Nguyễn Bá Thanh trở thành trưởng ban Nội chính Trung ương Đảng.
Đây là một sự kiện thu hút sự chú ý của nhiều người quan tâm đến
tình hình xã hội hiện nay. Nạn tham nhũng trở thành quốc nạn, tàn phá
nền kinh tế vốn đã yếu kém của đất nước. Tham nhũng đã phá bỏ những giá
trị đạo đức lâu đời của dân tộc. Tham nhũng cũng đe dọa sự còn mất của
Đảng và chế độ (như nhiều cán bộ và đảng viên đã thừa nhận). Bởi vậy,
người ta kỳ vọng ở ông Nguyễn Bá Thanh cũng là điều dễ hiểu.
Đã có quá nhiều các bài viết về con người, về những thành tích trong
quá khứ và hiện tại, cùng những mong đợi sắp tới đối với ông. Bài viết
này chỉ đề cập đến một sự kiện mà ông là quan chức cao nhất của Đà Nẵng
trực tiếp chịu tránh nhiệm. Đó là giáo xứ Cồn Dầu.
Vài nét lịch sử
Vài trăm năm trước, phía nam thành phố Đà Nẵng, phía đông-nam của
sông Cẩm Lệ, bên bờ nam của dòng Đại Giang (Sông Cái Đò Xu hiện nay) có
một vùng cát bồi hoang dã, khô cằn hình chữ V theo chiều đông – tây, dài
khoảng 800 m, rộng khoảng 600 m, nhọn hẹp dần về phía tây. Trên bãi cát
bồi (cồn) này, các loại cây thích hợp với thổ nhữơng phèn mặn như sậy,
lau lách, vẹt, ô rô … mọc chen chúc. Bãi cát này được gọi là Cồn Dầu. Có
hai giả thuyết về cái tên Cồn Dầu. Giả thuyết thứ nhất kể rằng, trên
đây đã mọc lên một cây dầu lai rất cao, từ xa đã nhìn rõ. Gỉa thuyết thứ
hai cho rằng nơi đây thường tập trung nhiều ghe thuyền họp chợ bán dâù
rái, một loại dầu để trét thuyền khỏi thấm nước.
Thời vua Tự Đức trị vì (1847 – 1883), vua ban chỉ dụ cấm đạo Kitô
Giáo, có hai gia đình ngư dân theo đạo người bắc là Phan Văn Đô và Hồ
Văn Bạn, đã xuôi thuyền vào nam lánh nạn. Họ đã dừng chân nơi đây, sinh
sống bằng nghề bắt cá ven sông Cái Đò Xu. Dần dà hai gia đình này đã
phát quang, dựng lán trên cồn làm nơi tạm cư và trồng các loại hoa màu
ngắn ngày như ngô, khoai, sắn, đậu … nhưng chủ yếu vẫn sống bằng nghề
đánh cá.
Sau khi phong trào Cần Vương (1885) suy yếu, triều đình nhà Nguyễn
phải ra chiếu chỉ tha đạo, gia đình ông Đô và Bạn lên thuyền trở về quê
hương, để lại phần đất đã khai hóa cho một người giúp việc tại địa
phương thụ hưởng.
Tại Quảng Nam, để tồn tại, hai xứ đạo Phú Thượng và Trà Kiệu đã phải
đứng lên để tự vệ trước chủ trương diệt đạo của phong trào Cần Vương.
Giáo dân từ các xứ đạo khác về đây lánh nạn rất nhiều, trong đó có giáo
dân Trung Tín và các họ đạo khác của các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam…
Nhiều người không thể trở về quê hương. Tại giáo xứ Phú Thượng, thấy
dân không thể sống nổi với đất gò đồi, cha xứ người Pháp lúc ấy là Jean
Maillard (tên Việt Nam là Cố Thiên) đã làm đơn xin chính quyền cho phép
khai hoang, vỡ hóa khu đất nhiễm phèn ở Cồn Giu Hội (nay thuộc xóm B Cồn
Dầu). Cha sứ Cố Thiên còn mua thêm 20 ha đất của làng lân cận để giáo
dân có ruộng đất làm ăn sinh sống. Giáo hội lo những việc lớn như đắp
đê, dẫn thủy nhập điền, thuế má, hỗ trợ khi mất mùa…
Năm 1985, cha Cố Thiên được chính quyền cho phép quy dân, lập ấp mở
làng trên toàn bộ bãi cát Cồn Giu Hội, vũng cạn bao chung quanh và cồn
cát bồi mà hai gia đình giáo dân đánh cá người bắc lánh nạn đã từng trú
ngụ. Từ đây xứ đạo Cồn Dầu hình thành và phát triển.
