Nguyễn Thị Mỹ Hạnh
Mặc dù triều Nguyễn cũng như các triều
đại phong kiến trước đó ở Việt Nam luôn cố gắng khẳng định tính độc lập
của mình trong quan hệ bang giao với đại đế quốc phong kiến Trung Quốc
láng giềng, song trên thực tế triều Nguyễn vẫn luôn có nhu cầu duy trì
về hình thức mối quan hệ với “thiên triều” (Trung Quốc) bằng nhiều
phương cách để một mật đảm bảo mối quan hệ hòa hiếu, bang giao hảo thoại
giữa 2 nước, mặt khác để hợp thức hóa tính chính thống của vương triều
mình — điều mà ngay khi thành lập, triều Nguyễn đã không có được(1). Việc xin đổi quốc hiệu của vị vua đầu triều Nguyễn ngay khi mới lên ngôi là một trong những phương cách ấy.
Về việc xin đổi quốc hiệu trong buổi đầu triều Nguyễn, nhiều bộ sử lúc bấy giờ đã ghi chép lại khá cụ thể, chi tiết. Theo Đai Nam thực lục chính biên: “Vào
tháng 5 năm Nhâm Tuất (1802), Gia Long cử đoàn sứ bộ : Trịnh Hoài Đức
làm chánh sứ sang Trung Quốc. Đến tháng 11 năm ấy, lại cử Lê Quang Định
cầm đầu sứ bộ sang nhà Thanh xin đặt quốc hiệu mới”(2). Hay trong phần Bang giao của Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ
cũng đã phản ánh sự kiện này như sau: “Gia Long năm đầu, trong nước đều
yên, đường bể đã yên. phái Hộ bộ Thượng thư Trịnh Hoài Đức sung chức
Chánh sứ”bộ Binh tham tri Ngô Nhân Tĩnhvà bộ Hình tham tri Hoàng Ngọc
Uẩn sung giáp ất phó sứ đem sách ấn của nước Thanh phong cho vua Tây Sơn
khi trước và áp giải ba tên giặc biển mạo xưng Đông Hải Vương là Mạc,
Quan, Phù sang Quảng Đông giao cho viên tổng đốc tỉnh ấy để tâu xin xử
trí. Lại sai riêng sứ bộ sang xin phong và xin lấy quốc hiệu là “Nam
Việt” — Sứ bộ này gồm Binh bộ Thượng thư Lê Quang Định sung Chánh sứ,
lại sai Thiêm sự Lê Chính Lộ sang Giáp phó sứ. Đông các Đại học sĩ
Nguyễn Gia Cát sung At phó sứ”(3).
Như vậy, mốc thời gian về việc các sứ bộ sang Trung Quốc xin phong vương và xin đặt quốc hiệu có thể diễn ra cùng một lúc (như Đại Nam hội điển sự lệ phản ánh) hoặc có thể không diễn ra cùng thời điểm (như Đại Nam thực lục chính biên
phản ánh). Song, sự kiện vua Gia Long năm 1802 sai sứ sang Trung Quốc
xin đặt quốc hiệu mới Nam Việt là có thật, được phản ánh trong nhiều sử
sách của Quốc sử quán đương thời.
Trong quốc thư mà Gia Long gửi cho vua
Thanh (lúc đó là Gia Khánh) thông qua đoàn sứ bộ do Lê Quang Định dẫn
đầu, Gia Long đã nêu rõ lý do vì sao xin đổi quốc hiệu nước mình là Nam
Việt. Quốc thư viết rằng: “Mấy đời trước, chúng tôi mở đất ở Viêm Giao
ngày càng rộng gồm nước Việt Thường và Chân Lạp, đặt tên là Nam Việt,
truyền nối đã hơn hai trăm năm nay. Nay tôi đã lấy lại cõi Nam, có cả
đất Việt, nên lấy lại quốc hiệu cũ để được danh hiệu tốt”(4).
