Ben Bland
Diên Vỹ chuyển ngữ
Diên Vỹ chuyển ngữ
Những tấm băng rôn đỏ và vàng của nhà nước với khẩu hiệu
“Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm,” đang che phủ trung tâm Hà
Nội.
Như mọi công dân trong những quốc gia độc đảng, đa số người dân Việt
Nam đã tự có được một kỹ năng bỏ ngoài tai những khẩu hiệu tuyên truyền
khi họ rồ những xe gắn máy đầy rẫy trên đường phố để tiềm kế mưu sinh,
ổn định hoặc làm giàu hơn nữa. “Liệu Đảng đang thực sự tìm cách gửi
thông điệp đến người dân hay chỉ đang tìm cách trấn an bản thân mình?”
một học giả người Việt châm biếm, như đa số người dân trong chế độ công
an trị này, ông không dám công khai phát biểu về tương lai của những
người lãnh đạo tự bổ nhiệm của quốc gia này.
Đúng là giới lãnh đạo Việt Nam gần đây cần phải lo lắng. Sau giai
đoạn tăng trưởng kinh tế lâu dài (trên 7% mỗi năm) vốn vừa chấm dứt vào
năm 2008, nền kinh tế đang suy thoái, bị kềm chế bởi những bong bóng lạm
phát, nạn chảy máu vốn đầu tư, sự sụp đổ của hai doanh nghiệp nhà nước
lớn và những món nợ xấu đang tồn tích trong lĩnh vực ngân hàng.
Trong cơn nóng vội hối hả đầu tư tại Việt Nam khi nước này chuẩn bị
tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2007, giới đầu tư nước
ngoài đã bỏ qua những yếu điểm về cơ chế như nạn tham nhũng tràn lan,
lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước cồng kềnh nhưng đầy quyền lực chính trị,
và sự thiếu vắng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, y tế và giáo dục. Với đa số
các nhà kinh tế dự đoán rằng Việt Nam sẽ vất vả để giữ mức tăng trưởng
hơn 5% trong tương lai gần -- không đủ nhanh để hấp thu hết giới trẻ vào
lực lượng lao động -- giờ đây thì chẳng ai tảng lờ những khó khăn này.
Thật thế, thời điểm của sự suy thoái chẳng thể nào tồi tệ hơn: Những nền
kinh tế đang nổi lên ở Đông nam Á, bao gồm Indonesia và Philippines,
dường như đang năng động hơn, trong khi Miến Điện lộ diện từ bóng tối để
tìm cách kết nối với kinh tế toàn cầu sau nhiều thập niên cách ly và
đình trệ.
Mọi người, từ cố vấn chính phủ cho đến giới đầu tư nước ngoài đều
biết thứ cần có để đưa nền kinh tế quay lại giai đoạn phát triển. Hà Nội
phải chấm dứt việc cung cấp giấy phép độc quyền, tín dụng rẻ, và những
ưu tiên khác cho các doanh nghiệp nhà nước và những doanh nghiệp tư nhân
quen biết. Lĩnh vực ngân hàng phải được tái cấp vốn và được hỗ trợ đầy
đủ để rót vốn vào các doanh nghiệp nào có triển vọng tốt nhất. Và chính
quyền phải thật sự nghiêm túc trong việc ngăn chặn tham nhũng, vốn có
mối quan hệ tương tác với những vấn nạn khác. Trở ngại là điều này cần
nhiều hơn là việc giới kỹ trị chỉnh đốn lại chính sách, và Đảng Cộng
sản, một tổ chức đầy bí mật và mang tính dòng dõi, thì không phải là một
guồng máy đầy hứa hẹn cho những cải cách trên.
Dư luận ở Việt Nam (cùng với tầng lớp blogger đa số ẩn danh và ngày
càng chỉ trích chính quyền nhiều hơn), đã đổ hầu hết những khó khăn của
đất nước trước ngưỡng cửa của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Những nhà chỉ
trích trong Đảng, giới ngoại giao nước ngoài, và các nhà học giả đều cho
rằng Dũng đã thâu tóm quá nhiều quyền lực cho vị trí của mình, loại bỏ
phương cách lãnh đạo đồng thuận của Bộ Chính trị, cơ quan lãnh đạo tối
cao gồm 14 thành viên của Đảng. Điều quan trọng hơn nữa là họ đã cáo
buộc rằng Dũng đã sử dụng ảnh hưởng quá lớn của mình để hỗ trợ cho đàn
em và điều khiển hoạt động của những tập đoàn doanh nghiệp và các ngân
hàng nhà nước đầy quyền lực, vốn đã phung phí quá nhiều tiền của và là
vật cản tăng trưởng.
