Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Bên Thắng Cuộc - Hiệp định thương mại Việt-Mỹ

Huy Đức

Cũng năm 1999, trong khi mang “Phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt” về từ một láng giềng nhiều thủ đoạn, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu lại đánh mất cơ hội ký hiệp định thương mại với một đối tác tiềm năng: Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ.
Tại tiểu bang Ohio (Mỹ), sau khi thông báo quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận của Tổng thống Bill Clinton với Bộ trưởng Lê Văn Triết, Bộ trưởng Ron Brown đề nghị bộ thương mại hai nước lập ra tổ công tác chuẩn bị cho quan hệ song phương. Brown cho biết luôn là ông sẽ lập nhóm USTA do bà Barshefsky làm nhóm trưởng. Khi trở về Việt Nam, Bộ trưởng Lê Văn Triết đến thẳng phủ thủ tướng, chờ ông ngoài Thủ tướng còn có Bộ trưởng Đậu Ngọc Xuân, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm.

Ông Triết kể chi tiết cuộc trò chuyện với Ron Brown. Ông Kiệt hỏi: “Theo anh, điều này sẽ tác động đến việc mở cửa của Việt Nam như thế nào?”. Ông Triết: “Theo tôi, nó phù hợp với chủ trương đa phương hóa, thêm bạn bớt thù. Chắc chắn sẽ có một số anh chưa nhất trí, có anh sẽ phân vân, nhưng mình mà lẩn quẩn thì không những mất cơ hội mà còn ảnh hưởng đến việc mở rộng quan hệ với những đối tác khác”. Ông suy nghĩ rồi nói: “Các anh nghiên cứu ngay xem quyết định bỏ cấm vận sẽ tác động đến việc Việt Nam mở rộng quan hệ với các nước như thế nào. Phần ngoại giao, anh Cầm phải có kế hoạch mở rộng quan hệ đa phương ngay sau khi Mỹ chính thức tuyên bố. Anh Triết chuẩn bị tờ trình, trình Bộ Chính trị xin chủ trương cho đàm phán ký kết hiệp định thương mại với Mỹ”. Ông Triết hỏi: “Ký một hiệp định song phương như với các nước?”. Ông Kiệt nói: “Đúng!”.
Ông Lê Văn Triết kể: Tôi về làm phương án đàm phán, chuẩn bị xong, tôi mời đại diện Bộ Ngoại giao, Tài chánh, Ngân hàng, Bộ Kế hoạch Đầu tư… tới họp và góp ý. Văn phòng Trung ương cũng thông báo năm ngày sau đó Bộ Chính trị sẽ nghe trình bày. Tại cuộc họp Bộ Chính trị, tôi trình bày xong, ông Đỗ Mười nói: “Yêu cầu các bộ có phản biện trước”. Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Đậu Ngọc Xuân vun xới mạnh. Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm phát biểu thận trọng. Thứ trưởng Bộ Tài chánh Chu Tam Thức thì chừng mực. Nghe xong, ông Đỗ Mười phát biểu rất căng: “Chúng ta đã đổi mới thành công, các nước đều thừa nhận, đời sống khá hơn có cần bàn tay của Mỹ?”. Ông Đậu Ngọc Xuân nói: “Sự giúp đỡ của Mỹ là cần thiết”. Ông Đỗ Mười: “Mình hoàn toàn độc lập, cần gì phải giúp đỡ. Việc gì phải ký hiệp định thương mại?”.
Hôm ấy, theo chỉ đạo của anh Kiệt, Bộ Thương mại trình một lúc hai đề án: một để đàm phán gia nhập WTO, một để ký BTA. Nhưng, theo ông Triết, với cả hai, ông Đỗ Mười nói: “Việt Nam còn nghèo, hàng hóa sản xuất tỷ trọng bao nhiêu, ăn thua gì, ra nó đè chết ngay lập tức. Cái thứ ba, mình xưa giờ chủ yếu quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa, chỉ am hiểu xã hội chủ nghĩa. Giờ quan hệ với người ta, bị buộc phải theo những quy định của người ta mình càng mất độc lập”. Bấy giờ ông Triết mới nhận ra lý do ông Võ Văn Kiệt mời bằng được Cố vấn Phạm Văn Đồng tham gia phiên họp này. Theo đề nghị của ông Kiệt, Cố vấn Phạm Văn Đồng phát biểu ngắn: “Bây giờ là thời kỳ toàn cầu hóa, ai cũng phải có quan hệ với các quốc gia. Đường lối đa phương hóa mà ta đã đi là đúng. Đã đúng thì cứ tiếp tục. Thời đại này không ai còn tự cung, tự túc. Có gì mà không dám làm ăn với Mỹ với WTO”.
