Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

“Quyền lập hiến là của dân”

TS Nguyễn Minh Tuấn
Trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện tiến trình sửa đổi Hiến pháp 1992, Radio Australia phỏng vấn ông Nguyễn Minh Tuấn, người vừa đậu bằng tiến sỹ về Luật Hiến pháp và Luật Hành chính tại Đại học Tổng hợp Saarland, Đức Quốc. Ông hiện là giảng viên Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Hiến pháp của dân

Radio Australia: Ông có thể nói ngắn gọn về tầm quan trọng của Hiến pháp và tại sao Hiến pháp Việt Nam thường xuyên phải sửa đổi?
TS NMT: Hiến pháp là đạo luật có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật của quốc gia, phản ánh rõ ràng nhất, sâu sắc nhất nguyên tắc bản chất của quyền lực nhà nước là thuộc về nhân dân. Chính vì vậy, quyền lập hiến phải thuộc về nhân dân. Hiến pháp thực chất là một hợp đồng giữa chính quyền và người dân, theo đó quyền lực của chính quyền có được là do người dân trao cho. Nói ngắn gọn, đó là ‘Hiến pháp của dân’.

Các bản Hiến pháp đầu tiên trên thế giới và những bản Hiến pháp của các nước dân chủ hiện nay rất ngắn gọn, chỉ điều chỉnh chủ yếu về vấn đề quyền con người, quyền công dân và tổ chức quyền lực nhà nước. Trong khi đó, Hiến pháp của Việt Nam bao hàm rất nhiều vấn đề, phạm vi điều chỉnh được mở rộng sang cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh-quốc phòng vốn luôn vận động, thay đổi không ngừng. Đây là lý do chính khiến Hiến pháp Việt Nam thường xuyên phải sửa đổi.
RA: Vậy theo ông làm thế nào để xây dựng được một ‘Hiến pháp của dân’?
TS NMT: Tôi đồng tình với quan điểm: Nếu không tách quyền lập hiến của nhân dân ra khỏi quyền lập pháp của Quốc hội, đưa quyền lập hiến trở lại là của dân, thì không thể có một bản Hiến pháp đích thực của dân. Về mặt kĩ thuật, nhân dân phải được quyền thành lập một ‘Quốc hội lập hiến’. Sau khi Quốc hội lập hiến thông qua Hiến pháp thì phải tổ chức trưng cầu dân ý để người dân phúc quyết Hiến pháp.
Việc lấy ý kiến của nhân dân về sửa đổi Hiến pháp như đang làm chỉ là hình thức tham vấn và cũng chỉ có giá trị tham khảo cho các cơ quan nhà nước ra quyết định. Đó không phải là trưng cầu dân ý. Trưng cầu dân ý là việc người dân quyết định trực tiếp đồng ý hay không về giá trị pháp lý của dự thảo Hiến pháp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua. Hiến pháp có hiệu lực khi được quá nửa số người dân tham gia trưng cầu dân ý đồng ý.

Vai trò đảng lãnh đạo

RA: Hiến pháp các nước tư bản hiện nay qui định về vấn đề đảng phái chính trị như thế nào và so với Việt Nam có điểm gì khác biệt, thưa ông?
TS NMT: Hiến pháp Việt Nam quy định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản (Điều 4). Hiến pháp các nước tư bản không quy định vai trò lãnh đạo của một đảng nào đó và cũng không qui định một hệ tư tưởng của đảng phái nào là hệ tư tưởng nền tảng.
Ở các nước theo hệ thống chính trị đa đảng, các đảng phái cạnh tranh nhau để có được nhiều phiếu bầu tại Nghị viện. Tòa án Hiến pháp có thể tuyên bố một đảng nào đó là vi hiến và có thể giải tán đảng đó (Ví dụ: Điều 21 Hiến pháp Cộng hòa liên bang Đức).
RA: Ông bình luận thế nào về Dự thảo của Ủy ban sửa đổi Hiến pháp 1992 đưa bổ sung ở Điều 4 Khoản 2: “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”?
TS NMT: Tôi cho rằng những tuyên bố này sẽ không có giá trị nhiều, vì về mặt kỹ thuật lập hiến, nó hoàn toàn không làm rõ “chịu trách nhiệm trước nhân dân” là chịu trách nhiệm như thế nào, cụ thể hơn: chế tài đối với tổ chức Đảng trong trường hợp Đảng vi phạm Hiến pháp là gì.

