Hôm qua hàng loạt báo chạy tin về dự án bauxite Tân Rai, Nhân Cơ.
Tuy không đề cập thẳng đến vấn đề an ninh quốc gia và lợi ích kinh tế
một cách trực tiếp, nhưng cách đưa tin rõ ràng là chỉ ra tính bất khả
thi của dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên.
“Cảnh báo của các nhà khoa học về dự án Bôxít ở Tây Nguyên đang dần đúng. Dự án vẫn được thải bằng công nghệ rẻ tiền, nhiều rủi ro... Nếu làm đến cùng thì bôxít sẽ trở thành gánh nặng kinh tế!”. - Đó là khẳng định của Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) về việc thử nghiệm 2 dự án Bôxít Tân Rai và Nhân Cơ. Tiến sĩ Sơn kiến nghị lãnh đạo Vinacomin xin Chính phủ cho dừng ngay dự án Nhân Cơ, chờ khi nào Tân Rai có hiệu quả sẽ làm tiếp.
Sau chuyến khảo sát thực tế hai dự án trên ở Tây Nguyên, Tiến sĩ Sơn cho biết, đến nay dự án chẳng có gì mới so với những điều đã được cảnh báo từ 4 năm trước. Bùn đỏ - vấn đề được nhiều nhà khoa học quan tâm, vẫn được thải bằng công nghệ nghệ “ướt” rẻ tiền và nhiều rủi ro. (Theo Dân Trí)
Chợt nhớ 4 năm trước, trong rất nhiều buổi làm việc với Pa38 – phòng
an ninh Chính trị nội bộ tỉnh Khánh Hòa và hai anh an ninh trẻ đến từ Bộ
Công An, ngoài việc dò hỏi vì sao in câu “Hoàng Sa – Trường Sa là của
Việt Nam” lên mặt trước của áo bên cạnh dòng chữ “Stop bauxite – No
China” thì quan điểm mà họ luôn nhắc đi nhắc lại với tôi như thế này:
- Dự án khai thác bauxite là chủ trương lớn của đảng,
nhận được sự đồng thuận và nhất trí cao của rất nhiều người. Chỉ có
những người thiếu thông tin mới phản đối nó. Em chỉ đọc thông tin trên
mạng làm sao biết được hết tính toán của chính phủ. Em phải biết việc em
phản đối như thế này là đi ngược lại với đường lối và chính sách của
nhà nước”
Tôi còn nhớ rất rõ, mình bị bắt vì tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích quốc gia”.
Năm 2011, trong các phiên họp của Quốc hội người ta lại nhắc đến dự án bauxite nhưng không đề cập đến các cảnh báo về an ninh quốc gia, lợi ích kinh tế mà chuyển sang việc vận chuyển quặng đã khai thác có thể gây hại cho cầu đường vì tải quá nặng. (Theo Dân Trí)
4 năm sau, khi đã bỏ ngoài tai toàn bộ ý kiến và các lời cảnh báo từ
các nhà khoa học, người ta lại nhắc đến dự án bauxite vì sợ “lỗ”.
Vấn đề đặt ra ở đây là ai sẽ chịu trách nhiệm cho tất cả những việc trên?
Câu trả lời như mọi lần sẽ là không có một ai hết.
Bởi không ai có thể túm đầu đảng để bắt đảng chịu trách nhiệm về chủ trương, đường lối của mình.
Cũng năm 2009, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ nộp đơn khởi kiện Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng vì đã ban hành quyết định số 167/2007/QĐ -TTg ngày
01/11/2007 "phê duyệt quy hoạch, phân vùng, thăm dò, khai thác, chế
biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007-2015."
Theo một chuyên gia luật ẩn danh phân tích việc Tiến sĩ Vũ kiện Thủ
tường thì thủ tướng không có trách nhiệm cá nhân trong vụ này:
"Trách nhiệm là từ phía chính phủ, và thủ tướng chỉ là người đại diện đứng ra thực hiện các chính sách của chính phủ."
Chính cách lập luận trên đã khiến cả dân tộc này phải lao đao khốn
đốn sau nhiều lần chính phủ Việt Nam cải cách, và sửa sai sau khi đã
ban hành hàng loạt quyết định bất hợp lý với toàn xã hội.
Ông Thủ tướng không chịu trách nhiệm, thì đương nhiên sẽ không có chuyện chính phủ chịu trách nhiệm.
Cá nhân tôi cho rằng với tuyên bố ‘khai thác bauxite là chủ trương
lớn của Đảng” của nhiều vị lãnh đạo Việt Nam thì việc phải chịu trách
nhiệm trước toàn dân tộc về hậu quả của dự án này là trách nhiệm chung
của toàn thể các đảng viên đảng Cộng Sản đã nhắm mắt làm ngơ với tuyên
bố trên.