Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Bản cáo trạng của công tố nhân dân gởi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Xích Tử

caotrang.jpg
Tranh Mana Neyestani
Nó đi ngược và phủ nhận nền văn minh nhân loại
Để khỏi phải tốn kém những chi phí cho công nghệ thông tin và viễn thông, tôi xin nói thẳng rằng phát biểu của Tổng bí thư tại Vĩnh Phúc được VTV1 tường thuật trong bản tin thời sự tối 25/2/2013 với nội dung lời gỡ băng “… Vừa rồi đã có các luồng ý kiến thì cũng có thể quy vào được là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chứ gì nữa … Xem ai có tư tưởng là muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Muốn ‘tam quyền phân lập’ không? Hả? Muốn ‘phi chính trị hóa quân đội’ không? Người ta đang có những quan điểm đấy!… Đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa! Chỉ ở đâu nữa nào?… Tham gia đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể… thì nó là cái gì?!… Cho nên các đồng chí quan tâm xử lý cái này” là một biểu hiện tiêu cực nghiêm trọng trong nhãn quan văn hoá chính trị, đạo đức chính trị của một người đứng đầu đảng cộng sản. Nó huỷ hoại, làm sụp đổ hoàn toàn một số chuyển biến chất lượng tích cực, một số chuẩn mực và giá trị tốt được đảng cố gắng tạo nên trong công cuộc “đổi mới” từ năm 1986 đến nay và tạo ra nguy cơ đẩy đảng vào những bế tắc ngày càng trầm trọng trong lý luận và thực tiễn lãnh đạo đất nước trong tình hình đầy nhạy cảm hiện nay. Cũng rất ngắn gọn, vì những lẽ đó, lời phát biểu là một hành vi phạm tội với các luận giải sau:

1. Nó đi ngược và phủ nhận truyền thống văn hoá, đạo đức của dân tộc. Một dân tộc, trong điều kiện thể chế chính trị phong kiến và không khí căng thẳng khi kẻ thù ngoại xâm đã có mặt trên một phần đất nước, đã có thể tạo ra một sự kiện chính trị cực kỳ dân chủ, có tính văn hoá cao là tổ chức Hội nghị Diên Hồng – một hình thức đại hội bô lão toàn quốc để lấy ý kiến nhân dân về sự đồng thuận quyết tâm đánh giặc. Ý chí đó của toàn dân có thể không phù hợp với ý vua và một bộ phận quan lại cao cấp thuộc tầng lớp quí tộc, song không ai bị kết tội là suy thoái và được chuẩn thuận để trở thành ý chí chung. Trong phát biểu của mình, khi cho rằng những ý kiến đóng góp cho dự thảo Hiến pháp của một bộ phận nhân dân, bao gồm cả một số đảng viên “cộng sản” không phù hợp với ý chí, lợi quyền của một bộ phận của đảng thống trị là suy thoái về đạo đức, tư tưởng chính trị, Tổng bí thư cũng đã tuyên chiến, kết án và phủ nhận truyền thống tốt đẹp đó của dân tộc.
