Lê Thăng Long
Kính gửi: BBT báo Dân Luận
Ngày 29 tháng 11 là sinh nhật anh Trần Huỳnh Duy Thức. Tôi xin gửi đến BBT báo Dân Luận bài viết dưới đây.
Xin đề nghị BBT báo Dân Luận giúp đăng tải để làm món quà tặng sinh nhật anh ấy.
Chân thành cảm ơn BBT báo Dân Luận!
Kính chào trân trọng,
Lê Thăng Long
Ngày 29 tháng 11 là sinh nhật anh Trần Huỳnh Duy Thức. Tôi xin gửi đến BBT báo Dân Luận bài viết dưới đây.
Xin đề nghị BBT báo Dân Luận giúp đăng tải để làm món quà tặng sinh nhật anh ấy.
Chân thành cảm ơn BBT báo Dân Luận!
Kính chào trân trọng,
Lê Thăng Long
VỀ MỘT CON NGƯỜI ĐỜI THƯỜNG
Giờ này không biết anh đang làm gì, đọc một cuốn sách, sáng tác một
bài thơ? Nhưng tôi đoan chắc một điều là anh không bao giờ thôi suy nghĩ
về người khác. Có thể là một người bạn cũ, một nhân viên bảo vệ công ty
trước đây hoặc những người mà anh chỉ gặp một lần nhưng không bao giờ
quên được những cảnh đời của họ. Gần 5 năm làm bạn học, 15 năm làm đồng
nghiệp và gần 2 năm làm bạn tù với anh tôi thường được nghe và chứng
kiến nhiều câu chuyện đời thường xung quanh anh. Chúng rất dung dị nhưng
thật đáng học hỏi.
Dịp sinh nhật 46 của Thức tôi nghĩ mãi cả tuần nên viết gì tặng anh.
Trải qua một thời gian dài hơn 26 năm thâm tình với anh, tôi chứng kiến
và học hỏi ở anh rất nhiều, từ nhỏ nhặt đến lớn lao. Ngẫm nghĩ kỹ thì
tôi nghiệm ra rằng những điều có giá trị nhất là chính từ cuộc sống đời
thường của anh mà ít người được biết. Chính cách sống đó đã làm nên một
con người có những suy nghĩ và bài viết rất gần gũi với cuộc sống, chứ
không phải từ những tư tưởng to tát, những lời đao to búa lớn.
“Trao đổi để nhìn vào chiều sâu của cuộc sống. Xã hội cần được xây
dựng từ dưới lên” là câu mà Thức dùng để làm phương châm cho blog Trần
Đông Chấn, bây giờ vẫn còn nguyên tại địa chỉ trandongchan.wordpress.com
Khi suy nghĩ, anh luôn vươn xa, mở rộng để phóng tầm nhìn đến những
điều lớn lao, táo bạo. Nhưng khi hành động thì anh luôn bắt đầu từ những
gì cụ thể, từng bước và chăm hỗ trợ những người khác để họ có điều kiện
tốt mà cùng tiến đến tầm nhìn đó. Đó là lý do vì sao những bài viết của
anh dù đề cập đến những vấn đề hết sức to lớn, phức tạp nhưng lại rất
dễ hiểu và thực tế.
Anh nhìn vào hiện thực cuộc sống để tìm ra giải pháp làm nó tốt dần
lên, cao dần lên. Chứ không bê những lý thuyết cao siêu vô hồn từ đâu đó
và áp xuống một cách độc đoán bất chấp thực tế, rồi cố gắng tô vẽ cho
đẹp. Muốn vậy phải thấu cảm được hoàn cảnh sống của người khác. Anh
thường nhắc tôi phải đặt mình vào vị trí của người khác mà nghĩ, đừng
chỉ nghĩ theo hoàn cảnh của mình và đừng bao giờ vô cảm với những cảnh
đời cơ nhỡ.
Một lần vào khoảng năm 2007, tôi bay từ Hà Nội vào Sài Gòn làm việc.
Tài xế riêng của anh ra sân bay đón tôi. Cậu ấy kể câu chuyện này để
giải thích vì sao cậu ấy đến trễ để tôi chờ. Trước khi đi sân bay cậu
ấy phải chở anh đến một nơi hẹn. Tới bùng binh Quách Thị Trang chợ Bến
Thành anh nhìn thấy một bà cụ đang chống gậy đi qua khu tam giác dành
cho người đi bộ thì bị ngã quỵ. Anh ra lệnh quay đầu xe lại chạy đến chỗ
bà cụ. Anh lao xuống xe và bế xốc bà cụ vào dưới mái che cây xăng cạnh
đó, kêu tài xế lấy dầu xức cho bà. Anh hỏi bà đi đâu mà để như thế này.
