Tưởng Năng Tiến
“Bauxite Tây Nguyên hoàn toàn có thể là điểm khởi đầu cho
một sự tan rã, không chỉ ở mức thể chế chính trị mà ở tầm quốc gia – dân
tộc.” (La Thành – “Bauxite Tây Nguyên: Phép thử phản xạ tự vê của quốc gia Việt“, 2009)
Giới sĩ phu Bắc Hà (lắm người) có tính rất hài, nghĩa là thích “giễu” – nếu nói theo ngôn ngữ của dân chúng miền Nam. Bữa rồi, có vị
vỗ vai tôi bỏ nhỏ: “Đảng Cộng sản Việt Nam như người đi đường không
biết dùng bản đồ. Thỉnh thoảng lại sa xuống hố. Lóp ngóp bò lên được thì
hô vang thắng lợi. Cứ thế, Ðảng ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi
khác.”
Thắng lợi kế tiếp, sau khi Đảng lóp ngóp bò được lên khỏi cái hố
(bauxite) hiện nay, là chuyện của tương lai – và chắc là “tương lai” hơi
xa – nên xin để hạ hồi phân giải. Ngay bây giờ, câu hỏi đang được nhiều
người đặt ra là tại sao lại ra đến nông nỗi khốn khổ khốn nạn này?
Theo quí vị trưởng thượng của trang Bauxite Việt Nam thì đây chả qua là “hệ lụy của một dự án thiếu tầm nhìn và không tỉnh táo… nên đã… đâm quàng vào bụi.” Những blogger thuộc thế hệ trẻ thì đặt vấn đề một cách quyết liệt và dữ dằn hơn, thấy rõ:
Sáu Vinh: Đó
là hậu quả tất yếu của sự kiêu ngạo và bỏ ngoài tai mọi lời góp ý, mọi
sự đóng góp của nhân dân, mọi quyền lợi của người dân trên đất nước này.
Khi giành được quyền lực vào tay mình, những người cộng sản đã nghiễm
nhiên coi chỉ có mình là người chủ đất nước và mọi tiếng nói phản biện
của người dân đều bị coi khinh, thậm chí được xếp vào “thế lực thù
địch…”
Mẹ Nấm: Vấn đề đặt ra ở đây là ai sẽ chịu trách nhiệm cho tất cả những việc trên?
Osin: Tôi
nghĩ, nay là thời điểm chín muồi để các bác “Bauxite Việt Nam” thu thập
chữ ký mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ chức, đề nghị thả tự do cho
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ…
Bọ Lập: Bây
giờ đã trắng mắt ra chưa? Câu hỏi đặt ra là: Ai chịu trách nhiệm về dự
án này? Tập đoàn than – khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) thì rõ rồi. Thế
còn Chính phủ thì sao? Quốc hội thì sao? Ai đỡ đầu cho dự án này đều
phải chịu trách nhiệm, trước hết người đứng đầu Chính phủ đó là Thủ
tướng.
Miệng người sang (mới) có gang có thép. Còn đám thường dân cỡ như J.B
Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trương Huy San, Nguyễn Quang
Lập… e không đủ sang trọng để có thể đưa ra những lời kết án hùng hồn và
đanh thép như thế đối với Đảng (nói chung) và ông Thủ tướng (nói
riêng). Noble cỡ luật sư Cù Huy Hà Vũ mà đụng tới thằng chả còn đi tù thấy mẹ luôn, chớ đâu phải chuyện giỡn – mấy cha?
Để cho nó an toàn – theo tôi – trách nhiệm nên đổ vào, và đổ xuống,
những kẻ thấp bé hơn (đại loại như đám nhà văn, nhà báo, ký giả, hay còn
gọi là kỹ giả) cỡ như ông Nguyễn Hữu Nhàn là vừa. Bằng chứng lại có sẵn hẳn hòi.
Rành rành là vào ngày 1 tháng 9 năm 2010, trên tạp chí Hồn Việt có bài phóng sự (Bô-xít Tây Nguyên, Thấy gì ghi nấy)
của tác giả này. Xin ghi lại vài ý chính, coi chơi, trước khi nó rất có
thể bị ông Tổng biên tập (GS-TS Mai Quốc Liên) gỡ xuống vì thấy ngượng:
Đầu hè, Hà Nội, Huế, Sài Gòn đang nóng như lò lửa, nhưng ở Đắk
Nông nắng vẫn dịu mát trải vàng trên miền đất đỏ bazan. Nguyễn Văn Hiếu –
Chánh văn phòng Công ty cổ phần Alumin Nhân Cơ – TKV ra giữa sân nắng
vẫy tay ra hiệu cho ô-tô chạy vào sát cửa hội trường. Chúng tôi đứng chờ
ngoài cửa cho năm ba cán bộ kỹ sư người Trung Quốc thu dọn máy tính,
thiết kế, bản đồ… sang làm việc tạm phía nhà ăn để nhường hội trường cho
Công ty tiếp khách…
Tôi thoáng thấy quanh tường hội trường treo kín ảnh, khách đến
Công ty. Thấy có Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Quốc
phòng và nhiều Ủy viên Bộ Chính trị khác. ..
