Tác giả và hiệu đính: David Brown
Dịch giả: T.H.A.
Dịch giả: T.H.A.
Đảng Cộng sản Việt Nam, từng được ghi nhận là đã mở cửa và đưa
đất nước hội nhập với nền kinh tế thế giới, hiện đang rơi vào khủng
hoảng. Đấu đá nội bộ, sai sót trong quản lý kinh tế cùng với việc không
quan tâm đúng mức tới các vấn đề liên quan đến chất lượng sống của người
dân đã làm rạn nứt niềm tin vào tuyên bố của Đảng rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Cùng với nền kinh tế phát triển rất nóng khi trước nay giảm xuống còn
khoảng 5%, dư luận xã hội trở nên bi quan, công khai chỉ trích giới lãnh
đạo hơn bao giờ hết. Là lực lượng giữ độc quyền trong đời sống chính
trị tại Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam phải gánh chịu toàn bộ trách
nhiệm khi con đường toàn cầu hóa của nước này trở nên chông gai.
Giống như kịch bản đã từng diễn ra nhiều lần ở nhiều quốc gia khác
khi tham gia vào guồng quay chóng mặt của nền kinh tế toàn cầu, cuộc
khủng hoảng kinh tế ở Việt Nam mở màn bằng một làn sóng vốn đầu tư nước
ngoài – mà không được ngân hàng nhà nước trung hòa (cân bằng lại nhằm
cắt giảm cung ứng tiền tệ) đã dẫn đến việc tăng trưởng tín dụng ồ ạt,
theo sau bởi một đợt lạm phát trầm trọng. Để kiềm chế lạm phát, chính
phủ đã hiển nhiên buộc phải siết chặt hoạt động tín dụng vào hồi đầu năm
2011. Giờ đây, khi các khoản vay đã trở nên khó tiếp cận hơn, các doanh
nghiệp buộc phải sấp ngửa thúc giục khách hàng thanh toán hoặc trả lãi
các khoản vay của mình. Những người đang ngấp nghé gia nhập giới trung
lưu cũng phải chứng kiến khối tài sản của mình bốc hơi khi các khoản đầu
tư bất động sản, cổ phiếu,… đổ bể. Các doanh nghiệp nhà nước thì hoạt
động kém hiệu quả, phá sản và nợ đọng đầm đìa các ngân hàng sở hữu nhà
nước. Công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án phát triển thì được
tiến hành một cách quá thô bạo, đến nỗi khiến cho những người nông dân,
từ lâu vốn là chỗ dựa vững chắc cho chế độ, cũng phải trở nên nổi loạn.
Niềm tin vào khả năng quản lý kinh tế của Đảng đã bị lung lay nghiêm
trọng.
Bên cạnh đó, Đảng cũng không còn tỏa ra ánh hào quang cách mạng như
xưa. Đã gần sáu thập kỷ kể từ khi những người lính Pháp cuối cùng bỏ lại
sau lưng một nước Việt Nam bị chia cắt, và bốn thập kỷ kể từ khi quân
đội Mỹ rút khỏi cuộc nội chiến mà sau đó chế độ Hà Nội đã thống nhất đất
nước thành công. Trong số 90 triệu người dân Việt Nam, không nhiều
người còn nhớ về những cuộc chiến đó hay quan tâm đến thực tế rằng họ đã
giành được độc lập và thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng. Dù hô hào
quay lại học tập tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh cũng như các đồng chí
của ông cách mấy cũng không thể khôi phục lại lòng nhiệt huyết của
Đảng, hay có lẽ là loại bỏ được nạn tham nhũng đã bắt rễ tràn lan trong
guồng máy.
Những người đã có tuổi thường nói ngày xưa đời sống còn khổ sở hơn
nhiều. Họ thường ghi nhận rằng Đảng đã nhận ra những khiếm khuyết trong
mô hình “xã hội chủ nghĩa” kiểu Liên Xô và đã khởi xướng công cuộc “Đổi
mới,” qua đó giải phóng các nguồn lực tư bản tiềm tàng trong xã hội – và
chỉ trong vòng một phần tư thế kỷ, thu nhập bình quân đã tăng gấp bốn
lần. Có xu hướng tin rằng chỉ có sự lèo lái vững chắc của Đảng mới có
thể đẩy lui “nguy cơ bạo loạn, mất ổn định xã hội, tan rã nền kinh tế,
và cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất đất nước từng trải qua”, phần lớn người
Việt Nam đều chỉ đơn giản hy vọng rằng Đảng sẽ tìm lại được phong độ
của mình.
