Alan Phan
Bài viết “Lincoln và Bên Thắng Cuộc”
của tôi tạo khá nhiều tranh luận trên các diễn đàn. Một câu hỏi thú vị
là, “nếu Mỹ hào phóng rộng lượng như tinh thần Lincoln, thì sao không
đem tiền tái thiết Việt Nam và giúp các nạn nhân chất độc da cam sau
1975?” Tôi nói đùa là các bạn quên rồi, Mỹ thuộc phe thua cuộc, lẽ ra
Việt Nam phải đem tiền qua Mỹ giúp người thất thế chứ.
Nghiêm túc hơn, nhìn lại lịch sử, tôi nhận thấy các nhà cầm quyền Mỹ
đã khá rộng rãi với Việt Nam trong thời hậu chiến. Trước khi viết tiếp
về góc nhìn này, tôi muốn xác định rõ nơi đây: ”Tôi không phải là
một sử gia, không hề nghiên cứu sâu rộng về vấn đế này và không có những
tư liệu gì ngoài các bài phân tích và tin tức tôi đọc trên các mạng
truyền thông.” Do đó, quan điểm của tôi có thể chứa nhiều sai lầm
và đó cũng là lý do tôi đem đề tài này ra đây để mọi người góp ý, tạo
nhiều góc nhìn đa dạng phong phú hơn. Khi comment, tôi xin các bạn giữ ý
kiến mình trên các sự kiện lịch sử , đừng bẻ lái đến một trường phái
chính trị nào, hay hô hào khẩu hiệu vì sau 68 năm, tôi đã phải lắp bắp
nhiều lần…biết rồi, khổ lắm, nói mãi.
Theo tôi biết, năm 1977, khi lên nắm quyền, dù chuyện Việt Nam không
đem lại một lợi ích chính trị nào (dân Mỹ vừa chán ghét cuộc chiến tranh
dài lê thê này, vừa bị nhục thua trận), Tổng thống Carter qua kênh
ngoại giao không chánh thức đã ngỏ ý với các lãnh đạo Hà Nội là muốn tái
lập bang giao và sẽ viện trợ nhân đạo cho một chương trình tái thiết
hậu chiến. Câu trả lời sau đó từ phía Việt Nam trong suốt nhiệm kỳ 4 năm
của Carter là Mỹ phải “bồi thường chiến tranh” (dường như con số đưa ra
là 2 tỷ USD thời đó) , “xin lỗi chánh thức Việt Nam” trước khi nói đên
chuyện thiết lập bang giao (vì chúng tao mới thắng bọn chúng mày, hãy
đến mà xin tha thứ).
Thái độ này đã làm Carter thất vọng và do đó, khi khi Đặng Tiểu Bình
đến Mỹ thăm Carter, ông ta còn báo trước cho Mỹ biết là sắp sửa dậy cho
Việt Nam “một bài học” về chuyện Việt Nam can thiệp vào Kampuchea. Tòa
Bạch Ốc nói, ‘các ngài cứ tự nhiên”.
Sau khi Reagan đắc cử Tổng Thống thay Carter, với tinh thần chống
Cộng cao độ, mọi thương thuyết với Việt Nam coi như chấm dứt. Chỉ sau
khi đảng cộng sản tan vỡ ở Liên Xô và Đông Âu vào 1989, các nhà lãnh đạo
Hà Nội mới có một “cuộc xét lại” về bang giao với Mỹ.
Tôi ca tụng nhân dân và tinh thần của nền kinh tế sáng tạo Mỹ, nhưng
tôi gần như chưa bao giờ ca tụng một ông chính trị gia nào, Mỹ hay Âu
hay Á. Ngoại trừ một vài sao sáng, phần lớn là những con hạm chỉ giỏi
moi móc tiền OPM. Nếu Mỹ không có một cơ chế phân quyền với ngành lập
pháp quyền lực, tư pháp độc lập và ngành truyền thông… soi xét từng bước
đi, các chánh trị gia Mỹ còn đớp hít nhiều hơn các đồng nghiệp của họ
trên thế giới (họ mập phì và vợ con có nhu cầu rất cao). Tuy nhiên,
trong mọi cư xử với Việt Nam từ 1975 đến nay, ngoài thái độ dửng dưng,
phần lớn lãnh đạo và nhân dân Mỹ đã không mang một “hận thù quá khứ” hay
“mặc cảm thua cuộc” nào.
Ngược lại, ngoài cái “chảnh” đương nhiên của người thắng cuộc, lãnh
đạo Việt Nam đã tự đặt mình vào vị thế cô lập, luôn gợi lại “tội ác Mỹ
Ngụy” hàng ngày (qua các biểu ngữ và viện bảo tàng) cũng như qua các
hoạt động ngoại giao “chống Mỹ cứu thế giới”. Chuyện Mỹ vẫn “cúi xin lập
bang giao” với Việt Nam, trở thành một đối tác thương mại và đầu tư
lớn, mở cửa xã hội cho người giàu Việt Nam qua lại, làm ăn, học
hành…theo tôi, đã là một “phép lạ” của tinh thần Mỹ.
Còn chuyện “chất độc da cam hay tái thiết Việt Nam”? Tôi có chút kinh
nghiệm cá nhân trong việc này. Để đem tiền hay vật liệu vào làm thiện
nguyện ở Việt Nam, chánh phủ đòi hỏi một giây phép hoạt động rất nhiêu
khê (khó gấp 100 lần giấy phép cho một dự án liên doanh). Ngoài ra mọi
số tiền hay vật dụng đem vào phải do Mặt Trận Tổ Quốc hay một cơ quan
tương tự phân phối và điều hành. Đó là lý do tại sao Indonesia, Phi Luật
Tân và ngay cả Trung Quốc, đã nhận một lượng tiền thiện nguyện nhiều
gấp ngàn lần Việt Nam.
Tôi không muốn phân tích sâu thêm về quyền lợi mỗi quốc gia đằng sau
các quyết định chính trị. Cũng như thế liên hoàn đặc biệt của Mỹ, Việt
Nam, Trung Quốc, Nhật, ASEAN… Không phải vì nó quá phức tạp (các vấn đề
khi giải mã ra thường rất đơn giản, luôn bị các trí thức tháp ngà thoa
son trát phấn cho cầu kỳ); nhưng vì luật Việt nam không cho tôi nói.
Thôi thì xin mời các bạn vậy.
Alan Phan