PV Quốc Doanh
Các vị đang lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, đang lãnh đạo hệ
thống cơ quan lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam có nhận thấy gần đây,
những “nhà lý luận của Đảng” phát biểu tư tưởng trộm cắp, cơ hội cá
nhân?
Bài “Niềm tin” của ông Hà Đăng, đăng trên Tuần Việt Nam vào Mồng Một
Tết, ngày 10-2-2013, kêu gọi cần có niềm tin vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong bài, ông Hà Đăng khoe đã 65 năm tuổi Đảng, từng dự Hội nghị Paris
1973, thì biết ông là nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng biên
tập báo Nhân Dân, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương. Ông dẫn
dắt việc cần có niềm tin bằng cách vào đầu bài, kể câu chuyện về một kẻ
trộm. Nguyên văn ông viết: “Một lần, Hasan đi lạc trong sa mạc, khi
ông tìm đến một khu làng thì trời đã rất khuya, mọi nhà đều đi ngủ cả,
chỉ một người còn thức, đang khoét vách một căn nhà trong làng. Hasan
hỏi người đó xem có thể tá túc ở đâu, "Khuya khoắt thế này thật khó tìm
chỗ nghỉ chân, ông có thể đến ở chỗ tôi nếu ông không ngại ở chung với
một tên trộm", người kia bảo. Hasan nán lại đó hẳn một tháng! Cứ mỗi đêm
tên trộm bảo: "Tôi đi làm đây. Ông ở nhà và cầu nguyện cho tôi nhé!".
Mỗi khi anh ta trở về, Hasan đều hỏi: "Có trộm được gì không?", và anh
ta đáp: "Hôm nay thì chưa, nhưng ngày mai tôi sẽ cố, có thể lắm chứ".
Hasan chưa bao giờ thấy tên trộm ấy trong tình trạng tuyệt vọng, anh ta
luôn hạnh phúc. Nhiều năm sau, có lúc Hasan rơi vào tình trạng tuyệt
vọng, nghĩ rằng phải chấm dứt tất cả những điều vô nghĩa của cuộc sống.
Nhưng ngay sau đó, ông chợt nhớ đến tên trộm, kẻ hằng đêm vẫn quả quyết
"Ngày mai tôi sẽ làm được, có thể lắm chứ". Thông điệp Hasan nhận được
từ tên trộm, nói đúng hơn, từ cuộc sống, mà ông rút ra thành triết lý
sống là không được đánh mất niềm tin và đừng bao giờ tuyệt vọng”.
Dịp thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam năm ngoái (tháng 12-2012),
ông Đại tá, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Trần Đăng Thanh ở Học
viện Chính trị Bộ Quốc phòng đi nói chuyện với lãnh đạo các trường đại
học. Ông nêu lý do cần phải bảo vệ Đảng, bảo vệ chủ nghĩa xã hội đầy
tính cơ hội cá nhân như sau (nguyên văn xả băng ghi âm): “Hiện nay
các đồng chí đang công tác chưa có sổ hưu nhưng trong một tương lai gần
hoặc một tương lai xa chúng ta cũng sẽ có sổ hưu và mong muốn mỗi người
chúng ta sau này cũng sẽ được hưởng sổ hưu trọn vẹn. Và tôi đi giảng bài
cho tất cả các đối tượng, bảo vệ tổ quốc Việt Nam thời XHCN hiện nay có
rất nhiều nội dung, trong đó có một nội dung rất cụ thể, rất thiết thực
với chúng ta đó là bảo vệ sổ hưu cho những người đang hưởng chế độ hưu
và bảo vệ sổ hưu cho những người tương lai sẽ hưởng sổ hưu, ví dụ các
đồng chí ngồi tại đây. Cho nên ta phải nói rõ luôn, hiện nay chúng ta
phải làm mọi cách để bảo vệ bằng được Tổ quốc Việt Nam thời XHCN”.