Để thành lập một giáo xứ, việc xây dựng ngôi thánh đường là cấp
thiết. Cố Thiên đã cho dùng những vật liệu tại chỗ như tranh, tre, rạ để
dựng lên ngôi nhà thờ nhỏ tại góc tây nam của Cồn Giu Hội. Đây đã là
nơi tham dự kinh lễ, nghe giảng dậy, hội họp của những giáo dân Cồn Dầu
buổi ban đầu.
Để tồn tại và phát triển, dưới sự dẫn dắt của cha sứ Cố Thiên, giáo
dân Cồn Dầu đã phải vừa khai khẩn đất đai, vừa đắp đê ngăn nước mặn để
cầy cấy được hai vụ.
Năm 1930, nhà thờ Cồn Dầu bằng tranh tre được thay bằng nhà thờ có
khung sườn bằng gỗ lim, tường xây bằng vôi gạch, lợp ngói âm dương.
Năm 1950, cha quản xứ Cố Mỹ (Paul Espie) cho xây trường tiểu học
trong khuôn viên nhà thờ. Năm 1970, do nhu cầu phat triển, cha Mừng đã
xây lại và nới rộng một trường mới, trường có 5 lớp tiểu học, lấy tên
Phaolo VI, trực thuộc trường Sao Mai Đà Nẵng.
Ngày 15-08-1954, cha Tadeo Nguyễn Hữu Mừng về cai quản giáo xứ, mở ra một trang sử mới cho Cồn Dầu.
Việc đầu tiên là ngài huy động giáo dân làm con đường Bờ Họ, rộng
rãi, thẳng tắp , băng qua cánh đồng, nối Cồn Giu Hội (xóm B) với nhà thờ
(xóm A). Con đường cao ráo, rộng rãi , thẳng tắp , hai bên đường đồng
lúa xanh mượt nối liền hai xóm, thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển,
canh tác…. Năm 1973, Bờ họ được lát bê tông, sạch đẹp.
Khi xây dựng xong đường Bờ Họ, vào năm 1958 cha xứ Nguyễn Hữu Mừng đã
nghĩ đến việc chỉnh đốn nghĩa trang Cồn Dầu. Nghĩa trang đã có từ thời
cha xứ Cố Thiên, việc chôn cất trước đây là hoàn toàn do mỗi gia đình
người chết tự do lựa chọn địa điểm và xây cất. Nay mỗi tộc họ chọn một
khu vực trong nghĩa trang, quy các mộ tổ tiên, thân nhân của mình về khu
vực đó, xây theo hàng lối quy định. Xung quanh nghĩa trang trồng dương
liễu, có cổng và hàng rào bảo vệ. Các lối đi hình chữ thập giữa nghĩa
trang được trồng hoa trúc đào và lan đất. Trước năm 1975, nghĩa trang
Cồn Dầu được xếp vào loại nghĩa trang đẹp nhất tỉnh Quảng Nam, hơn hẳn
cả nghĩa trang Đà Nẵng.
Năm 1960, nhà thờ cũ đã được xây dựng từ năm 1930 đã được tháo dỡ
thay vào đó là ngôi nhà thờ mới, đươc xây dựng trên nền nhà thờ cũ. Kinh
phí lấy từ tiền nhà chung bán lúa ruộng giáo hội, tiền viện trợ của tổ
chức công giáo cùng với sự đóng góp của giáo dân trong giáo xứ. Nhà thờ
mới rộng lớn hơn nhiều so với nhà thờ cũ.
