Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

Nhà bất đồng chính kiến Đinh Đăng Định bị bệnh nặng trong tù và sẽ ra tòa phúc thẩm ngày 20/11

Trọng Thành
img_0176_copy.jpg
Ông Đinh Đăng Định, bị tòa án sơ thẩm tỉnh Đắk Nông kết án 6 năm tù về tội "Truyên truyền chống Nhà nước"
Phiên xử phúc thẩm nhà bất đồng chính kiến Đinh Đăng Định sẽ diễn ra vào ngày 20/11/2012, theo tin chúng tôi mới nhận được. Qua điện thoại, từ Đăk Nông, bà Định Thị Dinh, vợ của ông Đinh Đăng Định cho chúng tôi biết sức khỏe của ông Định rất kém.

Ông Đinh Đăng Định vừa phải vào trạm xá của nhà tù điều trị trong ba ngày. Bên cạnh chứng xuất huyết dạ dày, ông Định còn bị nhiều bệnh nặng khác. Cũng theo bà Đặng Thị Dinh, ông Định còn bị một số công an trại giam hành hạ.
Để chuyển đến quý thính giả các thông tin về vụ án ông Đinh Đăng Định, RFI đặt câu hỏi với người bào chữa cho ông Đinh Đăng Định, luật sư Nguyễn Thanh Lương (từ thành phố Hồ Chí Minh).
LS Nguyễn Thanh Lương: Về phiên tòa sắp tới, để trắng án thì tôi nghĩ là không hy vọng. Giảm án thì cũng càng không hy vọng, bởi vì anh Định không nhận tội. Nếu nhận tội, đương nhiên có thể thay đổi, còn không nhận tội thì…. Ở đây, anh ấy kháng cáo kêu oan. Ở đây, có sự bất đồng trong cách nhìn.
Anh Định cho là những lý luận và hành vi của mình không sai, vì anh ấy căn cứ trên vấn đề công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên Hiệp Quốc, về tự do ngôn luận, tự do quan điểm. Còn luật hiện hành của Việt Nam còn chưa đồng nhất với điều đó. Thành ra ông (tư pháp Việt Nam) đối với điều đó thì ông cho là vi phạm theo điều 88, tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Do đó đây là hai điểm không giống nhau, không đồng nhất nhau. Đó cũng là nguyên nhân đẻ ra những chuyện gần đây Nhà nước người ta xử theo điều 88 là ở chỗ đó.
Theo các công ước về quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam có tham gia ký kết, nhưng trong việc thực thi những luật trong nước, ví dụ như luật Tố tụng hình sự và cả Hiến pháp, thì cho rằng tự do ngôn luận, tự do ý kiến phải theo "pháp luật". Nó bất cập nhau ở chỗ đó.
Anh Định, anh ấy cho là anh ấy không có tội, vì căn cứ vào các công ước quốc tế, còn luật trong nước còn chưa thỏa mãn điều đó.
RFI: Thưa luật sư, theo một số luật gia và luật sư, điều 88 của bộ luật hình sự là mơ hồ, luật sư nghĩ như thế nào?
LS Nguyễn Thanh Lương: Nhận định như thế có phần đúng. Điều luật này chưa rõ ràng. Tàng trữ như thế nào, lưu hành như thế nào về số lượng? Và vi phạm (chống) cơ quan Nhà nước, thế nào là cơ quan Nhà nước, cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh hay trung ương? Đúng là có nhiều vấn đề để bàn, để mà tranh cãi…
RFI: Cụ thể trong vụ án này, theo luật sư, điều gì cần phải bàn cãi?
LS Nguyễn Thanh Lương: Nếu là trong vụ án này, để áp dụng pháp luật, để bảo vệ cho thân chủ trắng án thì rất là khó. Vấn đề (chủ yếu) là phải cải tổ pháp luật, ví dụ như cải sửa điều luật, thay đổi điều luật ở Quốc hội. Để làm sao cho (luật trong nước) đồng nhất với các thỏa thuận, công ước quốc tế. Còn khi mà trong nước vận dụng luật, thì luật sư phải dùng các bộ luật, các quy định hiện hành cho phép để mình cãi, thì điều đó không đột phá được.
Lúc nào mà các thỏa ước về quyền dân sự và nhân quyền trở thành phổ biến, thì chính lúc đó (...) những người như anh Đinh Đăng Định sẽ không bị cáo buộc, truy tố.
Có điều tôi ái ngại là hiện nay sức khỏe của anh Định. Tuy chưa chính thức, nhưng trong hồ sơ tôi đọc thì thấy anh ấy có tiền sử về bệnh nhồi máu não, rối loạn cảm xúc, thị lực, đau dạ dày… Sức khỏe của anh ấy đáng quan tâm lắm.
RFI: Thưa luật sư, bản giám định tâm thần của cơ sở y tế có ảnh hưởng gì đến việc xét xử ông Định không?
LS Nguyễn Thanh Lương: Vấn đề này có hai mặt. Ở góc độ của cơ quan tố tụng, nếu có kết luận về giám định tâm thần, hình như họ có đề nghị xem xét giảm nhẹ khi xử lý, như vậy, có hướng là có lợi cho anh Định. Nhưng ngược lại ở góc độ của anh Định, gia đình không thừa nhận.
Qua đọc hồ sơ tôi biết anh có nhiều dấu hiệu bệnh nặng, không biết anh có cầm cự nổi không trong suốt quá trình sau này hay không ?
RFI: Trước khi kết thúc phỏng vấn, luật sư có ý gì thêm gửi đến các thính giả, độc giả?
LS Nguyễn Thanh Lương: Tôi muốn giải thích thêm về điều này: Tại sao luật sư không thấy triển vọng sáng sủa mà lại tham gia bào chữa? Tuy biết là không có hiệu quả, nhưng tôi vẫn tham gia, tại vì trên tinh thần lương tâm nghề nghiệp của luật sư, thứ hai là mình mong mỏi tìm được những gì có lợi, có ưu thế để giúp đỡ bị cáo.
Ở đây, có một điều rất ý nhị như vậy, mà tôi mong muốn mọi người chia sẻ.
Mong mỏi tình người, lương tâm nghề nghiệp của tôi là nếu không giúp được gì về cụ thể, thì cũng giúp được về mặt tinh thần.
Nói cho cùng, ngoài khuôn khổ vụ án anh Đinh Đăng Định, thật ra tôi cũng mong mỏi đến lúc nào đó, giữa Nhà nước Việt Nam và quốc tế hội nhập với nhau. Lúc nào mà các thỏa ước về quyền dân sự và nhân quyền trở thành phổ biến (ở Việt Nam), thì chính lúc đó có lẽ những người như anh Đinh Đăng Định sẽ không bị cáo buộc, truy tố.
Xin chân thành cảm ơn Luật sư

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"