Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

Không cứu nổi "căn hộ"! (kết)

Nguyễn Ngọc Già
photo_3.jpg
Khu dân cư Him Lam mới tinh tươm, với hàng trăm nhà phố 1 trệt, 3 lầu, trống vắng. Chưa bao giờ có kiểu quảng cáo như "bán rau" thế này. Tình hình bi đát lắm rồi! Ảnh chụp ngày 16/2/2013.
BÀI 3: CĂN HỘ Ở VIỆT NAM - NƠI CẦN CÓ TÌNH YÊU VÀ GIÁO DỤC
Trong bài 1, tôi "long trọng giới thiệu" khu chung cư "Miếu Nổi", nếu bạn chưa lạnh sống lưng với "hồn ma bóng quế" chập chờn trong... "miếu" thì bạn có quyền nghĩ đến "con quỷ một giò" trong huyền thoại "cây da sà" mà một khu chung cư [1] tại Quận 6 Tp.HCM lấy nó để đặt tên :).
Ngoài ra, tôi không chịu trách nhiệm, nếu bạn giật mình đến... té ghế khi tôi giới thiệu khu villa có cái tên nghe thật... "êm đềm" - "khu biệt thự Trảng Bom" [2]! Nào đã hết, nếu không thích biệt thự, bạn có thể đến "Khu dân cư Trảng Bom - nơi ươm mầm hạnh phúc" [3] mà... ở (!). Không biết những nhà đầu tư thứ cấp hay người dân mua khu biệt thự, khu dân cư này có giật nảy mình không nhỉ? Ở đâu không ở, nhè... trảng bom mà... ở! cũng chẳng biết ở "Trảng Bom" thì ươm "hạt" gì để ra... "mầm hạnh phúc"?!:)

Nếu bạn từ chối những cái tên rùng rợn quá cỡ thợ mộc như thế, thì bạn có quyền dạo chợ BĐS, sẽ thấy những cái tên "thơ mộng" hơn: chung cư Kênh Nước Đen, Vành Đai (có hẳn vành đai I, vành đai II, vành đai III), chung cư HAGL - Bàu Thạc Gián [4] (Đà Nẵng). Bạn chán ở nhà gạch ư? Bạn có quyền chọn nhà... đá (chung cư Thạch Thất). Bạn không khoái ngủ trên giường, bạn có thể chọn chung cư Vũng Thùng [5] (cũng ở Đà Nẵng) :). Bạn thấy tôi cau có với mấy cái tên "ô kìa đời bỗng dưng vui"... quá, bạn có thể chọn những cái tên cũng "ngộ" lắm: chung cư D5, chung cư E2, chung cư F1, chung cư 35 v.v... đầy dãy. Lại không thiếu "mùi bạo lực" trong cách đặt tên cho khu chung cư: Xô Viết Nghệ Tĩnh" [6], "Cách Mạng Tháng Tám" [7], còn nếu bạn chán khu nhà cũ rồi thì bạn có thể đến "Đồng Khởi" [8] :)
Thử hỏi nên cười hay mếu tiếp tục đây?!
Quả thật, nhiều nhà đầu tư, kể cả giới cầm quyền tại các địa phương quá xem thường khi đặt tên cho dự án của họ! Chuyện nhỏ mà chẳng nhỏ tí nào! Có khi nào bạn hãnh diện để khoe với bạn bè rằng: "Tôi đang ở chung cư Cây Da Sà hay chung cư Vũng Thùng", dù chưa biết chất lượng ra sao???
Chỉ có ngày xưa, "ba má tụi mình" vì tiểu nông lạc hậu, sợ "tụi mình" khó nuôi nên mới đặt cho "tụi mình" là: Cu Cồ, Cu Mọi, hay Cái Hĩm, Con Tủn v.v... chứ nhỉ?! Ngày nay có cha mẹ nào muốn đặt cái tên xấu xí cho con mình?!
Khoan bàn về chất lượng, sự nâng niu, trìu mến khu căn hộ, làng biệt thự mà họ làm ra! Chỉ nhìn vào chi tiết những cái tên ghê rợn, buồn cười, khô khan và... ngu ngốc, lố lăng này để càng khẳng định, các chủ đầu tư vừa thể hiện đầu óc tiểu nông đặc quánh... "đậu phọng hậu", vừa không hề có chút tình yêu nào đối với sản phẩm của họ!
Bạn hãy chỉ cho tôi xem, bất kỳ một sản phẩm nào - từ tô phở gia truyền cho đến một mẫu thời trang, từ một tiểu thuyết cho đến một chiếc smartphone, từ một chiếc xe gắn máy cho đến một mẫu siêu xe sang trọng v.v... - mà sản phẩm đó, người làm ra thiếu tình yêu đặt vào nó?!