Ông Kiệt tiếp lời: “Tôi tán thành ý kiến anh Đồng. Xu thế đó là không thể tránh khỏi. Nói để anh Mười yên tâm, tiền thân của WTO là GATT, một tổ chức mà Liên Xô là sáng lập viên, lúc đầu có ba mươi quốc gia. Chỉ khi có khối SEV, Liên Xô mới rút ra. Bây giờ nước Nga cũng muốn trở lại WTO, làm đơn xin mà họ đã chấp nhận đâu. Những nước tham gia đều theo những nguyên tắc nhất định được hình thành bằng sự đóng góp của các thành viên. Đã có 100 nước tham gia, có những nước yếu hơn Việt Nam, nhiều nước còn phải sắp hàng. Anh Đồng rất đúng, Việt Nam tuy còn yếu, hàng hóa chưa nhiều, chưa hiểu hết quy luật. Nếu mình đứng ngoài thì sẽ như cũ. Tham gia vào thì đội ngũ mới trưởng thành. Mới hiểu thị trường, luật pháp ra sao mà ứng phó. Phải tham gia để có tiếng nói của mình, còn nếu đứng ngoài thì họ quyết sao mình chịu vậy. Trung Quốc đã gửi hàng trăm người đi đàm phán lâu nay mà vẫn chưa được. Giữ gìn chế độ là nhiệm vụ của mình, nhưng không thể giữ chế độ bằng cách không chơi với ai cả”.
Ông Phạm Văn Đồng tiếp: “Anh Mười lo lắng mình bị lép vế cũng có lý vì mình còn yếu. Nhưng, tôi thì tôi không sợ. Như anh Kiệt nói, phải vào hang mới bắt cọp”. Ông Đỗ Mười không kết luận. Ông Phạm Văn Đồng đề nghị: “Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao hoàn chỉnh phương án, để báo cáo lại”.
Tháng 5-1996, ông Nguyễn Đình Lương tháp tùng ông Lê Văn Triết đi Washington, DC., gặp Charlene Barshefsky, trưởng Đại diện Thương mại Mỹ. Thông điệp mà Barshefsky chuyển cho ông Triết vẫn là Hoa Kỳ sẵn sàng ký hiệp định thương mại song phương. Ông Lương nói: “Khi về nhà, tôi biết số phận của mình. Tháng 8-1996, tôi chuẩn bị một tờ trình, phân tích bối cảnh quốc tế, phân tích những ý đồ của Hoa Kỳ đối với Việt Nam rồi đề ra năm nguyên tắc để bộ trưởng ký trình thủ tướng. Ông Triết đưa ra lấy ý kiến trong Bộ, một số cán bộ chủ chốt không đồng ý, lấy lý do, “không cần bàn nguyên tắc, cần bàn cụ thể thôi”, ông Triết cũng phân vân chưa ký. Phải một tháng sau, trước giờ ông Lê Văn Triết ra sân bay đi nước ngoài, tôi nói: “Anh ký đi, Văn phòng Chính phủ giục”. Ông ký. Chiều tôi mang lên Văn phòng Chính phủ. Sáng hôm sau, Văn phòng gọi: Lương ơi, báo tin mừng cho mày, anh Sáu (Võ Văn Kiệt) chỉ ghi một chữ: ‘Đồng ý’, viết từ bên này trang giấy kéo sang tới bên kia”.
Đàm phán Việt- Mỹ, theo ông Nguyễn Đình Lương: “Lên bờ xuống ruộng. Năm năm cực kỳ khó khăn. Khó nhất là vì ngay từ khi bắt đầu, ông Võ Văn Kiệt đã không còn ở vị trí quyết định. Trong các vị lãnh đạo, số người đồng ý không nhiều, lý do: đây là vấn đề nhạy cảm, nhiều người muốn mình không trắng, không đen, công được hưởng, tội không phải mình. Tôi là một quan chức bé tí. Nhưng cuộc họp nào cũng phải có mặt, vì viết bài, sửa bài cũng tôi. Bộ Chính trị họp xong bảo chuẩn bị bài ra Ban Chấp hành. Cứ tiếc, ông Kiệt không còn làm Thủ tướng nữa”.
