Quan hệ giữa khoa học và chính trị là một chủ đề đã tiêu tốn rất
nhiều giấy mực qua bao thế hệ của cả giới khoa học gia và giới chính trị
gia, không chỉ ở Việt Nam, mà cả trên thế giới. Tôi thử vào mạng, tra
cụm từ “The relationship between science and politics”, thì chỉ trong 30
giây đã hiện lên 228 triệu mục từ có nội dung liên quan.
Trong các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN), chủ đề này không chỉ được bàn
trong giới học thuật, mà còn được thể hiện trong các văn kiện của các
đảng cộng sản cầm quyền.
Các sách giáo khoa triết học marxist có cả một chương về “Hình thái ý
thức xã hội” đề bàn về mối quan hệ này. Tra mục từ “Hình thái ý thức xã
hội” trong Từ điển triết học Liên Xô (Bản tiếng Nga năm 1975, Bản tiếng
Việt năm 1986), chúng ta suy ra được những điều thú vị. Tôi xin tóm tắt
mấy ý sau:
- Thứ nhất, khoa học và ý thức hệ chính trị, là 2 trong một số hình thái ý thức xã hội.
- Thứ hai, mỗi hình thái ý thức xã hội có một chức năng xã hội và một hình thức biểu hiện riêng biệt
- Thứ ba, các hình thái ý thức xã hội thì tương tác, nhưng độc lập tương đối, chứ không lệ thuộc lẫn nhau.
Tôi không phải nhà nghiên cứu marxist, nên tôi không có ý định tra
cứu xem Marx đã nói câu đó ở đâu, nhưng cứ theo như Từ điển triết học
Liên Xô, thì chắc chắn điều này họ không thể nói trái với ý ông tổ ý
thức hệ Karl Marx của họ.
Tuy nhiên, các chính trị gia và một số khoa học gia ở các nước XHCN,
miệng thì nói là theo học thuyết của Marx, nhưng thật ra có việc họ đã
không làm theo những gì mà sách triết học marxist đã viết. Một trong
những việc đó là xử lý mối quan hệ giữa khoa học và chính trị không theo
những gì mà triết học Marx viết ra, như tôi vừa trích dẫn từ cuốn Từ
điển triết học Liên Xô.
Cái sự bi hài đáng được bàn đến có hai mặt: Một mặt, giới khoa học và
giới chính trị kỳ thị nhau, bài xích lẫn nhau, trong đó, giới chính trị
nắm đầy quyền lực đàn áp giới khoa học, nếu thấy những điều họ nói đụng
chạm đến quyền lực của giới chính trị. Một mặt khác, giới khoa học và
giới chính trị lợi dụng nhau. Hai mối quan hệ này không tách bạch ra một
cách rạch ròi, mà nó xen lẫn vào nhau, khiến người đời không dễ gì nhận
ra như ranh giới giữa hai màu đen và trắng.
*
Một lần tôi đọc được ở đâu đó, câu nói rất hay của nhà nghiên cứu
Trần Bạch Đằng, rằng không được xem khoa học là một thứ “nàng hầu” của
chính trị. Ông Trần Bạch Đằng dung từ “nàng hầu” là một từ Việt rất cổ,
với nghĩa là những cô gái nuôi trong nhà để hầu hạ và phục vụ việc chăn
gối cho ông chủ.
Tôi nhớ, hồi 1978, khi được mời đến dự lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành
lập một viện nghiên cứu về khoa học xã hội rất lớn ở Việt Nam, tôi được
tặng một cuốn sổ kỷ niệm của viện này, với một câu viết rất trang trọng ở
trang đầu tiên: “Khoa học xã hội Việt Nam phải có nhiệm vụ giải thích
đường lối của Đảng CSVN”. Mấy vị ngồi quanh tôi thầm thì to nhỏ: “Vậy
nhỡ đường lối của Đảng sai thì khoa học xã hội Việt Nam giải thích thế
nào nhỉ?” Tôi nghe người kia hích ông ta: “Suỵt, chớ có nói dại. Đường
lối của Đảng chỉ có từ đúng trở lên”.
