Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

"Văn hóa từ chức"

Nam Giao


Từ chức, không chỉ riêng ai
Tôi phải đặt tiêu đề trong ngoặc kép vì "văn hóa từ chức" đã được nhắc nhở, bàn luận khá nhiều. Nay chỉ bàn thêm về đối tượng của "văn hóa từ chức". Ai nên từ chức? và tại sao từ chức.
Chuyện đồng chí X và các quan chức Việt Nam nhất định "còn ghế còn mình" thì đã chán tai. Ở Mỹ, tôi thấy rất nhiều vị cựu sĩ quan VNCH vẫn còn chưa chịu từ chức (thậm chí có vị còn lên chức), vẫn mặc quân phục, đeo lon, Bảo Quốc huân chương (?) đầy ngực. Bên thua cuộc gần 40 năm mà chưa từ chức, thì làm sao bên thắng cuộc có thể từ chức được, tôi tự hỏi.
Gần đây một số dư luận dấy lên rằng: "Nếu quan không chịu từ chức thì dân từ chức vậy."

Thực ra đây không phải là chuyện mới. Năm 1954 đã có hàng triệu đồng bào Miền Bắc từ chức làm dân, bỏ quê cha xứ sở vào Nam. Năm 1975 lại có thêm một đợt sóng thứ hai, kéo dài tận đến hôm nay, những làn sóng từ chức của người dân vẫn tiếp tục. Dầu rằng không phải ai cũng có thể từ chức dân một cách nhẹ nhàng kiểu "hạ cánh an toàn" bằng máy bay, và đã có hàng trăm nghìn người phải vùi thây đáy biển, rừng sâu trong cái cuộc "từ chức làm dân" của xứ thiên đường cộng sản.
Sở dĩ tôi phải khẳng định lại về bản chất của hành động này, của những người phải cắn răng lìa bỏ Tổ Quốc ra đi, đã từng bị nhà cầm quyền Việt Nam nguyền rủa bất tận là "ôm chân đế quốc", "chạy theo bơ thừa sữa cặn..." Thậm chí đến ngày nay, lúc mà những người dân từ chức này, dù hàng năm gửi về Tổ Quốc hàng chục tỷ đô-la, vẫn bị gọi là thế lực thù địch, vẫn bị các học giả, giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, các còm sĩ, dư luận viên, CAM....tiếp tục thóa mạ là kẻ phản quốc. Họ, đơn giản, chỉ từ chức làm dân của mình, khi không còn đường lựa chọn, kể cả phải đối mặt với cái chết, và nếu may mắn, sẽ phải tha phương nơi xứ lạ quê người.
Những người phải chạy vạy để được đi "hợp tác lao động" ở Đông Âu những năm 80´s, những cô gái phải lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc. Những Oshin Việt Nam ở Trung Đông, những công nhân bị chết cháy ở Nga, nô lệ tình dục ở Malaysia, Singapore... đều cũng là bất đắc dĩ phải từ chức làm dân của mình để tha phương.
Quan không từ chức thì dân phải từ chức. Nay dân đã từ chức rồi mà vẫn còn tiếp tục thóa mạ, miệt thị thì không thể chấp nhận được, chưa kể là những người dân này vẫn còn rút ruột ngàn dặm, tiếp tục gửi tiền về quê hương. Mười tỷ đô-la một năm! Một khúc ruột khổng lồ. Số tiền bằng gấp đôi nợ của Vinashin, giá trị tương đương với 2 chiếc hàng không mẫu hạm chạy bằng hạt nhân hiện đại nhất của Hoa Kỳ, luôn cả chi phí vận hành trong 1 năm.
Bản thân tôi năm xưa không muốn rời Việt Nam. Tôi vừa tốt nghiệp đại học được mấy năm, có việc làm khá tốt. Không muốn xa người yêu, bạn bè và biết bao kỷ niệm của thời sinh viên. Trong khi đến Mỹ thì phải bắt đầu lại từ đầu.
