Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

Ở Việt Nam ít người biết Triết thật sự là gì

Phong Uyên
Ở Việt Nam có 2 thứ Triết: Triết học của Đảng và Triết lý của dân. Ít người biết Triết thật sự là gì!
Từ 75, môn Triết dạy ở bậc trung học miền Nam bị bãi bỏ, toàn quốc không ai biết triết học thật sự là gì ngoài cái gọi là triết học Mác-Lênin được Đảng tạo ra từ những khái niệm nằm trong triết lý của Marx (Marx's philosophy) đã bị tráo nghĩa. Triết học trở thành môn học của Đảng về chủ nghĩa Mác-Lênin. Trái lại, những suy nghĩ vụn vặt trong cuộc sống thường ngày được biến thành những "triết lý", gọi chung là Triết lý của người dân.
Cả hai từ ngữ đều làm sai lạc nghĩa của Triết, thậm chí phản lại Triết.
Vậy Triết thật sự ở đâu tới và là gì? Triết học và Triết lý có khác nhau không? Triết có tác động gì đến xã hội từ trước tới nay? Lý do gì cần phải học Triết?
Tôi xin thử trả lời (với trình độ hiểu biết về Triết của một người chỉ có bằng Tú tài Triết):

Triết khởi nguồn từ đâu?
Triết là một Từ Hán được dùng để dịch từ Philosophia tiếng Hi Lạp. Philosophia xuất xứ từ Hi Lạp cách đây 2600 năm (thế kỷ thứ VII tr. CN). Có nhiều học giả còn cho Philosophia bắt nguồn từ kinh Vệ Đà Ấn Độ cách đây 3000 năm, được truyền qua Phương Tây theo gót chân người Ấn-Âu. Những học giả này đưa ra bằng chứng là trong triết lý nhà Phật có nhiều điểm tương đồng với triết lý của các nhà hiền triết Hi Lạp như Héraclite, Socrate, Platon, cùng thời.
Philosophia là một sản phẩm trí tuệ đặc biệt của Tây phương nên Từ "Triết" trong chữ Hán (có nghĩa là "Trí đức") không lột được hết nghĩa của Philosophia.
Nghĩa của Từ nguyên Philosophia:
Philosophia gồm 2 phần: Philos = yêu thích, Sophia = sự hiểu biết (savoir). Sự hiểu biết đem lại hiền minh đức độ (la sagesse). Người yêu sự hiểu biết (le philosophe) cũng là người hiền minh đức độ. Tiếng Hán hiểu "philosophe" theo nghĩa này nên coi các triết gia thời thượng cổ Hi Lạp là những nhà hiền triết, những bậc hiền minh.
Thời thượng cổ Hi Lạp, Philosophia không phải là một môn học mà là một từ ngữ chỉ chung mọi hiểu biết bằng lý trí (Raison).
Đó là điểm khác biệt cốt yếu giữa Triết và đạo giáo: Triết dùng lý trí để tìm hiểu, suy luận, tạo ra những lý thuyết. Đạo giáo dùng trực giác và đức tin, đặt ra những giáo điều.
Theo triết gia Hi Lạp Héraclite (thế kỷ thứ VI tr. CN) Pythagore (người làm ra bản cửu chương và định lý hình học mang tên Pythagore), triết gia cùng thời với Héraclite, là người đầu tiên tự cho mình là "Philosophe".
Đa số các triết gia thời Thượng cổ cũng là những nhà toán học và Vật lý học (học về vũ trụ và tự nhiên). Sở dĩ như vậy là vì chỉ những nhà toán học mới biết vận dụng lý trí (Raison) và biết dùng phương pháp suy luận gọi là lô gic (Logique), được sử dụng trong toán học để tìm hiểu những nguyên lý của vũ trụ và nhân sinh.
Lấy một vài thí dụ:
Héraclite đưa ra thuyết (théorie) vạn vật biến chuyển, căn cứ vào những định lý toán học, hình học của Thalès, của Pythagore.
