Nguyễn thị Kim Thoa
Từ sau 1975 có nhiều ngày trở
nên ồn ào, náo nhiệt. Ngày
cách mạng tháng Tám, ngày thành
lập nước Việt nam Dân chủ Cộng
hòa, ngày giải phóng miền Nam, ngày
thương binh liệt sĩ, ngày phụ nữ,
ngày nhà báo, ngày người cao
tuổi, ngày thầy thuốc, ngày HIV, ngày
bệnh lao, ngày thành lập Đảng…
Ngày nào cũng là ngày kỷ niệm,
cũng rất quan trọng và đáng nhớ.
Hội hè, kỵ chạp, cúng giỗ ăn
uống ngồm ngoàm, rước xách đều
như nhau cả.
Ngày 20 tháng 11, ngày nhà
giáo Việt nam Xã hội chủ nghĩa
có lẽ là một ngày rộn ràng,
náo nhiệt nhất trong năm. Trên các
nẻo đường từ thành phố đến
thôn xóm làng quê, học sinh, sinh
viên các cấp kể cả phụ huynh,
từng người, từng nhóm, từng đoàn
lũ lượt đi bộ, đèo xe cặp
đôi, cặp ba, hàng dọc hàng ngang
tìm đến nhà thầy cô để
tặng hoa tặng quà.
Trong cái ngày đặc biệt
này cảnh sát giao thông cũng tham dự
bằng thái độ dễ dãi, thông
cảm. Thầy cô giáo đa phần chuẩn
bị nhà cửa để đón tiếp
học sinh, không ít vị trước đó
đã gợi ý với môn đệ,
với phụ huynh: nhà tôi thiếu cái
này, cái kia. Nhưng cũng có đôi
ba vị thấy sợ, thấy chướng, thấy
xấu hổ nên từ sáng sớm đã
khóa cổng, khóa cửa tìm chỗ
trốn tránh.
Ngày 20 tháng 11 năm 1997, như
thường lệ, tôi nhận ca trực lúc
5g chiều tại phòng hồi sức cấp
cứu nhi, bệnh viện đa khoa Đà
Nẵng. Phòng có 10 giường nhưng
chỉ có 9 bệnh nhân. Sau khi thăm khám
bệnh, xem lại y lệnh, tôi tự nhủ
đêm nay có lẽ không vất vả
là bao, chỉ một trường hợp xuất
huyết não của trẻ 45 ngày tuổi
đang thở máy là nặng, những bệnh
còn lại tạm ổn.
Tôi vào phòng bác sĩ,
bật truyền hình xem thời sự. Chị y tá Tâm(1)
đưa tôi ổ mì kẹp thịt và
nói:
– “Bác Thoa ăn đi kẻo
chốc nữa có bệnh nặng lại ăn
không được. Hôm nay Xuân(2)
nó trực với em, vía nó nặng
lắm, chắc không thư thả được
đâu. Nói rồi chị quay sang bình
nước lọc rót cho tôi một ly.
Các chị y tá rất tin vào
vía của mỗi người: vía nặng,
vía nhẹ. Trực với người này,
vía nhẹ thì thong thả nhẹ nhàng,
trực với người kia, vía nặng thì
nhọc nhằn, vất vả, nhiễu sự.
Không tin chuyện vía nặng vía
nhẹ, chậm rãi ngồi nhai bánh mì
và xem truyền hình, tôi để tâm
lắng nghe ông giám đốc sở Giáo
dục đọc diễn văn nhân ngày
nhà giáo Việt nam. Ông ta nói nhiều,
nói dài, nhưng tôi chẳng nhớ
điều gì ngoài câu tục ngữ
ông lặp đi lặp lại nhiều lần:
“ Muốn sang thì bắt
cầu kiều – muốn con hay chữ phải
yêu mến thầy ”.
Không hiểu ông giám đốc sở
Giáo dục nhấn mạnh câu tục ngữ
này trong cương vị của mình có
thích hợp không? Ông có gợi ý
điều gì không trong bài diễn văn
đậm đà tính chất dân gian
của mình?
Sau biến cố 1975, từ miền Bắc
tràn vào miền Nam nhiều thứ, mà
nghe đâu một người lãnh đạo
kháng chiến nổi tiếng tại khu 5 và
Quảng Nam – Đà Nẵng – ông
Hồ Nghinh, trong chỗ riêng tư, đã
nhận định rằng là: “ một
làn gió hắc ám và độc
hại ”. Một trong những
thứ hắc ám và độc hại đó,
biểu hiện trong ngành giáo dục nói
riêng, là những bóng đen núp
sau chiêu bài ơn nghĩa. “ Khi
người ta thiếu hoặc không có cái
gì thì người ta hay nói nhiều,
nói quá về cái đó ”.
Ai đó đã nói với tôi câu
này. Sau ngày “Giải phóng” tôi
nghe quá nhiều từ “ơn” từ
phía những người ở miền Bắc
vào. Ơn Đảng. Ơn Bác. Ơn
kháng chiến. Ơn ông bí thư. Ơn
ông chủ tịch và ơn Thầy Cô…
“ Khi người ta thiếu cái
gì…” Phải chăng
nhận định đó không còn là
của riêng ai, mà là của tất cả
mọi người đã trải nghiệm một
cách cay đắng, bẽ bàng, thấm
thía sự phá sản, đảo lộn
ngôn từ trong bối cảnh “cuộc cách
mạng Xã hội Chủ nghĩa long trời
lở đất”, “ đấu tranh này
là trận cuối cùng..”.
Tiếp theo lời khuyến dụ của
ông giám đốc sở Giáo dục
là tiết mục trình diễn một bản
nhạc của một ca sĩ mà mới nghe
qua tôi rất thích: “ Khi
thầy viết bảng bụi phấn trắng bay
bay, có hạt bụi nào vương trên
bục giảng, có hạt bụi nào vương
trên tóc thầy…”.
