Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Nhà báo Nguyễn Đắc Kiên bị sa thải?!

Nguyễn Ngọc Già

Trang Dân Luận cho hay [1]:
CẬP NHẬT: Chỉ một ngày sau khi nhà báo Nguyễn Đắc Kiên tuyên bố ủng hộ Đa Nguyên, Đa Đảng, báo Gia Đình và Xã Hội thông báo đuổi việc anh:
Đề nghị bà con giúp đỡ anh Nguyễn Đắc Kiên, đừng để một phóng viên dũng cảm chịu thiệt thòi vì nói ra những gì mà chúng ta đều muốn nói!
Anh Nguyễn Đắc Kiên không còn tư cách là phóng viên Báo Gia đình & Xã hội
Báo Gia đình & Xã hội xin thông báo, do anh Nguyễn Đắc Kiên (nguyên phóng viên) vi phạm Quy chế hoạt động của Báo và Hợp đồng lao động nên Hội đồng Kỷ luật của Báo Gia đình & Xã hội đã họp và ra Quyết định kỷ luật, buộc thôi việc đối với anh Nguyễn Đắc Kiên.
Hiện nay anh Nguyễn Đắc Kiên không còn tư cách là phóng viên Báo Gia đình & Xã hội và tự chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật với các phát ngôn, hành vi của mình. Các đơn vị, cá nhân lưu ý khi liên hệ công việc, đề nghị liên hệ thẳng với Tòa soạn, không qua anh Nguyễn Đắc Kiên.
GĐ&XH Ngày 26/2/2013

