Nguyễn Tường Tâm (luật gia)
Đảng và chính quyền đang tung chiến dịch kêu gọi toàn dân góp ý
Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp 1992. Nhưng qua nội dung bản dự thảo và những
ý kiến được phát biểu trên cả báo lề phải cũng như lề trái cho tới nay,
người ta thấy việc sửa hiến pháp sắp tới sẽ khó thỏa mãn nguyện vọng
của nhân dân. Có ba lý do để các chuyên gia pháp lý nghĩ như vậy:
1- Thời hạn ba tháng góp ý quá ngắn.
2- Đảng và chính quyền chưa tỏ thực tâm sửa đổi (incentive problem).
3- Cán bộ pháp lý cao cấp của Đảng và chính quyền chưa cho thấy đầy
đủ kiến thức pháp lý để thực hiện cải tổ (knowledge problem).
* * *
I/ Thời gian góp ý được Đảng qui định đã được một số trí thức hàng đầu cho biết là không đủ.
Lý do dễ hiểu là trong việc góp ý sửa đổi Hiến Pháp có hai thành
phần dân chúng: Thành phần ngoài giới pháp luật và thành phần luật gia.
Nếu ba tháng có thể tạm đủ cho thành phần dân chúng ngoài giới luật pháp
nêu lên ý kiến của mình thì những ý kiến đó chỉ bộc lộ những mong muốn,
ước vọng, và ý thích. Những mong muốn của quần chúng thật quan trọng để
chính quyền quan tâm khi hình thành bản hiến pháp hợp lòng dân. Nhưng
những mong muốn của người dân thì đa dạng, người muốn thế này, người
muốn thế khác. Làm thế nào để đạt sự đồng thuận, dù luôn luôn chỉ là
tương đối? Đây là vấn đề của những luật gia, những người được học hỏi
những lý thuyết triết học, xã hội, kinh tế và pháp luật đã có trong suốt
quá trình phát triển của xã hội loài người. Chính những luật gia sẽ thu
thập tất cả nguyện vọng của người dân, những nguyện vọng có thể đối
chọi nhau, để tìm kiếm trong kho tàng kiến thức luật pháp của nhân loại
những lý thuyết pháp lý, học thuyết, mẫu mực tổ chức công quyền đáp ứng
nhiều nhất ước vọng của người dân. Chính các luật gia mới là những người
có thể giúp người dân hiểu rõ lý thuyết nào, hình thức chính quyền nào
bảo vệ quyền lợi của họ hữu hiệu nhất, nhiều nhất; những lý thuyết nào,
mẫu mực chính quyền nào làm thiệt hại quyền lợi của họ nhất, để người
dân có được những quyết định xác đáng nhất (informed decisions) [1]. Về
mặt kỹ thuật, bài nghiên cứu sau khi hoàn thành phải đăng trên mọi hình
thức truyền thông, chờ các luật gia khác nghiên cứu góp ý phản hồi. Thêm
nữa, để giúp quần chúng thông hiểu vấn đề, các luật gia không thể viết
một bài nghiên cứu toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp, vì sẽ quá dài và
phức tạp, mà phải nghiên cứu từng vấn đề mà bản Dự thảo sửa đổi Hiến
Pháp nêu lên. Như thế sẽ mất rất nhiều thời gian. Thời gian để các luật
gia nghiên cứu, phổ biến ý kiến, thảo luận phải nhiều tháng, có khi một
năm, như nhóm trí thức do cựu bộ trưởng tư pháp Nguyễn Đình Lộc trưởng
đoàn vừa đề nghị. Tóm lại, quá trình trao đổi góp ý cho bản Dự thảo sửa
đổi hiến pháp phải dài nhiều hơn là ba tháng. Đây là trở ngại thứ nhất
khiến cho công cuộc sửa đổi hiến pháp sắp tới có tính cách "bất khả
thi", trong ý nghĩa khó đạt hiệu quả đa số nhân dân mong muốn.
II/ Đảng và chính quyền chưa tỏ thực tâm sửa đổi (incentive problem).
