Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

Bảy lợi thế của Tập Cận Bình

Lâm Trung Bân
Phạm Thị Hoài dịch
Phỏng vấn của tờ Standard (Áo) với ông Lâm Trung Bân (Lin Chong Pin), giáo sư Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Đạm Giang, Đài Loan, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Đài Loan
Standard: Ông đánh giá thế nào về thay đổi nhân sự tại Bắc Kinh, đặc biệt là việc chuyển giao đột ngột chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương?
Lâm Trung Bân: Hồ Cẩm Đào đã gạch một đường rất rõ ràng. Từ đó nảy sinh nhiều khía cạnh liên quan: Với việc thôi chức này, ông ấy đã tăng áp lực khiến Giang Trạch Dân cũng phải cắt cái văn phòng của ông ta trong Quân ủy Trung ương. Cách đây mấy tuần, có tin là Giang Trạch Dân đã làm việc đó. Thế là Hồ Cẩm Đào tháo gỡ được một trong những rào cản đáng kể trên con đường tiếp nhận và củng cố quyền lực của Tập Cận Bình. Đó là những điều kiện khởi đầu rất tốt cho nhân vật mới ở Bắc Kinh.

Standard: Vì sao Hồ Cẩm Đào lại làm như vậy?
Lâm Trung Bân: Có ba lí do. Thứ nhất: Tập Cận Bình không cần ai tháp tùng trong giới quân sự. Những năm 80, bản thân ông ấy đã làm thư kí cho Bộ trưởng Quốc phòng, cha ông ấy là một vị tướng danh tiếng. Nhiều bạn bè của ông ấy cũng là tướng lãnh, họ đều là các “thái tử”, biết nhau từ bé. Thứ hai: về phong cách chính trị, Hồ Cẩm Đào luôn muốn khác Giang Trạch Dân. Và thứ ba: trái với cảm nhận của công luận, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình là những người cùng chí hướng. Cả hai là đệ tử tư tưởng của ngôi sao cải cách Hồ Diệu Bang, người không may đã qua đời trước vụ Thảm sát Thiên An môn. Hồ Cẩm Đào lên được là nhờ Hồ Diệu Bang. Ông Tập Trọng Huân, cha của Tập Cận Bình, là một trong những người ủng hộ Hồ Diệu Bang mạnh mẽ nhất. Điều đó có nghĩa: Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình là đồng minh của nhau. Và khi rút lui, Hồ Cẩm Đào đã để lại cho những người kế nhiệm mình một di sản chính trị xuất sắc.
Standard: Giàn lãnh đạo mới sẽ ưu tiên giải quyết những vấn đề gì?
Lâm Trung Bân: Nhiệm vụ quan trọng nhất của họ là tạo dựng và duy trì ổn định xã hội. Mỗi ngày ở Đại lục Trung Hoa có khoảng 500 hoạt động tập thể. Đấy là những vụ bạo loạn hoặc biểu tình quy mô lớn hay nhỏ. Điều này là hậu quả của tình trạng tham nhũng ở địa phương. Họ buộc phải giải quyết vấn nạn này. Trong diễn văn kỉ niệm 90 năm thành lập đảng năm 2011, Hồ Cẩm Đào cũng nói về điều đó: Giải pháp cho vấn nạn này quyết định sự sống còn của đảng. Mới đây ông ấy nhắc lại: “Nếu chúng ta không làm được điều đó thì sẽ mất cả nước lẫn đảng.” Cả ban lãnh đạo vừa từ nhiệm lẫn ban lãnh đạo vừa kế nhiệm đều đồng thuận về vấn đề này.
Standard: Còn kinh tế?
Lâm Trung Bân: Đó là ưu tiên thứ hai, và không phải là ưu tiên tăng trưởng mà ưu tiên chuyển đổi nền kinh tế dựa trên một hệ thống lấy xuất khẩu làm động lực sang một nền kinh tế nhắm vào thị trường nội địa và bền vững hơn về sinh thái.
Standard: Nếu nghiêm túc nhìn nhận vấn đề đó thì Tập Cận Bình phải đụng chạm tới các độc quyền và những phe nhóm đầy thế lực. Liệu ông ấy có làm thế không?
