Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Lan man chuyện hiến pháp

Nguyễn Minh Cần
Quốc hội Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (nói đúng hơn là Bộ chính trị đảng cầm quyền) tổ chức lấy ý kiến của dân cho “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992”. Họ thơn thớt nói nhiều điều giả dối mà không hề ngượng miệng làm những người chính trực nghe ngứa cả lỗ tai: “Đây là một trong những hoạt động nhằm hiện thực hóa quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân. Nó tương đương với một cuộc Trưng cầu dân ý trong việc xây dựng Hiến pháp lần này. Nói một cách khác, nó là một Hội nghị Diên Hồng của dân tộc ta trong thời đại mới, đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc!” Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta dùng những lời lẽ “hoa mỹ”, “hoành tráng”, “đao to búa lớn” như vậy! Có ý đồ cả đấy, các bạn ạ!
Nhiều tổ chức dân chủ đã tuyên bố tẩy chay cái trò bịp bợm muôn thuở của nhúm mười bốn người đang độc tôn thống trị 90 triệu dân ta. Không ít người khinh bỉ huỵch toẹt gọi đó là “trò khỉ”, và kêu gọi mọi người chớ chơi “trò khỉ”. Cũng có nhiều người nêu ý kiến, thảo luận về “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992”. Đáng chú ý là 16 vị trước đây đã từng có quyền cao, chức trọng trong bộ máy cầm quyền nay đại diện cho 72 nhân sĩ, trí thức đã đến trụ sở “quốc hội” trang trọng dâng... kiến nghị bảy điều (nghe như “thất trảm sớ” của cụ Chu Văn An dâng lên vua Trần Dụ Tông năm xưa), kèm theo một bản dự thảo hiến pháp của “nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. “Quốc hội” tổ chức lễ tiếp nhận kiến nghị rất long trọng. Các cơ quan truyền thông của đảng được lệnh quay phim, chụp ảnh, truyền hình, truyền thanh rầm rộ. Chủ và khách đều hoan hỉ, hể hả...
Thế mà có một nhà chính luận trẻ tuổi, thông tuệ là cô Huỳnh Thị Thục Vy đã viết một bài khá sắc sảo (bài “Tính chính danh của Hiến Pháp”), trong đó có một câu đáng để cho các vị nhân sĩ, trí thức và mọi người suy ngẫm: “... Quả vậy, những đóng góp cho việc sửa đổi Hiến pháp của một số trí thức Việt Nam hiện nay vô hình chung mang lại tính chính danh nguy hiểm cho sự cai trị độc đoán của chế độ; cũng như cung cấp cho cái gọi là "Hiến pháp" của họ một thẩm quyền giả tạo, để họ có thể tiếp tục cai trị chuyên quyền và đàn áp đối lập.”
Nhưng, hôm nay, người viết bài này không bàn đến chuyện có nên hay không nên góp ý kiến cho “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992”. Vì, theo thiển ý, cũng có thể có nhiều vị có thiện ý nghĩ rằng, việc góp ý kiến này là một dịp nhắc cho đảng cầm quyền nhớ rằng càng ngày càng có nhiều nhân sĩ, trí thức và công chúng thuộc đủ mọi thành phần xã hội, tôn giáo, kể cả đảng viên của họ, không đồng tình với đảng, không tán thành “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992” của đảng. Cũng không loại trừ chuyện có nhiều vị muốn nhân việc góp ý kiến này để “đánh bóng” tên tuổi của họ trước bàn dân thiên hạ, hoặc muốn lưu lại “vang bóng một thời” (xin phép mượn chữ của cụ Nguyễn Tuân) cho hậu thế. Và cũng rất có thể có người muốn dùng hình thức góp ý để bộc lộ tinh thần chống đảng cầm quyền, chống chế độ độc tài, toàn trị... Nghĩa là động cơ mỗi người góp ý kiến có thể rất khác nhau.
Nhưng có một điều chắc chắn là, ngày nay, hầu như không còn mấy ai ngây thơ nghĩ rằng cái đảng cầm quyền này thực tâm mong muốn nước ta, dân ta có một bản hiến pháp thật sự dân chủ, thật sự tiến bộ, xứng đáng là một “khế ước xã hội” được sự đồng thuận của toàn dân. Các vị nhân sĩ, trí thức góp “kiến nghị bảy điều” đã từng gánh vác trọng trách trong guồng máy cầm quyền lại càng không thể ngây thơ!