Yêu sản phẩm của mình qua cách đặt tên thương hiệu, không những thể hiện lòng tự trọng và yêu quý chính bản thân mình đã tạo ra sản phẩm mà còn tạo hiệu ứng lạc quan, thẩm mỹ, nhân văn đối với người tiêu dùng, buộc họ tò mò và quan tâm tìm hiểu chi tiết trước khi dự định mua.
Nếu có dịp, bạn hỏi thử anh Trần Huỳnh Duy Thức (về Công Ty Một Kết Nối), anh Lê Thăng Long (về Công ty cổ phần và phát triển đầu tư công nghệ Innotech), xem thử họ yêu sản phẩm như thế nào? Tôi tin, anh Thức, anh Long yêu vợ con cỡ nào thì yêu công ty, yêu sản phẩm của họ cũng như thế!
Hà Dũng với CTCP hàng không "Tăng Tốc" (nhưng không có dấu), làm nhiều người liên tưởng đến vấn đề phá sản đã xảy ra, dường như có mối liên hệ "nhân quả" từ cái tên? Trong kinh doanh, xin đừng quên yếu tố tâm linh (không phải dị đoan) chiếm một phần không nhỏ trong quyết định đặt tên sản phẩm hay công ty. Không phải quảng cáo cho PMH, nhưng chắc bạn biết, ngoài những khu có tên "tây", các khu căn hộ mang tên Việt, nếu không phải là "phú" thì cũng 'mỹ", cũng "hưng".
Không có một sản phẩm nào mà trong đó không có tình yêu của người làm ra, lại có thể bền vững và đưa tên tuổi trở thành thương hiệu uy tín.
Tình yêu bắt đầu từ đôi mắt
Ngày mai bắt đầu từ hôm nay
(Hát về cây lúa hôm nay - Hoàng Vân)
Đối với một sản phẩm giá trị lớn, có khi dùng cả đời như BĐS, quá hiếm để nhìn nhận có vài nhà đầu tư biết đặt tình yêu vào nó qua cái tên, chưa cần hạch hỏi về sự trăn trở trước từng tiểu tiết kỹ thuật; từng mẫu sân vườn độc đáo; từng chỗ phơi phóng (thiết kế sao cho vừa kín đáo vừa thông thoáng); từng mô hình quản lý; từng chính sách hậu mãi sao cho thật văn minh, chu đáo, trước khi đưa "đứa con rứt ruột" ra trước công chúng???
Có bao giờ ai đó tính chuyện "gả chồng" cho đứa con gái với cái tên xấu xí và chỉ chăm chăm phủ lớp áo se sua, son phấn lòe loẹt bên ngoài để lừa bịp chàng trai, rồi đến "đêm tân hôn", toàn bộ cái thân thể "kém chất lượng" không tài nào che giấu được?! Nếu có những bậc "cha mẹ" như thế, thì tôi gọi những nhà đầu tư hiện nay là "bọn trọc phú" thì liệu có oan ức cho họ???
Chỉ có doanh nhân lương thiện mới trao cho bạn một sản phẩm - mà tôi gọi - Tình Yêu Chân Thật. Do đó, khẩu hiệu một thời nhan nhản "khách hàng là thượng đế" mau chóng bị bỏ rơi vì tính đạo đức giả của nó!
Câu tục ngữ "Sống cái nhà, thác cái mồ", một lần nữa, cho thấy chỗ ở đối với người Việt vô cùng quan trọng cho suốt cuộc đời. Không những thế, nếu khái niệm "đứa con tinh thần" hay dùng cho một nhạc phẩm, bộ tiểu thuyết v.v..., thì BĐS nói chung, căn hộ nói riêng còn hơn thế nữa!
Khái niệm "tiền nào của nấy" không còn đúng trong lĩnh vực BĐS ngày nay, khi người dân đối diện với một bầy lưu manh, giả dối, gồm: nhà đầu tư, cánh ngân hàng và giới cầm quyền - bộ ba "tam giác quỷ" [*] - chúng vẫn sừng sững quậy phá, lường gạt người dân, thông qua hàng loạt cái gọi là "giải pháp cứu BĐS".
Hãy nghe đại diện của "ba con quỷ" - Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây Dựng, nói [9]:
...chiến lược nhà ở quốc gia của chúng ta, trong đó phân 8 nhóm đối tượng nhà ở xã hội là chiến lược hoàn chỉnh có tính xã hội và tính nhân văn rất cao.
Một "con quỷ" mà nói về "tính nhân văn", lại còn "rất cao" ???!!!
Giờ đây, bộ "ba con quỷ" đang tìm mọi cách trấn "cái đống" gọi là "căn hộ" cho người nghèo qua tên gọi lừa mị "nhà ở xã hội". Hay nhỉ?! Nhà ở nào không thuộc về xã hội? Hỡi bầy quỷ đỏ kia?