Lâm Trung Bân: Vốn liếng chính trị để thực hiện điều đó thì ông ấy chắc chắn có đủ, thậm chí có nhiều hơn cả Hồ Cẩm Đào hoặc Giang Trạch Dân. Ông ấy có bảy lợi thế. Thứ nhất, ông ấy am tường Đài Loan và mô hình Đài Loan. Thứ hai, ông ấy hiểu nước Mỹ và thế giới hơn tất cả bốn vị tiền nhiệm. Ngay từ năm 1980 ông ấy đã đến thăm Lầu Năm góc. Ông ấy có quan hệ tốt với những nhân vật thượng tầng của Hoa Kỳ như Henry Paulson hay Joe Biden. Ở cương vị Phó Chủ tịch nước, ông ấy đã công du nước ngoài 50 chuyến, nhiều gấp ba lần Hồ Cẩm Đào trong cùng một thời gian. Lợi thế thứ ba là vị trí của ông ấy trong đảng. Cha ông ấy ba lần bị mất chức, nhưng vẫn kiên định giữ lập trường. Điều đó các đảng viên nhớ rõ. Là một “thái tử”, Tập Cận Bình cũng từng lao động nhiều năm ở nông thôn. Điều đó khiến ông ấy thêm khả tín. Thứ tư, ông ấy am hiểu bộ máy quân sự, điều này tôi đã nói ở trên. Thứ năm, ông ấy được đào tạo hàn lâm quy củ, đọc và viết là hai việc ông ấy ưa thích. Ở điểm này, ông ấy cũng khác những người tiền nhiệm. Thứ sáu, ông ấy có một người vợ nổi tiếng, đủ tầm để trở thành một đệ nhất phu nhân. Và điểm cuối cùng, Tập Cận Bình quan tâm đến Phật giáo, khí công và những hiện tượng siêu nhiên. Điều đó có thể bao hàm khả năng giải quyết những quả bom nổ chậm là những xung đột ở Tây Tạng và Tân Cương. Bởi lẽ ở đó, chính sách vừa đàn áp vừa khuyến khích phát triển kinh tế của Bắc Kinh cho đến nay hoàn toàn thất bại. Tập Cận Bình có thể chọn một cách tiếp cận khác, với sự tôn trọng văn hóa của các khu vực này.
Standard: Vì sao Ban Thường vụ Bộ Chính trị bị rút bớt, chỉ còn bảy người?
Lâm Trung Bân: Đấy là ý tưởng của Hồ Cẩm Đào. Trước nhiệm kì của ông ấy cũng chỉ có bảy người, trước nữa thì chỉ có năm hay sáu người. Hồ Cẩm Đào khá khổ sở vì chỉ được nhỉnh hơn một phần chín quyền lực chút ít. Một phần bảy đương nhiên nhiều hơn một phần chín.
Standard: Còn về bản thân những người vừa được bổ nhiệm, ông thấy thế nào? Có gì ngạc nhiên không?
Lâm Trung Bân: Không, thực ra chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Một số người mà Hồ Cẩm Đào ưu ái không được chọn. Uông Dương (Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông, người có tư tưởng cải cách) và Lí Nguyên Triều, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, còn trẻ. Năm năm nữa họ sẽ thay thế những người thuộc phe Giang Trạch Dân được chọn lần này. Vì nguyên tắc là: chức được giao cho người nhiều tuổi hơn. Cái đó không phải là một quyết định liên quan đến cá nhân nào, mà là một nguyên tắc phải tuân thủ. Một đặc điểm nữa của bảy người này là họ đều chịu được nhau. Chẳng hạn không có sự chia rẽ giữa nhóm “thái tử” và nhóm trưởng thành lên từ Đoàn Thanh niên Cộng sản của đảng.
Standard: Có triển vọng nào cho những cải cách dân chủ trong hệ thống này không?
Lâm Trung Bân: Có chứ, phải có bước tiến trong cải cách. Nhưng đó không phải là cái dân chủ mà chúng ta thường hiểu. Giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ bắt đầu bằng cách giảm bớt quyền lực của cán bộ và tăng thêm quyền của người dân. Trước hết ở cấp địa phương. Việc đó cũng ngầm bao hàm một mức độ tự do báo chí nhất định ở cấp địa phương. Miễn là truyền thông không chất vấn quyền lực của trung ương. Nó chỉ nên phê phán tình trạng tham nhũng ở các cấp chính quyền địa phương. Chúng ta đã thấy một số trường hợp mà chính quyền địa phương buộc phải nhượng bộ. Vụ nổi tiếng nhất là Ô Khảm, và sẽ càng ngày càng nhiều.
Nguồn: Dịch từ nguyên bản tiếng Đức “Gute Startbedingungen für den neuen Mann“, Standard 16-11-2012. Nhan đề bản tiếng Việt của người dịch.
Bản tiếng Việt © 2012 pro&contra

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"