Khi uỷ ban trung ương Đảng họp kín gần đây (như mọi lần) để rút ra
phương cách giải thoát, đã có nhiều dự đoán (và ước vọng) rằng Dũng sẽ
bị cách chức. Nhưng cuối cùng, Đảng đã chọn một giải pháp kinh điển “lay
hoay gỡ rối”. Đảng đã phê bình Bộ Chính trị và, cụ thể là “một đồng chí
trong Bộ Chính trị” -- được dư luận rộng rãi đồn là Dũng, vì đã mắc sai
lầm trong quản lý kinh tế. Nhưng Đảng đã quyết định không kỷ luật họ,
tránh “lực lượng thù địch” lợi dụng cơ hội để “bóp méo và phá hoại đất
nước.”
Trong khi các nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng thừa nhận rằng mối đe doạ
cho sự sống còn của Đảng trước hệ quả kinh tế thảm hại, nạn tham nhũng
lan tràn, và sự tăng vọt trong những tranh chấp về đất đai và lao động,
họ thấy rõ rằng mối đe doạ về trách nhiệm còn nghiêm trọng hơn. Vì thế,
chẳng có gì ngạc nhiên, khi kinh tế gặp khó khăn và căng thẳng xã hội
dâng cao, thì Bộ Công an đầy quyền lực đã tăng cường đàn áp những người
chống đối. Trong số chục người bị bắt giữ và bỏ tù gần nhất trong năm
nay vì những cáo buộc mơ hồ “tuyên truyền chống phá nhà nước” bao gồm
hai nhạc sĩ và một sinh viên ham học, người trên blog của mình có đăng
bức ảnh cô đang ôm một chú gấu nhồi. Trong thời kỳ chuẩn bị gia nhập vào
Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2007, Việt Nam đã ứng xử rất đúng đắn
trong lĩnh vự nhân quyền, thuyết phục các nhà ngoại giao Hoa Kỳ và những
người khác rằng họ cam kết tôn trọng quyền tự do ngôn luận và tín
ngưỡng một cách mạnh mẽ hơn. Nhưng cũng theo những nhà ngoại giao Hoa Kỳ
trên, hoa nở rồi tàn, giờ đây họ đang miễn cưỡng lên án một Việt Nam mà
họ từng ra sức mời gọi như là một phần của chính sách “chuyển hướng”
của Hoa Kỳ nhằm quay lại châu Á để đối trọng với một Trung Quốc đang
lên.
Nạn đàn áp không giới hạn trong giới phản kháng chính trị. Nhà cầm
quyền Việt Nam đã đang bận rộn điều tra những giám đốc của các doanh
nghiệp nhà nước và ngân hàng, vốn bị mọi người đổ tội cho sự trì trệ
kinh tế. Trong số những người bị cáo buộc hoặc tuyên án là những giám
đốc của Vinashin và Vinalines, hai công ty hàng hải khổng lồ đã bị sụp
đổ sau khi tạo ra hàng tỉ Mỹ kim nợ; Nguyễn Đức Kiên, người sáng lập
Ngân hàng Thương mại Á châu (ACB - ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam)
và là một trong những tài phiệt nổi tiếng nhất nước, và Trần Xuân Giá,
cựu bộ trưởng đầu tư và chủ tịch hội đồng điều hành của ngân hàng ACB
nói trên.
Hàng loạt giới cao cấp bị bắt giữ đã truyền một làn sóng làm rung
động giới kinh doanh ở Việt Nam, địa phương lẫn nước ngoài. Tình trạng
lại quả, hối lộ, và gian lận kế toán đã trở thành hệ thống ở Việt Nam,
và không chỉ trong những công ty trong nước. Thật thế, trong khi nhiều
người bị bắt giữ vì nghi ngờ tội ác kinh tế đã biến mất trước công
chúng, và tin đồn về ai sẽ bị bắt kế tiếp, một số giám đốc cao cấp đã
cảm thấy bắt buộc phải xuất hiện trước công cộng để chứng minh rằng họ
chưa bị dính lưới.