Leucippe, Démocrite (thế kỷ thứ V tr. CN) là những người đầu tiên đưa ra thuyết nguyên tử (atomisme): mọi vật, kể cả tinh thần, đều được cấu tạo từ những hạt nhỏ nhất không thể phân ra được nữa, gọi là nguyên tử. Thuyết duy vật có từ thời đó, đối chọi với thuyết Duy ý của Platon (Idéalisme, Tàu dịch Duy tâm không đúng nghĩa). Phải đợi đến cuối thế kỷ thứ XIX Rutherford mới chứng minh được sự cấu thành của các nguyên tử.
Nói tóm lại: ở thời Thượng cổ Hi Lạp, Triết bao gồm mọi hiểu biết đến từ những suy luận bằng lý trí nên gồm cả toán học và vật lý học.
Truyền thống các nhà toán học cũng là các nhà triết học, được tiếp tục cho tới những thời đại sau này với các triết gia như Descartes, Pascal, Leibniz và ngay thời cận đại, với Auguste Comte, Bergson...
Khoa học, chỉ tách khỏi Triết từ thế kỷ thứ XVIII, được tạo ra với mục đích tìm những quy luật chứng minh những lý thuyết triết học. Không có Triết thì không có khoa học. Khoa học càng tiến triển bao nhiêu thì càng cần được dẫn dắt bởi triết học bấy nhiêu. Thậm chí triết học tạo riêng một ngành để luận về khoa học gọi là Epistémologie (khoa phản biện khoa học).
Triết học với triết lý, triết gia và nhà triết học, có khác nhau không?
Theo học giả Đào Duy Anh (trong cuốn Hán - Việt Từ điển có chua tiếng Pháp sau mỗi định nghĩa), "Triết học" và "Triết lý" đồng nghĩa và chỉ là 2 cách dịch Từ "Philosophie". Triết học gia (nhà triết học) và triết gia (triết nhân) cũng chỉ là 2 cách dịch Từ "Philosophe":
- Triết học: thứ học vấn nghiên cứu về nguyên lý của vũ trụ và nhân sinh (philosophie)
- Triết lý: Đạo lý về triết học (philosophie)
- Triết học gia (philosophe): người nghiên cứu triết học.
- Triết nhân (sage, philosophe): người hiền trí
Tôi xin bàn thêm:
  • "Lý" trong "Triết lý" có 2 nghĩa : "lý trí" và "đạo lý" (hiền minh). Cả 2 nghĩa đều nằm trong Từ gốc "sophie" của Philosophie.
  • Gọi người nghiên cứu, giảng dạy triết lý là triết học gia (hay nhà triết học) là đúng. Nhưng để phân biệt với những vị đã tạo ra những lý thuyết về Triết như Platon, Socrate, Aristote, Descartes, Leibniz, Kant, Hegel, Marx, Heidegger, Sartre... , nên gọi các vị này là các nhà hiền triết, các triết gia. Thí dụ: Triết gia Trần Đức Thảo, (người đã đưa ra một lý thuyết dung hòa Hiện tượng luận với Duy vật biện chứng). Nhà triết học Nguyễn Hiến Lê (người nghiên cứu Triết học Trung Quốc)...
  • Nên dành "Triết nhân" khi muốn dịch "philosophe" theo nghĩa bóng.
Những định nghĩa về Triết và công việc của triết gia:
Tôi xin nhắc lại định nghĩa nguyên thủy của Triết:
Tất cả những hiểu biết đến từ sự vận dụng lý trí
Và xin trích dịch một định nghĩa của Triết trong cuốn Từ điển Le Petit Robert (ấn bản 2012) tiếng Pháp:
Toàn bộ những nghiên cứu, những tìm tòi, nhằm mục đích hiểu biết những nguyên nhân đầu tiên, thực tại tuyệt đối, cũng như những giá trị căn bản của con người và sự đối mặt với những vấn đề ở độ tổng quát nhất của nó.