Điều này có nghĩa chỉ một ngày sau khi bài viết "Vài lời với TBT ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng" ra đời, báo GĐ & XH đã đuổi việc nhà báo Nguyễn Đắc Kiên với lý do không rõ ràng.
Điều phải nhấn mạnh: bài viết này được đăng tải trên trang blog bằng tư cách cá nhân của ông Nguyễn Đắc Kiên[2], không phải bài viết của nhà báo Nguyễn Đắc Kiên đăng tải trên bất kỳ trang báo nào được phép hoạt động chính thức tại toàn cõi Việt Nam hiện nay.
Trước đây, Thứ trưởng Bộ TT - TT Đỗ Quý Doãn cũng từng phát biểu:
"Không nên thấy khó quản lý mà cấm blog phát triển!" [3]
Tính cho đến nay, chưa có bất kỳ một quy chế nào điều chỉnh hoạt động viết blog cá nhân tại Việt Nam. Bên cạnh đó, ngay giới cầm quyền VN cũng tỏ ra lúng túng và bối rối trong việc quản lý lĩnh vực này [4].
Việc ra thông báo vội vã của tòa soạn báo Gia đình & Xã hội, đứng đầu là Tổng biên tập Lê Cảnh Nhạc, cho thấy đủ những điều kiện để ông Nguyễn Đắc Kiên khởi kiện ra tòa.
Căn cứ theo Luật lao động:
Chương VIII - Kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất
Điều 84
1- Người vi phạm kỷ luật lao động, tuỳ theo mức độ phạm lỗi, bị xử lý theo một trong những hình thức sau đây:
a) Khiển trách;
b) Chuyển làm công việc khác có mức lương thấp hơn trong thời hạn tối đa là sáu tháng;
c) Sa thải.
Khi nào hình thức kỷ luật "sa thải" được thực hiện?
Điều 85
1- Hình thức xử lý kỷ luật sa thải chỉ được áp dụng trong những trường hợp sau đây:
a) Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, tiết lộ bí mật công nghệ, kinh doanh hoặc có hành vi khác gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của doanh nghiệp;
b) Người lao động bị xử lý kỷ luật chuyển làm công việc khác mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật;
c) Người lao động tự ý bỏ việc bảy ngày trong một tháng hoặc 20 ngày trong một năm mà không có lý do chính đáng.
Căn cứ theo điều 85 Bộ luật lao động hiện hành, không cho thấy ông Nguyễn Đắc Kiên vi phạm vào một trong 3 khoản a,b,c. Bởi theo thông báo vội vã, tòa soạn Báo Gia đình & Xã hội cho biết ông Kiên bị đuổi việc vì 2 lý do:
1/ Vi phạm Quy chế hoạt động của Báo,
2/ và (vi phạm) Hợp đồng lao động.
Ở đây, cần phải xác định: quy chế hoạt động của riêng bất kỳ trang báo nào cũng không được phép trái với Bộ Luật lao động và Bộ Luật báo chí (dành riêng cho những ai hoạt động trong lĩnh vực báo chí).
Do đó, khi căn cứ theo Luật báo chí, bài viết của ông Nguyễn Đắc Kiên hoàn toàn nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Bộ Luật này, bởi bài viết của ông Kiên được đăng với tư cách Blogger, không phải đăng với tư cách nhà báo!!!
Mặt khác, căn cứ theo Luật lao động:
Điều 87
1- Khi tiến hành việc xử lý vi phạm kỷ luật lao động, người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động.
2- Người lao động có quyền tự bào chữa hoặc nhờ luật sư, bào chữa viên nhân dân hoặc người khác bào chữa.
3- Khi xem xét xử lý kỷ luật lao động phải có mặt đương sự và phải có sự tham gia của đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp.
4- Việc xem xét xử lý kỷ luật lao động phải được ghi thành biên bản.
Với chi tiết của điều 87, không thể nào chỉ trong một vài tiếng đồng hồ có thể ngã ngũ mọi vấn đề, dù cho ông Nguyễn Đắc Kiên có vi phạm gì đi chăng nữa.
Ngoài ra, tại:
Điều 92
1- Người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp, nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh, sau khi tham khảo ý kiến của Ban chấp hành công đoàn cơ sở.
2- Thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt cũng không được quá ba tháng. Trong thời gian đó, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.
Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người lao động phải được tiếp tục làm việc.
3- Nếu có lỗi mà bị xử lý kỷ luật lao động, người lao động cũng không phải trả lại số tiền đã tạm ứng.
4- Nếu người lao động không có lỗi thì người sử dụng lao động phải trả đủ tiền lương và phụ cấp lương trong thời gian tạm đình chỉ công việc.
Do đó, giả sử ông Nguyễn Đắc Kiên có vi phạm bất cứ việc gì, thì tòa soạn báo GĐ & XH phải tuân thủ điều 92 trước khi ra quyết định sa thải.
Vì vậy, đây là hành vi chấm dứt hợp đồng lao động đơn phương trái pháp luật từ phía Tòa soạn báo Gia đình & Xã Hội.
Ông Nguyễn Đắc Kiên với tư cách nhà báo đang hoạt động hợp pháp có quyền đặt vấn đề khởi kiện chính thức ông Lê Cảnh Nhạc với tư cách Tổng biên tập - người đã ký vào hợp đồng lao động trong tư cách bên A. Tuy nhiên, trước khi khởi kiện, Nhà báo Nguyễn Đắc Kiên cũng nên đối thoại và thương thảo với tòa soạn để tìm ra giải pháp hợp lý nhất cho đôi bên.
Riêng tòa soạn báo Gia đình & Xã hội, đứng đầu là ông Lê Cảnh Nhạc, nếu vì lý do khó nói nào đó, lẽ ra nên gặp trước ông Kiên để trao đổi trực tiếp để giải tỏa nỗi sợ hãi vu vơ không đáng có.
Trong trường hợp, vì lý do bài viết liên quan đến phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng là nguyên nhân chính để báo Gia đình & Xã hội buộc phải sa thải ông Nguyễn Đắc Kiên, thì phải ghi rõ tất cả vào biên bản cũng như chứng minh tất cả nguyên nhân từ bài viết "Vài lời với TBT ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng" đã hội đủ các yếu tố của khoản a điều 84 Luật Lao động để sa thải:
Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, tiết lộ bí mật công nghệ, kinh doanh hoặc có hành vi khác gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của doanh nghiệp;
Nguyễn Ngọc Già
________________

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"