Rõ ràng giai điệu tha thiết, lời
ca đẹp, giọng hát ngọt ngào, xúc
cảm… diễn tả hình ảnh và
nghĩa cử của người Thầy lí
tưởng và lòng biết ơn của
người học trò lí tưởng. Cả
hai đều không có thật trong cuộc
sống nhãn tiền. Rõ ràng có
một sự mâu thuẫn trầm trọng giữa
thực trạng giáo dục, thực trạng
đất nước với lời kêu gọi
của ông giám đốc sở với
giai điệu, lời ca, giọng hát của
người nhạc sĩ, ca sĩ.
Miên man suy nghĩ về ngày nhà
giáo, ăn chưa hết nửa ổ mì,
chuông cấp cứu réo lên, các chị
y tá bỏ lỡ bữa ăn đưa xe tiếp
nhận bệnh nhân, tôi vớ chiếc ống
nghe vội chạy theo.
Trên xe đẩy, một bé gái
chừng 12 tuổi, da xanh tái, trán rịn
mồ hôi, thở từng cơn ngắn được
chuyển vào. Em bị té ngã khi cùng
các bạn đi thăm thầy cô. Phòng
cấp cứu ngoại khoa đã chụp phim
cắt lớp(3)
loại trừ chấn thương sọ não,
em được chuyển vào phòng cấp
cứu hồi sức nhi với chẩn đoán:
hạ đường huyết(4).
Tôi bắt mạch, bàn tay em lạnh
quá, mạch nhẹ và chậm, đếm
thoáng 15 giây, án chừng mạch không
quá 40 lần / phút.
Đặt em nằm lên giường
cấp cứu, y tá Tâm cho thở oxy, tôi
mắc vội monitoring kiểm tra các dấu
hiệu sinh tồn(5).
Điện tim(6)
trên monitoring biểu hiện một cơn nhịp
xoang chậm, 42 lần / phút, đoạn
PR dài hơn bình thường: phân li
nhĩ thất cấp I(7).
Tôi vội cho thuốc nâng mạch và
kiểm tra lại đường huyết.
Qua các thông tin sơ khởi, tôi
biết được: Em đã cùng các
bạn rong ruổi đi thăm thầy cô từ
sáng sớm, chưa ăn gì trước
khi bị ngất xỉu, té trên đường.
Người đi đường và bạn bè
gọi cấp cứu 05 đưa vào bệnh
viện. Gia đình em ở Hòa Khánh
(cách bệnh viện 7 – 8 km) đã
được thông báo nhưng chưa vào
kịp.
Sau khi làm các xét nghiệm
khẩn, bơm glucose, nâng mạch bằng
Atropin, mười phút sau tình trạng bệnh
không cải thiện, trên monitoring nhịp
tim còn 40 lần/phút, xuất hiện dấu
hiệu phân li nhĩ thất cấp II. Không
có máy tạo nhịp, tôi quyết định
dùng thuốc Isuprel. Tủ thuốc trực cấp
cứu không có Isuprel, muốn dùng phải
mua ở các nhà thuốc bên ngoài
bệnh viện. Người nhà chưa đến,
người nuôi bệnh giường bên
cạnh tình nguyện đi mua giùm.
Trong lúc chị y tá Tâm chuẩn
bị bơm tiêm để chuyền Isuprel thì
chuông điện thoại phòng trực réo
lên. Chị hộ lý bắt máy và
nói:
– “Có người trên
Thành ủy cần gặp bác sĩ trực
gấp”.
Tôi nói với chị hộ lý
trả lời giùm rằng tôi đang cấp
cứu bệnh nhân, có gì sẽ gặp
sau. Chị hộ lý nói lại, và
người bên kia đường dây gởi
lời nhắn với bác sĩ trực:
– “Cháu Trương thị
Hoàng Sa là con của một sĩ quan đang
đóng quân ở Trường Sa, đề
nghị các bác sĩ điều trị chu đáo”.
Vừa lúc ấy mẹ
cháu Hoàng Sa đến. Chị hớt hải
hỏi tôi về bệnh tình của con
mình. Tôi giải thích tình trạng
bệnh của Hoàng Sa và nói thêm:
– “Bệnh cần dùng thuốc
Isuprel mà tủ thuốc trực không có,
anh nuôi bệnh gường bên đã
mua giùm, chị có thể trả lại
tiền cho anh ấy”
Người mẹ tần ngần giây
lát rồi bảo:
– “ Bác sĩ chờ cho tôi
một chốc, tôi có người quen trên
Thành ủy, tôi sẽ nhờ hỏi xem
bệnh viện có thuốc tốt hơn không?
Thuốc mua ngoài sợ không bảo đảm
chất lượng”.
Đành phải hoãn tiêm
chuyền Isuprel và chờ đợi. Tôi
bồn chồn lo lắng, chữa bệnh cần
thời gian tính. Thời khắc vàng đôi
khi chỉ vài giây. Trong vài giây tìm
được cái vein nhỏ xíu để
chuyền thuốc là cứu được
người bệnh, bằng không là thất
bại, là tử vong. Tôi hết nhìn
lên monitoring lại nhìn người mẹ
đang nói chuyện qua điện thoại ở
phòng bên mà lòng rối bời. Cầm
bàn tay lạnh và xanh của Hoàng Sa,
tôi tiên cảm điều không lành.
Chị y tá Tâm nhắc tôi:
– “Bác Thoa, qui định của
bệnh viện khi dùng thuốc ngoài danh
mục bắt buộc phải có hội chẩn
với bác sĩ trực giám đốc,
bác là người hay quên nhất, khéo
mà mang vạ vào thân, con cháu ông
lớn đó”.