Trong cuốn "Triết lý là gì", triết gia Pháp, Gilles Deleuze giải thích: một khái niệm triết (concept) như Thực thể (substance) của Aristote, Cogito (tôi tư duy vậy thì tôi tồn tại) của Descartes, Đơn từ (Monade) của Leibniz..., không phải là một sự đúng hay sai, mà là ý nghĩa của nó. Đặc tính của một triết gia nằm trong hoạt động khái niệm hóa và tạo ý nghĩa. Cũng vì vậy hoạt động tạo ý nghĩa của Triết khác hẳn với hoạt động của khoa học (có chức năng tạo ra những dữ liệu để dự báo và làm chủ kỹ thuật) và khác với hoạt động của mỹ thuật (có chức năng tạo ra những cảm xúc).
Nói tóm lại: đặc tính của Triết là sáng tạo những khái niệm để có thể hiểu được thực tại, để có thể phân biệt được các khách thể (objets) với nhau và phân tích nó. Nhưng đồng thời các khái niệm cũng cần được phân tích, kể cả tính chất nhập nhằng (ambiguités) của nó, thường đi đôi với sự nhập nhằng của ngôn từ (như khi Aristote luận về những nghĩa khác nhau của Từ Công lý).
Để làm công việc đó, mỗi một triết gia là một nhà tư tưởng tự giới hạn địa hạt hoạt động của mình và tự kiếm những phương pháp thích ứng để phân giải những vấn đề mình muốn làm sáng tỏ. Một triết gia tự cho mình quyền có hoàn toàn tự do trong công việc của mình.
Còn một đặc trưng nữa của Triết là phản biện mọi hiểu biết kể cả những hiểu biết của triết học. Phản biện vai trò của Triết cũng là một suy nghĩ triết học.
Triết có tác động gì đến các xã hội đương thời?
Các nhà hiền triết từ thời Thượng cổ Hi Lạp cho đến thế kỷ thứ XVIII tự cho mình có nhiệm vụ phải khai sáng xã hội ngõ hầu thay đổi những truyền thống, phá bỏ những thành kiến:
Socrate cho sự ngu tối (Phật gọi là vô minh) là nguồn gốc của mọi điều ác nên muốn mọi người phải tự biết mình để biết phân biệt những điều thiện với những điều ác.
Platon cho người công dân có quyền chỉ làm bổn phận đối với nhà nước khi hiểu vì sao mình phải làm bổn phận đó.
Aristote cho sự hiểu biết là nền móng của sự liên đới giữa người với người và với vạn vật.
Các triết gia thế kỷ thứ XVIII (Montesquieu, J.J Rousseau, Voltaire, Diderot...) cũng tiếp tục truyền thống các nhà hiền triết Hi Lạp khi đưa ra những ý tưởng khai sáng và biết vận dụng lý trí để phê phán thực tại hàng ngày trong đủ mọi lãnh vực, khoa học, tôn giáo cũng như chính trị (Thí dụ: đưa ra nguyên tắc Tam quyền phân lập). Chính những tư tưởng của các nhà Khai sáng Pháp đã là nguồn cảm hứng của Cách mạng Mỹ và Cách mạng Pháp.
Quan hệ giữa xã hội và các triết gia không mấy khi tốt đẹp. Các triết gia thường bị xã hội thủ cựu ruồng bỏ, chính quyền và đạo giáo đàn áp. Xin kể lại một vài sự kiện:
- Năm 432 tr. CN: Anaxagore bị đuổi khỏi thành Athenes vì bị kết tội vô thần;
- Năm 399 tr. CN: Socrate bị tuyên án tử hình vì bị kết tội làm hủ hóa thanh thiếu niên và không kính trọng các thánh thần;
- Năm 529: Hoàng đế Justinien theo Ki tô giáo, cấm không được dạy Triết (cho là ngoại đạo) ở Athenes. Khi đó có nhiều triết gia phải trốn qua Syrie và Liban. Nhiều tác phẩm triết học được dịch ra tiếng Ả Rập ngay từ thời đó.
- Năm 1600: Giordano Bruno bị lên giàn hỏa vì bị kết tội chối bỏ Chúa Ba ngôi, nhạo báng Chúa Ki Tô và chối bỏ Đức mẹ đồng trinh;
- 7 tháng Hai 1752: Ở Pháp, cuốn Bách khoa Toàn thư của Diderot bị kiểm duyệt vì dám đặt lại vấn đề những nền tảng của hệ tư tưởng xã hội thời đó;
- 1849: Karl Marx bị đuổi khỏi Cologne vì viết bài có tính cách phản loạn.