Lúc ấy trên Bộ Chính trị còn có ba ông cố vấn: Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt. Ông Lương nói, chúng tôi gọi tổng bí thư là “hoàng thượng”, trên “hoàng thượng” là “vương gia”. Trước khi quyết, “hoàng thượng” còn phải xem ý “vương gia”. “Vương gia” lại có hai phía, người ủng hộ quyết liệt, người thì không. Theo ông Lương: “Cứ mỗi khi họp Bộ Chính trị, chúng tôi lại phải hỏi Văn phòng: ông Kiệt có ra họp không. Có mặt ông Kiệt thì cán cân sẽ khác. Từ đầu, quan điểm của ông Kiệt đã rất rõ ràng: phải bình thường hóa với Mỹ, ký Hiệp định Biên giới với Trung Quốc, ký Hiệp định thương mại Việt-Mỹ. Trong cuộc họp, có khi ông mở đầu, nhưng thường, ông nghe hết các ý kiến. Cho dù các ý kiến trong cuộc họp phát biểu theo chiều hướng nào thì ý kiến của ông Kiệt vẫn là phải ký”.
Ngày 30-8-1999, ông Nguyễn Đình Lương sang Washington, D.C., hoàn tất văn bản để chuẩn bị ký. Theo ông Lương: Ngày 1-9, khi tiếp ông Lương tại phòng làm việc, Phó đại diện thương mại Hoa Kỳ Richard Fisher nói: “Lương, tôi hỏi ông một câu thôi: phía Hoa Kỳ định ký BTA tại Hội nghị APEC, Việt Nam có ký không?”. Ông Lương nói: “Chắc chắn ký với điều kiện ông giải quyết cho tôi mười vấn đề”. Thực ra, theo ông Lương: “Mười vấn đề mà tôi đề nghị ấy chỉ là tiểu tiết nhưng các nhà lãnh đạo bên Đảng đòi giải quyết”. Fisher nói: “Ông về báo với lãnh đạo của ông, nếu Việt Nam quyết định ký tại Auckland, có sự chứng kiến của Bill Clinton thì những vấn đề còn lại sang đó sẽ được giải quyết hết”. Hội nghị APEC cấp bộ trưởng dự kiến nhóm họp vào ngày 9 và 10-9-1999 và cuộc gặp cấp cao lần thứ 11 sẽ diễn ra ngày 12 và 13-9-1999 tại Auckland, New Zealand.
Ông Nguyễn Đình Lương nói tiếp: “Tôi về báo cáo. Bộ Chính trị họp đồng ý nhưng chưa ra thông báo. Hai ngày trước khi APEC nhóm họp, phía Hoa Kỳ cử bà Ngoại trưởng Madeleine Korbelová Albright sang Hà Nội. Albright sang, chỉ làm một việc duy nhất là thuyết phục ký. Bill Clinton muốn gây tiếng vang, ông ta muốn kết thúc trang sử quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Nếu việc ký kết thành công, tháng 11-1999, Bill sẽ sang thăm Việt Nam luôn. Người Mỹ khi ấy còn có một mục tiêu khác: đàm phán Mỹ - Trung đang bế tắc sau chuyến đi của Chu Dung Cơ, Bill Clinton muốn việc ký BTA với Việt Nam như một tín hiệu gửi tới Bắc Kinh”.
Ông Võ Văn Kiệt nhận được những thông tin này ngay khi ông Nguyễn Đình Lương chưa về tới Hà Nội. Ngày 05-9-1999, từ Thành phố Hồ Chí Minh, ông viết thư gửi Bộ Chính trị, xin vắng mặt phiên họp ngày 7-9-1999 bàn về Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ và “xin phát biểu với Bộ Chính trị một số ý kiến”. Ông Kiệt cho biết, những ý kiến này, ông đã trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Cầm tại Hà Nội trong lần gặp tuần trước đó. Ông Võ Văn Kiệt viết: “Nên lưu ý những diễn biến trong quan hệ Mỹ - Trung và nên tính tới tình hình chính trị nội bộ của Mỹ. Chúng ta không đặt vấn đề nhất thiết, bằng mọi giá phải ký nhanh hiệp định này nhưng nếu có điều kiện thì nên ký sớm để phía Mỹ có thể phê chuẩn hiệp định trước bầu cử”. Ông Kiệt cũng đưa ra một số lập luận để cho thấy việc hai nước ký hiệp định tại một nơi thứ ba, Auckland, New Zealand, nhân Hội nghị APEC là “bình thường và ngày càng thông dụng”.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cầm: “Ngày 7-9-1999, Bộ Chính trị họp đồng ý ký hiệp định tại Auckland. Anh Phiêu đã rất hào hứng nói, nên thưởng gì cho anh em đàm phán. Tôi nói khoan đã anh ạ, chờ xem thế nào, nhỡ người Mỹ lật lọng”. Người Mỹ không lật lọng nhưng nhà ngoại giao lão luyện người Mỹ, bà Albright, đã phạm một lỗi nhỏ góp phần làm hỏng việc lớn. Mười giờ sáng ngày 8-9-1999, gặp Ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm, bà Albright được ông Cầm xác nhận “sẽ ký”; hai giờ chiều gặp Thủ tướng Phan Văn Khải, ông Khải vui vẻ trả lời: “Sẽ ký”.