Bà thều thào rằng bà đi ăn xin nhưng sáng giờ chưa xin được gì nên đói
quá mà ngã. Anh kêu tài xế chạy ngay đến bánh mì Như Lan gần đó mua cho
bà, cả nước uống. Anh hỏi nhà bà ở đâu, con cháu đâu mà để bà phải làm
như vậy. Bà nói nhà ở tận Củ Chi, con cháu đứa nào cũng nghèo, có đứa
cũng đi xin nên đâu lo cho bà được.
Bà ăn xong, anh hỏi bà đã đỡ mệt chưa, thực sự không có gì nguy hiểm
trong người nữa phải không, rồi anh móc hết trong bóp ra còn một vài
triệu đưa hết cho bà. Anh dặn tài xế ở lại đưa bà đến trạm xe buýt, phải
đưa lên tận trong xe kiếm chỗ cho bà ngồi rồi mới được về. Trước khi đi
anh dặn bà rất kỹ là hôm nay phải về, không được đi nữa, về nhà cũng
phải nghỉ ngơi vài tuần cho lại sức. Rồi anh mượn tài xế ít tiền và bắt
taxi đến chỗ hẹn. Tôi hỏi vui cậu tài xế: “anh Thức mượn tiền em có trả
không?” Cậu ấy cười hì hì và nói: “ảnh mượn tiền em hoài, không trả ai
cho mượn nữa.”
Thỉnh thoảng Thức lại rủ một số đồng nghiệp công ty và cả hai đứa
con nhỏ của mình tham gia các chuyến chữa bệnh miễn phí và phát chẩn ở
những vùng xa nghèo khổ. Những chương trình này được hội cứu tế Tzu-Chi
của Đài Loan do bạn anh làm đại diện ở Việt Nam tổ chức. Những chuyến đi
như vậy anh làm tình nguyện viên đưa đón, bồng, cõng những người bệnh
già yếu suốt cả ngày. Anh tận dụng thời gian đó để tìm hiểu cuộc sống
của họ. Trong tù anh vẫn không quên viết thư dặn dò con mình hãy quan
tâm và dành ít thời gian tham gia vào những chuyến đi như vậy. Anh nói
với con rằng những ánh mắt hạnh phúc của người nghèo khó được chăm sóc,
trân trọng là những phần thưởng không có gì mua được cả.
Thức kể với tôi anh chọn hội Tzu-Chi để làm tình nguyện viên vì hội
đó rất trân trọng người được cứu tế. Cho quà phải nâng bằng hai tay và
gập người xuống. Họ dặn các tình nguyện viên rằng: “Của cho không bằng
cách cho. Người nghèo thường ít được tôn trọng, do vậy đây là dịp để họ
nhận được những sự đối đãi trọng thị.”
Thức nói rằng những người đang khốn khổ như vậy còn quá nhiều, việc
thiện nguyện dù rất ý nghĩa cũng không giúp được bao nhiêu. Nhưng nó sẽ
làm mình thực sự hiểu được những cuộc sống mà mình không phải trải qua
hàng ngày. Chỉ như thế mới nhìn ra được những cách giải quyết thực tế và
căn cơ. Anh cũng thường phê phán hiện tượng một số người làm giàu trên
sự thiệt thòi của người khác rồi vun tiền đóng góp cho từ thiện để được
danh nghĩa vì người nghèo.
Triết lý kinh doanh của Thức rất dứt khoát: “Không kiếm lời từ bất kỳ
công việc nào mà nó không tạo ra lợi ích cho nhiều người hoặc cậy thế
chèn ép người khác”. Anh khuyến khích sự sáng tạo để có lợi thế cạnh
tranh về công nghệ, sản phẩm và mô hình kinh doanh, và không cho phép
các hoạt động đầu cơ chụp giật. Cá nhân anh không bao giờ mua bán đất
đai, bất động sản hoặc chứng khoán vì anh nói các lĩnh vực này đang là
bong bóng không tạo ra giá trị thật nên khi mình kiếm được tiền thì sẽ
có ai đó mất. Anh cũng chỉ có một căn nhà và không đầu tư thêm bất kỳ
bất động sản nào khác, dù mọi người thường ngạc nhiên trước những dự báo
chính xác của anh về các cơn sốt nhà đất, chứng khoán.