Cũng trong năm 1960, cha sở và giáo dân Cồn Dầu đã dựng một hang đá
Đức Mẹ Lộ Đức trong khuôn viên nhà thờ. Hang đá được thiết kế hài hòa
với thiên nhiên, là một trong những hang đá Đức Mẹ đẹp nhất trong giáo
phận Đà Nẵng.
Năm 2004, giáo dân Cồn Dầu đã lên đến hơn 1500 tín hữu, ngôi nhà thờ
cũ đã trở nên chật chội, lại bị xuống cấp hư hỏng nhiều chỗ, cha quản
xứ Giuse Nguyễn Kính đã huy động sức người sức của trong toàn giáo xứ,
kể cả những người con ly hương để xây dựng ngôi nhà thờ mới. Dự kiến ban
đầu là sửa chữa, làm mới từng phần, nhưng nhờ lòng nhiệt thành đóng góp
của giáo dân, ngôi nhà thờ đã được hoàn tất ngoài sức tưởng tượng, mới
và to đẹp hơn. Trong ngày khánh thành, mọi người đều phải thốt lên:
‘’Thật chỉ nhờ ơn Chúa mà thôi”.
Thiếu tầm nhìn hay bị sức ép của nhóm lợi ích
Như đã giới thiệu ở phần trên, giáo xứ Cồn Dầu đã tồn tại và phát
triển cùng với những thăng trầm lịch sử của đất nước và dân tộc. Nơi đây
đã ghi lại dấu ấn của giao lưu văn hóa đông-tây (ki tô giáo được các
nhà truyền giáo phương tây mang đến). Nơi đây cũng chứng kiến một cộng
đồng, với một niềm tin tôn giáo không lay chuyển, đã vượt qua những thử
thách cam go nhất-luật cấm đạo của triều đình-để sống còn và phát triển.
Nơi đây đã chứng minh rằng, một cộng đồng đoàn kết, được hướng dẫn bởi
những người đại diện cho tinh thần và lý tưởng của mình-những cha quản
xứ-có thể vượt qua mọi khó khăn, tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp, nền
nếp. Cồn Dầu còn là một thắng cảnh được tạo bởi bàn tay con người và
thiên nhiên. Làng quê, những cánh đồng lúa xanh mượt, ngôi nhà thờ, bờ
đê, tiếng chuông chiều ngân vang, từng đoàn giáo dân đi lễ… soi bóng
trên dòng sông trong xanh, uốn khúc.
Một xứ đạo Cồn Dầu như vậy cần và nên được bảo tồn và tôn tạo.
Nhưng có thể chính quyền Đà Nẵng, đứng đầu là ông Nguyễn Bá Thanh với
tầm nhìn hạn hẹp, không thấy hết được giá trị văn hóa, lịch sử của giáo
xứ Cồn Dầu. Đối với họ, 100 ha của Cồn Dầu để xây dựng khu đô thị sinh
thái quan trọng hơn nhiều. Đà Nẵng đã có nhiều khu đô thị như Đảo Nổi,
Đảo Xanh, DAEWON Đa Phước, Ecovico Đà Nẵng, FPT Đà Nẵng, Golden Hill …
Nhưng khu đô thị sinh thái Hòa Xuân sẽ đưa Đà Nẵng đạt những kỷ lục của
thành phố ’’đáng sống nhất” Việt Nam, với khu tắm bùn suối nước nóng
đạt tiêu chuẩn quốc tế rộng 36 ha (!)
Chính quyền Đà Nẵng còn cho công an đàn áp những người dân Cồn Dầu,
những người kiên quyết bảo vệ đất đai nhà cửa của họ. Cướp quan tài
trong đám tang một cụ bà 82 tuổi…. Hơn 50 tín đồ của giáo xứ Cồn Dầu đã
phải chạy sang Thái Lan lánh nạn. Trước cộng đồng thế giới, chính quyền
Đà Nẵng trở thành một chính quyền mang bộ mặt độc tài, đàn áp tôn giáo.
Dư luận xã hội và nhân dân xã Hòa Xuân cho rằng, bàn tay của các tư sản đỏ tạo ra dự án và được chính quyền tiếp tay.