Trong nỗ lực nhằm hồi phục hình ảnh Việt Nam như một thị trường mới
nổi thành công, một số nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức viện trợ quốc tế
đã nhấn mạnh rằng những vụ bắt giữ này là dấu hiệu trấn an rằng Đảng
đang tìm cách tái lập trật tự. Nhưng điều này hơi cường điệu: Như nhà
chính trị học Martin Gainsborough (người viết rất nhiều về đất nước này)
đã lập luận, việc thanh trừng hối hộ ở Việt Nam thường liên quan đến
những tranh chấp nội bộ trong một hệ thống vốn được vận hành bởi sự bảo
kê hơn là bởi chính sách.
Trung Quốc cũng đang đối diện với tình trạng cấp bách nhằm chống lại
tham nhũng và tái cơ cấu nền kinh tế. Nhưng, bỏ qua những tình tiết
chung quanh vụ Bạc Hy Lai cũng những những phẫn nộ gần đây đối với sự
giàu có của những nhà lãnh đạo tối cao, những người Cộng sản Trung Quốc
đã chứng tỏ rằng họ đã lão luyện hơn trong việc tự đổi mới bản thân mình
để đáp ứng với thời đại mới hơn so với những đồng chí người Việt.
Richard McGregor, cựu giám đốc chi nhánh Bắc Kinh của tờ Financial
Times đã kết luật rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hoá thân thành một
mạng lưới tinh tuyển kiểu Ivy League (mạng lưới một nhóm trường Đại học
danh tiếng ở Hoa Kỳ - ND) dành cho những ai muốn tiến thân. Ngược lại, ở
Việt Nam, Đảng và chính phủ đang bị chảy máu nguồn tài sản quí báu nhất
của mình. Hàng ngàn nhân viên trẻ bỏ việc vì thất vọng trước lương thấp
và hệ thống giai tầng cổ hủ. Hệ tư tưởng thực sự chứ không phải những
khẩu hiệu nhàm chán, thì rõ ràng không hiện hữu ở Việt Nam.
Nhiều nhà quan sát muốn nói rằng các quan chức Việt Nam có một khả
năng khác thường trong việc gỡ rối mà không phải đối diện trực tiếp với
những khủng hoảng mang tính hệ thống -- một kỹ năng được thấy là bị
thiếu vắng ở hầu hết các quốc gia trong giai đoạn chuyển biến, từ
Indonesia đến Argentina. Nhưng sự dựa dẫm vào việc tuỳ cơ ứng biến dường
như lại trở thành một phần của vấn đề. “Đảng cho thấy một khả năng phi
thường trong việc thích nghi, nhưng thường có khuynh hướng phản ứng lại
với những thách thức khi chúng xuất hiện,” Vũ Tường, một nhà chính trị
học tại Đại học Oregon nói. “Tâm lý phản ứng này đã không giúp đảng
trong việc dẹp bỏ nạn tham nhũng và phân huỷ, hiện đang lên đến mức cao
nhất.”
Ngược lại so với Miến Điện gần kề, vốn đang trả tự do cho những tù
nhân chính trị và bắt đầu quá trình cải cách kinh tế và chính trị đã
trễ, giới lãnh đạo Việt Nam có vẻ như đang tìm cách quay ngược thời gian
với hy vọng củng cố quyền lực của họ. Trong năm qua, họ đã đưa ra những
giới hạn mới về nhập khẩu và nhân viên nước ngoài, và đang hoàn thành
những luật lệ nhằm tăng cường quyền kiểm soát của nhà nước đối với mạng
Internet và tái áp đặt những kiểm soát về giá kiểu Sô Viết.
Mức độ to lớn của bộ máy đàn áp của chính quyền có thể bảo đảm việc
Đảng nắm vững quyền lực trong nhiều năm tới. Nhưng nếu không có một cải
cách mạnh mẽ, tính chính danh của Đảng về mặt chính trị sẽ tiếp tục suy
giảm và tiềm năng kinh tế dồi dào của đất nước -- hiện chỉ được nhìn
thoáng qua -- sẽ tiếp tục bị che kín. Thậm chí những quan chức có tư
tưởng đổi mới và bị ảnh hưởng bởi phương Tây cũng cảm thấy bị trói buộc.
“Chúng tôi cần một cơn khủng hoảng nghiêm trọng nếu đất nước muốn tiến
tới,” một quan chức kinh tế cấp trung nói. “Nhưng chúng tôi cũng lo sợ
về điều gì sẽ xảy ra trong trường hợp này.”
Nguồn: Foreign Policy