Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

Hà Nội - Tháng Chạp 72

Lỗ Trí Thâm
Cách đây 40 năm xảy ra trận chiến trên không ác liệt trên bầu trời Hà Nội. Đã qua lâu rồi mà báo chí trong nước vẫn dùng phương pháp tuyên truyền kiểu chiến tranh lạnh cho rằng Mỹ thua trên trời ở Hà Nội mới phải ngồi lại bàn đàm phán Paris còn phía Mỹ cho rằng chỉ ném bom B52 mới kéo Hà nội ngồi lại bàn hiệp định ngừng chiến. Bài viết này cố gắng trình bày một cách khách quan những gì xảy ra lúc đó.
Trận chiến trên không xảy ra vào tháng 12, đúng vào những ngày lễ chuẩn bị Giáng Sinh năm 1972 cho nên báo chí phương Tây đặt tên là ”Quà Giáng Sinh bằng bom“ hay “Khủng bố nhân danh Đức Chúa Trời” còn phía Bắc VN gọi là ”Điện Biên Phủ trên không" hay “Hà nội 12 ngày và đêm”. Và tên chính thức là “Linebacker II”

Bối cảnh xảy ra trận chiến:
Miền Nam dưới chế độ VNCH vào cuối năm 1967 đang trong thời kì thịnh vượng nhất. Chiến sự tương đối im lặng, kinh tế dồi dào, cuộc sống thanh bình, hàng hoá rẻ nhiều, sinh hoạt văn hoá rất sôi động. Không phải ngẫu nhiên lúc đó gọi Sài gòn là hòn ngọc Viễn Đông. Nhiều mặt hàng của Nhật giá ở Sài Gòn còn rẻ hơn ở Nhật. Và tất nhiên chính quyền Mỹ không chớp cơ hội đó tự hào khoe với dân đóng thuế Hoa Kì sự thành công của thế giới tự do dưới ngọn cờ của Mỹ.
Nhưng bất ngờ, lợi dụng sự thỏa thuận ngừng bắn dân dịp lễ Tết Cổ truyền thiêng liêng của dân tộc, Bắc Việt nam đánh úp trên toàn bộ lãnh thổ Nam VN, mở đầu cho chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Tôi vẫn còn nhớ, Bố tôi lúc đó thốt lên: Cộng sản đểu thật, giả vờ ngừng bắn, lợi dụng tiếng pháo giao thừa nhập nhằng nổ súng gây bất ngờ.
Sự kiện Tết Mậu Thân đã phơi bầy sự thật phũ phàng cho cả hai phía : Mỹ và miền Bắc cộng sản.
Trước hết về phía miền Bắc cộng sản. Ban lãnh đạo miền Bắc đã ngây thơ cả về chính trị lẫn quân sự.
Trước hết về ngây thơ chính trị.Họ phát động một chiến dịch “Tổng tiến công và nổi dậy giành lại chính quyền “ trong bối cảnh chiến tranh lạnh đang trong thời cao điểm, trong đó miền Nam VN là một mắt xích quan trọng trong hệ thống cân bằng chiến lược cho cả hai phe, đóng vai trò khu đệm an toàn, cùng với Đông Đức, Bắc Triều tiên bao quanh hệ thống XHCN. Do đó mất miền Nam đồng nghĩa với việc làm suy chuyển thế chiến lược toàn cầu, tạo hiệu ứng đôminô đối với Mỹ. Do đó bảo vệ miền Nam lúc đó là quyền lợi sống còn, không những với Mỹ mà còn với với các nước tư bản khác. Nếu Mỹ lúc đó một mình không làm nổi thì sẽ có các nước khác nhảy vào như Úc, Nam Hàn... Do vậy, Cộng sản cưỡng chiếm miền Nam lúc đó là điều không tưởng, nếu không nói là dùng mạng sống của người lính miền Bắc thỏa mãn tính phiêu lưu của mình.
Nên nhớ là Tổng tấn công Tết Mậu Thân không phải do một cá nhân, Hồ Chí Minh, Lê Duẩn hay Võ Nguyên Giáp phát động mà là quyết định của Hội nghị Trung Ương lần thứ 14.Đành rằng phần lớn những ủy viên TW xuất thân từ nông dân và trưởng thành trong chiến tranh nên tầm nhìn chiến lược có phần hạn chế, thế nhưng những người đứng đầu như cụ Hồ, Trường Chinh hay Võ nguyên Giáp lại không có cái nhìn tổng thể????
Một điều không kém phần quan trọng là Cộng sản miền Bắc là nạn nhân cho chính sự tuyên truyền của họ. Bộ máy tuyên truyền luôn luôn rêu rao là đồng bào miền Nam chịu sự áp bức kìm kẹp dã man của Mỹ Ngụy và trong Chiến dịch có phần chính là kêu gọi toàn dân miền Nam nổi dậy cướp chính quyền từ tay Mỹ Ngụy. Điều trớ trêu là khi chiến sự nổ ra, đồng bào miền Nam hoặc bỏ chạy hoặc sát cánh cùng chính quyền Ngụy chống trả quân ta hết sức mãnh liệt.
Ngây thơ về quân sự thì quá rõ. Bộ đội Bắc Việt xưa cò cưa với quân đội Mỹ được là do lợi dùng địa hình rừng núi đánh kiểu du kích, đánh rút bất ngờ tập kích rồi rút. Nay phải phơi mặt ra đường phố, dùng chiến tranh hiện đại mà trang bị chỉ có AK47 và B40, vài quả đạn cối trong khi đó phía Mỹ có cả bộ máy quân sự khổng lồ, Máy bay thiết giáp hạm đội... Chưa nói muốn giải phóng tức là phải giữ được mục tiêu, tức là vấn đề hậu cần tiếp tế về người, đạn dược và lương thực. Cái này thì phía Bắc Việt hầu như là con số không. Có lẽ những nhà quân sự Bắc Việt nghĩ rằng toàn dân miền Nam nổi dậy cướp chính quyền như hồi 1945. Nhưng ở ngoài Bắc họ quên rằng người miền Nam đã có chế độ mới, họ là công dân của VNCH.
Còn về phía Mỹ, qua Sự kiện Mậu Thân đã phơi bầy sự thật với nhân dân Mỹ, cái gọi là tình hình ổn định phồn vinh của Nam VN là giả tạo mặc dù Mỹ đã tổn bao nhiêu đôla súng đạn và cả xương máu của con em họ.Và phong trào chống sự can thiệp của Mỹ vào Đông dương ngày càng dâng cao, nhiều lúc làm tê liệt cả cuộc sống bình thường nước Mỹ.
Qua Mậu Thân, tuy phía cộng sản thất bại hoàn toàn nhưng Mỹ nhận ra không thể ổn định được tình hình lâu dài và cũng không bao giờ mãi mãi dùng quân sự để ổn định được tình hình nếu không có giải pháp chính trị, tức là nói chuyện với đối phương. VÀ phía cộng sản cũng nhận ra rằng, chẳng bao giờ “Giải phóng” được miền Nam, nếu Mỹ vẫn còn đó, cuộc hội đàm Paris bắt đầu từ đó.
Chi tiết hội đàm Paris rất dài, tôi chỉ nói vắn tắt để khỏi mất thời gian các bạn. Nếu có thời gian tôi sẽ viết vào dịp khác, nó sẽ khác chứ không giống như báo chí trong nước tự sướng khi viết về cuộc Hội đàm này.
Trước hết hội đàm chỉ có Bắc VN và Mỹ , sau có thêm VN Cộng Hoà và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng Hoà miền Nam Việt nam.Khi bốn bên gặp nhau thì chỉ là cãi vả vô bổ nên Mỹ và Bắc VN thỏa thuận gặp gỡ riêng , bí mật và phía VNCH lo sợ Mỹ sẽ đi đêm với cộng sản và quả đúng như vật, và đó cũng là nguyên nhân chính cuộc rải thảm B52 vào Hà nội 1972.
Hội đàm bí mật Kissinger/Lê đức Thọ đi đến chỗ bí tắc. Phía Mỹ đòi hỏi miền Nam ổn định trung lập lâu dài và phía Bắc Việt cũng tương tự nhưng với điều kiện Mỹ phải chấm dứt hoàn toàn sự can thiệp vào VN và ngược lại, Mỹ cũng đòi Bắc Việt nam phải hoàn toàn không dính líu vào Nam VN. Phía Bắc VN một mặt giằng co trong đàm phán mặt khác gia tăng những cuộc chiến. Phía Mỹ vào thế kẹt vì một mặt bị làn sóng phản chiến trong nước, chiến tranh sa lầy tốn kém có nguy cơ tụt hậu so với Liên Xô.
Nhưng Kissinger đã tìm được lối thoát tuyệt vời cho nước Mỹ. Ních Xơn bắt tay Mao Trạch Đông ở Bắc kinh vào năm 1972. Bài toán chiến tranh lạnh tốn kém nhiều xương máu ở Nam VN được giải quyết nhẹ nhàng và còn hơn sự mong đợi của Mỹ, vừa giải được bài toán VN vừa phá tung được hệ thống XHCN. Và từ đây, MỸ quyết đinh bỏ rơi Nam VN và đương nhiên, cuộc hội đàm Paris chỉ còn là những thủ tục dể Mỹ rút lui trong danh dự và điều dẽ hiểu là tự nhiên Mỹ chấp nhận gần như hoàn toàn những gì mà Lê Đức Thọ đưa ra trước đó.
Đầu tháng 10/1972, Lê Đức Thọ và Kissinger đã thoả thuận và đồng ý một khung hiệp định và kí tắt, trong đó nêu rõ:
Mỹ sẽ rút toàn bộ quân đội và chấm dứt can thiệp quân sự ở VN, trao đổi tù binh và Mỹ sẽ bồi thường chiến tranh cho cả hai miền Nam và bắc VN. Miền Nam VN sẽ có giữ nguyên hiện trạng có hai quân đội là của VNCH và của Chính phủ cách mạng lâm thời CHMNVN, hoàn toàn không đả động đến việc rút bộ đội miền Bắc. Sẽ thành lập chính phủ miền nam VN gồm 3 thành phần: Quốc gia, Mặt trận giải phóng và thành phần thứ ba. Sẽ thành lập hội đồng tối cao hoà hợp hoà giải dân tộc.
Như vậy là phía Mỹ chấp nhận hoàn toàn yêu sách của bắc VN mà từ lúc đầu bắc VN yêu cầu, chỉ khác có điểm nhỏ là không yêu cầu Nguyễn văn Thiệu từ chức nữa. Báo chí cộng sản ca ngợi tài đám phán của Lê đức Thọ nhưng sự thực là sự thành công nằm ở yếu tố bên ngoài, đó là Mỹ đã nắm được con bài Trung Quốc và nam VN bây giờ trở thành vô nghĩa trong chiến lược của Mỹ, càng rút ra nhanh càng tốt. Và lịch sử đã chứng minh, cho đến giờ phút này, con bài TQ đã làm cho VN điêu đứng thế nào.
Kissinger bay qua Sài Gòn báo lại nội dung hiệp định cho Nguyễn văn Thiệu, nhưng bị phán đối kịch liệt. Họ cho rằng, phía Mỹ đã thoả thuận với cộng sản không bàn trước với họ, bán đứng VNCH.
Nguyễn văn Thiệu đòi sửa đổi lại hiệp định đã kí tắt, trong đó muốn ghi rõ:” Miền Nam VN là một quốc gia độc lập riêng rẽ, có chủ quyền. Vĩ tuyến 17 sẽ là biên giới quốc gia phải được quốc tế công nhận“ chứ không không phải là ranh giới hành chính tạm thời như trong hiệp định Giơ ne vơ. Qua điều đó cho ta thấy tính liều mạng của Nguyễn văn Thiệu. Có lẽ không một chính trị gia nào trên thế giới, dù điên rồ đến mấy, cũng không dám thò bút kí một hiệp định chia đôi đất nước mình ra như thế.
Khi Sài Gòn đưa những sửa đổi hiệp định ra công chúng thì bắc VN cho rằng phía Mỹ lật lọng liền công bố toàn bộ thoả thuận bí mật cho toàn thế giới biết. Kissinger và Nich xơn mắc kẹt giữa chính quyền Sài Gòn và, nhất là áp lực trước quốc hội, khi mà trước đó đã long trọng tuyên bố ”Hoà bình trong tầm tay”. Ních xơn đề nghị cử chuyên gia hai đoàn bàn thảo lại hiệp định trong đó có: Vĩ tuyến 17 là biên giới quốc gia, Rút bộ đội miền Bắc và ủy ban quốc tế giám sát ngừng bắn.
Trước những đòi hỏi như vậy nên phái đoàn Bắc Việt bỏ họp không đàm phán và cũng không đưa ra ngày gặp lại. Ních Xơn không còn thời gian nữa vì áp lực chính trị trong thượng viện vào tháng tới, nên ra tối hậu thư, trong vòng 72 giờ, Hà nội phải quay lại bàn đàm phán không sẽ hứng hậu quả nghiêm trọng. Và vị tổng thống Mỹ đã ra lệnh lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh dùng máy bay B52 rải thảm với cường độ lớn vùng đông đúc dân cư miền Bắc VN. Ở Mỹ lúc đó gọi Ních xơn là kẻ điên rồ. Trong hồi kí của mình, Kissinger viết là những ngày buồn bã nhất trong đời mình.
Cuộc rải thảm bằng B52 ở Hà nội về quân sự thì không có ý nghĩa gì. Mỹ là từng đánh phá hơn 10 năm mà không lay chuyển được đối phương thì có vài chục ngày có ý nghĩa gì. Nhưng chiến dịch Linebacker II này có ý nghĩa chính trị lớn lao, nó nhằm thuyết phục Nguyễn văn Thiệu yên tâm kí hiệp định vì chứng minh rằng Mỹ sẽ sẵn sàng dùng biện pháp mạnh, tàn bạo khi đối phương vi phạm lệnh ngừng bắn.
Khi Nich Xơn ra tối hậu thư, Hà nội đã hiểu là Mỹ làm thật và ra lệnh sơ tán toàn bộ dân ra khỏi thành phố. Quân khu thủ đô đã dùng ôtô và máy phóng thanh đi từng khu phố kêu gọi ai không có nhiệm vụ phải rời khỏi Thành phố ngay lập tức và dùng ôtô chuyên chở dân ra khỏi thành phố, một việc mà suốt cả thời gian chiến tranh chưa từng làm.
Ngày 18/12/1972, ngay từ 4 giờ chiều, Bộ tư lệnh Phòng không Không quân đã điện xuống cho các đơn vị, đêm nay có thể B52 sẽ bay vào HÀ Nội và Hải Phòng. Và ban đêm, bộ đội binh chủng ra-đa đã báo chính xác trước 25 phút: B52 đang bay vào Hà nội.
Cần phải nó lại rằng, trong cuộc chiến bằng không quân đánh phá miền Bắc, hệ thống tình báo của Bắc VN hoạt động khá hữu hiệu. Có những đơn vị bộ đội tên lửa hay pháo cao xạ ăn cơm chiều xong tự nhiên rút quân kéo pháo đi nơi khác thì y như rằng tối hôm đó chỗ đó bị máy bay Mỹ bỏ bom. Sự tác chiến khoa học bài bản của không quân Mỹ cũng bị phía đối phương lợi dụng triệt để: Trước khi lên kế hoạch cho phi vụ, thường cho máy bay trinh sát bay thám thính mục tiêu trước, do đó chỉ cần để ý lộ trình của trinh sát là biết mục tiêu nào hôm nay trong tầm ngắm. Hay sau mỗi đợt bỏ bom là máy bay trinh sát đi thị sát lại mục tiêu kết quả đánh phá, nên khi máy bay này bay qua là biết hết đợt tấn công.
Diễn biễn của trận chiến 12 ngày đêm, đề nghị các bạn xem trên mạng, rất nhiều tài liệu. Tôi chỉ viết những điều chưa ai viết để đỡ mất thời gian.
Điểm yếu của B52 là thời gian khởi động ở mặt đất rất lâu, do đó dễ bị tình báo đối phương phát hiện. Do trọng lượng nặng lại phải bay đường dài nên thùng chứa nhiên liệu rất lớn. Khi bay vào Hà nội lại vào ban đêm nên khi bị trúng tên lửa nó như một bó đuốc đốt sáng cả bầu trời, gây tâm lí khủng hoảng tinh thần rất lớn cho phi công các máy bay còn lại và ngược lại gây kích thich phấn chấn cho đối phương. Những ai ở Hà Nội những đêm đó không thể quên được cảnh bầu trời sáng rực bởi tên lửa từ khắp các hướng bay lên trên trời và từ trên trời xa thẳm, bó đuốc của B52 bị cháy rơi trùm to như một đám mây. Người HN lúc đó hoàn toàn không có cảm giác sợ sệt. Sự thành công của những người cộng sản là khôn khéo biến cuộc nội chiến thành cuộc đối đầu giữa người Việt với Mỹ, kích thích tinh thần chống ngoại xâm, nhất là dân ngoài Bắc.
Hai đêm chiến sự đầu tiên phía Mỹ bị thiệt hại ít và nhiều trận địa pháo tên lửa Bắc Việt bị phá hủy. Đây là điều dễ hiểu vì lần đầu tiên các đơn vị phòng không chạm chán với B52. Do B52 khi bay vào có hàng loạt máy bay nhỏ bay quanh bảo vệ và thả tín hiệu hoặc giấy bạc làm mục tiêu giả làm nhiễu ra đa đối phương, ngoài ra chính máy bay B52 cũng phát tín hiệu nhiễu. Hai đêm đầu không có kinh nghiệm nên không xác định đâu được đâu là mục tiêu thật nên đành bắn theo xác suất, hiệu quả rất thấp. Chưa nói phải dò mục tiêu lâu, máy bay tiêm kích Mỹ dò được sóng ra-đa trạm tên lửa, phóng tên lửa ngược lại theo sóng ra đa phá hủy trạm ra-đa tên lửa. Nhưng những đêm sau họ đã có kinh nghiệm, cách bắt mục tiêu cũng như cách tránh tên lửa của máy bay đối phương bằng cách hắt sóng ra phía sau khi rocket sắp tới gần.
Phải thừa nhận sự thật một điều, là 12 đêm đó, không quân Mỹ làm chủ bầu trời Hà nội. Xét về tỉ lệ máy bay bị bắn rơi so với lượt bay là quá thấp. Nhưng như trên đã nói, đây là chiến dịch không có ý nghĩa về quân sự cho nên những thiệt hại nhất định gây cho Mỹ những điều nhức nhối.
Nhất là về máy bay B52, được mệnh danh là pháo đài bay, bất khả xâm phạm. Mỹ chế tạo để làm vũ khí chiến lược mang bom hạt nhân. Thế nhưng khi bay vào Hà nội, chỉ gặp phải hệ thống tên lửa lỗi thời là SAM II cũng bị bắn rụng. Ngay hồi đó, nếu Hà nội có SAM 3 và SAM 4 như thành viên tổ chức Vác-Xa-Va lúc đó đang có thì khó có chiếc nào còn sống sót. Sau chiến dịch đó, Mỹ phải thay lại quan điểm dùng B52 làm vũ khí chiến lược vì quá cồng kềnh và chậm chạp, chỉ làm mồi cho máy bay đối phương khi còn chưa tới mục tiêu nếu gặp phải đối thủ tầm cỡ ngang mình. Điều đó cho thấy quan điểm phát triển vũ khí chiến lược của Liên Xô là đúng, chỉ chú trọng tàu ngầm và tên lửa chiến lược, bỏ qua máy bay ném bom.
Ngày 22/12 khi oanh toạc vẫn đang ác liệt, Ních Xơn nhắn đề nghị Hà nội nối lại đàm phán trên cơ sở những điều đã kí tắt. Hà Nội cứng rắn nói ném bom không phải điều kiện nối lại đàm phán và đồng ý quay lại khi không kích chấm dứt.
Bây giờ Ních Xơn còn vướng mắc về Nguyễn Văn Thiệu, khi VNCH cương quyết không đồng ý hiệp định đã kí tắt thì Ních Xơn đưa ra tối hậu thư, đe dọa nếu tổng thống Thiệu không đồng ý thì sẽ đi theo vết xe đổ của Ngô đình Diệm, nghĩa là sẽ bị Mỹ làm đảo chính, và vào phút trót, biết Ních xơn không nói xuông qua vụ tàn bạo man rợ rải thảm B52 vào Bắc Viêt, nên Thiệu phải chấp thuận.
Ngay lúc đó cho tới bây giờ, cả Mỹ và Bắc Việt đều giành cái lí về mình. Ních xơn tuyên bố trước quốc Hội là thắng lợi của trận oanh kích là kéo Hà nội trở lại bàn đàm phán, còn phía Bắc Việt nói, Mỹ thất bại thảm hại cho nên mới phải quay lại chấp nhận những điều đã kí tắt trước đó. Nhưng sự thật của cuộc anh kích là nhằm trấn an Nguyễn Văn Thiệu, Mỹ sẽ không nương tay nếu đối phương vi phạm hiệp định, điều đó đã được nhắc lại trong bức thư tay của Ních xơn gửi Thiệu.
Hiệp định Paris đã được kí kết vào tháng 1/1973 tại một khách sạn ở Pháp. Trước hết nó là một thắng lới lớn của Bắc VN. Trong hiệp định không có điều khoản nào ràng buộc lực lượng quân sự miền Bắc tại miền Nam do đó trong tương lai miền Bắc thả phanh chi viện cho miền Nam trong khi đó VNCH lẻ loi ở lại một mình, và sự sụp đổ của VNCH chỉ là vấn đề thời gian. Lê Đức Thọ chỉ hứa bằng miệng với Kissinger sẽ rút bộ đội miền Bắc và ngược lại, Mỹ cũng hứa bằng miệng sẽ không ủng hộ Khmer đỏ tại Cam Pu Chia (Ngay từ hồi đó đã có vấn đề Khmer đỏ mà lãnh đạo miền Bắc vẫn để xảy ra những vụ vào năm 1979 thì thật là quá yếu kém).
Ngay trong hàng ngũ lãnh đạo cộng sản cũng có ý kiến gay gắt phản đối Hiệp định Paris, họ cho rằng khi HCM và đảng cộng sản phát động chiến tranh thì mục tiêu là đánh cho Mỹ rút, Ngụy nhào thống nhất đất nước thì nay nay nghiễm nhiên công nhận Ngụy là nhà nước VNCH, đất nước vẫn chia cắt mà đã buông súng.
Câu hỏi ít ai đặt ra là Mỹ được gì qua Hiệp định Paris? Câu trả lời là Mỹ được rất nhiều. Ngoài trút được gánh nặng chiến tranh VN mà vẫn giữ được thế cân bằng chiến lược Mỹ còn bắt tay được với TQ góp phần phá tan từng mảnh phe XHCN, mở đầu cho việc kết thúc cuộc đối đầu chiến tranh lạnh nguy hiểm và tốn kém nhất nhân loại, tiến tới Toàn Cầu Hoá, mà quốc gia nào cũng được hưởng lợi như hôm nay. Khi bắt đầu can thiệp vào Nam VN, Mỹ chỉ mong muốn ổn định và kiểm soát ngặn chặn làn sóng cộng sản. Nhưng khi ra đi, cho dù toàn VN bị cộng sản hoá nhưng hệ thống XHCN đó bị Mỹ qua đi đêm với TQ, xé ra xoá sạch trong vài năm tới. Ai đã từng chứng kiến và tham dự cuộc đàm phán thì đều nói rằng, Kissinger và Lê Đức Thọ đều không xứng đáng được nhận giải thưởng Nobel về Hòa Bình, cả hai chỉ là những tên lính đánh thuê của hai hệ thống. Người mà xứng đáng nhận giải Nobel về hoà Bình là Ních xơn và Mao trạch Đông, cho dù cả tay của hai người đều vấy máu nhân loại, cho dù về quyền lợi quốc gia ích kỉ, nhưng đã dám gạt bỏ ý thức hệ nặng nề, dám vượt qua sức cản của cả hai hệ thống để bắt tay nhau, phá tan chiến tranh lạnh, mở đường cho thế giới chung sống hoà bình trong thời đại toàn cầu hoá như ngày hôm nay.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"