Theo lý thuyết chính trị & kinh tế dĩ công vi tư (Public choice
theory, chữ dịch của tác giả) [2], chính quyền, gồm những con người, tự
bản chất, luôn luôn giống như mọi con người bình thường khác (rational
people), luôn muốn có những đạo luật, những chính sách, những quyết định
có lợi cho mình, đi ngược lại quyền lợi của người dân. Kẻ cầm quyền sẽ
không phục vụ lợi ích của nhân dân nếu không có lý do thúc đẩy họ làm
như thế. Tại những quốc gia dân chủ, các chính trị gia không thể tham
nhũng, cho nên lợi ích của họ là lấy lòng cử tri để được tái cử trong
nhiệm kỳ kế tiếp. Trong một chế độ mà các người lãnh đạo công quyền
không phải do người dân bầu ra, việc tái đắc cử hay được tiếp tục giữ
chức vụ hoàn toàn do đảng quyết định, người dân không có tiếng nói quyết
định vận mạng chính trị của họ, thì họ không quan tâm tới nguyện vọng
của người dân. Vì thế không có lý do gì để tin tưởng rằng Đảng và chính
quyền hiện nay có thực tâm sửa đổi hiến pháp. Điều này được chứng minh
qua cuộc vấn đáp của nhà báo với Đại biểu Quốc hội Ngô Văn Minh trong
bài Ngồi trên trời mà làm chính sách” (http://www.tinnongtrongngay.net/2013/01/ngoi-tren-troi-ma-lam-chinh-sach.html) Khi được hỏi: "*
Ông Vũ Đức Đam, bộ trưởng - chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, thừa nhận có
tình trạng thông tư của bộ, ngành thường được soạn thảo theo hướng
thuận lợi cho sự quản lý của mình,... ông nghĩ sao?" Đại biểu Minh trả lời: "Tôi đồng tình với quan điểm của ông Đam."
Sự thiếu tin tưởng rằng Đảng và chính quyền có thực tâm sửa đổi hiến
pháp cũng dựa trên mấy hành động thực tế của Đảng như thủ tục thu thập ý
kiến của người dân dưới đây:
Đảng để thời gian thu thập ý kiến của người dân quá ngắn khiến người
dân nghĩ rằng việc thu thập ý kiến của nhân dân chỉ có tính cách hình
thức.
Thủ tục góp ý có tính cách hành chánh quan liêu: chỉ ghi nhận những ý
kiến người dân mang tới văn phòng của Ủy Ban, hay gửi vào trang mạng
của Ủy Ban Soạn thảo Dự án hoặc được đăng trên các báo nhà nước. Các ý
kiến phát biểu trên các trang mạng hay các blog của người dân không được
Đảng chấp nhận. Nếu thực tâm muốn thu thập toàn bộ ý kiến của người dân
thì bất cứ ý kiến được phát biểu dưới hình thức nào cũng cần được thu
thập để đánh giá.
Việc thu thập ý kiến có tính cách đe dọa người dân có ý kiến không
hợp ý Đảng. Trong lịch sử cầm quyền của Đảng, đây là lần đầu tiên Đảng
kêu gọi người dân đóng góp ý kiến vào việc sửa đổi Hiến Pháp. Cho tới
mới đây những ý kiến kêu gọi Đảng sửa đổi Hiến pháp chẳng những không
được đáp ứng mà những người nêu ý kiến còn bị Đảng bỏ tù như Tiến sĩ
Nguyễn Mạnh Tường (thập niên 1950), Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ mới đây, và
không ít người bất đồng chính kiến khác nữa, khiến người dân sợ không
dám đụng chạm tới đề tài cấm kỵ này. Với tâm trạng lo sợ đó mà nay Đảng
kêu gọi người dân đóng góp ý kiến phải viết tên, địa chỉ và số điện
thoại thì chỉ có những người đóng góp những ý kiến vụn vặt hay thuận
theo bản dự thảo của Ủy Ban soạn ra mới dám lên tiếng, chứ những người
có những ý kiến liên quan tới những điều quan trọng trái ngược với bản
Dự thảo của Ủy ban Soạn Thảo thì chắc chắn không dám. Đây là trở ngại
khá lớn để lần sửa đổi này có khả năng đáp ứng nguyện vọng của đa số
nhân dân.
