Đoan Trang
Ngày 23/2/2013, một nhóm gồm 9 sinh viên và cựu sinh viên luật ở
Hà Nội (*) đã công bố một bản kiến nghị độc lập về việc sửa đổi Hiến
pháp, trong đó yêu cầu bãi bỏ thời hạn góp ý và kêu gọi tổ chức để nhân
dân thực hiện quyền phúc quyết.
Cùng với bản kiến nghị, nhóm sinh viên và cựu sinh viên này cũng gửi
một lá thư ngỏ, đề ngày 21/2, tới “toàn thể nhân dân Việt Nam với tư
cách là những người nắm giữ quyền lập hiến”, đăng tải trên trang web
kiennghi.hienphap.net.
Bản kiến nghị hiến pháp của các sinh viên và cựu sinh viên luật có hai điểm chính sau đây:
1. Kiến nghị bãi bỏ thời hạn góp ý sửa đổi Hiến pháp.
2. Kiến nghị ghi nhận và tổ chức để nhân dân thực hiện quyền phúc quyết Hiến pháp.
2. Kiến nghị ghi nhận và tổ chức để nhân dân thực hiện quyền phúc quyết Hiến pháp.
Thiết nghĩ, để nhân dân thực hiện quyền phúc quyết và bãi bỏ thời hạn
góp ý sửa đổi Hiến pháp, như bản kiến nghị đã nêu, thực sự là “việc
đúng nên làm”, đặc biệt là trong thời điểm hiện nay, khi chỉ còn một
tháng nữa là công cuộc “lấy ý kiến nhân dân” sẽ bị khép lại.
Hiến pháp là đạo luật nguồn của các đạo luật, là nền tảng pháp
lý-chính trị-tổ chức nhà nước của một quốc gia, là thứ cho thấy tầm
nhìn, tầm nhận thức, tư duy của cả một dân tộc. Nó không phải thứ nghị
quyết của Đảng, để Đảng thích thì đem ra sửa, thích thì áp đặt thời hạn
sửa vẻn vẹn ba tháng (trong đó đã có một tháng dành cho việc đón Tết và
nghỉ Tết), thích thì áp đặt một bản hiến pháp thứ năm nào đấy, nói rằng
đấy là hiến pháp “của dân, do dân, vì dân”.
Và một hoạt động quan trọng trong những cái “thích thì làm” này của
Đảng và Nhà nước, sẽ là việc chỉ đạo các báo đồng loạt đưa tin, đại ý:
“Toàn dân phấn khởi tham gia đóng góp ý kiến sửa đổi hiến pháp”, “Tại
nhiều địa phương, tỷ lệ người dân hưởng ứng hiến pháp 2013 lên tới 95%,
có nơi 98%”.
Nếu Đảng Cộng sản Việt Nam làm như vậy thật, tức là họ lố bịch hoá
hiến pháp – đạo luật thiêng liêng của dân tộc. Đừng quên một khả năng mà
bản kiến nghị của giới sinh viên luật này đặt ra, đó là hiến pháp hoàn
toàn có thể mất đi ý nghĩa vốn có “và sẽ không được nhân dân cũng như
cộng đồng quốc tế ghi nhận”. (Ý kiến cá nhân: Ở đây, dùng từ “thừa nhận”
thì đúng hơn là từ “ghi nhận”).
Cuối cùng, với tư cách cựu sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội,
mình rất mong sinh viên các trường khối kinh tế cũng có những hành động
“nhập cuộc” tương tự như ngành luật, trong các vấn đề chính trị-xã hội
của đất nước, từ nay về sau.
Luôn ủng hộ các bạn!
* * *
(*) Nhóm khởi xướng gồm: Trần Ngọc Cảnh, Trịnh Hữu Long, Trần Duy
Bình, Hoàng Duy Tiến, Nguyễn Hùng Cường, Trần Long, Phạm Công Trình,
Trương Thị Thu Hà, Nguyễn Như Chính.