***
"Bốn con rồng Châu Á" (Singapore, Hongkong, Đài Loan, Hàn Quốc) nổi bật vì đã duy trì một tốc độ tăng trưởng cao và công nghiệp hóa nhanh giữa thập niên 1960 và thập niên 1990. Trong thế kỷ 21, các quốc gia và vùng lãnh thổ này đã đạt được tư cách của nước phát triển. Điều đặc biệt thú vị từ 4 vùng đất này mang lại cho tôi chính là "căn hộ", khi tôi may mắn đến 3 trong 4 nơi đó.
Trong khi Hàn Quốc hiện nay có đến 80% dân số coi khái niệm nhà ở đồng nhất với chung cư [10], thì ở Singapore và Hongkong, hai vùng đất bé nhỏ này, những ngày loanh quanh đất nước họ, tôi thấy ngập tràn căn hộ và căn hộ, có lẽ lên đến trên 90% và Đài Loan có thể cũng tương tự như thế.
Từ những vùng miền nghèo nàn, lạc hậu, người dân cũng chịu ảnh hưởng lớn từ nền văn hóa nông nghiệp tựa như Việt Nam, dân sở tại của các quốc gia và vùng lãnh thổ này cũng chẳng ưa chuộng và đầy nghi ngại, khi buộc phải thay đổi chỗ ở từ những năm đầu đất nước họ tiến hành kiến tạo. Với thời gian khoảng ba mươi năm, tại sao họ đã vượt lên nhiều quốc gia lạc hậu khác để hoàn toàn thay đổi suy nghĩ trong phong cách sống bằng căn hộ? Theo tôi, đó chính là yếu tố GIÁO DỤC cộng với xứ sở họ may mắn có được những nhà lãnh đạo thật sự yêu nước thương dân với tầm nhìn xa trông rộng, cùng một hệ thống luật pháp hướng đến lợi ích dân chúng.
"Muốn xây dựng CNXH phải có con người XHCN", câu nói của Hồ Chí Minh, một thời làm "đám sinh viên" dở khóc dở cười bằng những bài phân tích "nghiêm túc" nộp cho giảng viên, không biết có thể cải biên thành: "Muốn xây dựng căn hộ văn hóa phải có văn hóa căn hộ" không nhỉ?! :)
Trong lãnh vực nông nghiệp, chúng ta biết đến phương pháp "rửa mặn" cho đồng ruộng trước một vụ mới [11]. Trong đó, các chuyên gia nông nghiệp thường khuyến khích phương pháp tốt nhất là phương pháp "rửa thấm", tuy nhiên phương pháp này đòi hỏi mất nhiều thời gian cùng lượng nước ngọt đủ lớn.
Lĩnh vực căn hộ cũng vậy, nếu xem văn hóa nông nghiệp lạc hậu là "độ mặn", thì giới cầm quyền "Bốn con rồng châu Á" đã sử dụng "phương pháp rửa thấm" đối với dân chúng, để dần dần thay đổi quan niệm ích kỷ, co cụm cùng cái nhìn đầy nghi ngại cho căn hộ bằng những việc làm thiết thực: chính sách nhà ở nhân văn, luật pháp rõ ràng, các cam kết có hiệu lực chế tài cùng với việc tôn trọng khách hàng v.v.... Có gì không phải trả giá? Trả giá cho thay đổi một nếp nghĩ, nếp sống càng tốn rất nhiều thời gian và kiên trì liên tục. Điều này thì ai cũng hiểu, cái thiếu lớn nhất cho căn hộ Việt Nam có thể thành công như 4 vùng lãnh thổ nói trên: những người lãnh đạo biết yêu và có giáo dục. Bạn có thể trông mong gì từ "bầy sâu" nhung nhúc hiện nay?!
Tự bản thân "văn hóa nông nghiệp lạc hậu" chưa đủ để làm tan nát thị phần căn hộ VN hiện nay, bởi góp vào đó là "đặc thù" dối trá của "bộ ba con quỷ". Dối trá thì thời nào cũng có, nhưng nó là một trong những đặc trưng điển hình cho xã hội VN hiện nay. Ai đã làm cho tính chất khốn nạn này bao trùm trong mọi lĩnh vực, không nói riêng về thị trường BĐS???!!!
Đôi điều còn lại
Trong những ngày rong ruổi làm đề tài này, tôi nhận thấy, không phải không có những khu căn hộ sạch đẹp, văn minh, nhưng nó quá ít và hầu như phần lớn thuộc về người nước ngoài thuê ở. Phí quản lý cao (có thể lên đến trên 1 triệu đồng/tháng cho căn hộ chừng 80m2, penthouse có khi lên đến 3 - 4 triệu/tháng) là rào cản lớn cho những ai muốn sống những căn hộ này.