Tôi nói với cô bác sĩ
trẻ trực cùng phiên, bác sĩ Hồ
Dung Diễm(8)
làm các thủ tục mời giám đốc
hội chẩn, đồng thời cố giải
thích thêm một lần nữa về tình
trạng khẩn cấp và trầm trọng của
bệnh nhân nếu chậm chuyền thuốc.
Nhưng người mẹ vẫn muốn chờ
lệnh của Thành ủy và thuốc của
bệnh viện.
Cầm ống thuốc đã pha, nhìn
lên monitoring thấy nhịp tim chậm dần,
chậm dần mà lòng tôi nóng như
lửa đốt. Nhưng rồi tôi tự
nghĩ: Ống thuốc trong tay mình có chắc
là thuốc thật hay không? Ai bảo đảm
đây không phải là thuốc dổm.
Chị y tá Tâm cầm bơm tiêm nhìn
tôi chờ y lệnh và cũng ngầm cảnh
báo.
Gần ba mươi phút sau, bác
sĩ giám đốc, chủ nhiệm khoa dược
đến cùng với vị khách bên
Thành ủy.
Trưởng khoa dược thông báo
khoa không có Isuprel vì đây là
loại thuốc ít khi dùng nên khoa không
nhập về.
Bác sĩ giám đốc, dược
sĩ trưởng khoa dược ngồi vào
bàn, trầm ngâm, chậm rải vuốt tờ
biên bản thật thẳng, để lại
thật ngay ngắn và thong thả ký biên
bản hội chẩn: – “Bệnh viện
không có Isuprel, quyết định sử
dụng thuốc ngoài danh mục”. Ký
xong ba vị đứng dậy ra về. Vị
khách Thành ủy đến vỗ vai người
mẹ và nói:
– “Chị an tâm, bác sĩ
sẽ làm tốt thôi.” Người mẹ
khúm núm vâng dạ cám ơn.
Trên monitoring lúc này nhịp
tim của bệnh nhân còn 32 lần / phút,
biểu hiện phân li nhĩ thất cấp
III, hội chứng Adams Stocks, PaO2
còn 60mmHg(9).
Tình trạng gần như vô vọng.
Isuprel thật hay Isuprel giả không còn là
vấn đề nữa rồi. Tôi và các
chị y tá đã làm hết sức
mình nhưng kết quả hoàn toàn
không tốt như lời phán của lãnh
đạo Thành ủy. Cái thật, cái
giả của nền kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa
đã lấy đi cái may mắn sống
còn của em bé 12 tuổi mà mới
chiều nay thôi còn cười nói với
bạn bè, đi hết nhà này đến
nhà kia tặng hoa và quà cho thầy cô
giáo.
Cầm bàn tay lạnh ngắt, mạch
lặng như tờ, tôi biết mình đã
thất bại. Điện tim trên monitoring là
một đường thẳng, tiêm Adrenaline
xuyên tim, ấn tim ngoài lồng ngực, bóp
bóng oxy hỗ trợ…, hơn ba mươi
phút không hiệu quả, tôi rã rời
buồn bã báo với người nhà:
Cháu đã ra đi.
Tiếng khóc vỡ òa của
người mẹ xé lòng tất cả
chúng tôi trong phiên trực.
Trở về bàn làm việc,
ngồi viết giấy khai tử, đầu và
hai vai tôi nặng trĩu như bị đè
bởi cả khối trời.
Bốn ngày sau, 11 giờ 30 trưa,
chuẩn bị nghỉ, thấy mẹ cháu
Hoàng Sa đứng tần ngần trước
cửa ra vào phòng bệnh, tôi đến
với chị và hỏi:
– “Chị cần gì không?
Chúng tôi có thể giúp gì cho
chị?
Không trả lời tôi, chị đi
thẳng vào bệnh phòng, đến giường
số 2 nơi cháu Hoàng Sa nằm cách
đây 4 ngày. Chị đi quanh, rồi đứng
lại vịn thành giường, hết nhìn
vào em bé đang nằm điều trị,
lại nhìn xuống nền nhà, miệng
lẩm bẩm: “Đôi dép màu hồng
của con đâu rồi”? Đi theo chị
quanh giường số 2, tôi nói:
– “ Chúng tôi không thấy
có đôi dép nào ở đây
cả, chị về nhà xem lại có ai để
đâu đó không?
Không trả lời tôi, chị
đứng nhìn thật lâu đứa bé
đang nằm trên giường số 2 rồi
lặng lẽ ra về.
Ngày hôm sau, 11 giờ 30 trưa,
người mẹ đó lại xuất hiện,
đi quanh giường số 2, hỏi thăm các
cô y tá về đôi dép màu
hồng rồi lặng lẽ ra về.
Ngày thứ ba cũng thế. Tôi
bắt đầu thấy có cái gì đó
không ổn ở người phụ nữ này.
Tôi mời chị về phòng nói
chuyện. Tôi cố giải thích cho chị
là chúng tôi đã làm hết
những gì có thể làm được.
Cái chết của Hoàng Sa, con chị có
thể là số mệnh… Tôi nói
nhưng hình như tôi cũng không biết
mình đang nói gì.
Với đôi mắt ráo hoảnh,
vô thần, chị nhìn tôi một lúc
rồi bảo:
–“ Bác sĩ có thấy
đôi dép màu hồng của Hoàng
Sa đâu không? Ở nhà tôi không
nghe tiếng dép của nó đã mấy
ngày rồi”.
Nói xong, chị đứng
dậy nhìn quanh chiếc ghế đã ngồi
như tìm kiếm vật gì. Tôi tiễn
chị ra cửa phòng mà lòng quặn
thắt.
