Trong quá khứ gần đây Trung quốc (TQ) đã nhiều lần cho in tấm bản đồ TQ với hình lưỡi bò ở Biển Đông, như trong các bài báo của các học giả TQ đăng trên các tạp chí khoa học có tiếng trên thế giới, việc làm lén lút chẳng có liên quan gì đến nội dung khoa học của bài báo đã bị các nhà khoa học Việt Nam (VN) phát hiện và phản đối với ban biên tập tạp chí. Lần này vụ việc hộ chiếu (HC) điện tử mới của TQ nghiêm trọng hơn rất nhiều vì số lượng hàng triệu HC và vì tính pháp lý của vụ việc.
Hộ chiếu là một
tư liệu được nhà nước – gọi tắt là nước A –
cấp cho công dân của nước mình để đi ra nước ngoài
– nước B –. Hộ chiếu mang các tính chất pháp lý như
: (i) người mang HC có quốc tịch A, (ii) để có thể đi
đến nước B thì 2 nước đã phải có quan hệ ngoại
giao – trong đó công nhận quốc gia và lãnh thổ của A
và B tại thời điểm ký kết quan hệ ngoại giao– ,
(iii) v.v… .
Hệ quả của 2
tính pháp lý trên là chứng minh nhân dân không thể thay
thế HC khi đi ra nước ngoài (đa phần là nước B phải
cấp thêm thị thực visa trên HC ghi rõ thời gian và số
lần nhập cảnh). Ngược lại HC có thể thay thế chứng
minh nhân dân để đi lại trong nước A, – trong trường
hợp TQ cùng lắm là đi Hoàng Sa không mất lệ phí thị
thực ! Một (phản) ví dụ của bản thân tôi : như những
người VN sống ở Pháp, sau ngày đất nước thống nhất,
chúng tôi đã có HC VNDCCH, nhưng muốn về nước thì phải
xin phép, xin thị thực đóng lệ phí ! Ngược lại,
trường hợp một nhà toán học trẻ nổi tiếng VN là Lê
Dũng Tráng, sống ở Pháp trong thời gian chiến tranh ở
miền Nam, mang HC VNDCCH, nước Mỹ khi đó chưa có quan hệ
ngoại giao với VDCCH, Hội Toán học Mỹ mời Lê Dũng
Tráng tham gia một hội nghị toán học quốc tế, LDT đã
trả lời hoặc sang Mỹ với hộ chiếu VN hoặc không
sang, bộ Ngoại giao Mỹ chấp nhận cấp thị thực như
một trường hợp ngoại lệ.
Đối với HC điện
tử mới của TQ trong đó có ghi bản đồ lãnh thổ TQ
(bao gồm Đài Loan, Biển Đông, phần đất tranh chấp với
Ấn Độ), theo tính pháp lý (ii) trên đây, nếu lãnh thổ
TQ có thay đổi – như trường hợp Hồng Kông –, thì bộ
ngoại giao TQ phải thông báo cho toàn thế giới biết sự
thay đổi đó, nếu không làm như vậy, đơn phương “bành
trướng”, HC sẽ không có giá trị pháp lý quốc tế,
chỉ sử dụng nội địa! Trường hợp Đài Loan đã bắt
buộc phải phản đối, không những phản đối TQ thâu
tóm Đài Loan mà còn bao hàm phản đối TQ tranh chấp Biển
Đông và vùng đất biên giới với Ấn Độ ! Đối với
các nước không liên quan khác, như nước Mỹ là nước
đã tuyên bố đứng ngoài các tranh chấp về biển đảo
ở Biển Đông, với việc cấp thị thực trên các HC đó,
các nước này mặc nhiên là đã đứng về phía TQ công
nhận đường lưỡi bò !
Vì vậy Việt Nam
phải cương quyết không chấp nhận loại HC như vậy,
bằng cách đóng dấu “HC không có giá trị đối với
VN” lên HC đó. Nếu là HC công vụ thì càng phải cương
quyết từ chối nhập cảnh – vì HC công vụ hàm ý giá
trị pháp lý cao. Nếu là HC phổ thông nhập cảnh vì mục
đích hội họp, kinh doanh, thị thực chỉ được cấp 1
lần – ngoại lệ – với chi phí cao, vì chỉ cấp trên
môt tờ Thông Hành (Laissez-Passer) rời ngoài HC, hạn chế
về thời gian và không có giá trị đi đến các vùng đang
tranh chấp. Còn nếu là nhập cảnh du lịch thì tuyệt đối
từ chối. Dù có thiệt hại kinh tế còn hơn là bị mất
biển đảo, như ý kiến so sánh hơn thiệt của doanh nhân
Nguyển văn Mỹ, giám đốc công ty Du lịch Lạc Việt. Hãy
tưởng tượng một tour du lịch ồ ạt Hải Nam - Hoàng Sa
- Nha Trang : VN phải từ chối cả những HC nước ngoài
đến từ HS-TS qua các tour như vậy ! Đồng thời VN phải
“quốc tế hóa vụ việc này”, như phản đối lên LHQ, vì cấp phát HC mới này
TQ cũng đã quốc tế hóa như
việc đã rồi.
Nếu lãnh đạo VN
không cương quyết công khai quốc tế hóa đối phó với
loại HC mới này thì các nước khác không có lý do gì để
ủng hộ VN và vì lợi ích riêng họ sẽ nhắm mắt làm
ngơ. Việc mất biển đảo là không xa nếu nhân dân VN
không ý thức được vụ việc nghiêm trọng này, ru ngủ
với “đã có đảng và nhà nước lo, 16 chữ vàng, 4
tốt”. Việc làm “lén lút” không công bố này của TQ
làm mất thể diện trước toàn thế giới, không xứng
đáng với một “siêu cường thứ 2”.
Tp HCM 25/11/12
Vũ Hải Long (TS KH)