Độ tuổi trung bình của người Việt Nam là 28. Quá nửa dân số chưa từng
trải qua thời kỳ trước đổi mới. Họ được thụ hưởng những thành quả mang
lại nhờ quá trình toàn cầu hóa. Việc tiếp cận rộng rãi với điện thoại di
động và mạng internet đã khai phóng trí óc. Việc chấp nhận duy trì thực
trạng chính trị hiện nay còn tùy thuộc vào khả năng mang lại chất lượng
đời sống ngày một cao của chế độ — không chỉ là các loại hàng hóa, mà
còn bao gồm cải thiện chất lượng nền giáo dục, y tế và môi trường sống.
Giới trẻ Việt Nam không chỉ căm ghét những tay công an, cán bộ thường
xuyên hạch sách, nhũng nhiễu và những thông điệp tuyên truyền sáo rỗng;
rất nhiều trong số họ có thể hình dung ra một xã hội vắng bóng những
điều đó.
Bằng cách truy cập vào các trang mạng đặt ở ngoài nước, một người dân
Việt Nam có thể thấy nỗi bất bình của mình cũng được chia sẻ bởi hàng
ngàn blogger và thậm chí hàng vạn, thường xuyên đăng những bài chỉ trích
chế độ lên Facebook.
Quan điểm của đội ngũ đảng viên, chiếm gần 4% dân số, thì khó nắm bắt
hơn. Thông thường, họ không đăng tải các bình luận của mình lên mạng,
trừ khi họ nằm trong số 900 dư luận viên làm việc cho ban tuyên giáo của
Đảng nhằm phản bác lại “các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù
địch”. Tuy nhiên, có một điều rõ ràng là hiện đang diễn ra một cuộc
tranh giành linh hồn của Đảng. Đó không phải là một cuộc đua gắn liền
với tên tuổi của các vị lãnh đạo kình địch nhau, mà một vụ như vậy vào
hồi năm ngoái đã làm chìm đi một vấn đề quan trọng hơn: Đảng nên làm gì
để bảo vệ được nền chuyên chính của mình?
Câu hỏi liên quan đến sự tồn vong của chế độ ở đây là liệu rằng Đảng
có thể, một lần nữa, tự chỉnh đốn hay không. Vào năm 1986, các nhà lãnh
đạo đổi mới đã thành công trong việc khắc phục hậu quả thảm khốc của
công cuộc “xây dựng chủ nghĩa xã hội” kiểu Liên Xô kéo dài cả thập kỷ.
Còn ngày nay, phe cải cách lên tiếng rằng các lực lượng kinh tế-xã hội
được giải phóng từ một phần tư thế kỷ trước đang đòi hỏi Đảng phải tự
thanh lọc đội ngũ của mình, điều chỉnh cung cách lãnh đạo và vạch ra một
tầm nhìn có sức thuyết phục. Không đồng tình với quan điểm đó, phe bảo
thủ nhất quyết chống lại sự “cởi mở,” bởi họ coi đó là dấu hiệu để dẫn
đến các thử nghiệm về đa nguyên. Họ chống lại đề xuất giải thể các doanh
nghiệp nhà nước giữ độc quyền trong các ngành công nghiệp nặng hay cắt
giảm quy mô của Bộ Công an, chính là những yếu tố mà quá trình toàn cầu
hóa đòi hỏi phải từ bỏ. Họ viện dẫn đến “tấm gương” Mikhail Gorbachev,
tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, người góp phần đưa đến sự sụp đổ của
các chế độ cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu trước áp lực của các cuộc “cách
mạng màu”. Họ cũng thường lập luận rằng, việc thừa nhận sai sót sẽ đẩy
Đảng vào tình thế hiểm nghèo; và nếu Đảng bị lật đổ, đội ngũ công quyền
cũng sẽ bị mất lương hưu.
Câu hỏi thiết thực ở đây là liệu rằng Đảng Cộng sản Việt Nam có thể
giảm sự phụ thuộc vào hai chỗ dựa mà đã trở thành hai gánh nặng lớn cho
chế độ: một là Đảng Cộng sản Trung Quốc, và hai là chính bộ máy an ninh
nhà nước dưới quyền của Đảng.