Có lẽ, nghĩ sứ vụ đã hoàn thành, cho nên năm giờ chiều hôm ấy, khi hội đàm với Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, thay vì chỉ đề cập đến việc ký kết BTA, bà Albright đã buột mồm hỏi: “Thế giới giờ chỉ còn bốn nước xã hội chủ nghĩa, theo ông, có tiếp tục giữ được không?”. Sau khi khẳng định với bà Albright, “chủ nghĩa xã hội sẽ tiếp tục phát triển thắng lợi”, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gặp hai ông cố vấn Đỗ Mười và Lê Đức Anh. Mọi việc bắt đầu thay đổi.
Ông Đỗ Mười thừa nhận: “Buổi chiều, khoảng năm giờ, trước ngày đi họp APEC, anh Phan Văn Khải sang gặp tôi, nói: ‘Anh Mười ạ, mai tôi đi, anh cho ký đi’. Tôi bảo chưa được. Mai anh gặp Clinton, tôi đề nghị anh nói ba điểm: Chúng tôi muốn ký trong nhiệm kỳ của ngài nhưng hiệp định phức tạp quá không như hiệp định chúng tôi ký với EU, nên còn một số vấn đề trong Đảng và Chính phủ có ý kiến khác nhau. Tôi đề nghị ngài chỉ thị cho phái đoàn đàm phán phía Mỹ cùng chúng tôi bàn tiếp những vấn đề đó rồi sẽ ký. Ký được trong nhiệm kỳ của ngài thì tốt, nhưng nếu chưa ký được thì trước khi ngài nghỉ, mời ngài sang thăm Việt Nam để quan hệ giữa ngài và Việt Nam có trước, có sau”.
Trước đó, theo ông Đỗ Mười: “Hiệp định nó dày thế này, Bộ Chính trị ít người đọc. Tôi có thời giờ, đọc thấy nhiều vấn đề quá. Tôi gọi các vị lãnh đạo đến, nói: ‘Cái này mới quá. Đây là hợp tác toàn diện chứ đâu có phải chỉ là thương mại. Tôi đề nghị Bộ Chính trị bàn tiếp’”.
Theo ông Nguyễn Đình Lương: “Hôm sau, 8-9-1999, trước giờ chuyên cơ chở Thủ tướng Phan Văn Khải, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển và Ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm đi Auckland, tôi nhận được điện: Ông Lương ngồi đấy, chờ có lệnh mới đi”. Ông Lương chờ, ngày thứ nhất Bộ Chính trị chưa họp, ngày thứ hai nghe tình hình khó khăn. Ngày thứ ba, quyết định không ký. Ngày thứ tư, tôi về. Vừa tới nhà đã thấy chuyên viên trong vụ ngồi đợi, bảo “lên văn phòng Ba Dũng ngay”. Ông Lương chạy lên thấy Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang nhăn nhó.
Ông Lê Khả Phiêu giải thích về việc trì hoãn ký BTA một cách thận trọng: “Tôi bảo anh Phan Văn Khải cứ đi, mời Tổng thống Bill Clinton sang, sẽ ký. Lúc đó có chế độ cố vấn, dù sao cũng phải tôn trọng. Trong Bộ Chính trị, tuyệt đại đa số cũng chưa đồng ý. Ta không được chuẩn bị kỹ. Có hai chương họ tự đưa vào, năm thành bảy chương. Trước những vấn đề quốc tế khi có những ý kiến khác nhau thì phải đảm bảo chín muồi cả về nội dung lẫn kỹ thuật và phải tôn trọng tính tập thể”.