Hơn thế nữa, khi lý giải tại sao Gia Long lại xin đổi quốc hiệu từ Đại
Việt – một quốc hiệu vốn tồn tại lâu đời ở nước ta, sang quốc hiệu Nam
Việt, có không ít nhà nghiên cứu cho rằng: “Có lẽ Gia Long sợ Trung Quốc
không bằng lòng vì Trung Quốc xưng Đại Thanh, Việt Nam là Đại Việt, hai
nước cùng Đại – ngang hàng nhau1”(5). Vậy lý do thực tế của
hành động này là gì? Phải chăng rằng việc xin đổi quốc hiệu này của vua
Gia Long hàm ẩn cả 2 mục đích nêu trên, tức là vừa “lấy lại quốc hiệu cũ
để được danh hiệu tốt” vừa là vì sợ “hai nước cùng Đại ngang hàng
nhau”. Điều này thiết nghĩ cũng phù hợp với quan điểm ngoại giao của
triều Nguyễn – một mặt muốn khẳng định tính độc lập của mình trong quan
hệ bang giao với Trung Quốc, mặt khác muốn “tận dụng” quan hệ “chư hầu”
với “thượng quốc” Trung Hoa về hình thức để cốt khẳng định tính chính
thống của triều đại mình.
Song thực tế, việc thương hảo để có quốc
hiệu mới diễn ra vô cùng gay cấn. Khi quốc thư của vua Gia Long chuyển
lên, hoàng đế Thanh triều đã không đồng ý cho lấy quốc hiệu là Nam Việt.
Hoàng đế nhà Thanh cho rằng chữ Nam Việt giống chữ Đông Tây Việt – vốn
là tên một vùng đất của nước họ, nên không muốn cho. Thực tế là, cách đó
khoảng hai ngàn năm về trước, nhà Tần đã rơi vào tay nhà Hán (206 TCN).
Lúc này, một biên thần đang cát cứ ở Tuân Nam Hải (Quảng Đông ngày nay)
là Triệu Đà đã đánh chiếm 2 quân Tượng và Quế Lâm lập nên nước Nam
Việt. Đến năm 183 TCN, Triệu Đà xưng là Nam Việt Vũ Đế, độc lập với nhà
Hán. Tiếp đó, Nam Việt Vũ Đế đã bành trướng xuống phương Nam, thôn tính
nước Âu Lạc của An Dương Vương vào năm 179 TCN. Vậy là đến đây, Nam Việt
bao gồm các đất Quảng Đông, Quảng Tây và nước Âu Lạc cũ. Từ sự kiện
trong quá khứ này, Thanh triều lo ngại rằng nếu công nhận nước ta có
quốc hiệu là Nam Việt thì Gia Long sẽ vin vào sự kiện lịch sử ấy để đòi
đất Lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây) theo đúng đất đai nước Nam Việt
xưa của Triệu Đà (điều mà vua Quang Trung đã từng làm).
Nắm được tình hình đó, chánh sứ Lê Quang
Định lúc này đang ở Quế Lâm đă bàn với Án sát Quảng Tây là Tề Bố Sâm
nên đảo lại chữ Nam Việt thành Việt Nam. Trong khi đó, ở trong nước, sau
khi biết được tin hoàng đế Thanh triều là Gia Khánh không đồng ý đặt
quốc hiệu nước ta là Nam Việt, mà có ý đặt là An Nam, vua Gia Long cũng
đã cùng các triều thần bàn bạc. Cuối cùng, vua và các quần thần đi đến
thống nhất là đảo chữ Nam Việt thành Việt Nam với hy vọng Gia Khánh sẽ
nghe. Sau hai, ba lần gửi thư cho Thanh triều để biện giải không thành,
Gia Long dâng biểu lên Gia Khánh, trong biểu có ý dọa nếu không công
nhận quốc hiệu này sẽ không thụ phong(6). Trước tình thế ấy,
Gia Khánh buộc lòng đồng ý với quốc hiệu Việt Nam. Tờ dụ sau đây của
hoàng đế nhà Thanh đã bộc lộ phần nào thái độ nhún nhường của triều đình
nước lớn với nước ta – một nước láng giềng nhỏ hơn ngay sát cạnh mà
chúng vốn xem là “chư hầu” của mình: “Quốc gia của ông (ám chỉ Gia Long –
TG) nguyên trước là đất Việt Thường nay gồm cả nước An Nam nhưng sẵn
muốn không quên cái danh hiệu mấy đời còn giữ lại đó, nên mới khẩn khoản
xin vẫn giữ tên là Nam Việt, trùng với tên đất ngoài biên, như vậy chưa
được thỏa hiệp. Nhưng trẫm nghĩ rằng đã tới cửa giải tấm lòng thành,
nên mới cho dùng 2 chữ Việt Nam. Đặt chữ Việt lên trên, tỏ ý theo cương
thổ đòi trước, đặt chữ Nam ở dưới biểu dương phiên quốc mới được sắc
phong”(7).