Một sự kiện nữa khiến người dân chưa tin đảng thực tâm muốn sửa đổi
Hiến pháp lần này là phát biểu mới đây nhất của ông Nguyễn Văn Phúc -
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Trưởng Ban Biên Tập dự
thảo sửa đổi Hiến Pháp năm 1992 cho biết Đảng sẽ soạn Luật Đất đai trước
rồi sau đó mới soạn Hiến Pháp sao cho Hiến pháp phù hợp với Luật Đất
đai. Điều này là trái với nguyên tắc thông thường soạn thảo và sửa đổi
Hiến Pháp. Trên thế giới ngoài khối Xã Hội Chủ Nghĩa và Cộng Sản, không
nước nào soạn thảo hay sửa đổi Hiến Pháp một cách thiếu hiến tính như
vậy. (Nguyễn Tường Tâm - Sửa Hiến Pháp - Bịp có bằng chứng)
Và quan trọng hơn hết, chính Ô. Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước đã
mạnh dạn tuyên bố "Bỏ điều 4 Hiến Pháp là tự sát." Quan điểm của Đảng đã
định trước như thế thì việc sửa đổi hiến pháp trong tương lai nếu có
cũng chỉ là bề mặt như nhiều người đã nhận định.
III/ Cán bộ pháp lý của Đảng và chính quyền chưa cho thấy đầy đủ kiến thức pháp lý để thực hiện cải tổ (knowledge problem).
Sự thiếu trình độ, không có kinh nghiệm nghiên cứu của cán bộ lãnh
đạo tư pháp của Đảng và Nhà nước trước tiên thể hiện ở việc qui định
thời gian góp ý quá ngắn. Như đã trình bày ở mục I (thời gian góp ý quá
ngắn). Nếu có kinh nghiệm nghiên cứu một đề án lớn, người ta sẽ không
qui định thời gian góp ý ngắn như vậy.
Nhiều báo cáo chính thức của cán bộ đầu ngành tư pháp Việt Nam xác
nhận trên 50% thẩm phán, Kiểm sát viên viện kiểm sát thiếu trình độ
chuyên môn (báo cáo chính thức quá nhiều nên xét thấy không cần trích
dẫn ra đây.) Ngay cả Chánh án tòa án Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm
sát tối cao cũng bị cán bộ tư pháp trong ngành tố cáo là bằng "rỏm", tức
là bằng thật nhưng không thật vì không biết hai vị đó học lúc nào, tại
trường đại học nào (việc tố cáo đã gây rầm rộ một thời nên xét thấy cũng
không cần trích dẫn).
Sự thiếu khả năng pháp lý ở cấp cán bộ cao nhất nước đã đưa tới việc
soạn thảo những đạo luật phải cần từ 200 tới 400 thông tư, nghị định
hướng dẫn như lời Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu trong buổi phát
biểu của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trước
Ủy ban Thường Vụ Quốc Hội được đăng trên báo Lao Động ngày 17-122-2012 (http://laodong.com.vn/Chinh-tri/UB-Thuong-vu-QH-thao-luan-ve-luat-dat-dai-sua-doi-Phai-tiep-tuc-tiep-thu-hoan-thien/95771.bld) Nếu cán bộ lãnh đạo tư pháp có trình độ đúng mức thì không thể có những đạo luật như vậy.
Mới đây nhất, theo báo Pháp Luật, Bộ Công Thương vừa công bố một nghị
định hướng dẫn Luật Điện Lực (sửa đổi) theo đó bên mua điện sử dụng
lượng điện thấp hơn 50% công suất được đăng ký trong hợp đồng mua bán
điện cũng bị xem là vi phạm và sẽ bị phạt. Chỉ có ở Việt Nam mới có
những cán bộ tư pháp cấp cao mà thiếu trình độ đề ra luật "điên" như
vậy. (http://phapluattp.vn/20130204124358340p1014c1068/d249ng-dien-237t-cung-bi-phat.htm)
Những dẫn chứng về sự thiếu trình độ tư pháp của cán bộ tư pháp mọi
cấp của Việt Nam thì tràn lan hàng ngày trên báo chí của chính quyền.
