Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Lạm bàn về ý kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Thiện Tùng
Tôi vốn đã nuổng, nghe Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu trước cử tri TP HCM càng nuổng.
Không rõ với cương vị Chủ tịch nước hay Ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSVN, anh Sang thốt ra những lời không tương xứng với cương vị của mình, sau khi nói xong về nhà Anh có nghĩ lại hay không. Là đại biểu Quốc hội, với cương vị Chủ tịch nước nói chuyện với cử tri mà sao Anh luôn đứng ở góc độ Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng CSVN và hình như chỉ muốn đóng có một vai ấy mà lên tiếng với dân thì phải. Anh sao không chịu nghĩ thực bụng người dân họ muốn Anh đến với họ trong tư cách nào?

Anh Sang nói:
+ “Người ta có thể trù úm một người, một nhóm người chớ không thể trù úm cả dân tộc này” – Những kẻ nào đang trù úm Dân chẳng lẽ anh Tư không biết? Với cương vị của mình là một ông Chủ tịch đứng đầu cả nước, sao Anh không trị chúng để cứu Dân? Dân chịu oan khiên như thế bộ chưa đủ sao Anh còn xúi cả dân tộc va đầu vào đá?!
+ “… Nếu vì cái ghế mình ngồi thì chế độ sẽ suy vong. Muốn chế độ vững bền thì người cầm lá phiếu phải đầy trọng trách” – Anh làm như mình từ trên trời mới rơi xuống không bằng. Anh quên rồi sao, gần như tất cả đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp đều là đảng viên do Đảng của Anh cơ cấu. Họ là những thành viên của Đảng, họ suy nghĩ và hành động theo chỉ giáo của Đảng. Người ta không sợ chế độ (độc tài) suy vong đâu Anh đừng lầm tưởng. Về nhân sự “Đảng chọn Dân bầu” mà Anh bảo cử tri khi cầm lá phiếu phải đầy trách nhiệm là điều hoang tưởng, chẳng lẽ chọn người ngoài danh sách ứng cử?! Về việc này bộ Anh chưa đọc những câu vần vè dân gian – và hình như xuất phát từ sĩ phu Bắc Hà – được Tiến sĩ Hà Sĩ Phu nhắc lại trong bài viết của ông ấy:
Đảng chỉ tay
Quốc hội giơ tay
Mặt trận vỗ tay
Chính phủ khoanh tay
Quốc doanh ngửa tay
Tội phạm ngoặc tay
Công an còng tay
Trí thức phẩy tay
Quan chức đầy tay
Dân trắng tay.
Xin Anh hãy đọc và chịu ngẫm nghĩ một chút.
+ “Để làm được những điều cử tri mong muốn, còn quá nhiều thách đố và cản ngăn” – Thế lực nào, những ai… thách đố và cản ngăn những điều cử tri mong muốn? Là Chủ tịch nước và là Ủy viên Bộ Chính trị của Đảng cầm quyền, sao anh Tư không điều binh khiển tướng trị bọn mọt nước sâu dân mà thốt ra những lời than thở nghe có vẻ bất lực như thế? Nếu thật sự anh Tư và Đảng của Anh bất lực thì hãy lo “tắm rửa” cho nhau trong nội bộ Đảng mình, giao cho Dân chọn và cử người vào Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp, qua đó họ sẽ có quyền bãi miễn, xử tù bất cứ ai bất tài, thất đức trong bộ máy công quyền, sớm lành mạnh hóa xã hội.
+ “… Cũng hơi chạnh lòng là cô bác, anh chị chưa tin Trung ương lắm. Niềm tin bị sa sút, tôi thấy thật xấu hổ” – Anh chạnh lòng vì Dân mất lòng tin đối với Đảng của Anh, chớ không phải chạnh lòng trước bao nỗi oan khiên của người Dân do Đảng Anh gây ra? Oan khiên tính ra không xuể đó Anh, mà ác cái nó vẫn đang diễn ra hàng ngày. Anh ngồi trên cao chứ người dân ở thấp lắm, những gì đám bộ hạ các anh giáng xuống không phải đầu cũng phải tai. Cho nên ai cũng có tâm lý “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, họ cười giã lả thế thôi chớ họ tránh các anh đấy. Nhưng nếu thật sự Anh còn biết xấu hổ vì dân chẳng tin các anh thì riêng đối với Anh xem ra còn có thể chơi được.
+ “Chậm nhất là đầu năm 2013, Trung ương sẽ ban hành nghị quyết về bỏ phiếu tín nhiệm” – Anh nói Trung ương tôi đoán chắc là Trung ương Đảng? Quốc hội, các chức danh chủ chốt các cấp các ngành đều là đảng viên, họ đã hình thành phe cánh, đã và sẽ chơi luật giang hồ “Mi không đánh ta, ta không đánh mi ” thì huề cả làng – Hội nghị lần 6 khóa 11 của Đảng CSVN đã nói lên điều đó?
Nếu mất hết lòng tin là không còn sức sống. Tôi còn muốn sống, một lần nữa tạm tin Anh, dòng dõi của tướng quân Trương Công Định.
Mỹ Tho, 28/11/2012
T.T
Tác giả gửi cho BVN
_______________________
Trương Duy Nhất - Những lời nói hay đã không còn hay nữa
Lại thêm những lời nói hay, rất hay của ông Trương Tấn Sang. Nhưng giờ đây, nhưng lời nói hay ấy đã không còn hay nữa.
Báo chí lại ngập tràn những lời nói hay của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ông khuyên nhủ: “Vì cái ghế, chế độ sẽ suy vong”. Ông phê bình báo chí và nhân dân “làm gì cũng sợ hết thì chịu thôi”. Thế nhưng nghịch thay, chính ông, đến cái tên một Ủy viên Bộ Chính trị bị đề nghị kỷ luật cũng không dám nêu, phải gọi trại là “đồng chí X”. Nói về “lợi ích nhóm”, ông bảo “dễ ẹt, không cần đại học, chỉ cấp 1 thôi cũng trả lời được”. Nhưng rồi chính ông lại không dám trả lời. Hóa ra ông… thua kém cả “đứa” cấp 1 sao?
Hơn một lần tôi đã “khuyên” ông: Đừng nói nữa, hãy hành động! Nhưng ông đã làm được gì ngoài những lời nói hay?
Giữa một đội ngũ ai ai cũng sợ sệt đến câm lặng, ông nổi lên như một hiện tượng dám nói và nói hay, dám nói đụng cả những vùng nhạy cảm xưa nay chưa ai dám nói.
Đã có người cho ông là một Gorbachev, người thì gọi ông là một “Boris Yeltsin mới” với nhiều kỳ vọng chuyển thay.
Nhưng chẳng có chuyển thay nào ngoài những lời nói. Đến nay, và tôi chắc là mãi mãi về sau, dân tình vẫn chỉ có thể nhắc về ông, nhớ đến ông như một vị Chủ tịch dám nói- Thế thôi, chấm hết!
Mà ngồi ghế Chủ tịch nước thì không chỉ để nói hay. Và cho dù ông có tiếp tục nói hay bao nhiêu đi nữa thì những lời nói hay đó đã không còn hay nữa.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"