Mọi người đều nhớ: trước khi đưa ra việc lấy ý kiến dân về “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992” thì các ông đầu nậu trong Bộ chính trị từ Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng... đã lớn tiếng “chặn họng” nhân dân: “bỏ điều 4 là tự sát”, “chỉ có quyền sở hữu toàn dân, chứ không thể có quyền sở hữu tư nhân về đất đai”, “không thể có báo chí tư nhân”, “không thể có đảng phái đối lập”, “không thể có đa nguyên, đa đảng”, “quân đội và công an là của Đảng, không thể khác được”, “kinh tế quốc doanh là chủ đạo”, “nhà nước ta không tam quyền phân lập”... Do đó, người dân bình thường có chút suy nghĩ cũng có thể nhận rõ cái việc sửa đổi hiến pháp này chỉ là một trò bịp bợm không hơn không kém, huống chi là các vị nhân sĩ, trí thức học hàm, học vị đầy mình đã từng sống và làm việc lâu năm trong guồng máy cầm quyền! Ai mà không thấy rằng, muốn sửa đổi cái bản hiến pháp lạc hậu hiện nay, hoàn toàn không phù hợp tinh thần thời đại mà không cho đụng đến những vấn đề gốc rễ đó thì sửa đổi cái... quái gì? Bản hiến pháp mới sẽ chẳng khác gì bản cũ!
Vậy thì đảng cầm quyền nhắm tới cái mục đích gì đây? Theo thiển ý của chúng tôi, mục đích chính của đảng cầm quyền là qua việc lấy ý kiến dân để sửa đổi hiến pháp lần này là để khoác lên chế độ độc tài toàn trị hiện hữu, khoác lên đảng cầm quyền một cái áo choàng “chính thống” (légitimité), “chính danh” nào đó bằng cách tuyên bố cuộc lấy ý kiến của dân vừa qua đã hoàn toàn thắng lợi, “nó tương đương với một cuộc Trưng cầu dân ý” (chữ viết hoa trong nguyên bản)! Nghĩa là họ sẽ “mập mờ đánh lận con đen” là đảng cầm quyền đã “hiện thực hóa quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân” trong “một cuộc Trưng cầu dân ý” (!), trong “một Đại hội Diên Hồng của dân tộc ta trong thời đại mới” (!) và toàn dân đã chuẩn thuận, đã phúc quyết bản hiến pháp sửa đổi, như vậy là toàn dân đã cho phép cái gọi là Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục trường kỳ thống trị nhân dân Việt Nam “muôn năm”! Đấy, thâm ý của băng đảng cầm quyền là như vậy!
Chắc nhiều người đều biết rằng, các bản hiến pháp đã có ở nước ta đều có một điểm vi hiến giống nhau là chúng không hề được “đưa toàn dân phúc quyết” như điểm c Điều 70 Hiến pháp 1946 đã quy định. Cuộc vận động góp ý cho “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992” lần này chính là một trò bịp bợm lập lờ về cái sự “toàn dân phúc quyết” vừa nói trên!
Vì sao đảng cầm quyền phải viện đến kế sách đó vào lúc này? Vì cái gọi là “Đảng cộng sản Việt Nam” vốn không có tính “cộng sản”, ngày nay thậm chí cũng không còn tính chất một đảng chính trị, mà thực tế nó đã biến thành một băng đảng mafia mất hết uy tín trước nhân dân. Ngay cả các đảng viên trung thực cũng không còn tin đám chóp bu của đảng nữa. Nhiều nhân vật chính trong băng đảng cầm quyền ngày nay đã hiện nguyên hình trước mắt đại chúng, kể cả đại chúng đảng viên, là những tội đồ bán nước, những tay sai ngoại bang, những quan tham côn đồ, những cường hào ác bá cướp ngày trắng trợn... Băng đảng này đang trên đà tan rã vì sự đấu đá nội bộ để tranh quyền, tranh lợi, vì nạn tham nhũng tràn lan, vì những khủng hoảng trầm trọng bên trong tổ chức, và đặc biệt vì sự tấn công mạnh mẽ của dư luận xã hội trong cả nước bóc trần bộ mặt thật của chúng... Để bám được quyền lực thì về mặt đối ngoại, băng đảng này đang hèn hạ dựa dẫm và khuất phục “thiên triều” Trung cộng bất chấp sự phản đối của nhân dân yêu nước, về mặt đối nội, chúng điên cuồng đàn áp khốc liệt và dã man mọi phong trào yêu nước, mọi biểu hiện đối lập, mọi cuộc vận động đòi tự do, dân chủ và nhân quyền, đồng thời trắng trợn vơ vét, cướp đoạt đất đai, nhà cửa, tài sản của người dân nhằm chuẩn bị cho những ngày tàn của chúng... Tất cả những hành động này chỉ tăng thêm lòng căm ghét và uất hận của đại chúng, càng tích lũy thêm những thùng thuốc súng sẵn sàng nổ tung khi gặp mồi lửa. Chính vì thế, đám đầu đảng đang ra sức bày ra những trò bịp bợm để lừa gạt nhân dân. Một trong những trò đó chính là việc tổ chức góp ý dân để sửa đổi hiến pháp, qua đó băng đảng cầm quyền có thể làm cho giới trí thức xao lãng những vấn đề thực tế trước mắt, đồng thời, như đã trình bày ở trên, hòng vớt vát một chút “tính chính thống” nào đó cho việc tiếp tục bám chặt quyền thống trị nhân dân.