Những ngày tiếp theo, người
mẹ ấy không vào phòng bệnh nữa,
chị đến phòng hồi sức nhi, đứng
ngoài nhìn vào qua cửa kính rất
lâu, rồi đến thắp hương nơi
chiếc trang nhỏ đặt trên gốc cây
sứ trong vườn hoa cạnh phòng cấp
cứu. Thắp hương xong, chị đến
ngồi trên chiếc ghế đá dưới
gốc cây bàng sau phòng bệnh. Cứ
thế, mỗi trưa chị đến thắp
hương, ngồi lại lẩm bẩm nói
chuyện một mình, đến nửa chiều
lại ra về.
Một hôm, khoảng 15 ngày sau khi
cháu Hoàng Sa ra đi, một người
đàn ông dáng vóc khỏe mạnh,
nước da ngăm đen đến tìm chị
đang ngồi trên chiếc ghế đá
dưới gốc cây bàng. Ông trìu
mến, dỗ dành, đưa chị về.
Người đàn ông nọ đến
gặp tôi tại văn phòng khoa mấy
ngày sau đó. Anh tự giới thiệu
là bố của Hoàng Sa, anh đến nhận
giấy khai tử của con và để cám
ơn chúng tôi. Anh còn cho biết thêm
anh là chiến sĩ đóng quân trên
đảo Trường Sa lớn. Khi con mất anh
không về kịp. Hoàng Sa là con gái
duy nhất của anh chị, họ đến với
nhau khi chiến tranh kết thúc, đã lớn
tuổi và khó khăn lắm mới có
được mụn con. Tôi nhận ra trên
khuôn mặt rám nắng và rắn rỏi
của anh nỗi đau dường như bất
tận. Anh nói lời cám ơn khiến
lòng tôi đau xé. Tôi thầm nghĩ:
Không biết người chiến sĩ kia có
còn giữ vững được tay súng
trước đầu sóng ngọn gió nữa
không?
Cái chết của cháu Hoàng
Sa không chỉ gây đau thương cho mẹ
cha, gia đình và bạn bè của
cháu, nó là giọt nước cuối
cùng làm tràn ly nước đã
tích lũy từ “ Huế, trường
y của tôi và cả miền Nam Giải
phóng ”. Ba năm thật dài tại
bệnh viện tỉnh Daklak và 15, 16 năm vô
cùng khó khăn căng thẳng của
chính tôi tại bệnh viện Đà
Nẵng. Có quá nhiều đêm không
ngủ với ý nghĩ rằng mình đang
bị khủng hoảng và rối loạn tâm
thần.
Bà mẹ Hoàng Sa thơ thẩn
đi tìm đôi dép màu hồng
của đứa con duy nhất.
Còn tôi ngày càng quẩn
quanh với quá nhiều câu hỏi khởi
đầu bằng chữ nếu.
– Nếu không có cuộc hội
chẩn giám đốc quái gở…?
– Nếu bệnh viện Đà
Nẵng có sẵn ống thuốc Isuprel và
người mẹ của Hoàng Sa không kêu
cầu Thành ủy?
– Nếu đảng Cộng sản
và nhà nước Cộng hòa Xã
hội Chủ nghĩa Việt nam có chính
sách lao động, lương bổng hợp
lý thay vì kêu gọi mọi người
“muốn con hay chữ phải yêu mến
thầy”
Nếu… nếu… nếu…?
Và cuối cùng: Nếu đảng
Cộng sản không đối lập quyền
tuyệt đối của mình với trí
khôn bình thường và tình yêu
thương con người một cách bình
dị của nhân dân.
Chồng tôi, anh C. S, đâm hoảng
khi thấy tình trạng sức khỏe của
tôi không được cải thiện sau
khi rời Ban mê thuột. Anh khuyên tôi
tạm thời quên đi những tra vấn
không lối thoát. Anh ấy nói rằng:
– “Không có lời giải
đáp cho chữ nếu khi nhìn lại
lịch sử”.
Tôi nói: “Em không nhìn
lại lịch sử, mà em, chúng ta đang
đối diện với đảng Cộng sản
với một đường lối không bình
thường và những con người nhẫn
tâm trước chết chóc, đau khổ
của kẻ khác. Sự tham luyến quyền
lực và vật chất của đảng
Cộng sản là quá độ”.
– “Nhưng đảng cộng sản
ngày nay không rơi xuống từ trên
trời mà là kết quả của một
khủng hoảng nhân loại diễn ra trên
bình diện toàn cầu. Không có
sự bóc lột dã man những người
cùng khổ trong thế giới Tư sản,
không có chủ nghĩa thực dân và
khai thác thuộc địa bạo tàn,
không có những cuộc chiến tranh thế
giới giữa các đế quốc để
giành tài nguyên và khu vực ảnh
hưởng, sẽ không có chủ nghĩa
Cộng sản và phong trào Cộng sản
quốc tế. Không có các phong trào
yêu nước lần lượt thất bại
và sự hình thành của đảng
Cộng sản với hai ngọn cờ Dân tộc
và Chủ nghĩa Xã hội và cả
cuộc kháng chiến trường kỳ, khốc
liệt, đẫm máu, và các cuộc
cải cách ruộng đất, cải tạo
tư sản, cải tạo văn hóa bạo
ngược và thô thiển. Tất cả
những thứ ấy nằm trong một bối
cảnh mà các cực đối lập
tương sinh, tương tác và vận
hành theo chuyển động quán tính.
Khi cuộc sống nhân loại bị kéo
lệch về phía bên này thì một
phản động lực tất yếu vận
động theo chiều ngược lại, kéo
lệch cuộc sống về phía bên kia.