Hiếu bấm máy điện thoại di động mời các cán bộ phụ trách về kỹ
thuật, đào tạo, đền bù và quản đốc công trường địa chất của công ty đến
làm việc với chúng tôi. Các nhà văn gặp từng người hỏi và ghi chép không
ngừng…
Hiếu vừa chỉ lên bản đồ vừa giải thích cho chúng tôi biết: Tỉnh
Đắk Nông có trữ lượng quặng bô-xít nhiều nhất cả nước. Mà Việt Nam lại
có trữ lượng bô-xít lớn thứ 3 trên thế giới sau Guinea và Australia. Dự
kiến tỉnh Đắk Nông sẽ xây bốn nhà máy sản xuất Alumin. Còn từ Alumin sản
xuất ra nhôm kim loại còn phải qua công đoạn điện phân tốn rất nhiều
điện phải chờ có nhà máy thủy điện Đồng Nai V, chuyên phục vụ cho sản
xuất nhôm. Ta không có chủ trương xuất khẩu quặng bô-xít. Alumin không
phải là sản phẩm thô, có giá trị thương mại cao nhưng biến nó thành nhôm
kim loại thì mới thật sự có hiệu quả kinh tế.
Các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt tỉnh Đắk Nông đang trông chờ vào
các dự án khai thác bô-xít, sản xuất Alumin, nhôm để biến vùng đất nghèo
thành giàu có.
Nguyễn Văn Hiếu, người miền Bắc học xong Cao đẳng Bản đồ liền vào
đây thăm dò quặng bô-xít cùng với các chuyên gia Hunggari từ 1981. Hiếu
nói:
- Các anh tìm hiểu thực tế sẽ rõ, dư luận cán bộ và người dân Đắk Nông rất ủng hộ dự án bô-xít, khác hẳn với dư luận ở các nơi….
Chúng tôi vào gia đình già làng của bon Bu Dấp. Đó là già làng
Điểu Sơn, 82 tuổi. Hỏi về cảm tưởng của người dân với việc xây dựng nhà
máy Alumin ở đây, già làng cười nói:
- Dân mình thích lắm, nhiều nhà giàu lên, có nhà tầng, có xe máy
vì được đền bù đấy. Xưa kia cứ ông trời làm mưa là có cá về Bầu Ếch. Tát
cá Bầu Ếch, cả bon lại chia đều mỗi nhà một phần cá, nay nhà máy lấy
mất Bầu Ếch đền bù chia nhau mỗi nhà một triệu, hơi thiệt đấy nhưng nhà
máy về dân mình mới có cái đường cái điện về bon chứ…
Do được hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp mà từ hôm đến Đắk
Nông, hỏi bất cứ người dân nào người ta đều ủng hộ các dự án về bô-xít,
chắc chắn nó sẽ làm thay đổi hẳn bộ mặt tỉnh Đắk Nông trong tương lai.
Từ nhà già làng Điểu Sơn, chúng tôi sang nhà ông Điểu Lônh (Lôi).
Nhờ có tiền đền bù đất mấy trăm triệu, ông xây cho con gái, con rể ngôi
nhà khang trang lát gạch men bóng lộn, xa lông, tủ chè, ti-vi, quạt
điện… làm chúng tôi ngỡ mình đang ngồi ở thành phố chứ không phải là một
bon hẻo lánh của người H’Mông.
Nhờ dự án khai thác bô-xít mà bon Bu Dấp và cả xã Nhân Cơ đang
từng ngày thay da đổi thịt để trở thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và
đô thị hóa.
