Đoàn Hưng Quốc
Chiến cuộc tại dải Gaza bùng nổ vào giữa tháng 11 đúng vào dịp Tổng
Thống Obama và Ngoại Trưởng Clinton công du sang Á Châu dự Phiên Họp
Thượng Đỉnh ASEAN. Ngày giờ trùng hợp giữa hai sự kiện quan trọng này
không thể là ngẫu nhiên, và dù không biết chắc các tính toán trong hậu
trường nhưng vài giả thuyết có phần hợp lý đã được nêu lên.
Obama là vị Tổng Thống duy nhất công du sang Đông Á ngay sau khi đắc cử thay vì chọn đi Âu Châu hay Trung Đông theo thông lệ [1].
Điều này tiếp tục khẳng định chủ trương hiện thời của chính quyền Obama
nhằm chuyển đổi trọng tâm chiến lược sang Thái Bình Dương. Nhưng nhiều
đồng minh của Hoa Kỳ – trong đó có Do Thái và Tây Âu – e ngại rằng họ sẽ
mất dần ảnh hưởng trong chính sách ngoại giao mới này nên không khỏi có
những chuẩn bị đối phó.
Riêng đối với Do Thái thì Trung Quốc hoàn toàn không là mối đe doạ chiến lược.
Trái lại đối với nhiều nhà tư bản Âu-Mỹ gốc Do Thái chính là cơ hội
khổng lồ để làm ăn buôn bán với một thị trường đang lên nên không thể bị
cản trở bởi những tranh chấp chính trị. Mặt khác, Do Thái cần sự chú ý
tuyệt đối từ Hoa Kỳ để bảo vệ nền an ninh nhất là trong hoàn cảnh Trung
Đông vô cùng bấp bênh, và quan điểm chuyển trọng tâm chiến lược của
Obama là thái độ sao lãng đầy nguy hiểm.
Dựa trên phân tích này thì việc Do Thái khơi động chiến sự tại dải
Gaza có thể để nhắc nhở đối với Obama rằng Hoa Kỳ không thể đặt nhẹ
Trung Đông để chuyển trọng tâm chiến lược sang Châu Á.
Nội các Netanyahu hạ lệnh thanh toán tư lệnh Ahmed al-Ja‘abari ngày
14 tháng 11 dù biết chắc rằng nhóm Hamas sẽ trả đủa tức thời bằng quân
sự. Chiến cuộc dải Gaza bùng nổ ngay sau đó và chiếm hàng tít đầu trên
báo chí Hoa Kỳ trước khi Obama đến Thái Lan rồi sang Cam-Bốt dự Thượng
Đỉnh ASEAN. Kết quả là dân chúng Mỹ biết nhiều đến việc Ngoại Trưởng
Clinton vội vã sang Trung Đông để chấm dứt tranh chấp mà không ai biết
rằng Tổng Thống Obama đã sang Đông Nam Á để nói và làm gì – ngoài trừ
các bài tường thuật khá đầy đủ về chuyến viếng thăm lịch sử sang Miến
Điện.
Chiến sự giữa Do Thái và Hamas có thể sớm muộn gì cũng xảy ra do tình
trạng căng thẳng kéo dài, nhưng ngày tháng khai mào tranh chấp hoàn
toàn nơi Do Thái chủ động nên không khỏi trở thành nghi vấn.
Cho đến nay các lập luận phản đối việc Hoa Kỳ chuyển trọng tâm chiến
lược sang Thái Bình Dương tuy có nhưng không mạnh mẽ như trong giai đoạn
chống chiến tranh Việt Nam. Có vài lý do để giải thích cho việc này:
1. Sách lược mới còn đang khởi động nên hệ lụy đối
với vùng Trung Đông và Tây Âu chưa rỏ ràng, trong khi khu vực dầu hoả
vẫn tiếp tục là huyết mạch cho nền kinh tế của Hoa Kỳ và toàn cầu[2]
2. Tại Á Châu Mỹ hiện không bị sa lầy và chi phí quá
nhiều tiền của cùng nhân mạng như trong chiến tranh Việt Nam, nên chưa
là mối quan tâm cho Do Thái.
3. Tại Trung Đông cũng không nhất thiết cần Hoa Kỳ
phải tăng cường hiện diện quân sự – nhất là sau chiến tranh Iraq – ngay
trong lúc này vì sẽ tạo ra chống đối và căng thẳng.
4. Sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến các
đồng minh quan trọng khác của Mỹ như Nam Hàn, Nhật, Đài Loan, Úc vốn là
những nền kinh tế hàng đầu trên thế giới. Khu vực Á Châu có thể qua mặt
cả Âu -Mỹ nên không thể nào sao nhãng được nữa.
Giả sử trong trường hợp căng thẳng gia tăng dẫn đến một cuộc chạy đua
vũ trang tốn kém giữa Mỹ-Hoa giống như dưới thời Chiến Tranh Lạnh, làm
ảnh hưởng đến mậu dịch toàn cầu và khiến Hoa Kỳ bị chi phối bên ngoài
Trung Đông hay Tây Âụ. Khi đó người ta có thể thấy phối hợp vận động của
Trung Quốc với các thế lực lớn trong chính trường Mỹ nhằm “không chuyển
trục”.
© Đoàn Hưng Quốc
© Đàn Chim Việt