Cuộc vận động ấy không chỉ
diễn ra trên bình diện nhân loại,
nó còn diến ra trong những phạm vi
nhỏ hơn đến mỗi một cá nhân.
Lý tưởng và bản năng, trí
tuệ và u mê, vị kỷ và vị
tha, hy sinh và cưỡng đoạt, giải
phóng và nô lệ chỉ là hai mặt
của một tồn tại. Nếu em nhận ra
mình đang đứng ở đâu, vào
thời điểm nào trong cuộc vận hành
ấy thì nỗi khổ và sự giằng
xé của em sẽ lắng xuống, tâm
thần em sẽ trở lại bình thường.
Từ bình thường anh dùng trong trường
hợp này em phải hiểu một cách
tương đối. Anh không nói chúng
ta sẽ sống hạnh phúc và khỏe
mạnh đầy đủ giữa một bối
cảnh ngày một bế tắc và thối
rữa như thế này. Anh chỉ nói em
không nên để cho những bi lụy nó
hủy hoại thân tâm và cuộc sống
gia đình mà em đã góp phần
tạo dựng. Vợ - chồng, mẹ - con, thầy
thuốc - bệnh nhân, gia đình - cộng
đồng, đất nước và thế
giới… Em có tồn tại mới có
hy vọng cải thiện các mối tương
quan ấy. Những bức xúc, phẫn nộ,
giằng xé của em tại bệnh viện và
của chúng ta giữa đất nước
và thế giới chúng tỏ em, anh, chúng
ta chưa hoàn toàn tuyệt vọng”.
Nhiều lần anh Chu Sơn luận giải với
tôi những điều đại loại như
thế. Và có lẽ anh cũng tự
thuyết phục chính mình bằng những
luận giải như thế.
Đành rằng chúng tôi không
nên quá bi lụy, hoảng hốt để
mình rơi vào tình trạng thụ
động suy sụp tinh thần một cách
bệnh lý. Nhưng chúng tôi cũng
không đủ bản lãnh để nhẫn
nhục chịu đựng và an nhiên tự
tại như một nhà tu hành trong một
thế giới không có lương tâm.
Trong cái thế chẳng đặng đừng,
chúng tôi âm thầm chịu đựng
và đơn độc chống lại cái
ngu, cái ác hoành hành ngang ngược
như một dịch bệnh. Nhưng kết quả
chẳng được bao nhiêu, chính xác
là tất cả những nỗ lực của
chúng tôi như muối bỏ biển, như
nước chảy lá môn, như sương
đêm trước nắng cháy sa mạc.
Bất quá chỉ hành xử có tính
cách lương tâm.
Tại bệnh viện Đà Nẵng,
khoảng 1500 con người gồm y bác sĩ,
y tá, y công, dược sĩ, dược
tá, nhân viên hành chánh, bảo
vệ… từ ba nguồn khác nhau: Mỹ – Ngụy lưu dung, trên núi xuống,
ngoài Bắc vào, tất cả bị sai
khiến bởi bộ tứ: Đảng ủy,
ban giám đốc, công đoàn, đoàn
thanh niên. Bộ tứ trên danh nghĩa chứng
tỏ có một tập thể, thực tế
quyền lực chỉ có một: Đảng.
Đảng ủy: đảng, công đoàn:
đảng, giám đốc: đảng, thanh
niên: đảng. Tôi không nói mọi
đảng viên đều ngu dốt và độc
ác. Tôi cũng không nói mọi người
ngoài đảng, đặc biệt là
người miền Nam (Mỹ - Ngụy, lưu
dung) đều hoàn hảo. Cái ác, cái
đê tiện, cái xấu xa, cái ngu
dốt, cái tối tăm ở đâu và
bất cứ nới nào cũng có không
ít thì nhiều. Có điều trong chế
độ Cộng sản, đặc biệt trong
cơ chế thị trường định hướng
Xã hội chủ nghĩa, cái ác, cái
xấu, cái đê tiện, cái ngu dốt
tối tăm, cái vô trách nhiệm, cái
dửng dưng vô cảm, trơ lì ngày
một tăng trưởng và những con người
mang những thuộc tính ấy ngày một
nhiều thêm. Trái lại, những con người
lương thiện ngày một ít đi.
Để rồi từ đất nước đến
mỗi thành viên, cơ phận, gia đình,
con người, và những chi tiết tồn
tại trong đó rơi vào tình trạng
suy đốn, băng hoại như một căn
bệnh nan y.
Trở lại cuộc hội chẩn giám
đốc kỳ quái mà tôi đã
tham dự với cái chết của cháu
Hoàng Sa. Thành phần tham dự hội chẩn
gồm có: bác sĩ giám đốc là
một bác sĩ chuyên khoa X-Quang, trưởng
khoa dược là dược sĩ từ Bắc
vào, ông khách Thành ủy có lẽ
là chuyên khoa lãnh đạo, bác sĩ
Hồ Dung Diễm và tôi, bác sĩ
chuyên khoa II nhi(10),
trưởng tua trực. Cuộc hội chẩn bắt
đầu sau khi cháu Hoàng Sa vào viện
khoảng 30 phút, kéo dài khoảng 5
phút. Tôi báo cáo tóm tắt
tình hình bệnh và đề xuất
hướng điều trị. Giám đốc
ngồi nghe và vuốt thật thẳng tờ
biên bản hội chẩn. Trưởng khoa
dược báo cáo khoa dược không
có thuốc Isuprel, đề nghị cho dùng
thuốc ngoài danh mục (mua ngoài). Ông
khách Thành ủy chứng kiến từ
đầu đến cuối và ra lệnh
chúng tôi tích cực cứu chữa cho
cháu Hoàng Sa. Ông nhấn mạnh cháu
Hoàng Sa thuộc gia đình có công
với cánh mạng, hiện tại cha cháu
là sĩ quan đang bảo vệ Trường
Sa, mẹ của cháu là giáo viên,
cả hai đều là đảng viên.