***
Khi bàn đến tính chính thống của chế độ, chúng tôi thấy cần lưu ý bạn đọc đến sự kiện lịch sử này: Đúng là bản Hiến pháp 1946 đã được Quốc hội thông qua ngày 9 tháng 11 năm 1946, nhưng nó không hề được Chủ tịch nước Hồ Chí Minh ra sắc lệnh ban bố để được thi hành. Như vậy, thực tế là Hiến pháp 1946 đã không được khai sinh (nói theo văn phong hiện đại của báo chí trong nước: nó không được đưa vào cuộc sống), mà bị “bỏ xó”, có thể nói là nó đã bị khai tử! Vì thế, Hiến pháp 1946 không hợp hiến, không có giá trị về mặt pháp lý. Đó là một sự thật không thể chối cãi!
Cố nhiên, đảng cầm quyền không thể thừa nhận thực tế đó, dù nó là một sự thật. Vì nếu thừa nhận thì logic khách quan sẽ dẫn đến kết luận này: vì dựa trên Hiến pháp 1946 không có giá trị về mặt pháp lý mà sửa đổi thì những “hiến pháp” 1959, 1980, 1992, và rồi đây cả 2013... nữa cũng đều không có giá trị về mặt pháp lý. Từ đó, logic sẽ dẫn đến một kết luận vô cùng nghiêm trọng nữa là: các chế độ Việt Nam dân chủ cộng hòa và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sinh ra từ những “hiến pháp” vừa nói đó đều không có tính chính thống, không có chính danh! Do đó, các thể chế, các tổ chức chính quyền, các tổ chức chính trị, kể cả Đảng cộng sản Việt Nam từ năm 1945 về sau đều là phi pháp, đều là những tổ chức tiếm quyền của dân chúng! Tiếc rằng, ở nước ta không có một Tòa án bảo hiến độc lập và thực sự có uy quyên để phán xét điều này!
Cũng có thể có người phản bác lại, bảo rằng: Trong Hiến pháp 1946 không có điều khoản nào quy định là Chủ tịch nước phải ra sắc lệnh ban bố hiến pháp cả. Đúng là trong Hiến pháp 1946, người ta đã lờ đi, không ghi điều khoản riêng quy định việc ban bố hiến pháp thật. Ở điểm đ Điều 49 Hiến pháp 1946 chỉ nói “các đạo luật đã được Nghị viện quyết nghị” thì phải được Chủ tịch nước ban bố mới có giá trị pháp lý để toàn dân thi hành.
Nhưng, ta hãy bình tĩnh mà xét, về mặt pháp lý, hiến pháp cũng là một đạo luật, đạo luật cao nhất, bao trùm nhất, người ta gọi nó là “đạo luật cơ bản”, “đạo luật của tất cả các luật”. Lẽ nào một “đạo luật” như thế lại không đòi hỏi một sắc lệnh do Chủ tịch nước ban bố hay sao? Không có sắc lệnh của Chủ tịch nước ban bố hiến pháp, thì hiến pháp cũng như bất kỳ đạo luật nào khác cũng đều không có tính pháp lý!