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh quê ở xã Hòa Xuân kể: ”Xã Hòa Xuân của tôi
nằm sát cạnh Đà Nẵng nhưng lại bị chia cách bởi con sông Cẩm Lệ nên rất
là quê mùa và khốn khó trăm bề. Dân quê tôi từ bao đời luôn mơ ước một
chiếc cầu bắt qua bến Đò Xu, nối liền với Đà Nẵng để đổi đời. Sau gần 30
năm hòa bình, cho mãi đến những năm đầu thế kỷ 21 thì ước mơ cỏn con ấy
mới chuẩn bị thành hiện thực. Cây cầu bắt qua Đò Xu được triển khai thi
công. Cọc đóng qua sông, chuẩn bị đúc đà và lao dầm. Dân quê tôi hân
hoan mừng rỡ, mong ngóng từng ngày để chờ lúc cây cầu vươn ra nối đôi
bờ. Thế nhưng sau đó chẳng hiểu vì sao, công trình được lệnh của ông
Thanh cho ngừng lại, cọc đóng xuống rồi lại cho nhổ lên. Dân cả xã bàng
hoàng thất vọng và không biết chuyện gì đã xẩy ra. Mãi về sau thì dân
quê tôi mới vỡ lẽ ra. Vì có một nhóm tư sản đỏ nào đó đề nghị quy hoạch
toàn xã Hòa Xuân thành một khu du lịch sinh thái nên phải ngưng ngay
chuyện làm cầu để trả tiền đền bù thấp và để giải tỏa dân. Sau đó toàn
xã nhận đền bù với giá rẻ mạt rồi chuẩn bị dọn đi. Lúc ấy bản vẽ cây cầu
khác bắt qua xã Hòa Xuân đã nằm trên bàn ông Thanh. Khi xe ủi bắt đầu
đến ủi nhà dân, thì cây cầu cũng bắt đầu được thi công và chỉ sau một
năm thì hoàn thành. Người dân Hòa Xuân nhìn chiếc cầu Hòa Xuân to đẹp
bắt qua sông Cẩm Lệ, nối liền quê nghèo của mình với thành phố Đà Nẵng
mà ngậm ngùi cay đắng. Té ra cây cầu được xây lên không phải để phục vụ
người dân nghèo khó bao đời theo cách mạng ở đây mà để phục vụ cho dự án
gọi là du lịch sinh thái, nghĩa là phục vụ cho nhóm lợi ích trùm tư sản
đỏ. Đền bù người dân chỉ vài chục ngàn một mét vuông, thế mà chỉ mới
phân lô trên bản vẽ, các ông trùm này đã rao bán mỗi mét vuông đến hơn
10 triệu đồng. Người dân mất nhà và mất ruộng quê tôi nay thất nghiệp đã
chửi đổng lên: Khu du lịch sinh thái cái đếch họ, cũng chỉ là một tuồng
’thành kính phân lô’ để chia chác lợi khủng.”(1)
Chủ nghĩa tư bản hoang dã
Chúng ta hãy đọc một một đoạn quảng cáo bán đất tại khu đô thị sinh
thái Hòa Xuân mà chính quyền Đà Nẵng đã xóa sạch 4 làng, trong đó có
giáo xứ Cồn Dầu để lấy đất cho khu đô thị này:
”Cần bán nhiều lô đất khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, tại đảo 1, diện
tích 5×20 và 5×24 giá 10 triệu/m2… Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân được
quy hoạch tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Dự án
được đặt tại vị trí vô cùng đắc địa về mặt phong thủy cũng như về mặt
cảnh quan. Gần Ngũ Hành Sơn và tọa lạc tại ngã ba sông Hàn, sông Cẩm Lệ
và sông Cổ Cò với ba mặt giáp sông, hài hòa giữa phong cảnh sông và
núi…”
Vị trí đắc địa của Hòa Xuân tất nhiên làm những nhà tư sản địa ốc
nước ngoài và trong nước quá thèm khát. Nhưng nếu không có sự đồng lõa
của những tư sản đỏ, những nhóm lợi ích và chính quyền Đà Nẵng dựa vào
luật đất đai trái quy luật, vô đạo lý tiếp tay, chắc chắn họ cũng chỉ
đứng để nén nhịn những cơn thèm khát.