Cuộc hội chẩn kết thúc với biên
bản được ký bởi giám đốc
bệnh viện, trưởng khoa dược và
cuối cùng là tôi. Như thế là
sau khi ký vào biên bản hội chẩn
tôi mới có quyền điều trị
cho cháu Hoàng Sa với liều thuốc
Isuprel mà y tá Tâm chuẩn bị hơn
30 phút trước. Và kết quả Hoàng
Sa đã chết sau bao nỗ lực tuyệt
vọng của chúng tôi. Xin mở một
ngoặc đơn giải thích ở đây,
nếu không có cuộc điện thoại
của Thành ủy, nếu mẹ cháu Hoàng
Sa không quá tin vào quyền lực của
thành ủy thì tôi có thể sử
dụng thuốc ngay từ đầu, Hoàng Sa
sẽ có cơ may nhiều phần trăm được
cứu sống.
“Hội chẩn giám đốc”
hay nói một cách thông thường là
“duyệt giám đốc” diễn ra
khắp các bệnh viện lớn nhỏ trong
cả nước suốt nhiều chục năm
Đảng Cộng sản lãnh đạo toàn
diện và tuyệt đối đã cướp
đi những cơ may sống sót của rất
nhiều bệnh nhân. Trường hợp cháu
Hoàng Sa chỉ là một thí dụ.
Xin nói thêm về hoạt động
“Hội chẩn” để biểu thị
quyền làm chủ tập thể trong các
bệnh viện Việt nam Xã hội chủ
nghĩa. Có rất nhiều loại hội
chẩn, chỉ xin nói về hai loại phổ
biến trong bệnh viện:
- Hội chẩn chuyên môn, đây là một hoạt động thuần túy chuyên môn, nhưng bao giờ cũng có đại diện giám đốc tham dự, đa phần là phó giám đốc. Hội chẩn diễn ra tại các bệnh phòng trong các trường hợp có vướng mắc về chẩn đoán cũng như điều trị. Chẳng hạn bệnh nhi tim mạch thỉnh thoảng mời bác sĩ của khoa chẩn đoàn hình ảnh hay khoa ngoại lồng ngực… Hội chẩn giữa các bác sĩ nội ngoại khoa hay sản khoa khi có sự cần phối hợp.
Để có một chẩn đoán
chính xác và giải pháp điều
trị đúng đắn ở bất cứ
chế độ nào cũng cần những
cuộc hội chẩn như thế. Có điều
ở đây người đại diện
giám đốc là người có phán
quyết sau cùng.
- Hội chẩn giám đốc về các vấn đề ngoài chuyên môn như hội chẩn để có quyết định sử dụng thuốc ngoài danh mục, hội chẩn chuyển viện… Đây thực chất là sự giám sát của đảng. Đặc biệt là “hội chẩn dùng thuốc ngoài danh mục” là một “sáng tạo” tại các cơ sở điều trị của ngành y tế Việt nam trong bối cảnh “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Tại các bệnh viện công,
khoa dược căn cứ vào tình hình
thuốc hiện hữu trong kho mà lên một
danh sách và thông báo cho các khoa
phòng sử dụng: đây là thuốc
trong danh mục. Hàng năm khoa dược cũng
tổ chức các buổi tham khảo ý
kiến các bác sĩ để biết các
bác sĩ cần gì cho bệnh nhân,
nhưng đó chỉ là việc làm
lấy lệ. Khoa dược mua, nhập thuốc
gì là còn tùy thuôc vào ý
đồ của các đối tác là
các công ty, các hãng thuốc ngoại.
Ví dụ khoa nhi đã bao lần đề
nghị nhập thuốc ở dạng si rô hay
dạng bột thơm cho trẻ em, nhưng gần
25 năm trong công việc điều trị nhi
khoa tại bệnh viện Đà Nẵng, tôi
chỉ được dùng các loại
thuốc kháng sinh dạng viên của người
lớn: viên nén hay viên con nhộng(11)
hàm lượng 500mg hay 250mg. Khi sử dụng
y tá phải mở bỏ vỏ hay tán mịn
rồi chia hai, chia ba, chia bốn, chia năm tùy
theo trọng lượng của cháu bé.
Các cháu phải uống thứ thuốc
bột đắng, gây ói mửa, tác
dụng chỉ còn vài chục phần
trăm. Nhiều gia đình xin tự mua thuốc
ở ngoài, nhưng bác sĩ cũng ngại
vì lỡ có chuyện không hay, mọi
trách nhiệm người bác sĩ phải
gánh chịu. Một dược sĩ đã
nói với tôi: “Các hãng thuốc
nước ngoài đã đúc những
chìa khóa bằng vàng để mở
tất cả các cửa lớn bé từ
Trung ương xuống địa phương.
Người bệnh trong các nước Xã
hội chủ nghĩa sử dụng thuốc đắt
hơn nhiều lần so với người bệnh
trong các nước Tư bản”.
Trở lại vấn đề “thuốc
trong danh mục”. Bác sĩ ở các
khoa phòng căn cứ vào danh mục thuốc
do khoa dược thông báo để kê
đơn điều trị hoặc ghi vào
bệnh án. Thuốc trong danh mục thông
thường đáp ứng yêu cầu điều
trị các bệnh phổ biến. Trong trường
hợp đặc biệt, như trường hợp
cháu Hoàng Sa, khoa dược không có.
