Huỳnh Thục Vy
Từ những ngày đầu cắp sách đến trường, các học trò ngây thơ đã bị nhồi vào đầu óc non nớt cái tinh thần “tôn sư trọng đạo”.
Nhiều người Việt Nam tự hào vì chúng ta có truyền thống đặc trưng này
(giống người Trung Hoa?). Nhưng đối mặt với thực tế, bỏ qua vấn đề về
chất lượng giáo dục học thuật, nền giáo dục Việt Nam đang gặp phải vấn
đề đạo đức nghiêm trọng. Thầy cô rõ ràng chẳng còn là những tấm gương
về tri thức và đạo đức nữa. Nhưng tinh thần “tôn sư trọng đạo”
vẫn còn đó như là cái lý do khã dĩ hợp lý để chúng ta cùng nhau bày trò
mua bán: thầy cô nhận được những món quà hậu hĩnh, học sinh nhận được sự
dễ dãi hoặc quan tâm đặc biệt. Vấn đề ở đây không phải là truyền thống
luân lý bị làm cho hư hỏng mà chính truyền thống ấy có vấn đề ngay từ
đầu, để trở nên thoái hóa như hôm nay.
Người Việt Nam ta dưới ảnh hưởng của văn hóa Khổng Mạnh cũ kỹ và
khiếm khuyết, luôn đề cao sự kính trọng dành cho người lớn tuổi. Đồng ý
rằng chúng nên tôn trọng người lớn tuổi vì những kinh nghiệm và giá trị
đúng đắn mà thế hệ trước đã tạo dựng; hơn nữa, qua những trải nghiệm của
họ đối với thế giới, chúng ta có thể học hỏi để tránh những sai lầm mà
họ đã mắc phải, để đạt được thành công mà ít phải trả giá hơn. Chính
điều đó làm chúng ta biết ơn và tôn kính họ. Nói tóm lại, người lớn tuổi
được tôn trọng vì giá trị chứ không phải vì tuổi đời. Bởi sự nhầm lẫn
hay là sự cố tình lập lờ, chúng ta hòa trộn tuổi tác và giá trị vào cùng
nhau như thể hai khái niệm này luôn song hành không bao giờ tách biệt,
để khi nói đến cái này thì ngầm hiểu đến cái kia. Nhưng oái oăm thay,
thực tế không chứng minh điều đó. Tuổi tác không phải lúc nào cũng đi
kèm với kinh nghiệm và tri thức. Tôi đã thấy nhiều người già không hề
có kinh nghiệm sâu sắc nào về cuộc sống dù đã trải qua nhiều thăng trầm.
Những người có kiến văn sâu sắc, cùng với tuổi đời, họ có thêm nhiều
kinh nghiệm qua những nhận thức tỉnh táo về thế giới; ngược lại, những
người tầm thường và hời hợt, thì sự tác động của thế giới cũng không làm
cho họ dày dạn kinh nghiệm hơn được. Ấy là tôi đang nói đến những kinh
nghiệm đặc biệt chứ không phải là những kinh nghiệm thông thường của
người xưa, cái đã trở thành thường thức hoặc bị khoa học hay hoàn cảnh
hiện đại vượt qua. Do đó, thay vì đề cao sự hiểu biết, chúng ta đề cao
tuổi tác. Và chúng ta mắc kẹt trong đó.
Trong nền văn hóa xem tuổi tác là giá trị này, người lớn tuổi luôn
được mặc định là đúng, người ít tuổi luôn phải theo gót người đi trước.
Cái tâm lý “theo chân” ấy sẽ khiến chúng ta mắc cạn vào một chỗ
tồi tệ nếu chúng ta có những người dẫn đường tồi tệ. Sự đề cao thái quá
người lớn tuổi làm cho người trẻ hẳn nhiên thiếu tự tin và động lực để
tự đứng trên đôi chân của chính mình, để tự thất bại và dũng cảm đứng
lên từ những sai lầm của chính mình. Họ luôn tìm cách đi đường cũ để an
toàn.Tôi luôn tự hỏi: chúng ta phải chịu hậu quả về những điều mình làm,
ấy thì tại sao chúng ta lại không được làm theo điều mình muốn, để được
thất bại theo cách của chính mình? Người ta luôn lĩnh hội nhiều và sâu
sắc hơn từ những trải nghiệm sống động bởi chính mình hơn là bởi sự
truyền đạt của người khác. Bởi văn hóa ấy, nơi mà người sau tiếp bước
người trước, những giá trị sáng tạo bị kiềm hãm triệt để. Làm sao người
ta dám làm khác đi nếu người ta không dám nghĩ khác đi? Và cũng chính sự
đề cao tuổi tác như một giá trị khiến chúng ta rất nhiều khả năng lẩn
quẩn trong một mớ bòng bong những điều tồi tệ xưa cũ mà không tìm được
lối thoát.
Từ sự kính trọng dành cho người đi trước, chúng ta luôn dành cho tinh thần “tôn sư trọng đạo”
một chỗ đứng cung kính trong đời sống văn hóa của mình. Sự tôn kính
dành cho người thầy và sự trọng thị dành cho con đường thầy vạch ra cũng
không là gì khác hơn việc phải khư khư giữ lấy nếp nghĩ và cách làm cũ.