Việt Nam và Trung Quốc được liên kết bởi một mạng lưới các mối quan
hệ giữa hai đảng, được hai chính quyền siêng năng vun vén. Điều này phản
ánh sự gần gũi về mặt tư tưởng của hai chế độ và bấy lâu nay đã giúp
cho Việt Nam có được một chiến lược giúp ổn định quan hệ với quốc gia
hàng xóm khổng lồ này. Tuy nhiên, hiệu lực của chiến lược giữ gìn ổn
định này đã bị hạn chế nhiều, chính vì Bắc Kinh không ngừng đẩy mạnh
việc hiện thực hóa các tuyên bố chủ quyền mơ hồ trên biển Đông của mình
đã làm sứt mẻ tình đoàn kết anh em Việt Nam – Trung Quốc.
Hiểu rõ rằng sức mạnh không và hải quân của mình không thể bì được
với Trung Quốc, và rằng Việt Nam cũng khó lòng trụ vững trước một cuộc
trả đũa kinh tế từ phía bên kia, chính quyền Hà Nội đã né tránh đối đầu
trực diện. Đối với những người thường phê phán chế độ, chỉ dựa vào ngoại
giao khi phải đối diện với sự hung hăng của Trung Quốc giống như một tư
thế thiếu bản lĩnh không thể chấp nhận được. Có người cho đó là một
chiến lược gìn giữ hòa bình khôn ngoan, nhưng những người bất đồng chính
kiến lại cho đó giống như hành động khấu đầu trước Bắc Kinh. Họ cũng
chê trách một số động thái khác của chính quyền Hà Nội, ví dụ như cấp
phép cho Trung Quốc khai thác bô-xít tại các vùng biên nhạy cảm về môi
trường và an ninh, trong khi bất lực trong việc đối phó lại với các vụ
Trung Quốc quấy nhiễu tàu thuyền của ngư dân Việt Nam. Nhiều người lên
tiếng cảnh báo nguy cơ mang lại từ việc Hà Nội dựa vào tín dụng và nhà
thầu Trung Quốc để xây dựng cơ sở hạ tầng, cho phép hàng hóa kém chất
lượng của Trung Quốc ồ ạt tràn qua biên giới và dẫn đến thâm hụt thương
mại hai chiều nghiêm trọng – ở mức 12,5 tỷ USD vào năm 2012.
Các mối liên kết giữa hai đảng cũng được củng cố bởi các chuyến giao
lưu mật thiết giữa các cơ quan an ninh hai nước. Dù không đáng ngạc
nhiên khi hai bên cùng chia sẻ kinh nghiệm và các công nghệ theo dõi –
giám sát, sự hợp tác này là một căn cứ sẵn có để những người bất đồng
chính kiến lý giải việc tại sao Hà Nội không “đứng lên chống lại Trung
Quốc” và đồng thời ngăn cản họ tuần hành đến đại sứ quán Trung Quốc mỗi
sáng Chủ Nhật.
Một mối lo ngại lớn hơn, đặc biệt là đối với phe cải cách trong Đảng,
là quyền tự xác định và lựa chọn biện pháp xử lý các mối đe dọa an ninh
chế độ của Bộ Công an. Nó không chỉ thể hiện ở vấn đề theo dõi, quấy
nhiễu và truy tố một cách ngẫu nhiên các blogger và những người bất đồng
chính kiến khác – mà còn ở việc không chịu thu hẹp khái niệm “các hoạt
động chống phá” trong Hiến pháp và bộ luật hình sự. Hiện nay những khái
niệm này được định nghĩa rộng đến mức tước bỏ hoàn toàn các đảm bảo của
hiến pháp đối với các quyền cơ bản của con người.
Cũng thật trùng hợp, một cuộc sửa đổi hiến pháp đang được tiến hành –
những lần sửa đổi như vậy thường diễn ra cách quãng nhau một hai chục
năm. Lần này việc tranh luận công khai của dân chúng ít có sự dàn dựng
hơn đáng kể. Và điều đáng chú ý là đã dấy lên một làn sóng ý kiến ủng hộ
việc xóa bỏ một điều trong Hiến pháp trao cho Đảng Cộng sản Việt Nam
quyền hành lãnh đạo đặt trên cả Hiến pháp. Một số lượng lớn hiếm thấy
các đảng viên đã nghỉ hưu và các “trí thức cách mạng” cũng tán thành với
đề nghị này.
Một cú mở cửa chính trị như thế hẳn là sẽ chưa xảy ra ngay lúc này,
nhưng làn sóng ngầm hiện nay cho thấy rồi cũng có thể đến lúc phải như
vậy.
Nguồn: Yale Global
——-
Ghi chú: Một vài chi tiết trong bài đã được tác giả thêm vào để làm rõ hơn các ý mà tác giả muốn gửi tới các độc giả Việt Nam.
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012