Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

Cái chết của báo chí

Nguyễn Thanh Sơn


“Quan hệ báo chí theo kiểu cũ đã chết”- ông Miles Young, Tổng giám đốc của tập đoàn truyền thông tiếp thị Ogilvy viết trong bài phát biểu của ông tại hội nghị những nhà lãnh đạo của tập đoàn này ở Praha.

Adrian Monck: báo chí truyền thống đã chết
“Báo chí truyền thống đang chết, hoặc thực ra đã chết rồi”- Adrian Monck giám đốc phụ trách báo chí và truyền thông cho Diễn đàn Kinh tế Thế giới nói tại hội nghị những nhà kiến tạo toàn cầu (Global Shapers) của Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức ở Geneva, Thụy Sĩ. Là cựu trưởng khoa báo chí của trường đại học City Of London University, ông Monck có một sự nghiệp báo chí lừng lẫy. Bắt đầu từ phóng viên tin tức của hãng CBS News vào năm 1987, ông đã theo dõi và tường thuật các vụ khủng hoảng con tin ở Li-băng, chiến tranh Iran-Iraq, việc trả tự do cho Nelson Mandela, sự sụp đổ của nhà nước Liên Xô và bức tường Berlin cho đến chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, sau đó ông còn là phóng viên của ITN với các phóng sự về chiến tranh từ Belfast tới Bosnia, phóng viên truyền hình của Five News với chiến tranh ở Kosovo, Afghanistan, Irag.

“Báo chí, xét cho cùng, là ngành sản xuất kiến thức thông qua từ ngữ và những con số”-ông Monck nói. Toàn bộ thói quen tiêu dùng về truyền thông của chúng ta ngày nay đã thay đổi. Báo chí không còn độc quyền tin tức, không còn tạo dựng thương hiệu cho tin tức. Tin tức ngày nay chỉ còn là hàng hóa phổ thông, được trao đổi miễn phí giữa các cộng đồng trôi nổi trên mạng Internet. Người ta có thể có được tin tức toàn cầu dù họ ở bất cứ đâu trên thế giới. Công nghệ và cách tổ chức thông tin hiện tại đã dày xéo ảo tưởng của các tờ báo và tạp chí về sự cần thiết của các phân tích chuyên sâu, những góc nhìn thông minh, những đánh giá sắc sảo của các nhà báo- ngày nay, người tiêu dùng thông tin tự trao cho mình quyền lực đó. Với các phương pháp tra cứu tức thời và thói quen chia sẻ trên mạng, người đọc sẽ tự quyết định cho mình góc nhìn, phân tích và đánh giá- thứ trước kia họ bị lệ thuộc vào các phóng viên hay chuyên gia. Ngôn ngữ, rào cản cuối cùng cho việc tiếp xúc với thông tin toàn cầu, hiện nay cũng đang dần dần được giải quyết. Rick Rashid, Giám đốc Nghiên cứu của Microsoft Research, ngày 28 tháng 10 vừa qua đã trình diễn một cách hết sức thuyết phục cách thức máy tính tiến hành dịch nói một ngôn ngữ phức tạp như tiếng Hoa sang tiếng Anh- các phần mềm dịch thuật tự động sẽ càng ngày càng được hoàn thiện.
Báo chí, không thể không lưu ý, cũng tự đào mồ chôn mình bằng việc cho rằng, Internet cũng chỉ là một nền tảng mới cho xuất bản báo chí. Bằng chứng là họ đã rất sớm có ý thức xây dựng nên các tờ báo mạng, nhưng như ông Jack Shafer, phụ trách mục Ý kiến trên trang Reuters.com nói “ cho dù đón nhận sự phát triển của Internet rất sớm, cho dù bỏ hàng triệu đô la cho nhân lực và phần cứng, bất kể hàng đống video, đường dẫn, ngân hàng dữ liệu, các phần mềm thông minh…người đọc dễ dàng nhận ra các tờ báo mạng thực ra chỉ là phiên bản mạng của các tờ báo giấy”. Họ không hiểu được rằng, tổ chức thông tin trên mạng Internet và cách người tiêu dùng ngày nay sử dụng các thông tin đó hoàn toàn khác biệt với cách tiêu dùng thông tin truyền thống.
Vậy còn vai trò của chính phủ thì sao? Ông Adrian nhún vai “ đối với báo chí độc lập truyền thống, chính phủ còn làm cho bức tranh tồi tệ thêm. Hãy xem cái cách họ đổ tiền cho truyền hình và các trang mạng của BBC hay France 24. Trong tình hình kinh tế hiện nay, làm sao báo chí truyền thống có thể cạnh tranh với các chính phủ?”
Và đó chính là những lý do tại sao kết cục của báo chí độc lập truyền thống sẽ thật bi thảm…

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"