Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Cho nhân dân ta được hưởng mọi Quyền Con Người

Vũ Lịch Nguyên
Tôi đề nghị đưa câu sau vào hiến pháp: Nhà Nước không được ban hành bất cứ văn bản luật nào hàm ý ngăn cản thực thi Quyền Con Người ghi trong Tuyên Ngôn của LHQ.
Cố ý che dấu?
Một bài đăng trên hienphap.net giúp tôi nhận ra ở nước ta có tình trạng cố ý che dấu về những quyền mặc định mà mọi con người sinh ra đều được hưởng. Cứ dựa vào các thời điểm mà bài này đưa ra, đủ rõ.
Bản Tuyên Ngôn phổ quát về nhân quyền của LHQ ra đời năm 1948, được Nhà Nước ta thừa nhận và ký cam kết thực hiện năm 1982. Đó là năm tôi đã 18 tuổi; vậy mà, cho đến nay – đã gần 50 tuổi – tôi chưa bao giờ được đọc nội dung Tuyên Ngôn này. Có thể nói, suốt 31 năm nay nó bị giấu tịt. Nay, khi biết nó tồn tại, tôi phải lên mạng mới lấy được
Càng không thể có chuyện dạy cho bọn trẻ chúng tôi hiểu biết về quyền con người. Mặc dù, có ý kiến đăng ở hienphap.net nói rằng chỉ cần 30 phút là đủ để thầy cô giáo giảng cho học sinh những khái niệm cơ bản về quyền con người.
Vậy thì, kính xin đảng ta tìm cho ra thủ phạm và giải thích để tôi (đã sống 2/3 đời người dưới sự lãnh đạo của đảng) được biết: Vì sao, trên 30 năm nay Bản Tuyên Ngôn không được công khai hóa?.
Biến thành “chuyện nhậy cảm”…
Không những che giấu, mà ai tìm hiểu được chút gì về Quyền Con Người thì cấm nói, cấm bàn… Cái bài báo nhan đề Quyền con người không còn là chuyện nhạy cảm đăng trên Vietnamnet.vn khiến tôi sững sờ.
Ở Việt Nam, chuyện “nhạy cảm” có nghĩa là chuyện cấm hỏi, cấm nói, cấm phổ biến, cấm bàn… Tức là cấm “mở miệng”. Bác Hồ nói: Dân chủ là để dân được “mở miệng”. Mà cấm suốt 31 năm ròng, đến nay (2013) mới “không còn là chuyện nhạy cảm” (!).
Thế thì năm 1982 – khi nước ta chấp nhận Bản Tuyên Ngôn – hầu hết lớp các cụ 50 tuổi hồi đó nay đã nhắm mắt mà không ai được hiểu tý gì về quyền con người; còn nói gì tới chuyện các cụ được hưởng thụ?
Xin kính báo đảng ta: Tôi cũng bước vào tuổi 50 rồi. Tôi Kính xin đảng ta cho nhân dân ta được hưởng mọi quyền con người (như tên bài viết này)
Tại sao một nhà nước “do dân, của dân, vì dân” lại có thể để mặc cho những bàn tay bẩn thỉu che dấu Bản Tuyên Ngôn phổ quát mà chính nhà nước ta đã ký cam kết thực hiện?
Tiện thể, tôi xin cảm ơn hienphap.net và đồng ý với một câu trong một bài viết ở trang mạng này: Không phải cứ hô to hoặc tô đậm mấy chữ “do dân, của dân, vì dân” mà chúng sẽ thành hiện thực đâu.
Tự tìm hiểu trên mạng
Tin liên quan:
Trước hết, quyền con người là quyền đương nhiên mà mỗi con người phải có, mà không cần bất cứ điều kiện gì – miễn là khi sinh ra là “người”. Quyền con người là quyền cá nhân, không phải là quyền dân tộc. Nó phổ quát cho bất cứ ai sinh ra là “người”. Chớ kể lể công lao giành độc lập nhằm ngụy biện về việc lẩn tránh thực hiện quyền con người.
Sự nhập nhằng giữa quyền con người và quyền công dân, tới mức đưa vào hiến pháp 1992, cũng là cố ý ngụy biện. Xin trích: Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật.
Đọc bản Tuyên Ngôn gồm tới 30 điều, tôi thấy đó là những quyền rất tối thiểu để phân biệt con người với con vật. Điều 30 (ở cuối) là sự lường trước rất sáng suốt. Những người soạn thảo Tuyên Ngôn đã biết chắc sẽ có những thế lực thù địch không muốn thực thi quyền con người cho chính những người dân dưới quyền chúng. Vi phạm quyền con người, dù nhiều hay ít, đồng nghĩa với tước bỏ chất “người” của một con người.
Đưa vào hiến pháp
- Xin chớ nói trong hiến pháp bằng những lời lẽ ban ơn quyền con người cho mọi người. Đó là quyền mặc định.
- Chớ kể lể từng quyền một, mà cần nêu ngay từ đầu “nhà nước VN thực hiện đầy đủ mọi quyền ghi trong Bản Tuyên Ngôn nhân quyền của LHQ”. Và kèm ngay một điều khoản chế tài.
Tuy nhiên, tôi xin đề nghị câu sau trong hiến pháp: Nhà Nước không được ban hành bất cứ văn luật nào hàm ý ngăn cản thực thi Quyền Con Người ghi trong Tuyên Ngôn về QCN của LHQ.
- Cũng không được làm lẫn lộn quyền con người với quyền công dân. Và một khi các quyền con người bị vi phạm – dù ít hay nhiều – thì con người này cũng không thể được hưởng đầy đủ các quyền công dân của mình.
Có thể nói: Viết như dự thảo là không đạt. Liệu có thể có ý đồ cố ý viết “không đạt”.
Kính thưa đảng ta
- Đảng ta lãnh đạo nhà nước mà nhà nước lại để “kẻ xấu” che giấu 30 năm cái bản Tuyên Ngôn phổ quát này, như vậy là đảng chưa sâu sát.
- Đảng ta lãnh đạo toàn xã hội, nhưng nếu các công dân trong xã hội đó bị ngu dân về quyền con người, thử hỏi đảng vinh dự nỗi gì khi lãnh đạo cái đám người “chưa ra người” này?
Bao giờ Bản Dự Thảo hiến pháp sửa xong lần cuối, xin đảng ta cứ coi thử các điều khoản về quyền con người… Đó là hòn đá thử vàng (để biết hiến pháp là vàng thật hay giả). Thậm chí đó là cái kính chiếu yêu để để phân định Chính, Tà.
Lần này, chúng ta có thể hi vọng các “thế lực thù địch” sẽ không thể phê phán chúng ta về nhân quyền nữa.
Vũ Lịch Nguyên

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"