Điều đó sau này được giải thích là do “chúng ta” còn ấu trĩ. Không
biết cái “chúng ta” ở đây là ai? Là giới nghiên cứu lý luận Mác-Lê, hay
là các nhà khoa học xã hội nói chung, hay là ai đó… ngồi ở vị trí “cao
hơn” những người ấy?
Cho đến khi ông Đỗ Mười lên làm Tổng bí thư (1991), thì trong cuộc
gặp gỡ các nhà khoa học tại Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt
Nam đầu xuân 1992, ông nói một câu gây chấn động dư luận: “Khoa học phải
có nhiệm vụ phản biện đường lối của Đảng và, hơn nữa, phải góp phần xây
dựng luận cứ cho đường lối của Đảng”. Có lẽ ông là nhà lãnh đạo đầu
tiên (ở cấp bậc của ông) nói đến khái niệm “phản biện”.
Tôi nghe nhiều người chê trách ông Đỗ Mười về một số việc nọ việc
kia… Thôi thì đấy là việc của họ, nhưng riêng cái cách nhìn nhận vai trò
khoa học như thế này của ông Đỗ Mười thì đáng đánh giá ông cao lắm. Bởi
vì, ngay giờ phút này đây, có nhà khoa học nào phê phán cái gì đó nghe
nghịch nhĩ một chút thì vẫn dễ dàng bị quy chụp là “mắc mưu thế lực thù
địch”. Cái người viết bài để quy chụp ấy có khi còn ký tên là “Giáo sư”,
“Tiến sỹ” gì gì nghe oai phong về khoa học lắm.
Tôi muốn nói cần phải đánh giá ông Đỗ Mười rất cao về quan điểm này,
vì ngay đến tận hôm nay, hai mươi năm sau ông Đỗ Mười nói được một câu
hay như tôi vừa trích dẫn trong quan hệ giữa khoa học và chính trị, vẫn
không có được mấy người trong giới chính trị nói được như ông đâu. Họ
vẫn quan niệm rằng khoa học phải có nhiệm vụ minh họa đường lối chính
trị, rất sợ bọn khoa học nghiên cứu những điều “trái” với đường lối của
Đảng. Điều này thậm chí còn được viết trong một số văn kiện chính thức,
rằng “Không được lợi dụng công việc nghiên cứu khoa học để xuyên tạc
đường lối của Đảng”.
Tôi nhớ lại có hồi tôi được Vụ tổ chức của Bộ cử đi học lớp chính trị
cao cấp, được nghe một vị giảng viên tên là Trần N… giảng một bài rất
thú vị như sau: “Vì sao giai cấp công nhân kiên định cách mạng, còn bọn
trí thức thì bấp bênh dao động và sợ địch?… ” Rồi ông giảng giải: “… Là …
là tại vì bọn trí thức nó lắm ngoại ngữ, nó đọc ghê lắm, nó đọc nhiều
lắm, nó đọc suốt ngày, vì thế nó biết hết bọn đế quốc sài lang, vì thế
mà nó sợ”. Ông Trần N. có lẽ chỉ hơn tôi dăm ba tuổi gì đó, cho nên chắc
hiện nay ông vẫn còn mạnh khỏe và chắc sẽ đọc được những điều tôi vừa
viết.
Đương nhiên, giới chính trị không biết đến các chuẩn mực của khoa
học: Năm 1942, nhà xã hội học (về) khoa học của Mỹ, Robert K. Merton đưa
ra bốn chuẩn mực cho cộng đồng khoa học, viết tắt là CUDO, và được giải
thích như sau: (1) Tính cộng đồng (Communalism); (2) Tính phổ biến
(Universalism); (3) Tính không vị lợi (Disinterestedness) và (4)Tính
hoài nghi (Organised Skepticism). Vào khoảng thập niên 1970, cộng đồng
khoa học bổ sung thêm một chuẩn mực nữa: (5) Tính độc đáo (Originality),
và cụm từ viết tắt được kéo dài thành CUDOS. Chữ O trước đây là viết
tắt của “Organized Skepticism”, thì nay dùng đại diện cho “Originality”
Trong 5 chuẩn mực này, có một chuẩn mực khiến các chính trị gia rất
ghét bọn khoa học. Đó là “tính hoài nghi”. Nhưng các thế hệ khoa học thì
luôn nhắc nhở nhau, phải biết hoài nghi mọi kết quả nghiên cứu.