Chưa nói tới trình độ tư pháp, riêng về trình độ văn hóa phổ thông,
cán bộ lãnh đạo ngành tư pháp Việt Nam cho thấy chỉ ở trình độ học hết
cấp 1 theo tiêu chuẩn giáo dục của mọi quốc gia trên thế giới. Sau khi
học hết cấp 1 thì người học sinh không thể viết một bản văn có những từ
vô nghĩa, hay tác giả không hiểu nghĩa. Vậy mà trong bản Dự thảo sửa đổi
Hiến Pháp 1992 hiện nay có những từ vô nghĩa, không ai biết nghĩa là
gì, ngay cả giới lãnh đạo khi được hỏi cũng không giải thích được, đó là
mấy từ "Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa"; "dân chủ
tập trung"; "Pháp quyền xã hội chủ nghĩa".
Thêm nữa, khi học hết cấp 2, học sinh đã biết viết một bài văn luận
đề trong đó không được có những ý tưởng mâu thuẫn nhau (thiếu logic).
Vậy mà trong bản Dự thảo Sửa đổi Hiến Pháp hiện nay có những điều khoản
mâu thuẫn với điều 4 của Dự thảo (đã được nhiều người nêu lên).
Ngoài ra, trong bản Dự thảo Sửa đổi Hiến Pháp hiện nay cũng còn nhiều
điều cho thấy cán bộ lãnh đạo cũng như các chuyên viên soạn thảo thiếu
trình độ pháp lý cần thiết, sẽ được trình bày trong các bài chuyên đề
tiếp theo sau này.
Trình độ yếu kém của cán bộ cao cấp ngành tư pháp cũng được thể hiện
qua cuộc vấn đáp của nhà báo với Đại biểu Quốc hội Ngô Văn Minh trong
bài "Ngồi trên trời mà làm chính sách” nêu trên. Khi được hỏi: "Nguyên
nhân của những văn bản bị dư luận phản ứng, thậm chí có văn bản chưa
thực hiện đã phải sửa, theo ông là từ đâu, do quan liêu hay do trình độ
của những người soạn thảo văn bản đó?" Đại biểu Quốc Hội Ngô Văn Minh đã trả lời: "Tôi nghĩ là do cả hai, cả trình độ năng lực và sự quan liêu, kể cả người thẩm định các văn bản đó cũng quan liêu."
Tóm lại, trong ba yếu tố khiến cho công cuộc sửa đổi hiến pháp sắp
tới khó đáp ứng được nguyện vọng của người dân thì hai yếu tố quan trọng
nhất là Đảng và Chính quyền thiếu thực tâm và thiếu kiến thức luật
pháp.
_______________
Ghi chú:
- Tác giả sẽ có nhiều bài tiếp theo dựa trên lập luận pháp lý để phân
tích những điều khoản thiếu hiến tính trong Bản Dự thảo Sửa đổi Hiến
Pháp 1992 đang được nhiều người quan tâm mà chưa được luật gia nào phân
tích.
[1] Một quyết định xác đáng (an informed decision) là một quyết định
sau khi người quyết định được biết tất cả những thông tin quan trọng
liên quan tới trọng tâm của quyết định (An informed decision is a
decision made after learning relevant facts (informing oneself) about
the focus of the decision.)
[2] Lý thuyết "dĩ công vi tư" (Public choice theory) cho rằng mọi
người chủ yếu bị hướng dẫn bởi quyền lợi của họ, và quan trọng hơn nữa,
lý thuyết này cho rằng động cơ của con người trong tiến trình chính trị
(chính trị gia hay người dân bầu cử-chú thích của tác giả) không khác
với động cơ của con người khi vào nhà hàng ăn hay mua xe hơi. Sau cùng,
tất cả họ cũng là con người như nhau. Như thế, cử tri "bỏ phiếu cho túi
tiền của họ", ủng hộ những ứng cử viên nào và các dự án luật nào mà họ
nghĩ sẽ khiến quyền lợi của họ được nhiều hơn; các viên chức nhà nước
thì cố gắng để thăng tiến trong nghề nghiệp.
(But public choice, like the economic model of rational behavior on
which it rests, assumes that people are guided chiefly by their own
self-interests and, more important, that the motivations of people in
the political process are no different from those of people in the
steak, HOUSING, or car market. They are the same human beings, after
all. As such, voters “vote their pocketbooks,” supporting candidates and
ballot propositions they think will make them personally better off;
bureaucrats strive to advance their own careers.)