Sự tôn trọng cần thiết dành cho người trẻ tuổi ở đây bị bỏ ra ngoài lề
của những suy nghĩ và quan hệ nghiêm túc. Không ít nhữngtrí thức lớn
tuổi hiện nay luôn cho rằng cứ trẻ là phải thiếu hiểu biết, phải nông
cạn, phải thua kém, phải dò dẫm theo con đường mà người đi trước vạch
ra. Bằng chứng là rất nhiều người không tin những gì tôi viết là do
chính tôi suy nghĩ. Điều này làm tắc nghẽn ngay từ đầu cái cảm hứng tìm
những con đường mới để đi của thế hệ trẻ. Ngoài những hệ lụy làm thui
chột sự sáng tạo của thế hệ trẻ, tinh thần “kính lão, tôn sư”
còn dẫn tới một hậu quả khác, cũng không kém phần tồi tệ. Đó là, sự
thiếu lịch sự, nhã nhặn trong giao tiếp của chúng ta. Một mặt người trẻ
phải cung kính, khiếp sợ người lớn; mặt khác, người lớn thì được thỏa
mái trong cách cư xử. Người trẻ chỉ cần lớn tiếng phản đối người lớn thì
bị cho là hỗn láo, trong khi người lớn lớn tiếng, thậm chí xúc phạm
người trẻ cũng là điều chấp nhận được. Điều này tạo ra văn hóa giao
tiếp, xử sự thiếu lịch sự. Bởi không ai bị đối xử mất lịch sự, thô bạo
mà lại trở nên những con người lịch sự, hòa nhã được. Người lớn mất lịch
sự, thiếu tôn trọng người trẻ; người trẻ lại mất lịch sự và thiếu tôn
trọng người trẻ hơn mình.
Hôm nay ngày Nhà giáo Việt Nam trên Facebook, có nhiều người bạn kể
về những kỷ niệm đáng buồn với thầy cô, tôi tự hỏi, ngoài trừ vấn đề về
luật pháp, nếu chúng ta không có tâm lý coi thường trẻ con, coi thường
người trẻ thì liệu những điều đáng buồn ấy có xảy ra nhiều vậy không?
Thầy cô ngày xưa có quyền gõ đầu trẻ (ngày này ở các quốc gia tiến bộ,
chắc chắn hành đồng này sẽ khiến thầy cô gặp rắc rối với cảnh sát), ngày
này ở Việt Nam thầy cô nhũng nhiễu, quát nạt, xúc phạm, đánh đập học
sinh. Đó là vì chúng ta, không những sống dưới một chế độ vô luật pháp,
mà còn thoi thóp trong văn hóa “kính lão, tôn sư” lỗi thời.
Rồi lại đến lòng biết ơn thầy cô. Đó cũng là cả một vấn đề. Lòng biết
ơn là tình cảm tự nhiên của con người, không phải chỉ người Á Đông mới
có. Nhưng chỉ có Việt Nam ta có một ngày để ghi ơn thầy cô, chúng ta cố
tình biến lòng tri ân tự nhiên và tốt đẹp thành một “định chế văn hóa”.
Không dừng lại ở đó, lòng biết ơn còn bị đẩy lên cao hơn thành sự trả
ơn bắt buộc, để rồi nó quay lại làm thoái hóa triệt để lòng tri ân vốn
tốt đẹp.
Trong xã hội hiện đại, với nền giáo dục đại chúng, những người làm
công việc giảng dạy được trả lương để nhận lấy nhiệm vụ dạy dỗ, truyền
đạt kiến thức; học trò bỏ tiền đi học để nhận lấy quyền lợi được dạy dỗ,
được truyền đạt kiến thức. Mọi thứ có thể diễn ra trôi chảy như trong
một hợp đồng dân sự. Có thể nói, trừ những trường hợp giáo viên đặc biệt
có tâm huyết và nỗ lực, việc dạy và học hoàn toàn nằm trong mối quan
hệ tương hỗ giữa trách nhiệm và quyền lợi. Không có gì phải được đẩy lên
đến mức phải biết ơn và trả ơn. Tôi nghĩ, những sự hối lộ thầy cô,
nhũng nhiễu gia đình học sinh hiện nay chẳng thể tự nhiên mà có. Tất cả
chỉ là sự nối tiếp của truyền thống biết ơn và trả ơn thầy cô từ ngày
xưa. Đó cũng là lẽ tất nhiên khi chúng ta cứ mãi bám lấy cái truyền
thống ấy. Chỉ có điều sự trả ơn đơn sơ ngày xưa giờ được phát triển theo
kiểu “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Ở
phương Tây, người ta không “tôn sư trọng đạo” thì người ta không có nền
giáo dục tốt, không có những người thầy ra thầy, trò ra trò hay sao?
Sẽ có người cho là tôi đi ngược lại truyền thống. Nhưng phải nói
rằng, những lễ nghi, ràng buộc truyền thống đã đến lúc phải bỏ đi để
giải phóng con người. Những trói buộc ấy chẳng phải là đạo đức gì cả mà
chỉ là những nghi thức luân lý của một thời xưa cũ. Hôm nay, ngày Nhà
giáo Việt Nam, thực tình mong một ngày nào đó chẳng còn ngày này nữa,
chẳng ai chú ý đến việc phải tôn kính và biết ơn thầy cô thái quá nữa mà
mọi người , thầy cũng như trò, sẽ cư xử với nhau trong tinh thần tôn
trọng, luôn nỗ lực và có trách nhiệm đối với công việc của mình. Mọi
việc sẽ tốt đẹp, không cần buộc ai phải trả ơn mình vì trách nhiệm mà
mình phải làm cả. Hôm nay, không hoa, không quà, chỉ xin chúc những
người làm công việc giảng dạy của chúng ta luôn thể hiện mình là người
đáng kính trọng vì giá trị mình có, chứ không phải vì tuổi tác hay chức
danh. Mong lắm thay!
Huỳnh Thục Vy
Buôn Hồ, ngày 20 tháng 11 năm 2012
Buôn Hồ, ngày 20 tháng 11 năm 2012