Tuy ghét giới khoa học, nhưng giới chính trị hiện đại rất sính các
loại mác khoa học, chưa có bằng Cử nhân thì phải kiếm cho được cái bằng
Cử nhân, chưa có bằng Tiến sỹ thì phải kiếm cho được cái bằng Tiến sỹ,
có bằng Tiến sỹ rồi thì chạy cho được cái hàm Giáo sư. Theo họ, hình như
cái mác khoa học này sẽ làm cho tiếng nói của họ được tin cậy hơn…
Chúng ta có thể thấy nhan nhản những bài viết đủ mác nọ mác kia, nhưng
sặc mùi chính trị lỗi thời.
Chưa hết, các phe phái chính trị đánh nhau cũng rất thích dùng một số
“nhà” khoa học làm cái mà ngôn từ đường phố Hà Nội hiện đại gọi là
“chân gỗ”, là thứ chân chắp cho những anh què. Cái loa của các “giáo sư”
và “tiến sỹ” này được phát đi rất to, đánh vào cái yếu mà phe kia cần
khai thác…, trong khi nói như cụ bà Lê Hiền Đức, là “Mặt ông nào cũng
nhọ cả”… Cái ông ăn cơm Tàu thì đánh cái ông ăn cơm Tây hoặc ăn hớt của
dân. Ăn cơm Tàu thì dân không thấy được, còn ăn hớt của dân thì dân nào
cũng trông thấy… Vì thế bắc loa chửi cái thằng ăn hớt của dân dễ được
lòng dân.
Trong cơn bão lốc tấn công bọn tham nhũng, tôi đọc được trên blog của
nhạc sỹ Tô Hải một bài “Phấn Đấu Ký” (đã lâu tôi không tra cứu lại
được, bạn nào tra cứu được xin mách giùm) rất thú vị. Cụ Tô Hải nói ý
là: Cái thằng bị chửi kia (ý nói đồng chí X) chỉ là hạng ăn cắp vặt
trong nhà so với cái bọn đang to mồm chửi. Cụ Tô Hải nói rõ thêm: Các vị
to mồm chửi kia mới chính là những kẻ đang vác bom đặt trên nóc nhà
mình”, Ý của cụ nói về những vị đang ôm bom của các đồng chí 4 tốt và 16
chữ vàng đặt trên nóc căn nhà của Tổ quốc chúng ta..
Bây giờ tôi xin bàn một chút về cái gọi là giới khoa học trong xã hội
cộng sản. Có thể nói, người đầu tiên viết về khoa học trong xã hội cộng
sản là một nhà vật lý chất rắn người Ireland, John Desmond Bernal
(1901-1971), trong cuốn sách rất nổi tiếng “The Social Function of
Science”, là cuốn sách đã khởi xướng một lĩnh vực nghiên cứu mới mẻ của
thế giới, là “Khoa học về Khoa học” (Science of Science, ngày nay gọi là
Science and Technology Studies) , trong đó ông đưa ra một cách hiểu mới
về khái niệm “worker”, bao gồm các worker “cổ trắng” (giới trí thức),
và worker cổ xanh (công nhân), ông cũng đưa khái niệm mới về thất
nghiệp, gọi là thất nghiệp do công nghệ (technological unemployement),
chứ không chỉ do tư bản bóc lột như quan niệm của Marx, và từ đó, khái
niệm working class sẽ không còn chỉ được hiểu là giai cấp của giới thợ
nữa, mà là của tất cả những ai là worker (cổ trắng và cổ xanh)
Ông là đảng viên cộng sản Anh, nhưng cuốn sách của ông bị giới triết
học Liên Xô đả kích rất dữ dội ở Liên Xô và các nước XHCN, cho là những
khái niệm mà ông đưa ra nhằm xóa nhòa ranh giới giai cấp và đấu tranh
giai cấp.
