Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Xem xét lại guồng máy chính trị của Việt Nam

Benedict J. Tria Kerkvliet
Diên Vỹ chuyển ngữ
Dù là một chính quyền độc đảng, hệ thống chính trị của Việt Nam thường xuyên đáp ứng sự thôi thúc của nông dân, công nhân và những tầng lớp khác để phát triển tốt hơn những điều kiện kinh tế, xã hội và chính trị.
Những chuyển biến chính trị quan trọng trong vòng 25 năm qua - đặc biệt là việc thay thế nền kinh tế kế hoạch trung ương bằng một nền kinh tế thị trường và huỷ bỏ hệ thống hợp tác xã nông nghiệp, thay bằng những hộ nông dân cá thể - đã là những kết quả tương đối khả quan của áp lực thay đổi từ dưới lên mà giới lãnh đạo Đảng Cộng sản thừa nhận.
Nhưng không rõ là liệu Đảng Cộng sản Việt Nam và chính quyền của họ hiện có đang đáp ứng đúng mức những đòi hỏi ngày càng cao nhằm phát triển hơn nữa đời sống của đa số người dân hay không.

Bằng chứng của những nhu cầu này thì vô số; và ngày càng thể hiện rõ rệt hơn rất nhiều so với giai đoạn từ bán thập niên 1970 đến bán thập niên 1990, lúc người dân Việt Nam hiếm khi lên tiếng phản đối. Giờ đây, hầu như mỗi ngày, những người dân bất mãn, giận dữ biểu tình trước những văn phòng chính phủ và Đảng Cộng sản ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và những nơi khác. Những người dân cùng đường này thường phải đến từ những nơi xa, hi vọng các cấp chính quyền tỉnh hoặc trung ướng lắng nghe những khiếu nại của họ, đọc những kiến nghị và chấp nhận những phê bình của họ.
Tại những cuộc biểu tình từ vài chục đến hơn cả nghìn người, những người tham gia cầm khẩu hiệu, băng rôn và phân phát những bảng khiếu nại cho những người chung quanh. Họ thường mặc áo có chữ viết hoặc hình ảnh tóm tắt những than phiền và khiếu kiện của mình. Chỉ trích nổi bật nhất của những người biểu tình thường là đối với các quan chức cấp tỉnh và địa phương đã chiếm ruộng của họ, bồi thường cho họ với giá rẻ mạt để bán lại cho giới đầu tư và xây dựng với giá tiền và bổng lộc cao hơn rất nhiều. Quan điểm chung của những người biểu tình là những quan chức tham nhũng không những cướp giật đất đai của người dân mà còn cả cuộc sống của họ.
Trên mạng internet, ta có thể tìm thấy ngay hàng trăm câu chuyện, bình luận và phỏng vấn từ Việt Nam trong đó chỉ trích những chính sách cụ thể của nhà nước lẫn những cơ quan và cán bộ nhà nước. Mạng internet cũng chứa đựng vô số những câu chuyện về công nhân đình công đòi tăng lương và thay đổi điều kiện lao động. Hơn nữa, còn có những bài viết trên mạng của những người có tinh thần dân tộc lên án chính quyền Việt Nam đã không có hành động gì đáng kể để phản ứng lại những xâm hấn của Trung Quốc đối với lãnh thổ đất nước cũng như khai thác tài nguyên thiên nhiên quốc gia.
Liệu chính quyền có đang chăm chú lắng nghe những điều trên cũng như những chỉ trích chính trị của công chúng; liệu họ có đáp ứng lại một cách thật lòng và đầy trách nhiệm? Một số thì có nhưng những cuộc thăm dò quốc gia và những nguồn thông tin khác cho thấy rằng đại đa số cấp chính quyền đã không làm điều này.
Chính quyền đã tạo ra tường lửa để ngăn chặn những trang mạng có nội dung đi ngược lại với quan điểm và thông tin của nhà nước. Không chỉ giới viết blog chỉ trích người Việt là đối tượng duy nhất; còn có những mạng như Facebook và những trang mạng tiếng Việt khác như BBC, Đài Á châu Tự do, Đài Quốc tế Pháp và những hãng truyền thông toàn cầu khác. Trong khi những người Việt nhạy bén với kỹ thuật có thể tìm cách đi vòng những chướng ngại vật của chính phủ, nhiều người dân cũng bị chúng cản trở.
Nạn tham nhũng rõ ràng đã trở nên tràn lan, không chỉ ở cấp địa phương mà còn ở cấp cao. Hàng loạt những chiến dịch, chỉ thị và huấn thị chống tham nhũng của chính quyền đã không có tí ảnh hưởng nào trong vài năm qua. Một nguyên nhân chính mà giới chỉ trích và thậm chí một số đại biểu Quốc hội đã đưa ra là chính những cơ quan có nhiệm vụ chống tham nhũng lại bao che hoặc tự mình tham nhũng. Một số những bài viết có thông tin đầy đủ cho biết rằng ngay cả thủ tướng cũng giữ chung quanh mình các quan chức tham nhũng và có tin đồn rộng rãi rằng của cải của ông vượt xa lương bổng của một đời làm công bộc.
Nạn trưng thu đất đai (và thường kèm theo tham nhũng) là trọng tâm của hơn 70% đơn khiếu kiện mà các cơ quan chính phủ Việt Nam nhận được trong vài năm qua. Nhưng dự thảo sửa đổi luật đất đai mà chính quyền đã phát hành từ tháng Chín cũng chẳng giải quyết được đòi hỏi trọng tâm của giới chỉ trích là không được lấy đất đai của nông dân để làm lợi cho giới đầu tư và xây dựng. Họ cho rằng nếu đất buộc phải trưng thu vì quyền lợi chung - ví dụ như xây đường cao tốc hoặc căn cứ quân sự - thì nông dân phải được bồi thường thích đáng và công bằng.
Về quan hệ với Trung Quốc, chính quyền Việt Nam nói rằng họ đang dùng những phương tiện ngoại giao để đối phó với sự xâm hấn của Trung Quốc. Nhưng họ lại tiếp tục ca ngợi Trung Quốc như là một người bạn thân thiết của Việt Nam, đối xử với chính quyền Trung Quốc với thái độ trân trọng tối đa và sự đón chào nồng nhiệt nhất. Trong khi đó, chính quyền Việt Nam lại đe doạ những người dân biểu tình, như họ đã làm hàng trăm lần trong hai năm qua, chống lại hành động của Trung Quốc đang xâm phạm quyền lợi của Việt Nam. Vừa qua, một toà án tại Thành phố Hồ Chí Minh đã truy tố hai người đã viết nhạc chỉ trích thái độ của chính quyền đối với việc Trung Quốc xâm hấn lãnh thổ Việt Nam ở Biển Đông và kêu gọi người Việt tham gia biểu tình phản đối. Toà án đã kết tội cả hai người tội danh tuyên truyền chống phá nhà nước và tuyên án một người bốn năm tù và người kia sáu năm tù. Bản án này chỉ là một trong nhiều ví dụ cho thấy chính quyền Việt Nam đang bắn vào người đưa tin thay vì phải đáp ứng với những khiếu nại và chỉ trích chính đáng.
Vẫn còn hi vọng rằng chính quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ lắng nghe hơn và bớt đàn áp hơn, mặc dù viễn cảnh hiện tại thì bi quan hơn bao giờ hết.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"