Mới đây, ngày 17-2-2013, ngày Trung Quốc mở đầu cuộc xâm lược nước ta
34 năm trước, trên báo Quân đội Nhân dân, Nhà văn, Phó giáo sư, Tiến sỹ
Nguyễn Thanh Tú viết bài “Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong
Hiến pháp là hợp lý, hợp tình”. Cả bài viết loằng ngoằng gần 2.300 chữ,
viết linh tinh đủ thứ để muốn chứng minh rằng, cần giữ điều 4 trong Hiến
pháp năm 1992 sửa đổi đang lấy ý kiến nhân dân. Ông Nguyễn Thanh Tú –
Trung tá, Phó tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội viết: “Một
Đảng từ hai bàn tay trắng đã lãnh đạo toàn dân tộc làm cuộc khởi nghĩa
giành chính quyền về tay nhân dân; một Đảng đã lãnh đạo toàn dân đuổi
các đế quốc xâm lược lớn nhất thế giới; một Đảng đã lãnh đạo công cuộc
đổi mới tạo ra những thắng lợi thành tựu ấn tượng về kinh tế, chính trị,
ngoại giao, văn hoá, xã hội... thì Đảng đó đủ tín nhiệm, đủ trí tuệ,
bản lĩnh, niềm tin... để lãnh đạo toàn dân ta tiếp tục tiến bước theo
con đường đã chọn đưa dân tộc lên đài vinh quang, đưa đất nước ta sánh
vai với các cường quốc”. Từ đó, ông Tú cho rằng: “Việc đòi bỏ
điều 4 Hiến pháp vừa phi lý, vừa chẳng hợp tình (…) Thậm chí có thể nói
đó là việc làm nguy hiểm bởi nó đe dọa sự tồn vong của cả dân tộc này”.
Lập luận của ông Tú không thuyết phục mà hàm hồ, vì trong lịch sử lâu
dài của dân tộc ta sử sách còn ghi rõ thì không một triều đại nào
“giành chính quyền” rồi sau đó tạo ra được “những thắng lợi” thì có
quyền lãnh đạo dân tộc mãi mãi. Mà lịch sử dân tộc cũng là lịch sử có
nhiều triều đại nối tiếp nhau giữ vai trò lãnh đạo, khi được nhân dân
chọn lựa thì đảm đương vai trò lãnh đạo, khi nhân dân không còn chọn lựa
thì mất vai trò lãnh đạo. Cũng chính vì thế, hiện nay Hiến pháp 1992
sửa đổi được đưa ra lấy ý kiến nhân dân, để nhân dân quyết định giữ điều
4 hay không? Một điều rất tốt (nói là vĩ đại cũng được) của Đảng Cộng
sản Việt Nam nhưng ông Tú lại không biết, đó là Đảng đang lấy ý kiến
nhân dân về quyền lãnh đạo của mình, khác với nhiều triều đại trước kia
thường nhân dân phải vùng lên lật đổ. Tổ chức cho nhân dân chọn lãnh đạo
như thế vừa văn minh vừa đỡ tốn xương máu, tốt đẹp biết bao!
Ông Nguyễn Thanh Tú không nhìn thấy điều tốt đẹp ấy của Đảng Cộng sản
Việt Nam để mà ủng hộ, giữ lấy nét son cho Đảng trong lịch sử dân tộc,
lại cho rằng đã “giành chính quyền” và “đuổi các đế quốc xâm lược lớn”
thì phải bám giữ quyền lãnh đạo dân tộc. Khác gì đề cao tư tưởng trộm
cướp, rằng đã cướp được thì phải giữ lấy mãi, mà không đề cao tư tưởng
vì nước vì dân, và cả vì Đảng!
Nên theo PV Quốc Doanh tôi và có lẽ theo cả nhiều đảng viên Đảng Cộng
sản Việt Nam khác nữa, những người mang tư tưởng trộm cắp, cơ hội cá
nhân như ông Hà Đăng, Trần Đăng Thanh, Nguyễn Thanh Tú, dù có nhiều học
hàm học vị thì cũng không đủ tư cách bảo vệ Đảng Cộng sản Việt Nam và
dạy người khác về niềm tin.
Nhưng thực tế, các ông đã cao giọng trên các phương tiện truyền thông
của Đảng. Không lẽ, lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam bây giờ đang chủ
trương giương cao thứ lý luận trộm cắp, cơ hội cá nhân?
Ngày 22/2/2013
Q.D.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN