Bùi Tín
Cô Nguyễn Phương Uyên, sinh viên đại học Công
nghệ Thực phẩm, bị công an bắt đi từ nhà trọ hôm 14/10 với cáo buộc tham
gia rải truyền đơn kêu gọi chống Trung Quốc và chống tham nhũng.
Sinh viên Nguyễn Phương Uyên đang lâm nạn. Cả trường Đại học Công
nghiệp Thực phẩm của em xao xuyến, lo lắng, gửi thư tập thể cho các nhà
lãnh đạo cao nhất để cầu cứu. Một tập thể 144 trí thức trong và ngoài
nước ký kiến nghị yêu cầu các nhà lãnh đạo có trách nhiệm can thiệp để
trả lại tự do cho em tiếp tục về trường học tiếp. Mẹ em cuống cuồng đi
tìm con gái yêu của mình khi em bị bí mật đưa từ Sài Gòn lên tỉnh Long
An để giam giữ.
Sau một tuần lễ im lặng, nhà nước buộc phải lên tiếng, loan báo sinh viên Nguyễn Phương Uyên «phạm tội tuyên truyền chống nhà nước XHCN Việt Nam», đã bị truy tố, vì đã tham gia tổ chức «Tuổi trẻ Yêu nước» với khẩu hiệu «Vì danh dự Tổ quốc, chống bành trướng - Vì tương lai Đất nước, chống tham nhũng». Báo chí nhà nước còn đưa tin Phương Uyên đã «nhận tội và xin khoan hồng».
Một phiên tòa sẽ được mở để xét xử Nguyễn Phương Uyên cùng với Đinh
Nguyên Kha, một thanh niên được coi là đồng phạm với Nguyễn Phương Uyên.
Báo chí nhà nước đưa tin Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha có thể
bị truy tố và xét xử về tội tàng trữ thuốc nổ, với âm mưu khủng bố, một
tội danh rất nghiêm trọng đối với an ninh đất nước.
Trong nước đã có một số blogger tự do, một số trí thức như Giáo sư
Tương Lai, nhà giáo dục Phạm Toàn, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, và cựu Đại sứ
Nguyễn Trung công khai lên tiếng, chỉ rõ những điều đáng chú ý ở sinh
viên Phương Uyên là quan tâm đến vận nước, nghĩ đến quê hương, tổ quốc, ở
tuổi 20, được thầy yêu, bạn mến, chưa có làm gì nguy hiểm, nên cần bảo
vệ em, nhất là đề phòng việc em bị xét xử bất công, kiểu chụp mũ, trả
thù do thái độ của nhà đương quyền là «hèn với giặc, ác với người yêu
nước». Đã có nhiều tiếng nói đề phòng âm mưu thâm độc gắp lửa bỏ tay
người, bắt người xong rồi mới tạo dựng ra vụ án để diệt mọi mầm mống bất
đồng.
Mấy ngày qua tôi có dịp gặp một số nhà báo và luật sư Pháp, gặp các
bạn trong tổ chức Reporteurs Sans Frontières (Phóng viên không biên
giới) có trụ sở ở Paris, trao đổi về trường hợp em sinh viên Nguyễn
Phương Uyên. Nhiều bạn Pháp theo dõi rất kỹ và nhắc đến các vụ án Cù Huy
Hà Vũ, Điếu Cày, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung…Sau đây xin ghi lại
một vài nhận định chung của chúng tôi chung quanh vấn đề này.
Ở các nước dân chủ, các báo lớn thường có một vài phóng viên chuyên
sâu về pháp luật, về phổ cập pháp luật, về giải thích pháp luật, về giải
đáp và vận dụng pháp luật. Họ được đào tạo chuyên sâu về luật học, về
tội phạm học, về quá trình phá một vụ án, chuyên theo dõi, tường trình,
phán xét, nhận định sâu về mỗi vụ án. Ở Việt Nam đã có nhà báo nào
chuyên như thế và được xã hội đánh giá tốt và tin cậy chưa?