Lần đầu về Việt Nam, bạn bè tôi hỏi mày đi Mỹ thấy thế nào? Tôi nói không do dự: "Sống ở xứ lạ quê người mới biết cái gì là Tổ Quốc." Bọn chúng cười ầm tưởng tôi nói giỡn vì hồi xưa, chúng tôi đã quá chán ngấy với các bài học chính trị, triết học Mác-Lê, chủ nghĩa cộng sản khoa học,...Đảng, Bác Hồ, Tổ Quốc chỉ là những câu chuyện cười của bọn sinh viên "ăn như tu, ở như tù, học thì ngu, nói như lãnh tụ." Tôi nghiêm túc nói: "Thật đấy", tụi mày sẽ cảm nhận được Tổ Quốc khi không còn ở Tổ Quốc nữa."
Một lần khác, về lại gặp thằng bạn cũ, nay đã lên phó chủ nhiệm khoa, bàn chuyện tại sao mình cứ thua kém tụi Tây hoài. Nó hỏi ở Mỹ ngành của mình học khác ở đây chổ nào? Rốt cuộc thì đi đến vấn đề ở khâu đào tạo. Kết cục, thằng bạn nói mày về trường mình dạy đi, lúc nào cũng "trải thảm đỏ". Nghe cũng khoái, vừa được về Việt Nam sống, vừa được đi dạy tại trường cũ, và quan trọng nhất là được chia sẽ những điều đã học được ở Mỹ. Còn gì bằng?
Gặp lại thầy cũ, "sư phụ" nói, mày đi Mỹ uổng quá, nếu ở lại đây mấy năm nay thì cũng "nổi tiếng" rồi. Nói chuyện thằng bạn rủ về dạy, sư phụ phán "không nên, mày vô đó nó đấu đá chịu không nổi đâu, tao đi dạy mấy chục năm chỉ muốn yên thân mà còn không dễ. Muốn thay đổi cả hệ thống?" Sau đó đã có sự việc Gs Nguyễn Minh Hoàng ở DHBK. Rồi cũng có nhiều vị thạc sĩ, tiến sĩ về trường dạy, nhưng xem ra chất lượng đào tạo cũng không khá lên được, thậm chí còn tệ hơn lúc xưa.
Rốt cuộc tôi đã từ chức ngay trước khi "nhậm chức", một công việc mà tôi mơ ước bấy lâu. Thỉnh thoảng cũng có vài thằng bạn rủ về Việt Nam, đi làm công ty nước ngoài, lãnh tiền đô, xài ở Việt Nam, không ngon sao? Nhưng sống sung sướng cho riêng mình và làm ngơ trước những bất công trong xã hội, tôi không nghĩ là mình làm được. Những năm nhận chức "phó thường dân" ở xứ giãy chết đã không cho tôi có thể "trùm chăn" như những người bạn "thành đạt" của tôi ở Việt Nam hiện tại, những người đã "từ chức" trí thức của mình, chỉ lo việc vinh thân phì gia. Cũng khó trách, mấy ai đủ dũng cảm trước bạo quyền? Bao nhiêu năm ăn học, làm ăn cực khổ, vợ con, nhà cửa sẽ ra sao? Ngày về của tôi ngày càng xa lắc xa lơ.
Việc ông Nguyễn Cao Kỳ, ông Phạm Duy trở về Việt Nam đã có khá nhiều tranh cãi thị phi. Riêng tôi, tôi thấy có một phần nào đó, các vị này đều muốn được phục chức làm dân Việt Nam một lần nữa (trước khi chết). Thời gian và cái cách phục chức "dân" cũng là điều đáng nói. Âu cũng là một bài học cho những người còn lại. Tiếc là có quá nhiều người tuổi cao như hai vị này, và không biết phải chờ đợi bao lâu nữa.
Thực tình, tôi vẫn mong có ngày được phục chức làm dân nước Việt của mình. Có lẽ đó là ngày hạnh phúc nhất cho những người dân đã phải từ chức, như "người bán thịt dê" nước Sở.
Chắc không xa.
Nam Giao

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"