Cánh Cò
Quốc hội khóa này hình như quẩn quanh chuyện "nợ xấu" hơi
nhiều. Là nhân dân chúng tôi đồng tình với các ông bà đại biểu đã nêu
vấn đề này lên. Qua báo chí mặt dù nhiều chuyên gia đã có bài góp ý
nhưng hình như quý ông bà đại diện dân vẫn còn rất lúng túng trước hai
chữ "nợ xấu". Nếu không lúng túng và biết rõ hơn nữa cốt lõi vấn đề thì
người dân chúng tôi tin rằng sẽ không có cơ hội cho ông Thống đốc Nguyễn
Văn Bình tuyên bố rằng "ông chưa có phương án nào để đối phó với nợ
xấu".
Câu chuyện nợ xấu râm ran từ khi Bầu Kiên bị bắt rồi kéo theo
những tai to mặt lớn khác vào vòng điều tra, từ đó người ta biết rằng
nền kinh tế hôm nay được xây lên từ tro tàn của một loạt sai lầm từ nền
kinh tế bao cấp. Lâu đài phát triển kinh tế hình như đang bị đe dọa khi
nợ xấu nằm dưới chiếc móng của lâu đài ấy qua hình thức nợ xấu. Đồng vốn
luân chuyển trong thị trường bỗng nhỏ lại vì số tiến thực thụ chỉ có
trên giấy tờ chính là lúc nợ xấu bị phanh phui từ nạn nhân hay từ NHNN.
Nợ xấu sẽ làm kinh tế suy trầm và kết quả đối phó với nợ xấu ra sao sẽ
phản ảnh đến sức khỏe của cả nền kinh tế.
Nợ xấu còn được nhân dân chúng tôi gọi nôm na là "nợ khó đòi" khi con
nợ trở nên lì lợm vì mất hẳn khả năng thanh toán. Nhà nước lo nợ xấu sẽ
làm nền kinh tế suy sụp, nhân dân chúng tôi lại lo sợ nợ khó đòi sẽ làm
suy sụp cả đất nước mà tiếc thay tình trạng ấy đang tới rất gần vì nhân
dân chúng tôi có rất nhiều con nợ loại này trong chính phủ.
Trong hai nhiệm kỳ thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng mang rất nhiều món
nợ đối với chúng tôi. Ông biết rõ những món nợ mà ông thiếu nhưng khả
năng trả nợ của ông là con số không vì vậy ông là con nợ khó đòi lớn
nhất Việt Nam hiện nay.
Món nợ thứ nhất: Khi mới nhậm chức nhiệm kỳ đầu tiên, ông hùng hồn
tuyên bố rằng nếu không giải quyết được vấn đề tham nhũng ông sẽ từ
chức. Ngay sau đó là hàng loạt vụ tham nhũng xảy ra, vụ sau lớn hơn vụ
trước để cuối cùng là cặp song sinh Vinashin-Vinalines. Thủ tướng vẫn là
thủ tướng, không ai thấy thủ tướng trả món nợ này.
Món nợ thứ hai: Ông mượn tiền từ thuế và từ tài nguyên đất nước để
tạo ra những tập đoàn, tổng công ty quốc doanh. Là thủ lĩnh của tất cả
các tổ chức phá hoại này ông cho phép đàn em được phép làm bất cứ điều
gì có lợi cho lợi ích của chúng trong đó có ông. Sau nhiều năm thất bại,
tiền thuế của nhân dân chảy vào các túi tham, nhũng lạm hàng trăm ngàn
tỷ còn ông vẫn ung dung không có hành động gì tiết chế sự ngu muội của
những kẻ hãnh diện mang chức danh Chủ tịch Hội đồng Quản trị mà không
hiểu bất cứ khái niệm sơ đẳng nào của kinh tế thị trường. Họ chỉ giỏi
khua môi múa mép trong lĩnh vực chính trị của điều gọi là "quả đấm thép"
của nền kinh tế.
Món nợ khổng lồ này của ông và các tập đoàn do ông làm thủ lĩnh chắc
chắn sẽ không thề đòi được ngoại trừ Hiến pháp cho phép thành lập một
Tòa Bảo hiến như thế giới đang có. Ông quỵt nợ bằng thủ đoạn này thì làm
sao nhân dân chúng tôi đối phó ngoại trừ nổi loạn?
