Phùng Liên Đoàn
Ngày 20 tháng 2, năm 2013
Thưa anh Trung:
Tôi đã đọc thư ngỏ của anh gửi các nhà lãnh đạo Việt Nam, và tôi thấy thấm thía từng câu từng chữ trong thư đó.
Hôm trước tôi có dịp đi Bangkok vài tuần. Tôi đã đi bộ trên 30 cây số
và đi xe điện, taxi, đi thuyền trên vài trăm cây số khắp thành phố
Bangkok từ đông sang tây, từ bắc xuống nam, từ bến thuyền số 1 tới bến
thuyền số 31. Tôi cũng có đi trên đường Wireless và nhìn thấy Đại sứ
quán Việt Nam nằm gần các đại sứ quán Thụy Sĩ, Hà Lan, Nhật, Mỹ... Tôi
nhớ anh đã từng đại diện nước Việt Nam làm việc tại đó, nhớ tới lần gặp
anh tại Hà Nội và đọc những bài viết rất tâm huyết của anh. Xin có vài
nhận xét:
Về vật chất, các thành phố Sài gòn, Hà nội, Đà nẵng, Hải Phòng... có
thể thua Bangkok khoảng hơn 50 năm, nhưng về dân trí tôi e rằng nước ta
thua Thái Lan cả trăm năm. Khó có thể mường tượng được tới khi nào lãnh
đạo ta mở rộng tầm mắt giao thiệp với mọi nước trên thế giới một cách
khiêm nhường như các vua Thái từ giữa thế kỷ 19. Khó có thể mường tượng
được tới khi nào người dân ta đối xử với nhau hiền hòa như người Thái,
bởi vì tại Thái Lan người người đều có Phật trong tâm và kính trọng đức
vua như thánh sống. Khó có thể mường tượng được khi nào người Việt Nam
lái xe không bóp còi, chờ đợi không tranh giành, đi đường không xả rác
như tôi thấy tại Bangkok; và suốt hai tuần đi khắp các hang cùng ngõ hẻm
tôi không thấy một vụ cãi nhau hoặc một nhóm thanh niên ăn chơi ầm ĩ
(chắc vì tôi đi ban ngày!). Bangkok có nhiều xe hơn Saigon, đâu đâu cũng
thấy có chợ và nhà thương, nhưng chợ của họ thì sạch sẽ vệ sinh, và nhà
thương của họ thì nhân viên làm việc rất quy củ, nghề nghiệp, lặng lẽ,
kính trọng bệnh nhân (chính tôi thăm viếng hai nhà thương). Bangkok có
xe điện ngầm và xe điện trên không, xây cất theo kỹ thuật tân tiến nhất,
chuyên chở hằng ngày cả nửa triệu người (do tôi quan sát và tính nhẩm);
bến xe rộng rãi, có máy lạnh và không một cọng rác. Đặc biệt là người
đi xe tuy ào ạt nhưng rất lịch sự, không chen lấn nhau, và đã hơn một
lần có người đã đứng dậy nhường chỗ ngồi cho tôi mặc dầu tôi vẫn tự cho
rằng mình “không già lắm”. Tuy Thái Lan cũng còn nhiều bất cập, như vỉa
hè cũng hẹp và lồi lõm như vỉa hè Hà nội, Sài gòn; và báo chí cũng đưa
tin về tệ nạn xã hội, tôi thấy có nhiều dấu hiệu rất tích cực của một xã
hội càng ngày càng dân chủ văn minh. Một vài dấu hiệu này là: công an
tại các trạm xe rất nghề nghiệp và lễ độ với người đi xe; rất ít nghe
còi hú vì tai nạn xe cộ hoặc chuyên chở cấp cứu; đọc tin trên báo (tiếng
Anh) thấy rất nhiều vấn đề các bộ trưởng, vụ trưởng làm việc thúc đẩy
kết quả nhanh nhẹn cho người dân; và có cả chuyện ông thủ tướng bị kết
án vì hối lạm, các giao kèo bị dò xét vì có dấu hiệu tham nhũng.
Tôi nhớ tới lời anh thuật chuyện ta tự hào đã đánh được Tàu, Pháp,
Mỹ, thì một chính khách Thái nói họ cũng rất tự hào là suốt 200 năm
không phải đánh ai. Vậy thì đâu là sự thật về dân trí của một quốc gia?