Phải nói thẳng rằng, trong chuyện này, ta thấy rõ một thủ đoạn rất thâm của ông Hồ Chí Minh: là ông cố tình không ghi điều này trong hiến pháp để tạo nên một sự mập mờ cho phép ông và phe cánh ông “tùy cơ ứng biến” sử dụng Hiến pháp 1946 như thế nào tùy theo ý muốn của họ. Ông Hồ Chí Minh và những người cộng sản cũng đã đề phòng trước mọi tình huống phức tạp nên trong Hiến pháp 1946, họ cũng cố tình lờ đi không lập ra Tòa án bảo hiến (còn gọi là Tòa án hiến pháp). Thực ra, việc Chủ tịch nước ra sắc lệnh ban bố hiến pháp và việc lập Tòa án bảo hiến là những kiến thức rất sơ đẳng về hiến pháp không thể nào họ không biết! Họ biết, nhưng cố tình lờ đi! Đây là ý đồ, là âm mưu có tính toán của họ!
Cho nên, sau này khi nảy sinh những vấn đề rắc rối về pháp lý, nhất là về hiến pháp, không có một cơ quan nào như Tòa án bảo hiến đứng ra phán xét cả. Thế là bên hành pháp (chủ tịch nước và chính phủ) tha hồ “nói xuôi cũng được, nói ngược cũng xong”, cứ thế suốt đời “cả vú lấp miệng em” để vi phạm hiến pháp. Phải nói thẳng thắn đó là hành vi của những tên bợm “cáo già” làm chính trị, chứ không phải của người làm chính trị trung thực!
Xin mọi người đừng quên rằng: trong ban dự thảo hiến pháp, những người cộng sản luôn luôn chiếm hầu hết các ghế. Ban dự thảo đầu tiên gồm 7 người, được thành lập theo sắc lệnh 34SL ngày 29.9.1945, thì chỉ có ông Vĩnh Thụy, tức là vua Bảo Đại, là người duy nhất không cộng sản (thực ra tên ông được ghi vào chỉ để “làm vì” tượng trưng thôi), còn lại đều là Việt minh-cộng sản, trong số đó người chủ chốt là ông Hồ Chí Minh và ông Đặng Xuân Khu (tên của Tổng bí thư Trường Chinh). Như vậy, họ muốn viết hiến pháp thế nào mà chẳng được! Ban dự thảo được Quốc hội bầu ra sau đó có 11 người, thì tuyệt đại đa số cũng vẫn là cộng sản-Việt minh!
Hồi năm 1946, ông Hồ Chí Minh và những người cộng sản biết rõ thực lực và vị thế của họ còn yếu, nên khi làm hiến pháp họ rất chú ý mặt đối ngoại. Nghĩa là trong hiến pháp họ phải giấu thật kín cái vẻ ngoài và cái thực chất “cộng sản” của chế độ, phải nói rõ về “quyền tư hữu tài sản của công dân được bảo đảm”, về “trường tư được mở tự do”, về “đoàn kết mọi giai cấp, mọi tầng lớp, mọi sắc tộc, mọi tôn giáo”, v.v... để dân chúng Việt Nam và nước ngoài không sợ cộng sản, đồng thời cố trưng lên rất “hoành tráng” các quyền của công dân, như “tự do ngôn luận”, “tự do xuất bản”, “tự do tổ chức và hội họp”, “tự do tín ngưỡng”“tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”... để gây được cảm tình và sự ủng hộ của dân chúng. Hiến pháp vì thế có tính phô trương, huênh hoang (déclaratif) nhiều hơn là thực tế: trong hiến pháp không hề có những quy định chặt chẽ bảo đảm sự thi hành nghiêm chỉnh. Hơn nữa, những người làm hiến pháp còn cố tạo sẵn những kẽ hở để sau này cơ quan hành pháp dễ dàng ra những nghị định “dưới luật” nhằm vô hiệu hóa những điều đã ghi trong hiến pháp.