Muốn khu vực công cộng luôn mới, sạch, đẹp có cả hồ bơi, sân tennis cùng các tiện ích khác thì phải tu bổ, bảo trì thường xuyên -> phí cao -> hộ trung bình, nghèo không kham nổi -> không muốn mua. Bên cạnh đó, cản ngại lớn nữa là giá bán cao khủng khiếp (vì dụ căn hộ 120m2 tại PMH lên đến 4 - 5 tỉ đồng, cho đến nay vẫn không giảm giá). Phí quản lý cũng là một trong các mâu thuẫn lớn. Các chủ đầu tư vừa muốn thu cao vừa lại bê bối trong quản lý (đặc biệt là khâu vệ sinh và an ninh), cư dân thì vừa muốn đóng phí thấp lại vừa muốn phục vụ chu đáo. Xung đột này, lẽ ra cần sự thông hiểu qua các cuộc đối thoại và thương lượng bình đẳng của đôi bên, thì giới cầm quyền lại "xía" vào chuyện dân sự [12], mọi chuyện càng thêm rối rắm.
Bế tắc xảy ra cho căn hộ tại Việt Nam còn từ những người khá giả, giàu có (đa số thích nhà riêng, biệt thự).
Có độc giả hỏi ý kiến tôi có thành công không, một khi nhà cầm quyền VN cho Việt kiều mua căn hộ (chắc là thoải mái và tự do)? Xin thưa, thất bại hoàn toàn. Đơn giản, không có một cuộc điều tra đàng hoàng nào cho thấy Việt kiều hăm hở về VN sinh sống, chứ nói gì đến ở trong căn hộ. Một lượng Việt kiều chuyển tiền về VN cho người thân nhờ mua giúp căn hộ (cả nhà phố và biệt thự) cũng chỉ nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận, tình hình này đã hết thời!
photo_4.jpg
Khu Kenton vẫn bất động và tê liệt từ 2 năm qua. Ảnh chụp ngày 16/2/2013
KẾT
"Bộ ba con quỷ" có thể không vui, thậm chí nguyền rủa loạt bài này, nhưng nếu họ biết lắng nghe, hãy suy nghĩ mà xem, với tựa bài "không cứu nổi căn hộ" lại chính là cứu nổi đấy! Chỉ tiếc, đã quá muộn để họ làm lại từ đầu, bởi những điều giản dị về tình yêu, về giáo dục là những điều không có trong những bộ óc tham tàn và vô trách nhiệm, chỉ biết vơ vét và vơ vét!
Phần lớn người nghèo hiện nay vẫn sống trong những nơi tối tăm, lầy lội và buồn hiu, xuất phát một phần từ "khu ổ chuột trên cao" được mệnh danh là "căn hộ".
Chẳng có gì an ủi cho người nghèo ngoài mấy dòng dưới đây:
Xây cho nhà cao, cao cao mãi!
(Những ánh sao đêm - Phan Huỳnh Điểu)
và chờ xem "bộ ba con quỷ" từ chỗ cao nhất đó nhảy xuống thôi, bà con ạ!
Gần lắm rồi! Cam đoan là thế!
Nguyễn Ngọc Già
_________________
Ghi chú: Với quan điểm của tôi, chỉ khi nào Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh BĐS cùng các luật khác nói chung nhắm vào lợi ích nhân dân cùng với phương pháp "rửa thấm" được thật sự tiến hành, lúc đó hãy mơ về căn hộ trở thành nếp sống đa số dân chúng như 4 con rồng châu Á.
Một số tập đoàn khác như Singapore (Keppel Land) chỉ đầu tư một vài khu vực trung tâm Q.1 và vài mảnh nhỏ chừng vài hecta đến vài chục hecta tại Q.2, một vài công ty Hàn Quốc cũng chỉ đầu tư nhỏ lẻ và hiện đang ngưng và rút dần khỏi thị phần này, ngoài ra, tập đoàn Setia (Malaysia) với khu Ecolake (tại Bình Dương) khá đẹp với diện tích chỉ khoảng 250 hecta, hiện nay hoạt động cầm chừng, một tập đoàn khác Berjaya (cũng của Malaysia) hầu như tê liệt sau nhiều tuyên bố ồn ào. http://www.baomoi.com/Berjaya-cam-ket-trien-khai-cac-du-an-dau-tu-o-Viet-Nam/148/5094273.epi.
Hiện nay, một số quỹ đầu tư như: Vina Capital, Indochina Capital đã lặng lẽ rút dần khỏi mảng đầu tư này.
[*] Khái niệm "tam giác quỷ" của Tiến sĩ David Dapice, ĐH Harvard.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"