Tại sao? Một bệnh viện lớn như
bệnh viện Đà Nẵng lại không
có các loại thuốc đặc biệt
này là một vấn đề cần thảo
luận. Theo khoa dược: vì thuốc ít
sử dụng, nếu mua về để quá
hạng phải bỏ đi, khoa dược không
chuẩn bị những loại thuốc như thế
là để tiết kiệm tiền của
nhân dân. Lí giải như thế là
gian, theo nhận định của tôi và
nhiều y bác sĩ khác. Bằng cớ là
các nhà thuốc tư nhân phạm vi
hoạt động nhỏ hơn khoa dược
rất nhiều lại có thuốc đặc
dụng để sẵn sàng đáp ứng
nhu cầu của khách hàng. Động cơ
là lợi nhuận.
Khi điều trị tại bệnh phòng
với thuốc ngoài danh mục, phải có
sự duyệt ký của giám đốc,
bác sĩ điều trị không được
phép kê đơn cho bệnh nhân mua
thuốc ở các quầy thuốc tư nhân
mặc dù các cửa hàng này đã
có giấy phép của nhà nước,
có dược sĩ chịu trách nhiệm
và cũng được sở y tế quản
lý. Phép tắc này diễn ra dưới
các hình thức:
- Hoặc là giám đốc ký vào một tờ trình do y tá hành chính có nhiệm vụ lãnh thuốc trình ký tận nơi ông ta ngồi. Tình trạng này diễn ra hàng ngày. Để có chứ ký của giám đốc, y tá phải đi nhiều lần, có khi nhiều ngày vì giám đốc bận “đi họp” ở đâu đó.
- Hoặc là trong trường hợp trực cấp cứu, giám đốc hay người trực thay giám đốc (đa phần là các phó giám đốc kể cả phó giám đốc đời sống hay vật tư) ký vào biên bản hội chẩn của ít nhất là hai bác sĩ đang trực tại phòng cấp cứu. Biên bản này cũng do y tá trực trình ký tại phòng trực giám đốc. Đôi khi người trực giám đốc đi đâu đó chỉ để lại điện thoại, y tá trực gọi điện và người trực giám đốc “ký miệng”, sáng mai ký thực vào giấy.
- Hoặc là giám đốc quyết định một cuộc hội chẩn tại nơi bệnh nhân đang nằm (như trường hợp cháu Hoàng Sa) để bày tỏ sự quan tâm của Đảng đối vói những gia đình quan trọng cần biệt đãi (gia đình cán bộ cấp cao, gia đình có công cách mạng, gia đình danh tiếng…)
Các cuộc “hội chẩn giám
đốc’ như thế thông thường
dẫn đến các kết quả như sau:
- Một là chậm trễ trong việc xử lí cấp cứu. Cái sống cái chết của bệnh nhân (đặc biệt là bệnh nhân nhi) trong nhiều trường hợp chỉ tính bằng giây.
- Hai là bác sĩ điều trị cảm nhận một cách cay đắng rằng mình bị Đảng tước đoạt trách nhiệm và quyền hạn trong phạm vi nghề nghiệp. Trong trường hợp bệnh nhân tử vong (do xử lý cấp cứu trễ) người bác sĩ trực tiếp điều trị bị một chấn thương tâm lý lâu dài: rằng là mình thấy chết mà không cứu.
- Ba là người bác sĩ do chấp hành mệnh lệnh của Đảng lâu ngày trở nên trơ lì, khoanh tay đứng nhìn bệnh nhân từng bước rơi vào tình trạng nguy hiểm, tử vong. Mãi đến thời điểm này (2012), nhiều vụ hành hung, kiện tụng xảy ra tại rất nhiều bệnh viện trong cả nước, lý do bác sĩ điều trị chờ “hội chẩn giám đốc”.
Một câu nói cửa miệng của
các bác sĩ đào tạo tại
miền Nam trước 1975 được “lưu
dung” tại các bệnh viện: “linh
hồn ai nấy giữ”. Câu nói này
phát xuất từ các bác sĩ đã
trải qua một trong hai kinh nghiệm:
- Hoặc là khám chữa bệnh cho một ông bà lớn (hoặc thân nhân của họ), kết quả khả quan không nói gì, kết quả xấu, lập tức bị kết tội phản động, tay sai Mỹ Ngụy mai phục.
Sau kinh nghiệm đắng cay đó,
các bác sĩ lưu dung tìm mọi lý
do để từ chối không nhận khám
chữa trị cho những bệnh nhân thuộc
thành phần trên. Họ thường chọn
biện pháp “hội chẩn giám đốc”
để tránh trách nhiệm.
- Hoặc là do nóng lòng trước tình trạng cấp cứu của bệnh nhân, người bác sĩ quên rằng mình cần phải “hội chẩn giám đốc”. Kết quả tốt không nói gì, kết quả xấu tức thì bị hành hung, chưởi bới, kiện tụng, có khi bị bêu riếu trên báo chí, hoặc bị kỷ luật, bị thuyên chuyển công tác vì đã vượt quá qui định của lãnh đạo (hội chẩn giám đốc).
Trong các chế độ phi Xã
hội chủ nghĩa, trọng tài cho những
trường hợp trên là Y sĩ đoàn,
sự sai phạm được người có
chuyên môn và pháp luật phán
xét. Trong chế độ Xã hội chủ
nghĩa, không có quyền lực nào
ngoài quyền lực tuyệt đối của
Đảng Cộng sản cả, nên người
bác sĩ phải giữ “linh hồn của
mình” mặc dù y biết chắc chắn
nếu giữ gìn kiểu ấy lâu ngày
linh hồn của y sẽ biến dạng, hoặc
y không còn linh hồn nữa.