Ở Việt Nam giới luật sư cũ bị triệt tiêu, không đào tạo, nay đã có
những khoa luật tại một số trường đại học, nhưng vẫn còn quá ít. Các đại
học luật ở các nước dân chủ bao giờ cũng là trường vào loại lớn nhất,
có uy tín nhất trong xã hội, có những tạp chí riêng về luật pháp, có
tiếng nói hoàn toàn độc lập của ngành tư pháp, tách hẳn khỏi ảnh hưởng
của ngành lập pháp và hành pháp. Ở ta tạp chí Pháp luật lẽ ra phải rất
sôi nổi, lý thú, có ích cho xã hội, thì ngược lại là tờ báo nhạt nhẽo, ế
ẩm, có hại hơn là có ích cho việc xây dựng môi trường thượng tôn pháp
luật trong xã hội.
Các công đoàn luật sư phải là công đoàn mạnh nhất, bảo vệ nghề luật
sư, tuyên dương các luật sư có công tâm, theo dõi vạch mặt mọi hành vi
phạm pháp của luật sư, của thẩm phán thiếu vô tư, tham nhũng, bao che kẻ
tội phạm, kết án người lương thiện. Những bản bàn cãi, biện luận trước
tòa của mỗi phiên xử án đều được lưu giữ và phổ biến công khai, minh
bạch.
Ở Pháp, Ý, Đức và Hoa Kỳ, Canada các thẩm phán cầm cân nảy mực chuẩn
xác, dũng cảm, tự tin, được cả xã hội quý mến và tôn trọng không kém gì
những bộ trưởng, thủ tướng, nghị sỹ có thực tài, được coi là vốn quý của
xã hội, được truyền thông, đài, báo, truyền hình nêu gương. Trước và
sau các vụ án lớn, vị chánh án mặc áo choàng đen được giới thiệu tiểu
sử, thành tích xét xử, nguồn đào tạo, quá trình trưởng thành trên báo,
đài; sau phiên xử chánh án và các luật sư, nhân chứng được phỏng vấn rất
kỹ để lý giải về diễn biến và kết luận của phiên tòa.
Vị trí xã hội của các thẩm phán, các thành viên Hội đồng Xử án, nhất
là chánh án ở các nước trên cũng rất nổi bật. Thẩm phán phải là những
nhân vật tài giỏi có công tâm, mẫu mực trong giới luật học. Đạo đức
trung tâm của thẩm phán, chánh án là chí công vô tư, chỉ tuân theo pháp
luật mà thôi. Chánh án chủ tọa một phiên tòa là linh hồn của phiên toà
đó. Báo chí, công luận luôn theo dõi chặt chẽ từng cử chỉ, từng lời nói
của chánh án. Gánh nặng trách nhiệm trước xã hội, trước nhà nước, trước
lời thề khi nhậm chức, trước công đoàn thẩm phán là rất lớn. Lời tuyên
án phải hết sức thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng những yếu tố tăng nặng hay
giảm nhẹ, lắng nghe cả 2 phía công tố và luật sư, đánh giá từng chứng
cớ, từng nhân chứng, vì lời tuyên án quyết định số phận, có khi sống
chết của bị cáo.
Tôi nhớ lại hồi 1965 – 1970, ở Hà Nội, tòa án xét xử một số vụ án về
tham nhũng, được dư luận bàn tán rất sôi nổi, trong đó nổi lên vị chánh
án tòa án Hà Nội Nguyễn Xuân Dương, trưởng thành từ lục sự ngành tòa án
thời Pháp thuộc, đã tỏ rõ trình độ nắm luật vững, lương tâm nghề nghiệp
cao, trực tiếp điều khiển cuộc biện luận công khai giữa tòa, thay đổi cả
kết luận của cơ quan điều tra, sửa đổi cả ý kiến của công tố viên,
không theo chỉ đạo của thành ủy Hà Nội, tự mình đảm nhận trách nhiệm cá
nhân, tuyên án công khai tha bổng cho bị cáo, được nhân dân hoan nghênh
ngay tại tòa và được dư luận khen ngợi.
