗi. Hôm nay Trung Quốc đứng thứ 2 trên thế giới về tiền bạc nhưng không có gì đảm bảo cho sự bền vững nếu họ tiếp tục dùng quân đội và an ninh làm công cụ bảo vệ chế độ. Bài học Liên Xô đã quá rõ.

Dân chủ đưa bà Park Geun-hye lên Tổng thống.
Tam quyền phân lập, tự do báo chí, khiếu kiện, biểu tình… đó là biểu hiện của một xã hội dân chủ, giúp cho pháp luật công minh khi xử lý những vấn đề nhức nhối như tham nhũng, lạm quyền, trộm cắp ở tầng cao.
Tất cả đều phải dựa trên nền tảng của pháp luật, không thể dựa trên tình đồng chí anh em, chín bỏ làm mười, để rồi một hôm nào đó cả nước biết là có con sâu mà chịu không bắt được.
Thể chế dân chủ giúp cho lãnh đạo quốc gia không phải mếu máo trước ống kính truyền hình trực tiếp cho hàng tỷ người trên hành tinh xem, chỉ vì ông ta thấy bế tắc trước nền pháp luật chồng chéo do chính mình tạo ra.
Một dân tộc có lịch sử mấy ngàn năm, chẳng sợ kẻ thù nào… nếu chưa thể sánh vai với Indonesia hay Nam Triều Tiên với những phụ nữ đang lãnh đạo thế giới, thì cũng không muốn nhìn thấy một vị TBT bỏ chuyến thăm giữa chừng, cáo ốm hay nghẹn ngào trên tivi.
HM. 25-02-2013

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"