Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

20/11 này, thầy Định bước ra vành móng ngựa

Gió Lang Thang
Gió Lang Thang (Danlambao) - 20/11 này, thầy Định lên vành móng ngựa, bao thế hệ học trò thầy chắc co đứa biết, đứa không. Những đứa học trò trên dòng đời tha hương sinh sống. Những đứa học trò trên giảng đường ngây ngô nét mặt. Chắc vẫn có người biết. Ngày nhà giáo năm nay, cũng như năm trước, lần thứ hai rồi, thầy chẳng thể nhận được hoa.
20/11 này, thầy lên vành móng ngựa, những bài giảng của thầy chắc đứa nhớ đứa quên. Những bài giảng cân bằng phương trình môn Hóa. Những bài học về làm người, về loài cây đứng thẳng. Chắc vẫn còn người nhớ. Hơn một năm trong tù, thầy vẫn rất ngậm ngùi về lời giảng ngày xưa. Đất nước này, không có chỗ cho loài cây ấy, loài cây không bao giờ tự cúi rạp dẫu trước bão táp, phong ba.

Đúng rồi thầy ạ. Họ đã chọn để đất nước này thành một đất nước nhục nhã, ươn hèn và xót xa. Họ đã tự cho mình cái quyền được thay cả một dân tộc gần 90 triệu người chọn lựa. Họ đã biến đất nước này thành nơi họ thoải mái vui chơi, tranh giành đấu đá, tham nhũng kiếm tiền và ban phát ơn trên. Họ bắt cả dân tộc đói nghèo chạy vạy từng bữa ăn này phải gánh nợ đầm đìa cho những giấc mơ ngột hứng và bệnh hoạn của họ. Họ thích thú bắn lên rực trời những dàn pháo hoa lung linh mà chả biết ở dưới gầm cầu Sài Gòn những đứa trẻ ăn xin đang nằm ngủ. Họ bắt cả dân tộc này phải câm nín khi Tổ quốc bị xâm lấn từng ngày bởi bầy giặc hung hãn, bầy giặc mà họ nhận làm “anh em”. Họ để dành cho người anh của họ một nửa thác Bản Giốc đẹp như thiên đàng, một ải Nam Quan đầy hiển hách, một dải rừng bạt ngàn xứ cao nguyên khai thác quặng... nhiều lắm, nhiều lắm nữa; và để dành cho đất mẹ này những nỗi đau.
Em biết thầy đau lắm khi đọc những lời thầy viết. Thầy đau lắm khi dân tộc này qua bao năm chiến tranh rồi mà vết thương còn hằn sâu nhức nhối, bởi vì “Cuối cùng người đồng bào, con lạc cháu hồng đã tàn sát lẫn nhau vì ý thức hệ không phải của mình mà sự tàn sát còn đẫm máu hơn, bảo vệ say sưa hơn ở các dân tộc khởi xướng ra nó, thảm bại thay!”(*). Thầy đau lắm khi những cánh rừng Tây Nguyên bạt ngàn bị xẻ thịt không thương tiếc để thực hiện một dự án Bauxite vĩ cuồng trên chính nơi thầy sinh sống. Thầy đau lắm khi trước mặt thầy là một đất nước nghèo nàn, trì trệ, quan liêu, tham nhũng kinh hoàng. Thầy nghĩ gì khi trí thức, hiền tài “nguyên khí của quốc gia” thờ ơ, lãnh đạm với tình trạng của đất nước. Tất cả đẩy đất nước vào rối ren, hỏng hóc toàn diện, một nền đạo đức xã hội, đạo lý băng hoại. Một đất nước què quặt và bệnh hoạn.Thầy đã tâm huyết với những trang viết của mình như muốn góp một phần để mong muốn đất nước này thay đổi. Những thay đổi gấp gáp để tránh đi tới tình trạng tệ hại khốn cùng của dân tộc, đưa đến thêm một cuộc tự tàn sát nhau đẫm máu của dân tộc này.
Không thầy ạ. Ở dưới chế độ này, chúng ta không được quyền nói, chỉ được quyền nghe và làm. Thầy, cũng như nhiều người khác, đã và vẫn đang phải ngồi tù, bắt bớ, hành hạ vì một lòng yêu nước cháy bỏng nồng nàn ấy. Họ, cũng như thầy, đã chọn làm một loài cây đứng cây đứng thẳng, hiên ngang giữa những phong ba, cường quyền và hèn hạ.
Em không rõ những học trò nghĩ gì về thầy. Cũng không rõ những đồng nghiệp, nhà giáo đang đào tạo ra những thế hệ tương lai nghĩ gì về thầy nữa. Cũng có thể, họ bận bịu vì phải đi dạy thêm kiếm tiền, phải lo toan cho cuộc sống cá nhân để có thời gian suy nghĩ về những điều như thầy. Riêng em, dù chưa nhận lời giảng nào từ thầy, cũng xin tôn kính gọi thầy là thầy. Ngày 20/11 sắp tới, ngày nhà giáo Việt Nam, cũng là ngày thầy ra tòa phúc thẩm sau cái án sơ thẩm 6 năm vì cái điều 88 Luật hình sự cực ký hèn hạ, đốn mạt và vô lý. Xin gửi tới thầy một lời tri ân và trân trọng.
Gió Lang Thang
11/11/2012

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"