Bây giờ thì một số người nức nở hết lời khen ngợi Hiến pháp 1946, nào là nó dân chủ, nào là nó tiến bộ, thậm chí có người còn “bốc” quá mạnh, bảo rằng nó dân chủ nhất châu Á, vì chỉ nhìn cái vẻ ngoài của nó thôi, chứ thật ra Hiến pháp 1946 có được thi hành một ngày nào trên nước ta đâu mà khen ngất như vậy! Xin mọi người cứ đối chiếu các điều ghi trong Hiến pháp 1946 với thực tế lịch sử nước ta thì rõ thôi! Hiến pháp 1946 “dân chủ”, “tiến bộ” như thế, viết những điều hay ho, tốt đẹp như thế mà các ông Hồ Chí Minh, Trường Chinh – những người chủ chốt đã làm ra cái hiến pháp đó – đã tự cho phép mình và đảng cầm quyền bắn giết trên một trăm nghìn người, tước đoạt ruộng đất nhà cửa của hàng chục nghìn gia đình ở nông thôn trong cuộc cải cách ruộng đất; tịch thu tài sản của hàng nghìn người trong các cuộc cải tạo công thương nghiệp tư nhân; bắt bớ, giam cầm, đày đọa hàng trăm nhà trí thức, văn nghệ sĩ, giáo sư... có tiếng trong vụ án Nhân Văn-Giai Phẩm; cầm tù hàng trăm cán bộ kể cả các tướng lĩnh, bộ trưởng, thứ trưởng... trong vụ án Xét lại-chống Đảng, v.v... Còn hàng trăm, hàng nghìn điều vi phạm Hiến pháp 1946 nữa, không thể kể xiết! Chính những người làm ra Hiến pháp 1946, lại không muốn ban bố hiến pháp, lại không muốn lập ra một Tòa án bảo hiến độc lập để họ dễ bề “ngồi xổm” lên nó, “chà đạp” nó, coi nó không khác gì tờ giấy lộn, thì làm sao lại có thể ca tụng Hiến pháp 1946 là dân chủ, là tiến bộ được?
Viết đến đây, chúng tôi nghĩ rằng cần nói rõ quan niệm của những lãnh tụ cộng sản về hiến pháp, nó khác hẳn với quan niệm thông thường về một hiến pháp dân chủ, về một “khế ước xã hội”... mà chúng ta từng quen thuộc. Người viết bài này hồi năm 1958 nhiều lần được nghe ông Trường Chinh giảng giải về hiến pháp, nhân dịp sửa đổi hiến pháp năm 1959. Theo quan niệm cộng sản, hiến pháp là đạo luật gốc để thể chế hóa chiến lược và sách lược của đảng cộng sản trong từng giai đoạn cách mạng; nó phải phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của đảng, phải bảo đảm vai trò lãnh đạo của đảng đối với đất nước và nhân dân. Để soi sáng vấn đề này, ông Trường Chinh đưa ra những ví dụ, chẳng hạn, hồi năm 1946, khi làm cách mạng giải phóng dân tộc, trong hiến pháp ta nói “đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái, trai, giai cấp, tôn giáo”, còn bây giờ (hồi đó là năm 1958) khái niệm của đảng ta về “nhân dân” có khác, nhân dân chỉ là những giai cấp cách mạng thôi, địa chủ, tư sản, phú nông không thuộc phạm trù nhân dân; bây giờ trong hiến pháp ta phải nhấn mạnh liên minh công nông và nêu rõ vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân. Hồi năm 1946, hiến pháp ghi rõ các quyền cơ bản của công dân, như quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền khiếu nại tố cáo, nhưng bây giờ không thể ghi như vậy được vì ta đang làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, ta phải dứt khoát nói kinh tế quốc doanh giữ vai trò lãnh đạo trong nền kinh tế và nó được nhà nước ưu tiên phát triển... Hồi năm 1946, ta không nói, nhưng ngày nay ta phải nói rõ ta đứng trong phe xã hội chủ nghĩa đứng đầu là Liên Xô, v.v... Câu nói được ông Trường Chinh nhắc đi nhắc lại nhiều lần là “Đảng sửa đổi hiến pháp để phù hợp với chiến lược và sách lược của đảng trong từng giai đoạn”... Chính vì thế đến năm 1980, các lãnh tụ cộng sản lại sửa đổi hiến pháp, tuyên bố “đi theo con đường Cách mạng tháng Mười Nga”, công nhiên ghi Điều 4 vào hiến pháp nói về vai trò độc quyền lãnh đạo của Đảng cộng sản (điều này cóp gần như nguyên văn ở Điều 6 Hiến pháp Liên Xô năm 1977), công khai nói đến “nắm vững chuyên chính vô sản” và ngang nhiên ghi vào hiến pháp Điều 17 nhằm xóa bỏ quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất thay bằng cái gọi là “sở hữu toàn dân”. Câu này trong lời nói đầu của hiến pháp 1980 làm nổi bật cái quan niệm của những người cộng sản về hiến pháp: "Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cần có một bản Hiến pháp thể chế hóa đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam trong giai đoạn mới. Đó là Hiến pháp của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước...”