Lí do gì cần phải học Triết?
Để trả lời câu hỏi, tôi thấy chỉ cần đưa ra dưới đây quan điểm của UNESCO về sự cần thiết phải phổ biến sự học Triết:
Tổ chức Giáo dục Khoa học Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) từ khi mới được thành lập luôn luôn coi trọng Triết học và cho Triết học là cánh cửa đi đến Dân chủ và Hòa bình. Tháng Hai năm 1995, các nhà tư tưởng, các nhà triết học, của nhiều nước trên thế giới họp ở Paris dưới sự bảo trợ của UNESCO, cho ra đời một bản Tuyên ngôn về Triết học gọi là Tuyên ngôn Paris cổ võ Triết học (Déclaration de Paris pour la Philosophie), có tầm quan trọng ngang với bản Tuyên ngôn Phổ quát nhân quyền của Liên Hiệp quốc năm 1945. Tôi xin trích dịch những đoạn chính trong bản Tuyên ngôn:
Chúng tôi, những người tham dự Ngày quốc tế nghiên cứu "Triết học và Dân chủ trên Thế giới" do UNESCO tổ chức ở Paris ngày 15 và 16 tháng Hai 1995,
nhận xét là hoạt động triết học, không ngăn cấm quyền tự do phát biểu bất cứ ý kiến nào, luôn luôn cố gắng làm rõ ràng những định nghĩa của những khái niệm được thể hiện..., cho phép mỗi người có thể tự có những suy nghĩ riêng,
nhấn mạnh Triết học mở rộng trí óc, ý thức trách nhiệm dân sự, sự thông cảm, sự khoan dung giữa những cá nhân và giữa những tập đoàn,
khẳng định sự học Triết, khi tạo ra những bộ óc có tự do và biết suy nghĩ, có khả năng chống chọi được với mọi hình thức tuyên truyền, cuồng tín, độc chiếm, cố chấp, góp phần vào sự xây dựng hòa bình và sửa soạn cho mỗi cá nhân biết giữ trách nhiệm của mình trước những câu hỏi lớn của thời đại, nhất là trong lãnh vực đạo đức,
nhận định là sự phát triển của suy nghĩ triết học, trong giáo dục và trong đời sống văn hóa, đóng góp một cách rất lớn cho sự đào tạo những người công dân có khả năng biết xét đoán, khả năng này là thành phần cơ sở của tất cả mọi nền dân chủ
vì vậy, cùng với sự cam kết thực hiện tối đa những mục tiêu trên, trong phạm vi quyền hạn được ấn định bởi thể chế của chúng tôi và của mỗi nước chúng tôi, chúng tôi tuyên bố:

- Giảng dạy Triết học phải được bảo tồn và mở rộng ở những nơi đã có, phải được tạo ra ở những nơi chưa có và phải được gọi rõ ràng là "Triết học";
- Hoạt động triết học cũng là tự do suy nghĩ, không thể coi bất cứ một sự thật nào như một thành quả bất biến và phải tôn trọng lập trường của mỗi người. Nhưng trong bất cứ trường hợp nào, trừ khi tự phủ định chính mình, Triết học có thể chấp nhân những chủ thuyết chối bỏ tự do tự do của người khác, nhạo báng nhân phẩm và tạo ra sự tàn bạo.
Kết luận
Việt Nam có chân trong UNESCO, đã có khi nào những vị "nhà giáo nhân dân" suốt ngày ra rả hét về triết học triết lý giáo dục, nghĩ đến chuyện phải tái lập môn học Triết theo nghĩa của UNESCO chưa? Chỉ khi mọi học sinh sinh viên Việt Nam được học Triết thật sự và trả lại cái môn "Sáng kiến vĩ đại Triết học Mác-Lênin - Kinh tế học chính trị Mác-Lênin" cho Stalin, thì mới có hi vọng sẽ lé loi một chút ánh sáng của Dân chủ Tự do.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"