Đến ngày 17 tháng 2 năm Gia Long thứ 3 (1804), quốc hiệu Việt Nam được tuyên cáo, chính thức được sử dụng từ đây.
Như vậy là, ngay khi vừa mới lên ngôi,
cùng với việc xin phong vương, việc đặt quốc hiệu mới đối với Gia Long
có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc khẳng định tính độc lập, chính
thống của triều đại mình. Thực tế cho thấy, để đạt được quốc hiệu mới là
Việt Nam (1804), vua quan triều Nguyễn thời Gia Long đã trải qua một
cuộc đấu tranh ngoại giao không hề dễ dàng mà rất gay cấn, quyết liệt.
Cuối cùng, hoàng đế Thanh triều đă buộc phải chấp nhận quốc hiệu mói –
Việt Nam của nước ta. Có thể nói, đây một mặt là thắng lợi ngoại giao
không nhỏ của triều Nguyễn trong việc khẳng định tính độc lập của mình
trong mối bang giao với Thanh triều Trung Quốc, mặt khác cũng là phương
cách ngoại giao đầy khôn khéo mà triều Nguyễn đã làm được dưới hình thức
“xin” nhà Thanh cho đổi quốc hiệu nhằm tránh “Đại Nam ngang hàng với
Đại Thanh” để cốt giữ mối quan hệ hòa hiếu, bang giao hảo thoại vốn có
giữa 2 nước thời bấy giờ.
CHÚ THÍCH:
(1) Triều Nguyễn được thành lập trên cơ sở tiêu diệt nhà Tây Sơn –
một vương triều vốn từng chiếm được cảm tình của nhân dân. Vương triều
Tây Sơn đứng đầu là Quang Trung – người anh hùng dân tộc có công lao to
lớn trong sự nghiệp thống nhất và bảo vệ đất nước. Trong hoàn cảnh ra
đời như vậy, vương triều Nguyễn bị rơi vào vị thế bất lợi về phương diện
tâm lý, không được nhiều thiện cảm của nhân dân ngay từ ban đầu cũng là
điều dễ hiểu. Hơn thế, vương triều Nguyễn đã dựa vào thế lực bên ngoài
để thành lập và củng cố quyền lực của mình ở trong nước thì càng dễ
khiến nhân dân bất bình. Do đó, không như các triều đại Lê, Tây Sơn
trước đó, triều Nguyễn khi vừa mới thành lập đã không khẳng định được uy
tín, quyền lực của mình với nhân dân (đặc biệt là đối với nhân dân Bắc
Hà đang một lòng hướng về nhà Lê) cũng như tính chính thống của mình
bằng cuộc chiến đấu chống ngoại xâm.
(2) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, T. XVII, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1966, tr.10.
(3) Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, phần Chính biên, tr.306.
(4) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, T. III, Nxb Sử học, Hà Nội, 1963, tr.91.
(5) Theo Nguyễn Lương Bích, Lịch sử ngoại giao Việt Nam các thời trước, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1996, tr.214.
(6) Xem Nguyễn Thế Long, Bang giao Đại Việt triều Nguyễn, Nxb Văn hóa Thông tin, 2005, tr.35 – 37.
(7) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, T. III, Nxb Sử học, Hà Nội, 1963, tr.157-158.