Dân trí có phải là mọi người đều hăng say “phanh thây uống máu quân
thù” để đánh ngoại xâm, sau đó lại bị thống trị bởi vua quan mới, không
có cơ hội làm việc và nuôi con cái cho ăn học đầy đủ, rồi cái nghèo hèn
lại biến các người dân anh hùng của ta thành nô lệ cho những người có
quyền, có tiền trong nước và khắp thế giới? Hay dân trí là sự hiểu biết
và cách làm cách sống của người dân trong một xã hội pháp trị hài hòa
được chèo lái bởi lãnh đạo biết mình biết người, không nói một đằng làm
một nẻo? Tôi e rằng dân trí của Việt Nam bị kìm hãm trong cá tính bộ
lạc, hung hãn, tự kỷ của người Việt Nam, lãnh đạo cũng thế và người dân
cũng thế. Thái Lan thì khác. Người Thái hầu hết đều có đạo trong tâm và
luôn luôn kính trọng vua của họ là người đã có viễn kiến biết nhường
quyền cai trị cho chính phủ. Dân trí của Thái Lan giúp Thái dễ dàng hơn
trong việc xây dựng một xã hội tự do, dân chủ, văn minh.
Làm sao đây để cải tiến cái tư duy bạo tàn và bộ lạc nằm trong huyết
quản ta qua môi trường man rợ mà ông bà cha mẹ ta đã từng trải và vô
hình chung kéo dài để nó thành gen trong con người Việt Nam? Chính vì
muốn tẩy uế cái gen đó nên tôi vẫn kiên trì tìm cách thâu góp kinh
nghiệm của Việt Nam và của nhân loại (như anh cũng đã nhấn mạnh) để viết
Hạnh Phúc Giáo Khoa Thư, cố gắng hình dung ra Việt Nam 100 năm sau này
dựa trên 7 yếu tố của hạnh phúc mà Liên Hiệp Quốc đã đúc kết. Đó là,
người ta chỉ thấy hạnh phúc khi có (1) an ninh cái ăn, (2) an ninh sức
khỏe, (3) an ninh kinh tế (giáo dục, việc làm), (4) an ninh cá nhân
(không bị "làm việc" vô cớ hoặc bị cướp bóc có tổ chức hoặc vô tổ chức),
(5) an ninh cộng đồng (xã hội công dân), (6) an ninh môi trường – vệ
sinh công cộng, và (7) an ninh cơ chế. Trong 7 yếu tố đó, an ninh cơ chế
bao trùm mọi yếu tố khác, và vấn đề này chính là chủ đề của lá thư của
anh và các kiến nghị của các trí thức.
Rồi đây anh và tôi, cũng như mọi người tốt xấu trong lịch sử sẽ trở
về với cát bụi. Nhưng việc chúng ta làm ngày nay may ra cứu giúp con
cháu Việt Nam tránh được nhiều đau khổ vì nô lệ dưới mọi hình thức.
Người dân các nước dân chủ văn minh được tương đối hạnh phúc là nhờ công
trình của nhiều vĩ nhân tiếp tay với nhau, từ thế hệ này qua thế hệ
khác, xây dựng 7 yếu tố trên một cách bền vững, trong một môi trường văn
minh, biết mình biết người. Các lãnh đạo "tự tạo" của ta cần theo gương
các lãnh đạo của Thái mà ngộ ra cái bất cập của cá nhân mình trong văn
minh nhân loại và sự quan trọng của việc tạo hạnh phúc cho người dân
trong thời gian rất ngắn mình tại chức. Và người dân Việt Nam cần được
học thế nào là hạnh phúc ngay từ khi tập nói, để nếu trở thành lãnh đạo
thì làm việc tốt hơn cho người dân, nếu chỉ là người dân thông thường
thì làm việc và sống một cách hài hòa với mọi người. Kiên trì giáo dục
và thực hành như vậy qua nhiều thế hệ thì may ra ta mới tẩy uế được cái
gen cá nhân, chủ quan, bộ lạc, bạo tàn, nô lệ, trong huyết quản ta. 100
năm có đủ không? Nếu tích cực thì may ra có thể đủ, nhưng nếu tiêu cực
thì ta cũng vẫn là Việt Nam sau chiến thắng ngoại xâm Nguyên, Minh,
Thanh, Pháp... mà thôi. Vì thế, tôi nghĩ ta cần giáo dục về Hạnh Phúc
suốt từ mẫu giáo tới đại học, dưới mọi hình thức từ thực tế tới trừu
tượng.
Xin cảm ơn anh về các đóng góp hết sức quan trọng. Hi vọng các vị tại
quyền ngày nay và sau này hãy lắng tai nghe anh, chăm chú đọc anh.
Kính thư,
Phùng Liên Đoàn
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN