Nguyễn Anh Tuấn (*)
(Nhân sự kiện Kiến nghị Hiến pháp của sinh viên – cựu sinh viên Luật)
Vì sao các kiến nghị về Hiến pháp lại nở rộ thời gian qua? Phải
chăng những người tham gia kiến nghị ngây thơ về chính trị? Không. Hoàn
toàn không. Họ thừa hiểu nhà cầm quyền sẽ phớt lờ ý kiến của họ. Nhưng
họ vẫn làm, vì hơn ai hết, họ hiểu rằng, điều cần hơn cho xã hội Việt
Nam lúc này và mai sau là sự lan tỏa của tinh thần hợp hiến (đặc trưng
bởi sự chế ước quyền lực nhà nước bằng pháp luật, tập quán, và các giá
trị xã hội), chứ không phải một bản Hiến pháp thành văn, ngay cả với
những câu chữ tuyên xưng dân chủ, tự do.
Thiếu vắng các cuộc thảo luận về Hiến pháp
Những ngày gần đây, các cuộc thảo luận xoay quanh chủ đề Hiến pháp ở
Việt Nam diễn ra khá sôi nổi, dưới nhiều hình thức và trong nhiều không
gian khác nhau. Một cách hình thức, các cuộc thảo luận này dựa trên căn
cứ pháp lý là Nghị quyết số 38/2013/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội tổ
chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Tuy nhiên, khi
xét một cách kỹ lưỡng, chúng ta nhận ra phía sau các cuộc thảo luận là
những vận động của xã hội Việt Nam đang thời kỳ chuyển đổi.
Nhìn về quá khứ, Hiến pháp 1946, tuy được soạn thảo trong lúc nước
sôi lửa bỏng của những ngày đầu lập quốc nhưng đã ấp ủ không ít những ý
tưởng, tinh thần của chủ nghĩa hợp hiến hiện đại. Tuy nhiên, trong cảnh
loạn ly của thời cuộc, chẳng những một cuộc phúc quyết Hiến pháp toàn
dân đã không được thực hiện mà quốc dân đồng bào cũng không có cơ hội
trải nghiệm những cuộc thảo luận về Hiến pháp – điều có ý nghĩa lớn lao
với việc xây dựng tinh thần hợp hiến trong xã hội Việt Nam.
Sau đó, triết lý chính trị mà những nhà cầm quyền Hà Nội theo đuổi đã
biến các Hiến pháp 1959 và 1980 trở thành vật trang trí. Xã hội cộng
sản với nền chuyên chính vô sản theo đúng bản chất toàn trị độc đảng của
nó, vận hành dưới các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy đảng; và trong bối
cảnh đó, Hiến pháp đơn giản chỉ có chức năng phát ngôn cho cương lĩnh
chính trị của đảng cầm quyền. Thực trạng này tiếp tục tước bỏ cơ hội
thảo luận về Hiến pháp – đạo luật gốc giới hạn quyền lực nhà nước, bản
khế ước tuyên xưng các nguyên tắc chung sống cộng đồng – của người dân
Việt Nam trong vài chục năm.
Đổi mới 1986 đã thiết lập nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận
hành theo cơ chế thị trường. Việc xác lập khuôn khổ pháp lý ổn định trở
thành yêu cầu tất yếu để nền kinh tế thị trường có thể tồn tại. Điều này
dẫn đến đòi hỏi về một bản Hiến pháp mới – Hiến pháp 1992. Tuy vậy, cả
khi soạn thảo và ban hành bản Hiến pháp 1992 lẫn khi sửa đổi vào năm
2001, dường như nhà cầm quyền vẫn ‘một mình một chiếu’. Cả hai bản văn
Hiến pháp này dù bước đầu ghi nhận một số nguyên tắc của chủ nghĩa hợp
hiến hiện đại song vẫn chưa thoát khỏi ‘thân phận’ công cụ thể chế hóa
cương lĩnh của đảng cầm quyền. Bên cạnh đó, người dân đa phần tiếp tục
diễn vai ‘quan sát viên’ thờ ơ với công cuộc lập hiến được chính quyền
đơn phương thực hiện, hoặc một số may mắn hơn được đóng vai ‘góp ý viên’
trong các buổi tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan đoàn thể quốc doanh
khắp cả nước, để chứng tỏ sự đồng thuận với hiến pháp – cương lĩnh được
thể chế hóa của đảng cộng sản.
Nỗ lực thảo luận Hiến pháp: Qua trường hợp Kiến nghị của sinh viên Luật
Sau nhiều cơ hội bị bỏ lỡ, lần sửa đổi Hiến pháp 2013 lần này chứng
kiến những nỗ lực của người dân đòi lại quyền lập hiến của mình, vốn lâu
này bị nhà cầm quyền cố tình lờ đi hoặc biến hóa thành những quyền khác
như ‘quyền quan sát’, ‘quyền ủng hộ Hiến pháp của Đảng’, ‘quyền đồng
thuận với dự thảo của Quốc hội’. Từ các thư ngỏ, kiến nghị cá nhân được
đăng tải trên các mạng xã hội, đến các ý kiến thảo luận, tranh biện dài
ngắn khác nhau của nhiều tầng lớp nhân dân được gửi trực tiếp đến
website của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Trong nhiều ý kiến đóng
góp, đáng chú ý là Kiến nghị 72 của các nhân sỹ, trí thức và gần đây là
Kiến nghị Hiến pháp của sinh viên – cựu sinh viên Luật Việt Nam.
Nếu như Kiến nghị 72 với một phương án Hiến pháp được đính kèm hàm
chứa hàng loạt các ý tưởng mới mẻ (khi so sánh với các bản Hiến pháp
trước đây) về nguyên tắc tổ chức, vận hành hệ thống chính trị cũng như
mối quan hệ giữa các thiết chế bên trong hệ thống chính trị và mối quan
hệ nhà nước-công dân thì Kiến nghị của sinh viên – cựu sinh viên Luật,
với hai đề nghị chính là bãi bỏ thời hạn góp ý và tiến hành thủ tục nhân
dân phúc quyết Hiến pháp- lại nổi bật lên ở hai khía cạnh:
Thứ nhất, chủ thể kiến nghị là các sinh viên – cựu sinh viên Luật Việt Nam. Như kiến nghị lập luận, “lịch
sử lập hiến của các quốc gia trên thế giới cho thấy vai trò đặc biệt
quan trọng của những người tốt nghiệp từ trường luật, nếu không muốn nói
rằng chính họ là những người dẫn dắt và thúc đẩy sự tiến bộ của tư duy
lập hiến ở khắp mọi nơi.” Quả thực là, không chỉ trên thế giới mà
ngay trong lịch sử vận động của chủ nghĩa hợp hiến của Việt Nam, một
trong những văn bản đầu tiên gây tiếng vang có đề cập đến nền pháp quyền
là Bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi Hội nghị Versaille 1919, đã
được chấp bút bởi một số người Việt yêu nước từng là sinh viên luật như
Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh. Do đó, những người đã và đang là sinh
viên ngành Luật ở Việt Nam hiện có nhiều lợi thế nhất về chuyên môn để
nhận lãnh “trách nhiệm to lớn trong việc xây dựng nên nền tảng cơ bản
của hệ thống pháp luật Việt Nam,” kế thừa trọng trách mà các bậc tiền
bối của họ đã để lại. Dưới góc độ lịch sử, đây là lần đầu tiên những
người học Luật ở Việt Nam ‘chung vai sát cánh’ trong một kiến nghị có
tính chất dân sự về Hiến pháp, để hiện thực hóa những nguyên tắc pháp
quyền mà họ đã từng thượng tôn lúc ở giảng đường đại học vào bản Hiến
pháp mới của quốc gia.
Khía cạnh nổi bật thứ hai của bản kiến nghị là dự phóng thái độ của những người chấp bút và ký tên. Kiến nghị viết, “chúng
tôi cho rằng, một bản Hiến pháp ban hành mà không thông qua thủ tục
phúc quyết sẽ mất đi phần lớn ý nghĩa vốn có và không được nhân dân cũng
như cộng đồng quốc tế ghi nhận”. Dù được trình bày dưới hình thức
một nhận định nhưng câu văn này của bản kiến nghị gợi ý khả năng những
người soạn thảo và ký tên sẽ không công nhận bản Hiến pháp sửa đổi nếu
thiếu vắng thủ tục nhân dân phúc quyết. Điều này, đến lượt nó, phủ nhận
tính chính danh của hệ thống chính trị dựa trên bản Hiến pháp mới – điều
mà lực lượng cầm quyền ở Việt Nam đang theo đuổi. Đây cũng là lần đầu
tiên có bản kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp triển khai một tuyên bố thái
độ như thế.