Trong nhiều tình huống “tập thể” chỉ là nơi pha loãng trách nhiệm cho các cá nhân. Phiên họp Bộ Chính trị mang tính quyết định này diễn ra khi những người am hiểu quá trình đàm phán nhất như ông Phan Văn Khải, Trương Đình Tuyển (ủy viên Trung ương thường được mời dự), Nguyễn Mạnh Cầm đều đang ở Auckland. Ông Đỗ Mười chỉ tay hỏi: “Các anh đã đọc chưa mà biểu quyết? Các anh biểu quyết bán nước à?”.
Đúng như ông Đỗ Mười nói, trong Bộ Chính trị rất ít người đọc và gần như không có ai đọc kỹ như ông. Ông Nguyễn Đức Bình buông một câu: “Toàn cầu hóa chỉ đem lại đói nghèo”. Trong khi ông Nguyễn Phú Trọng lưu ý về “diễn biến hòa bình”. Tuy không có được vai vế như Đào Duy Tùng nhưng từ khóa VIII, ông Nguyễn Đức Bình trở thành “nhà lý luận hàng đầu của Đảng”. Theo ông Nguyễn Đình Lương, trong suốt quá trình đàm phán, mỗi khi xin ý kiến Bộ Chính trị, ông Nguyễn Đức Bình lại nói: “Chúng ta không chống toàn cầu hóa nhưng chỉ tham gia phong trào toàn cầu hóa do vô sản lãnh đạo chứ không nên tham gia toàn cầu hóa do giai cấp tư sản lãnh đạo hiện nay”.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Lương: “Chúng tôi rất khó để biết ý kiến thật sự của ông Lê Đức Anh. Không chống BTA nhưng ông Lê Đức Anh nói: nên ký Hiệp định Biên giới với Trung Quốc trước khi ký Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ. Trong khi đó, nhiều ủy viên Bộ Chính trị nhận được những ‘thông tin mật’ từ Tổng cục II: Trung Quốc phản ứng rất xấu nếu ký hiệp định thương mại”519. Theo ông Phan Văn Khải, khi ông Đỗ Mười đặt lại vấn đề về BTA, ông Lê Đức Anh đã đồng ý với ông Mười là chưa ký. Tại Auckland, theo ông Phan Văn Khải, ông và Bill Clinton vẫn gặp nhau. Clinton biết rõ nội tình Việt Nam nên cả hai đều không nhắc tới BTA.
Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm nói: “Tôi tiếc đứt ruột. Năm 1999, Bill Clinton muốn ký trước mặt các nhà lãnh đạo đủ cả phương Tây lẫn phương Đông. Khi ấy các tập đoàn sản xuất hàng xuất khẩu sang Mỹ chỉ chờ có hiệp định là nhảy vào Việt Nam. Mình quyết định không ký, mất biết bao nhiêu cơ hội”. Những thỏa thuận đạt được với Mỹ đã giúp Trung Quốc gia nhập WTO vào tháng 11-2001. Thị trường 1,2 tỷ dân này đã có một sức hút to lớn đối với các nhà đầu tư. Năm năm sau, năm 2006, Trung Quốc trở thành quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất thế giới: 10,7% so với năm 2005.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cầm: “Mất thêm một năm đàm phán, phía Mỹ cũng chấp nhận một số đề nghị của ta nhưng đồng thời cũng bắt mình phải chấp nhận thêm những yêu cầu của họ”. Mãi tới ngày 14-7-2000, Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ mới được ký ở Washington, khi nhiệm kỳ của Tổng thống Bill Clinton chỉ còn chưa đầy 6 tháng.
Về tổng thể, theo Thủ tướng Phan Văn Khải: “So với những nội dung định ký năm 1999, Hiệp định Thương mại (BTA) Việt - Mỹ ký năm 2000 không đạt được thêm tiến bộ nào”. Nhưng, về mặt thời gian, thất bại năm 1999 đã đánh mất của Việt Nam hơn hai năm cơ hội. Ngày 4-10-2001, Thượng viện Mỹ mới thông qua BTA và hai tuần sau, ngày 17-10-2001, được Tổng thống G.W.Bush phê chuẩn. Cứ mỗi năm chậm trễ, người dân Việt Nam phải chịu thiệt hại hơn 1,5 tỷ USD.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"