Món nợ thứ ba: Thủ tướng lạm quyền khi ký quyết định số 97 ngăn cấm
việc phản biện của trí thức và sau đó chấp thuận thông tư của Thanh tra
chính phủ cấm tiếp các công dân có đơn khiếu nại tố cáo tập thể. Quyết
định 97 là món nợ lớn của Thủ tướng đối với thành phần tinh hoa của đất
nước. Thủ tướng còn tiếp tay với thuộc hạ che chắn những bức hiếp, oan
trái của chúng đối với nhân dân qua việc cấm khiếu kiện tố cáo tập thể.
Hai món nợ này cùng đặt trên bàn làm việc của ông và cho tới nay ông
không trả nổi dù chỉ là một lời giải thích.
Món nợ thứ tư: Ông đánh trống bỏ dùi trong vụ Tiên Lãng. Một
lần nữa ông để mặc thuộc hạ Hải Phòng tung tác trong hoạt động điều tra
và ông không một lời nhắc nhở. Món nợ này ông không thể khất vì của cải
mồ hôi nước mắt của nhân dân chúng tôi ông không thể đem chia cho thuộc
hạ Tiên Lãng, Hải Phòng bằng sự im lặng đồng lõa của ông.
Món nợ thứ năm, món nợ lớn nhất: Ông tham gia hủy hoại cả một đất
nước khi ký hàng ngàn quyết định về đất đai một cách vội vã và vô trách
nhiệm. Ông ký những quyết định thu hồi đất của nhân dân chúng tôi và
giao lại cho các doanh nghiệp thân thiết với thuộc hạ của ông để chúng
khai thác đất đai ấy một cách lạnh lùng không kể gì sự thiệt hại mà
người dân mất đất phải chịu. Món nợ này ông không thể trả vì nó quá lớn
đủ để cả nước suy sụp và quá sâu đủ để lòng dân hờn oán. Món nợ khó đòi
này đang làm sụp đổ cả một dân tộc khi đất đai vốn là máu huyết của
người dân bị các ông tung hỏa mù cướp đi cái quyền tư hữu thiêng liêng
bằng chiêu bài sở hữu toàn dân rỗng tuếch.
Chẳng những ông nợ không trả, ông còn dung dưỡng thuộc hạ của ông nợ
thêm những món khác mà di hại của nó đối với quốc gia sẽ tác động lên
nhiều năm sau này. Trước và trên hết là Bộ Giáo Dục, sau đó là Bộ Tài
Nguyên Môi Trường, rồi Bộ Y tế, Bộ Giao Thông... Những cái Bộ đáng ra
phải phục vụ quyền lợi của người đóng thuế thì lại tỏ ra xem chủ nợ là
vô hình, không đáng phải bận tâm. Tâm lý quỵt nợ của những tay bộ trưởng
đã có sẵn trong đầu từ những giây phút nhậm chức đầu tiên. Hãy nhìn
Đinh La Thăng với biết bao quyết định vi hiến và ngu ngốc. Rồi Nguyễn
Thiện Nhân, một bộ trưởng giáo dục với tầm nhìn của một anh giáo làng,
ước ao cả nước nổi tiếng qua những dự án hoành tráng không bao giờ thực
hiện được. Rồi Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước không có
nổi một khái niệm về nợ xấu là gì...
Tất cả những món nợ này của các ông đối với chúng tôi đều phải trả
sòng phẳng. Các ông có thể quỵt bây giờ nhưng tương lai con cháu của các
ông sẽ không thể chạy trốn. Đồng tiền, đất đai xương máu cộng với tài
nguyên cha ông của chúng tôi bị các ông thâm lạm sẽ phải trả trước vành
móng ngựa của lịch sử.
Chúng tôi không cho phép ông và thuộc hạ tiếp tục xem chúng tôi như
những ông thần hoàng ngồi dưới gốc đa chờ các ông thắp nhang xin lỗi.
Chúng tôi là nhân dân, và vì thế các ông nên nhớ, nhân dân chỉ có thể im
lặng một lúc nhưng không là mãi mãi.
Cách tốt nhất để khỏi phải trả nợ cho chúng tôi là các ông nên ngăn
để bánh xe lịch sử ngừng quay nhằm làm cho sự phán xét không có cơ hội
xảy ra trên đất nước này.
Nhưng tiếc thay điều hoang tưởng ấy không bao giờ trở thành hiện thực!