Quyền con người trong Hiến pháp

RA: Việt Nam thường bị chỉ trích vi phạm nhân quyền, xếp hạng thấp về tôn trọng quyền tự do, dân chủ. Theo ông có điểm nào trong Hiến pháp hiện hành giới hạn những quyền này?
TS NMT: So với các Hiến pháp ở các nước tiên tiến, Hiến pháp Việt Nam có nhiều giới hạn về quyền con người.
Chẳng hạn, Điều 50 Hiến pháp 1992 có nhắc đến khái niệm ‘quyền con người’, nhưng đáng tiếc, điều khoản này đồng nhất quyền con người với quyền công dân. Thực chất, khái niệm ‘con người’ rộng hơn khái niệm ‘công dân’. Chủ thể của ‘quyền’ ở hầu như tất cả các điều khoản của Hiến pháp hiện hành chỉ được xác định là ‘công dân’. Điều này rõ ràng là không chính xác và hạn chế quyền con người, vì thực tế nhiều người nước ngoài sinh sống và làm việc hợp pháp ở Việt Nam cũng được hưởng những quyền này.
Điều 71 Hiến pháp 1992 quy định “công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm…”. Đâu phải chỉ công dân mới có quyền này, đây là quyền mà mọi người đều được hưởng. Tương tự như quyền sống, quyền tự do tư tưởng, quyền không bị tra tấn hay bị đối xử vô nhân đạo… là các quyền con người chứ đâu phải chỉ là quyền mà riêng công dân Việt Nam mới có.
RA: Nếu so với Hiến pháp của các nước tiên tiến thì như thế nào, thưa ông?
TS NMT: Các quyền cơ bản trong Hiến pháp các nước trên thế giới cũng có một số giới hạn, nhưng rất hãn hữu. Về nguyên tắc, việc hạn chế này không được trái hay làm mất đi bản chất của quyền đó. Bất cứ sự giới hạn nào cũng phải đảm bảo được sự cần thiết để duy trì chế độ dân chủ và đều phải được luật hóa một cách rõ ràng, chứ không thể để Nghị định hay Thông tư điều chỉnh như ở Việt Nam.
Nhiều điều khoản Hiến pháp 1992 quy định công dân có một quyền nào đó, nhưng luôn đi kèm với “theo quy định của pháp luật”. Ví dụ, Điều 57 (quyền tự do kinh doanh), Điều 68 (quyền tự do đi lại và cư trú), Điều 69 (quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, hội họp, lập hội)…. Nguy hiểm ở chỗ, cách qui định này mở đường cho nhiều loại văn bản quy phạm pháp luật khác như các Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Thông tư, v.v… Điều này có thể xâm phạm đến những quyền hiến định quan trọng của người dân. Các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền lập hội, quyền biểu tình có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là cơ sở cho việc ra đời xã hội dân sự hợp pháp ở bất kỳ quốc gia nào. Cách quy định này cũng đi ngược lại với những tuyên bố xây dựng một “nhà nước pháp quyền” đã được khẳng định ở Điều 2.

Không nên có vùng cấm

RA: Có một số ý kiến trên các diễn đàn cho rằng, sửa đổi Hiến Pháp lần này ít thu hút giới trẻ tham gia. Ông suy nghĩ gì về vấn đề này?
TS NMT: Sự tham gia của người dân, là một yếu tố thiết yếu bảo đảm tính dân chủ của Hiến pháp, bảo đảm quyền lập hiến thực sự thuộc về nhân dân. Một bản Hiến pháp dân chủ là nền tảng tạo nên một thể chế chính trị dân chủ, xây dựng một quốc gia cường thịnh, điều đó liên quan trực tiếp đến lợi ích mọi người dân, đặc biệt là những chủ nhân tương lai của đất nước.
Nhiều bạn trẻ hiện nay có nhiều mối quan tâm khác, hoặc chưa có điều kiện để tìm hiểu một cách căn bản về Hiến pháp Việt Nam và Hiến pháp của các nước trên thế giới. Tôi nghĩ, đây cũng là một hạn chế khiến việc sửa đổi Hiến pháp lần này ít thu hút giới trẻ tham gia.
RA: Vậy trách nhiệm từ phía chính quyền thì sao, thưa ông?
TS NMT: Muốn đông đảo mọi tầng lớp nhân dân góp ý xây dựng Hiến pháp, thì không nên có vùng cấm, mọi người dân đều có thể tự do bày tỏ tư tưởng, ý kiến, không sợ bị trù dập, đàn áp hay trừng phạt.
Chính quyền một mặt khuyến khích: “Nhân dân có thể cho ý kiến đối với Điều 4 Hiến pháp như với tất cả các nội dung khác trong Dự thảo, không có gì cấm kỵ cả” như lời ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Nhưng trước đó vẫn có những tuyên bố có tính răn đe như: “bỏ Điều 4 là tự sát”, “chỉ có quyền sở hữu toàn dân về đất đai”, “không thể có báo chí tư nhân”, “không thể có tam quyền phân lập”…
Tôi nghĩ chính sự bất nhất, không minh bạch, không có sự miễn trừ trách nhiệm khi góp ý đối với người dân là nguyên nhân tạo ra rào cản khiến chính quyền khó có thể nghe được tiếng nói hay những góp ý tâm huyết thực sự của người dân.
Tôi cho rằng tự do, dân chủ là những giá trị cao đẹp không tự nhiên có và không bao giờ là quà tặng từ trên trời rơi xuống. Lần sửa đổi Hiến pháp này là dịp quan trọng để các cá nhân và tổ chức xã hội dân sự đóng góp ý kiến, thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của mình. Đây chính là cơ hội để đưa Hiến pháp Việt Nam gần hơn với các Hiến pháp trên thế giới, đồng thời khẳng định và hiện thực hóa một nền tảng của bất kỳ bản Hiến pháp dân chủ nào: Quyền lập hiến thực sự phải thuộc về nhân dân.
RA: Xin cảm ơn ông.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"