Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Hèn hết chỗ nói, Đồng chí X lãnh đạo nước X

 Một công dân "nước X" cảm ơn Tổng thống Philippines

Thủ tướng Ôn Gia Bảo không ngần ngại gì khi nói thẳng lập trường của Bắc Kinh tại hội nghị với 10 nước ASEAN mới diễn ra ở Campuchia rằng “Trung Quốc phản đối việc quốc tế hóa vấn đề tranh chấp trên Biển Đông”. Ông Ôn đã dẫn lại thỏa thuận năm 2002 giữa Asean và Trung Quốc, cho rằng đồng thuận chỉ giới hạn đàm phán với các nước “có liên quan trực tiếp”.Ngay sau đó, nước chủ nhà Campuchia đưa ra tuyên bố “tất cả 10 nước ASEAN nhất trí không quốc tế hóa vấn đề Biển Đông”. Tuyên bố này được coi như là một thắng lợi của ... Trung Quốc trong vấn đề giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông.

Tuyên bố của Campuchia ngay lập tức đã bị Philippines bác bỏ. AFP ngày 19/11 dẫn lời Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết Manila và một nước khác nữa không đồng tình với tuyên bố của Campuchia. Tổng thống Philippines nói Campuchia không nên rêu rao điều gọi là “đồng thuận của ASEAN”.


Tổng thống Philippines nhấn mạnh dù Manila vì sự đoàn kết của ASEAN, nhưng hoàn toàn có quyền bảo vệ lợi ích quốc gia khi cần. Ông Aquino cũng cam kết sẽ tiếp tục nêu vấn đề Biển Đông ra trước các khán đài quốc tế.

Ngoại trưởng Philippines Albert Rosario cho biết phái đoàn nước ông đã gửi thư tới tất cả các lãnh đạo ASEAN để nhấn mạnh rằng không có sự đồng thuận giữa các nước Đông Nam Á về việc không quốc tế hóa vấn đề Biển Đông.  Philippines cũng đã tính tới chuyện nhờ tới một cơ quan hòa giải trung gian trong Liên hiệp quốc trong tranh chấp chủ quyền giữa Philippines với Trung Quốc ở Biển Đông.


Cần đặc biệt lưu ý tới Tổng thống Philippines khi ông phát biểu phản ứng ngay lập tức bày tỏ thẳng thắn quan điểm, thái độ của nước ông đồng thời lại kèm theo một cụm từ úp úp mở mở rằng “và một nước khác nữa” không đồng thuận với tuyên bố Campuchia về Biển Đông. Mặc dù các quan chức hàng đầu của “nước khác nữa” (tạm gọi là “nước X”) đều có mặt tại hội nghị này, ngay trong hội trường mà Tổng thống Philippines đang phát biểu, song họ đã lựa chọn thái độ im lặng. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu theo kiểu người Việt Nam, lãnh đạo “nước X” này im lặng chưa chắc đã là đồng tình mà có khi chỉ là chưa muốn nói, chưa dám nói hoặc chưa thể nói được vì ... đang trẹo quai hàm.


Kinh nghiệm xương máu vì sự mất an toàn với quyền tự do ngôn luận của người Việt từ nhiều đời đã khiến cho họ có nhiều cách phát biểu ý kiến mà không cần phải nói. Việc ông Tổng thống Philippines bên cạnh câu chuyện thẳng thừng của nước ông về việc phản đối kịch liệt tuyên bố Campuchia đã phải kèm theo cụm từ “một nước khác nữa” để ai hiểu sao thì hiểu xem ra cũng khá là tinh tế và rất tiểu xảo trên bàn cờ ngoại giao.


Mặc dù, rốt cuộc thì ai cũng đoán Việt Nam là “nước X” cùng với Philippines. Nhưng với anh cả Trung Quốc thì trong trường hợp này Việt Nam có thể cười trừ mà rằng: “Tiểu đệ không có nói à nghen!”.


Điều quan trọng là sự phản đối đã được nói lên và đương nhiên tuyên bố Campuchia không còn là sự đồng thuận của tất cả các nước nữa như mong muốn của Trung Quốc cũng như của nước chủ nhà Campuchia.


Mục tiêu đã đạt được thì xá gì phương tiện sử dụng hơi có bị “hèn” một chút nhỉ? Tuy nhiên, trong trường hợp này nhất thiết phải cảm ơn anh Philippines là cái chắc rồi.


Xin cảm ơn anh Philippines.


Một công dân của “nước X...”.


Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"