Đến thời điểm này,
cũng do sự can thiệp toàn diện và
tuyệt đối của Đảng vào các
quy trình hành xử chuyên môn, các
bác sĩ trẻ xuất thân từ mái
trường Xã hội chủ nghĩa, đa
phần – tôi nói đa phần – sợ
phiền hà do không chấp hành hội
chẩn giám đốc, và nhất là
do bản chất của nền giáo dục –
đào tạo Xã hội chủ nghĩa,
nên đã răm rắp tuân thủ mệnh
lệnh của Đảng. Lâu dần tất
cả đã chai lì trước những
nỗi đau của đồng bào, đồng
loại. Do Đảng lãnh đạo, người
thầy thuốc tại Việt nam Xã hội
Chủ nghĩa, đa phần – tôi nói
đa phần – quên rằng mình cũng
là Con người đã từng có
một linh hồn.
Khi viết những dòng cuối của
đoạn ký ức xao xuyến và không
vui này tôi nghĩ nhiều hơn về hai
ông bà là cha mẹ của người
bệnh nhi bé nhỏ xấu số của tôi
cách đây 15 năm, người mà
hằng năm cứ đến ngày nhà
giáo tôi không thể không nhớ
đến, bởi cái chết của cháu
đã gây cho tôi nỗi trăn trở
không nguôi suốt quãng đời còn
lại của người thầy thuốc trên
đất nước bị tròng kéo theo
con đường khổ nạn: Kinh tế thị
trường định hướng xã hội
chủ nghĩa của đảng Cộng sản,
người mà mỗi ngày khi đọc
báo, xem truyền hình, hay khi thực hiện
các mối giao tiếp, thậm chí cả
khi ngồi một mình, tâm trí tôi
cũng vướng bận nghĩ về. Bởi
cái tên của cháu còn nhắc nhở
tôi về một vùng lãnh thổ của
đất nước, một phần máu thịt
của dân tộc đang bị chiếm cứ
bởi bọn bành trướng Trung quốc:
Hoàng Sa.
Tôi không biết vào thời
điểm này hai ông bà là cha mẹ
của Hoàng Sa đang ở đâu, làm
gì? Bà đang ở Hòa Khánh –
Đà Nẵng, đang đi dạy học hay
đang vẫn vơ đi tìm đôi dép
màu hồng trên những nẻo đường
tối tăm và giữa những con người
trở nên xa lạ. Còn ông? Ông đang
ở đảo Trường Sa lớn hay một
nơi nào đó trên biển Đông,
nói và làm theo mệnh lệnh của
Đảng. Hay ông đang đăm đăm
nhìn về phía bãi cát vàng mà
lòng quặn thắt nhớ thương căm
hờn lẫn lộn. Hoàng Sa, đứa con
gái bé bỏng của ông đã
chết. Hoàng Sa, vùng biển đảo mà
ông cùng vợ khi đặt tên con đã
thề nguyền sẽ đem cuộc sống và
cả máu xương của mình để
giành giật lại trong bạo lực của
kẻ thù mà ông bà đã nhìn
rõ mặt, gọi đúng tên: Trung
Quốc. Nhưng Hoàng Sa đối với ông
vào thời điểm này (2012) lại bị
trùm phủ bởi một bầu trời đen
tối của tấn bi kịch mới. Theo lệnh
của Đảng Cộng sản – bởi ông
là đảng viên – ông không
cần nhìn rõ mặt kẻ thù, ông
không được gọi đúng tên
chúng, ông chỉ được khoanh tay
đứng nhìn “kẻ lạ” đang
hoành hành ngang ngược trên đảo,
trên biển, “kẻ lạ” đang tấn
công, đuổi bắt, đánh đập,
giam cầm ngư dân ruột thịt của
ông. Dường như ông đang lẩm
bẩm một mình. Giữa sóng gió
muôn trùng không ai nghe rõ lời ông:
Kẻ lạ, Đảng lạ, kẻ lạ, Đảng
lạ… Và rồi cũng như vợ ông
đang đi tìm đôi dép màu
hồng giữa cuộc đời ngày thêm
tối tăm và xa lạ.
Ông đang đi tìm Đảng
của ông, cũng màu hồng của một
thời trai trẻ, giữa mịt mùng sóng
gió của biển khơi. Tôi không biết
đại dương và nỗi đau đớn
tuyệt vọng của cặp vợ chồng là
cha mẹ của cháu Hoàng Sa cái nào
lớn hơn, lúc này và đến
bao giờ?
Nguyễn
thị Kim Thoa
Ghi chú
(1): Chị Nguyễn thị Tâm, y tá
của phòng hồi sức cấp cứu nhi,
bệnh viên đa khoa Đà Nẵng, chị
Tâm là em ruột thi sĩ Nguyễn Nho Sa
Mạc.
(2) Chị Thanh Xuân y tá của
phòng hồi sức cấp nhi, bệnh viện
Đa khoa Đà Nẵng. (Phòng Hồi sức
cấp cứu nhi bệnh viên Đà Nẵng
là đơn vị đã được
phong tặng danh hiệu: Đơn vị Anh Hùng).
(3) Chụp phim cắt lớp: CT scanner.
(4) Hạ đường huyết:
hypoglycémie.
(5) Dấu hiệu sinh tồn: signe vitale.
(6) Điện tim còn gọi là
điện tâm đồ (ECG: Electrocardiogramme).
(7) Phân ly nhĩ thất: Bloc A – V
( bloc atrio – ventriculaire)
(8) Hồ Dung Diễm là bác sĩ
hay trực cặp với tôi.
(9) PaO2:
nồng độ oxy trong máu động mạch.
(10) Chuyên khoa I, Chuyên khoa II: bằng
cấp sau đại học thuộc hệ thực
hành của từng chuyên ngành.
(11) viên nén: comprimé, viên
nhộng: capsule.