Còn nhớ, năm 1979, ông Tạ Đình Đề, nguyên chỉ huy biệt động thành,
phụ trách cơ sở làm vợt bóng bàn của Tổng cục đường sắt, bị truy tố về
tội «tham nhũng, sử dụng lao động không lương thiện». Trước tòa, ông Tạ
Đình Đề và luật sư của ông trình bày với những chứng cứ rõ ràng chi thu
từng tháng của cơ sở. Ông Đề khẳng định việc ông mạnh dạn thuê mướn anh
chị em từng bị tù, từng bị cải tạo ở trung tâm phục hồi nhân phẩm, đã
hoàn lương, là phù hợp với chính sách nhân đạo, họ đều trở thành lao
động tốt, tuy có một số nhược điểm về tay nghề, sức khỏe. Tạ Đình Đề
được bà con tham dự phiên tòa vỗ tay hoan nghênh. Chánh án cuối cùng
tuyên bố ông vô tội, loại bỏ nhận định mang tính vu cáo của công tố
viên.
Mong rằng khi phiên tòa xử sinh viên Nguyễn Phương Uyên mở ra, các
nhà báo trong và ngoài nước, các blogger tự do, anh chị em dân chủ sẽ
chú ý ghi nhận cách làm việc, trình độ, công tâm của viên chánh án và
các thẩm phán trong hội đồng xét xử, nêu bật trách nhiệm xã hội, lời
tuyên thệ khi nhận nhiệm vụ của họ, theo dõi mọi cử chỉ và lời nói của
từng người trong phiên tòa, đánh giá và phân tích đúng sai của họ. Hiện
nay trong tường thuật các phiên toà trong nước, các bạn phóng viên
thường bỏ qua nhân vật chánh án, thậm chí không nêu tên chánh án và hội
đồng xét xử.
Sau phiên tòa xét xử 2 nhạc sỹ Việt Khang và Anh Bình vừa qua, một số
bạn trẻ đã tìm hiểu về viên chánh án Vũ Phi Long, người đã chủ tọa
phiên tòa và tuyên án xử phạt Việt Khang 4 năm tù giam và Anh Bình 6 năm
tù giam. Chưa có nhà báo nào chất vấn viên chánh án này là ông suy nghĩ
ra sao về những bản nhạc, lời ca bị coi là xấu, có hại, phạm pháp? Lời
tuyên án của ông có phải ý kiến của ông hay do từ đâu? Ông có bị sức ép,
bị chỉ đạo không?
Và còn 2 ông chánh án từng xử sơ thẩm và phúc thẩm luật sư Cù Huy Hà
Vũ, thẩm phán Nguyễn Hữu Phúc và thẩm phán Nguyễn Sơn đã tuyên án và y
án 7 năm tù 3 năm quản chế cho luật sư yêu nước kiên cường Hà Vũ, 2 ông
này sau khi xử xong đang tránh mặt ở đâu? Sao xã hội ta lại vô tâm, vô
cảm, dễ dãi, xuê xoa đến vậy? Sao không tra hỏi họ nhân danh một xã hội
dân chủ, công bằng do đảng CS hứa hẹn? Về hiểu luật, về lòng yêu nước,
về chính khí làm người, họ kém xa người bị họ xét xử.
Xin nhớ một kinh nghiệm của Mùa Xuân Tunisia là các bạn trẻ trường
Luật thủ đô Tunis đã theo dõi lập hồ sơ các thẩm phán, chánh án xử những
người yêu nước trước đây, dưới chế độ độc đoán để cảnh báo họ và để hỏi
tội họ theo đúng luật khi tình hình chuyển biến.
Sắp đến mong các bạn của Phương Uyên hãy tìm hiểu viên chánh án trong
vụ xử sắp tới là ai. Hãy cảnh báo trước để ông ta hiểu rõ ông ta sẽ là
nhân vật trung tâm trong vụ xử. Ông ta phải chịu trách nhiệm trước toàn
bộ giới luật học Việt Nam, trước bộ Luật Tố tụng Hình sự, trước toàn xã
hội, trước thế hệ trẻ, trước lịch sử về mọi diễn biến của phiên tòa được
coi là công khai này.
Bùi Tín