Nhà văn Lã Thanh Tùng
Miệng lưỡi của Nguyễn Hữu Nhàn, xem chừng, cũng ngọt. Tuy thế, nhân
vật này ấy chưa “đĩ miệng” bằng ông bạn đồng nghiệp Lã Thanh Tùng. Trong
một bài viết trước đó (“Bô-xít và những điều khác”, Văn nghệ số 44, phát hành ngày 31 tháng 10 năm 2009) vị văn sĩ này tỏ ra hùng biện và hùng hổ hơn nhiều:
Chuyến đi “bauxit” của chúng tôi diễn ra trong những ngày siêu
bão Ketsana hoành hành dữ dội khắp vùng Tây Nguyên, Trung Bộ. Bão là sự
trở chứng của thời tiết, tàn phá mọi thứ dám cản đường nó. Nhưng trong
tâm trí chúng tôi dường như còn có cơn bão khác “hiểm” hơn, cơn bão của
những luồng thông tin và nhận thức trái chiều, xoay quanh một chủ trương
tưởng như rất bình thường của cuộc sống.
Trước khi đi, tôi đã kịp tìm hiểu một số nguồn tài liệu để có
những kiến thức đầu tiên. Nhưng những gì tôi đọc được, nghe và chiêm
ngưỡng, rõ ràng là một mớ bùng nhùng. Cụ thể, có thể phân làm hai loại:
- Phái chủ động, chưa kể Bộ Chính trị và Chính phủ, thì bao gồm
luôn Bộ Công thương, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), Lãnh đạo
các địa phương có bauxit, và một số nhà khoa học nhiều kinh nghiệm trong
lĩnh vực nhôm, khoáng sản. Ý kiến của họ khá giản dị: Chúng ta có tài
nguyên, Tây Nguyên lại đang nghèo. Vậy làm sao để khai thác tốt, đánh
thức những tiềm năng to lớn, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa,
hiện đại hóa của đất nước.
- Phái phản biện, khá đông, bao gồm nhiều nhân sĩ trí thức, đặc
biệt là giới trí thức Việt kiều, những người tự nhận là tỉnh táo, độc
lập tư duy, chống tham nhũng, chống độc quyền, độc đoán trong xã hội.
Căn cứ để họ phản biện thường là: Tây Nguyên là địa bàn chiến lược, các
dự án có người nước ngoài vào sẽ ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc phòng.
Tây Nguyên là mái nhà Đông Dương, tập trung rừng đầu nguồn của nhiều
dòng sông, bùn đỏ sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng. Tây Nguyên đang thanh
bình, các dự án hiệu quả chưa thấy đâu, nhưng rất dễ phá vỡ cảnh quan,
mất bản sắc văn hóa các dân tộc, bần cùng hóa người bản địa…
Việc đầu tiên chúng tôi quan tâm, đi đâu cũng hỏi, là trữ lượng
bauxit của nước ta hiện nay. Theo Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Alumine
Nhân Cơ Nguyễn Phú Dương thì tuy hàm lượng quặng bauxit của chúng ta chỉ
ở mức khá, chứ chưa phải tốt nhất, nhưng trữ lượng thì Việt Nam đứng
hàng thứ ba thế giới, chỉ sau Ghinê và Úc.
Khắp Tây Nguyên gần như chỗ nào cũng có bauxit, nhưng nhiều nhất
tập trung ở Lâm Đồng và Đắc Nông, trong đó riêng Đắc Nông chiếm đến 70%
trữ lượng toàn quốc. Mạch bauxit vùng Đắc Nông còn lan cả sang
Cămpuchia, mở ra triển vọng hợp tác quốc tế sau này…
Về hiệu quả, theo đánh giá của các chuyên gia, với mức giá năm
2005 là thời điểm thiết kế, thì sau khi trừ mọi chi phí, đóng góp các
loại thuế, mỗi năm một dự án như Tân Rai cũng sẽ lãi khoảng 50 triệu
USD, tức chỉ khoảng 13 năm sau sẽ hoàn đủ vốn…
Bauxit của chúng ta khai thác dễ đến nỗi, chỉ cần gạt lớp đất mặt
đi (khoảng 0,9 mét) là đến ngay vỉa quặng dày đến 4 mét. Theo các
chuyên gia, trữ lượng bauxit của Việt Nam có thể khai thác hàng trăm
năm, đem lại lợi nhuận hàng chục tỷ USD…
Thiệt là quá đã, và… quá đáng. Từ cái hố bauxite nhầy nhụa bùn đỏ mà đám nhà báo, nhà văn (và “những nhà khoa học nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nhôm, khoáng sản”) vẫn nhìn ra một khoảng trời xanh bao la (cùng rất nhiều dollar) như vậy thì trách chi cái ông Thủ tướng, một kẻ thất phu.
Ảnh: Nhà văn Lã Thanh Tùng. Nguồn: vanvn.net
© 2013 Tưởng Năng Tiến pro&contra