2. Nó phá hoại khối đại đoàn kết nhân dân và dân tộc Việt Nam. Sau 47 năm thống nhất đất nước, tình hình diễn biến theo chiều hướng xuất hiện một số mâu thuẫn, đối ngược trong nội bộ nhân dân, kể cả sự nghi kỵ, thù hằn, sự cách biệt giàu nghèo ngày càng gay gắt…, nhu cầu hoà giải hoà hợp dân tộc được đặt ra như một giải pháp tối thượng, trong đó có sự lắng nghe ý kiến trái chiều của nhau để tạo ra định hướng dung hoà, khoan dung và những giải pháp phát triển phù hợp cho đất nước. Nhu cầu ấy, trong quan hệ giữa người Việt trong nước và ngoài nước, giữa miền nam và miền bắc, cho đến nay vẫn chưa có lời giải và ngày càng bộc lộ những tác dụng tiêu cực. Chỉ cần theo dõi, phân tích những ý kiến trái chiều, đầy phức tạp của cả hai bên đối với cuốn sách “Bên thắng cuộc” của Huy Đức cũng đã rõ cho nhận xét ấy. Phát biểu của Tổng bí thư đã đổ dầu thêm vào đám lửa này. Chẳng những nó tạo thêm sự ngăn cách đối với các nhóm người Việt nói trên, mà còn tạo ra sự phân hoá thêm đối với số trí thức, đảng viên, nguyên quan chức cao cấp trong hệ thống chính trị của đảng. Họ vốn là những nguyên uỷ viên trung ương, bộ trưởng, là những trí thức uyên bác với những hiểu biết về lịch sử văn minh chính trị nhân loại và lịch sử, văn hoá dân tộc. Hơn ai hết, họ có đạo đức, nhân cách, luôn ưu ái đến vận mệnh của Tổ quốc, nhân dân và dân tộc. Song khi họ có ý kiến khác với Tổng bí thư, họ bị loại ra khỏi nhân dân của Tổng bí thư, bị kết tội là suy thoái đạo đức, lối sống, tư tưởng chính trị. Tôi chắc rằng tất cả những người có ý kiến khác đó không thể nào phạm tội tham nhũng như những người không suy thoái theo ý của Tổng bí thư, một lòng trung thành với Tổng bí thư, trước hết là đồng chí X.
3. Nó vi phạm chủ trương, chính sách của đảng về mục tiêu xây dựng đất nước dân chủ văn minh, vi phạm Hiến pháp và luật pháp hiện hành. Trong những văn kiện và thiết chế pháp luật ấy, quyền được phát biểu ý kiến trái chiều, quyền thể hiện quan điểm, nhu cầu về việc không được ghi Điều 4 vào Hiến pháp, yêu cầu đa đảng, xây dựng nhà nước tam quyền phân lập, phi chính trị hoá quân đội, biểu tình, khiếu kiện tập thể… không bị cấm, được pháp luật bảo hộ, khuyến khích; không có văn bản nào kết tội đó là suy thoái đạo đức. Trực tiếp, Tổng bí thư đã vi phạm nghị quyết 22 của Bộ chính trị của Tổng bí thư, Quyết nghị 38 của Quốc hội khoá XIII và kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân dự thảo Hiến pháp 1992 của Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Trong các văn kiện ấy, đảng, Quốc hội đều thể hiện quan điểm, nguyên tắc và phương pháp lấy ý kiến là không có chỗ cấm, chấp nhận mọi chiều ý kiến khác nhau; thu thập và tổng hợp đầy đủ, nghiêm túc mọi ý kiến của “nhân dân” (ý là những nhân dân được đảng tổ chức cho phép ý kiến, chức không phải toàn bộ hơn 60 triệu người Việt Nam trên 18 tuổi). Công việc ấy theo kế hoạch đến 31/3/2013 mới tổng hợp, đánh giá, báo cáo. Thế nhưng mới đến 25/2, Tổng bí thư đã đánh giá, kết luận rồi, rằng đó là những biểu hiện suy thoái đạo đức lối sống, tư tưởng chính trị và đề nghị phải xử lý.
4. Nó đi ngược và phủ nhận nền văn minh nhân loại. Quyền tự do phát biểu ý kiến của công dân, quan điểm về nhà nước dân chủ phi đảng trị, tam quyền phân lập, quân đội phi chính trị hoá, quyền biểu tình… là sản phẩm tốt đẹp của nền văn minh đó, hiện nay được áp dụng ở nhiều nước và thực sự sự áp dụng đó là một trong những động lực làm cho những nước ấy phát triển, nhân dân cảm thấy tự do, hạnh phúc, năng động, sáng tạo, đáng sống. Phát biểu của Tổng bí thư cố ý kết án, phê phán những giá trị nhân loại và những nước đang áp dụng các giá trị nhân loại ấy là suy thoái đạo đức, phi đạo đức, tức là phủ nhận, chống lại văn minh nhân loại.