Điều này cho thấy, là giới chính trị Marxist luôn chống lại những gì
mới mẻ trong khoa học. Công bằng nhìn lại, suốt gần trăm năm tồn tại các
quốc gia XHCN, chưa có một ngành khoa học mới nào được khai sinh từ các
quốc gia này. Không những vậy, tất cả cái mới trong khoa học đều bị
giới chính trị Marxist đả kích, thậm chí những lĩnh vực khoa học chẳng
dính gì đến chính trị như Toán Kinh tế còn bị đả kích ở Liên Xô suốt gần
một thập niên.
Nhắc lại những sự kiện này, tôi muốn lắc một hồi chuông cảnh tỉnh các
nhà chính trị hãy đối xử với khoa học phù hợp những chuẩn mực của nó do
Merton khởi xướng và được cộng đồng khoa học thế giới thừa nhận và tuân
thủ, xem như các thiết chế xã hội nhằm điều chỉnh hành vi của nhà khoa
học và của xã hội đối xử với khoa học.
Công bằng mà nói, tôi biết nhiều nhà lãnh đạo cộng sản thành tâm nghĩ
đến việc sử dụng khoa học như một công cụ phát triển quốc gia của mình,
nhưng các thiết chế chính trị cộng sản đã ngăn cản họ. Có lẽ chưa có
một đảng cộng sản nào ra một nghị quyết hay của ban chấp hành trung ương
đảng về khoa học như Nghị quyết về phát triển khoa học của Ban chấp
hành Trung ương Đảng Cộng sản Hungary sau sự biến Hungary năm 1956,
trong đó có đoạn viết rằng “Phải tránh các rủi ro chính trị cho các nhà
nghiên cứu khoa học xã hội”.
Tuy nhiên cái mà một mình Đảng Cộng sản của Hungary hay một đảng cộng
sản nào đó muốn tránh, thì cái gậy chỉ huy từ Moscow cũng không buông
tha. Những tư tưởng khoa học về cải cách kinh tế theo hướng chủ nghĩa xã
hội tự quản ở Nam Tư, hoặc chủ nghĩa xã hội thị trường ở Tiệp Khắc đã
bị Liên Xô dẹp tan từ trong trứng nước.
Đảng Cộng sản Việt Nam vừa ra một nghị quyết trung ương về KH&CN.
Xã hội Việt Nam ngày nay có những mặt cởi mở hơn nhiều so với Hungary
và Tiệp Khắc trước đây. Đó là một chỉ dấu tích cực. Tuy nhiên, không
phải là thừa khi chúng ta nhắc lại tiếng chuông cảnh báo rằng: các thiết
chế xã hội của chủ nghĩa cộng sản vẫn là một yếu tố cản trở khoa học
phát triển. Thiết chế ấy là cái mũ kim cô ý thức hệ luôn có xu hướng
chống lại cái mới từ trong trứng nước, và ngày nay được trang bị thêm
một cái mũ kim cô mới hơn nữa, gọi tên là “thế lực thù địch”, mà anh bạn
“4 tốt”và “16 chữ vàng” đã lên tiếng cảnh báo “các đồng chí trong cộng
đồng ý thức hệ” với họ [sự mách nước của bè lũ khốn này vô cùng thâm
hiểm và kéo dài từ 1952 đến tận hôm nay đã khiến nhiều lúc người cầm
chịch đất nước rơi vào những cái bẫy chết người, gây ra bao cảnh người
Việt tàn sát người Việt không nương tay, nhưng khốn nỗi đó là lời phỉnh
đường mật nên bao giờ ruồi cũng bâu lấy – Chú thêm của BVN].
Để kết thúc bài này, tôi muốn một lần nữa nhắc lại những ý quan trọng
mà tôi ghi nhận được trong lời phát biểu của ông cựu Tổng bí thư Đỗ
Mười: “Hãy sử dụng khoa học làm công cụ phản biện đường lối chính
trị và xây dựng luận cứ cho việc hoạch định đường lối chính trị của
Đảng”.
Nguồn: Bauxite