Cả hai bản kiến nghị này đã lan truyền nhanh chóng trên Internet và
được đông đảo người dân bình luận, trao đổi. Đây là lần đâu tiên trong
lịch sử Việt Nam tồn tại một không gian thuần túy dân sự để người dân
bàn luận vấn đề hệ trọng bậc nhất của quốc gia là lập hiến.
Ý nghĩa thực sự của các kiến nghị
Trong thực tế chính trị Việt Nam hiện nay, có lẽ đến người ngây thơ
nhất cũng không tin vào khả năng lực lượng cầm quyền tiếp thu nghiêm túc
các ý kiến đóng góp tâm huyết, khoa học và hợp lý của các tầng lớp nhân
dân trong lần sửa đổi Hiến pháp này. Nguyên nhân cốt yếu là lợi ích:
Việc tiếp thu các ý kiến này và chuyển hóa chúng thành nội dung của bản
Hiến pháp mới đồng nghĩa với việc tự tước bỏ những đặc quyền đặc lợi lâu
nay của lực lượng cầm quyền. Đơn cử, nhà cầm quyền nếu chấp nhận tự do
báo chí, tự do ngôn luận thì phải chịu áp lực trách nhiệm giải trình.
Hoặc, tham nhũng đất đai sẽ không dễ được nhà cầm quyền thực hiện nếu
chấp nhận sơ hữu tư nhân về ruộng, đất.
Vậy câu hỏi là: Vì sao các kiến nghị về Hiến pháp lại nở rộ thời gian qua?
Phải chăng những người tham gia kiến nghị ngây thơ về chính trị? Không. Hoàn toàn không.
Họ thừa hiểu nhà cầm quyền sẽ phớt lờ ý kiến của họ. Nhưng họ vẫn
làm, vì hơn ai hết, họ hiểu rằng, điều cần hơn cho xã hội Việt Nam lúc
này và mai sau là sự lan tỏa của tinh thần hợp hiến (đặc trưng bởi sự
chế ước quyền lực nhà nước bằng pháp luật, tập quán, và các giá trị xã
hội), chứ không phải một bản Hiến pháp thành văn, ngay cả với những câu
chữ tuyên xưng dân chủ, tự do. Thiếu gì trường hợp các quốc gia có Hiến
pháp ‘tốt’ nhưng thực trạng xã hội tồi tệ. Cũng có quốc gia, như Vương
quốc Anh, chẳng cần đến Hiến pháp thành văn vẫn sống dưới tinh thần hợp
hiến, đủ khả năng điều chỉnh hành vi của nhà nước theo hướng tự do, dân
chủ.
Cần phải thừa nhận rằng, tinh thần hợp hiến vẫn chưa là một thành tố
chính yếu của văn hóa chính trị Việt Nam. Thực tế này được phản ánh qua
(1) số lượng các văn bản cũng như hành vi vi hiến của chính quyền và (2)
sự hiếm hoi của hành vi viện dẫn Hiến pháp của người dân trong đời sống
pháp lý và xã hội . Điều này thật dễ hiểu nếu đặt trong bối cảnh thiếu
vắng các cuộc thảo luận về Hiến pháp trong suốt chiều dài lịch sử đất
nước. Người ta không thể tường minh những điều người ta ít hoặc chưa
từng nghe tới.
Do đó, điều cần làm lúc này là, bất luận việc sửa đổi Hiến pháp lần
này do ai khởi xướng và kết quả ra sao, vẫn tồn tại trong đó một cơ hội
để quốc dân đồng bào thảo luận về Hiến pháp. Và đồng thời, cũng là cơ
hội để tinh thần hợp hiến được lan tỏa trong xã hội, nhằm dựng xây một
văn hóa chính trị hiện đại cho Việt Nam. Người viết cho rằng, đây mới là
ý nghĩa quan trọng nhất của các bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp lần
này.
___________________________
(*) Tác giả: Nguyễn Anh Tuấn sinh năm 1990, là cựu sinh viên Học viện
Hành chính. Đây cũng chính là “sinh viên tự thú”, người mà vào tháng
4/2011 đã gửi đơn “tự thú” việc “tàng trữ” một số bài viết của TS.Cù Huy
Hà Vũ và đề nghị “được” Viện KSNDTC truy tố (Chú thích của BTV TTXVH).
- Mời xem lại bài cùng tác giả: + Đơn Tự thú của sinh viên Nguyễn Anh Tuấn (26-04-2011). + Thư ngỏ của Sinh viên Nguyễn Anh Tuấn (20-05-2011).
Trang Kiến nghị Hiến pháp của các sinh viên & cựu sinh viên Luật VN: hienphap.kiennghi.net