Với một quan niệm về hiến pháp như vậy của đảng cầm quyền thì dân ta không mong gì có được một hiến pháp dân chủ, giống như một “khế ước xã hội” trong đó các tầng lớp nhân dân thỏa thuận với nhau một cách dứt khoát và lâu dài về những quyền lợi của công dân, về việc bảo đảm quyền làm chủ và quyền bình đẳng của công dân thể hiện trong việc bảo đảm quyền được tự do bầu cử, ứng cử, quyền được quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước qua những cuộc trưng cầu dân ý; thỏa thuận với nhau về những nguyên tắc cơ bản tổ chức hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước, về vai trò chủ nhân của công dân trong các hệ thống đó, cũng như trong các lực lượng vũ trang của đất nước; thỏa thuận với nhau về việc bảo đảm quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật, không cho phép một giai cấp nào, một tầng lớp nào, một đảng phái nào được đặc quyền đặc lợi, được độc tôn nắm toàn bộ quyền bính trong nước; thỏa thuận với nhau về tam quyền phân lập để có sự kiềm chế, kiểm tra và giám sát lẫn nhau giữa ba ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp nhằm bảo đảm sự hài hòa về quyền lực, bảo đảm công bằng trong xã hội, và không cho phép sự độc tài, chuyên chế. Các lãnh tụ cộng sản cho những điều này là quan niệm tư sản về hiến pháp nên họ ra sức bác bỏ!
Với cái quan niệm “sửa đổi hiến pháp để phù hợp với chiến lược và sách lược của đảng trong từng giai đoạn” nên đảng cầm quyền cứ thay đổi hiến pháp xoành xoạch như người ta thay áo! Có thể nói, nước Việt Nam ta có lẽ là nước đoạt kỷ lục thế giới về nhịp độ thay đổi hiến pháp! Vì thế, nước ta và dân ta không mong gì có được một hiến pháp tồn tại lâu dài, có được một chế độ ổn định, trường cửu, để mọi công dân có thể sinh sống và làm việc vì lợi ích chung của toàn xã hội cũng như của từng cá nhân.
***
Người viết nghĩ rằng: Nếu quả thật các vị đứng đầu đảng cầm quyền thực tâm muốn nước ta, dân ta có một bản hiến pháp thật sự dân chủ đáp ứng được tinh thần của thời đại, đáp ứng được nguyện vọng của toàn dân và muốn xóa bỏ cái tình trạng lèm nhèm về tính hợp hiến, về giá trị pháp lý của hiến pháp, cũng như tình trạng lèm nhèm về tính chính thống của chế độ hiện hành thì chỉ cần quý vị làm một việc giản đơn thôi, là: tổ chức một cuộc bầu cử hoàn toàn tự do và trung thực, có sự kiểm soát của quốc tế, cho nhân dân được tự do bầu cử, ứng cử để bầu lên một quốc hội lập hiến, và quốc hội này sẽ dự thảo và thông qua hiến pháp mới; hiến pháp mới sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý một cách thật tự do và đàng hoàng để toàn dân phúc quyết thì chắc chắn hiến pháp đó sẽ là hiến pháp tốt nhất có thể tồn tại lâu dài với thời gian. Việc này rất vừa tầm tay của quý vị, mà làm được nó thì đảng cầm quyền không những tự cứu được mình mà còn được lưu danh muôn thuở trong lịch sử.
Ngược lại, nếu các vị không dám làm việc này mà cứ loay hoay, tất bật mãi với việc sửa đổi hiến pháp “mới mà vẫn như cũ” để cố bám lấy quyền lực và quyền lợi thì chắc chắn đảng cầm quyền của các vị sẽ không tránh khỏi diệt vong, tên tuổi của các vị sẽ bị phỉ nhổ muôn đời. Còn Dân tộc và Đất nước cuối cùng nhất định sẽ giành được thắng lợi, nhưng phải trải qua muôn vàn hy sinh, gian khổ để chống thù trong và giặc ngoài.
Đây là những suy tư đầu năm của kẻ viết bài này. Mong rằng các bậc thức giả nước ta cho ý kiến về vấn đề quan trọng này.
Đầu năm Quý Tỵ, 2013.
Nguyễn Minh Cần

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"