Để quy hoạch khu đô thị ”sinh thái” với diện tích tới 430 ha, chính
quyền Đà Nẵng buộc di dời khoảng 2000 hộ, 8000 ngôi mộ, san bằng nhà
cửa, ruộng vườn, cây cối của 4 làng. Đây là những làng xóm của những
người dân, mà tổ tiên của họ đã theo các chúa Nguyễn đi mở mang bờ cõi,
tạo lập cách đây đã ba bốn trăm năm. Bởi vậy, nhà cửa, ruộng vườn, mồ mả
tổ tiên… đối với họ là thiêng liêng, vô giá.
Người dân Hòa Xuân phải đào bới 8000 ngôi mộ đang mồ yên, mả đẹp của
cha ông, vận chuyển đến chôn ở một vùng đất mới. Đối với những người
biết thành kính đối với người chết, tôn trọng tín ngưỡng và tập tục của
dân tộc thì đây là việc làm, mà chỉ nghĩ đến đã lạnh xương sống. Điều mà
ông cha chúng ta kiêng kỵ nhất là động mồ động mả.
Khi một thành phố phát triển, việc các vùng lân cận đô thị hóa là
điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, việc quy hoạch và phát triển đô thị
đòi hỏi phải tôn trọng di tích lịch sử, văn hóa của địa phương. Những ai
đã có dịp đến các thành phố ở châu Âu, có thể thấy, cách trung tâm
thành phố không xa, những nghĩa trang cũ của người dân bản địa hay của
người Do thái di cư có từ mấy trăm năm trước đây, được bảo tồn, có tường
xây xung quanh, trồng cây hoa rất đẹp. Các khu dân cư, nhà hàng, siêu
thị… phát triển quanh đó vẫn hài hòa, đẹp mắt. Như vậy có thể nói rằng,
chủ nghĩa tư bản đã phát triển ở châu Âu cách đây mấy trăm năm cũng
không hoang dại như cái chủ nghĩa tư bản mà những người cộng sản đang
xây dựng ở Việt Nam hiện nay.
Vài lời nhắn gửi
Ông Nguyễn Bá Thanh đã ra Ba Đình.
Không ai có thể phủ nhận những cố gắng của ông đã đưa Đà Nẵng trở
thành thành phố sạch, đẹp, phát triển về kinh tế giáo dục, y tế… Nhưng
Cồn Dầu là một góc tối của ông.
Hãng thông tấn AFP của Pháp đã bình luận về ông: ”Thế nhưng nhiều
người đồng ý rằng, ông Thanh có những tài năng hiếm có ở một đất nước
nghẹt thở về nạn quan liêu.” Ngoài Ba Đình, nạn quan liêu còn nghẹt thở
hơn ở Đà Nẵng của ông nhiều lắm! Lại nạn quan tham, quan gian hoành hành
từ phường, xã, huyện, tỉnh đến hội 14 ”ông vua tập thể”.
Ai đã sinh ra những tệ nạn trên đây?
Chính cơ chế sinh ra và nuôi dưỡng chúng.
Ai đã đẻ ra cơ chế?
Chính là Đảng của ông.
Vì vậy, muốn trừ bỏ tận gốc nguyên nhân của những tệ nạn trên đây,
phải thay đổi Đảng của ông. Đảng phải chấp nhận cơ chế xã hội tự do dân
chủ, đoạn tuyệt với nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Max-Lenin đã lỗi
thời, trả lại quyền lực cho nhân dân, cùng với các đảng khác tranh đua
quyền lãnh đạo thông qua tự do bầu cử.
Ông là một người dám nói, dám làm. Liệu nhân dân có gửi gắm những hy vọng nơi ông?
Warsaw tháng 01-2013
© Đinh Minh Đạo
© Đàn Chim Việt
——————————
Chú thích:
(1) Huỳnh Ngọc Chênh: Lan man về sự kiện Nguyễn Bá Thanh
quê choa 11-01-2013
Tài liêu tham khảo:
1- Lịch sử giáo xứ Cồn Dầu.
Kênh thông tin Đại chủng viện Huế
2- Lược sử giáo xứ Cồn Dầu.
Trang Web giáo phận Đà Nẵng