5. Nó phá hoại chính sách ngoại giao đa phương, rộng mở của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Văn kiện mới nhất của đảng về công tác đối ngoại đề cập đến việc chấp nhận các quốc gia có thể chế và quan điểm chính trị khác với đảng nhưng có quan hệ có lợi về kinh tế, đầu tư; chấp nhận những đảng đối lập có đường lối không thiên tả nhưng có vai trò chính trị lớn ở những nước có quan hệ lợi ích với Việt Nam v.v…Phát biểu của Tổng bí thư, một mặt, khi phủ nhận tính chất văn minh của họ, chọ họ là suy thoái sẽ làm khó cho việc giải thích và thực thi chính sách ngoại giao. Mặt khác, phát biểu ấy, như có người đã nhận xét, làm lộ bí mật quốc gia về tình trạng không dân chủ trong việc cho phép công dân thể hiện ý kiến riêng của mình, cùng với những hạn chế tự do, dân chủ, vi phạm nhân quyền khác, sẽ làm cho uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế giảm sút; qua đó, việc Việt Nam ứng cử vào Hội đồng nhân quyền LHQ nhiệm kỳ nhiệm kỳ 2014-2016 sẽ khó khăn hơn và trở nên hài hước.
6. Nó bật đèn xanh cho một chính sách và biện pháp khủng bố trắng toàn bộ nhân dân, trước hết là trong thời gian từ nay đến 31/3/2012. Biểu hiện đó đã có ngay trong việc trả thù hèn hạ nhà báo Nguyễn Đắc Kiên. Chỉ sau một ngày đăng bài phê phán, hội đồng kỷ luật báo Gia đình và Xã hội đã ra quyết định buộc thôi việc đối với nhà báo dũng cảm ấy. Sự mẫn cán kỳ lạ đó của lãnh đạo tờ báo, nếu không có sự chỉ đạo nhanh và dung túng ngay từ Tổng bí thư thì sẽ rất khó giải thích những trường hợp thụ lý công vụ ỳ ạch khác như Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có thông tư hướng dẫn việc trợ cấp cho học sinh vùng khó khăn sau 6 tháng Nghị quyết của Chính phủ có hiệu lực hoặc những vụ án tham nhũng phải điều tra đến 5 – 7 năm vẫn chưa xét xử được.
Trong những ngày này, kẻ thù ngoại xâm vẫn gây hấn; một phần lãnh thổ đất nước vẫn bị chiếm đóng; dự án bôxít Tây Nguyên có cơ thất bại hoàn toàn; Tây Nguyên và Nam Trung bộ hạn hán có thể gây thiệt hại hàng chục ngàn tỉ; Nam bộ nước mặn lấn sâu mấy chục cây số vào đất liền; nông dân chăn nuôi thuỷ sản Nam bộ lao đao vì tôm chết và thức ăn chăn nuôi bị doanh nghiệp nước ngoài nâng giá có thể lỗ cũng đến hàng chục ngàn tỉ; doanh nghiệp nhà nước lỗ và nợ xấu hàng trăm ngàn tỉ. Tổng bí thư không nghĩ ra được gì khác ngoài sự u mê tự sướng trong nghị quyết 4 thành công mếu máo và tiếp tục khủng bố tinh thần nhân dân trong việc tham gia ý kiến vào dự thảo Hiến pháp. Với một đảng như thế, tạo ra một Tổng bí thư như thế, bản cáo trạng này cần có sự bổ sung thêm của mọi thức giả trong nước để tiến đến sự kết án, yêu cầu từ chức và trả lại công việc ngay cho nhà báo Nguyễn Đắc Kiên.
Xích Tử

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"