Thức là thế, luôn nhất quán trong suy nghĩ, lời nói và hành động, cho
dù đó không phải là cách luôn có lợi trong một xã hội đang có quá nhiều
các giá trị bị đảo lộn. Anh luôn kiên trì với cách đó và rất phê phán
các kiểu sống cơ hội. Thức là người nóng tính (và còn rất nhiều những
tật xấu khác nữa :D) nên những người thân cận với anh thường thấy anh
nổi xung trước những hành động theo kiểu sống này. Nhưng đó cũng là cách
để anh duy trì nhiệt huyết của mình để không bị nhiễm những cái xấu
tràn lan trong xã hội. Anh thích câu danh ngôn của ông Adam: “Hãy biết
giận nhưng đừng giận”. Đó cũng vừa là triết lý sống vừa là bản tính của
Thức, không bao giờ để bụng hay thù hận ngay cả với những người đã làm
hại mình, nhưng cũng không xem sai trái của họ là điều chấp nhận được.
Không mấy người biết mẹ anh Thức đã từng bị ngồi tù. Những năm 1978,
1979 Việt Nam không những bị nạn thất mùa trên khắp cả nước mà còn phải
chịu đựng gánh nặng trả nợ cho Trung Quốc. Đó là những năm mà ngay cả
vùng đồng bằng sông Cửu Long còn gặp phải cảnh thiếu gạo. Vào lúc đó mẹ
anh Thức làm nông ở Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu), gia đình rất đông con mà
mùa màng lại thất bát. Nhưng chính sách những năm đó phải đóng thuế
theo hạn mức cố định mà không xét được hay thất mùa. Thu hoạch được
chẳng bao nhiêu, nếu đóng lúa thuế thì hết sạch lấy gì để cả nhà dùng để
độn khoai mà ăn đến mùa vụ tới. Nên bác gái quyết định không đóng lúa
thuế và xin khất qua mùa sau, nhưng không được chấp nhận.
Sau nhiều lần đọc tên trên loa phóng thanh mà bác vẫn không đi nộp
thuế, du kích xã vào bắt giam bác trong lúc bác đang trốn dưới gầm
giường. Họ lôi bác đi trước tiếng khóc của bầy con còn nhỏ. Rồi bác bị
đưa ra tòa xử 6 tháng tù vì tội trốn thuế và còn phải đóng thuế phạt.
Hơn 20 năm sau Thức có lần về quê dự giỗ ông ngoại, anh gặp lại những
người đã từng ức hiếp gia đình mình, bỏ tù oan sai mẹ mình và còn làm
rất nhiều điều cường bạo khác. Nhưng anh vẫn bắt tay họ. Họ mời anh ghé
nhà chơi, thấy có người gặp hoàn cảnh khó khăn anh vẫn lấy tiền giúp họ.
Anh kể tôi nghe câu chuyện này và nói rằng: “Họ cũng chỉ là nạn nhân
của những sai lầm có hệ thống gây ra giáo điều và ngu muội. Ngay cả đến
bây giờ mà những người có học cao còn không tránh được bị cái hệ thống
đó biến thành sai trái và thiếu hiểu biết, đừng nói gì đến những người
dân quê thiếu học mà được nắm quyền hành.”
Rồi anh phân tích rất nhiều những sai trái, vi hiến của các thông tư
liên bộ giữa Bộ công an, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân
dân tối cao hướng dẫn việc định tội và kết án cho một số loại hành vi mà
bản chất của chúng không vi phạm các điều luật được qui định trong bộ
luật hình sự. Những thông tư như vậy lại rất phổ biến và ngang nhiên trở
thành căn cứ pháp lý được dẫn ra trong các bản án và cáo trạng. Bằng
một cách đơn giản như vậy thì công an, kiểm sát, tòa án dễ dàng đứng
trên mọi quốc hội hoặc các thiết chế quyền lực khác để giải thích luật
hình sự tùy tiện theo cách của họ để kết tội oan trái cho người dân, bất
chấp bản chất của hành vi có phạm tội hay không. Thức hiểu biết sâu về
lĩnh vực tư pháp này vì lúc đó anh đang cùng luật sư Lê Công Định nghiên
cứu để viết về cải cách pháp luật trong quyển sách Con đường Việt Nam
nhằm chỉ ra nguồn gốc và đề nghị loại bỏ những cách thức sai trái, vi
hiến của các hoạt động tư pháp gây ra oan sai phổ biến cho người dân,
không chỉ trong các vụ án chính trị mà còn trong rất nhiều vụ án hình
sự.
Nhiều người ngạc nhiên về sự hiểu biết sâu rộng của Thức. Anh có khả
năng tự học rất đặc biệt nhờ luôn quan sát kỹ, phân tích sâu và suy luận
rộng các hiện tượng để thấu rõ bản chất cốt lõi của chúng. Nhưng gần
Thức rất lâu nên tôi hiểu rằng khả năng đó trước hết xuất phát từ một
tính cách luôn nghĩ đến người khác của anh. Nghe, thấy một hiện tượng
hoặc sự kiện nào đó. Việc đầu tiên anh luôn đánh giá xem tác động của nó
đối với những đối tượng khác nhau chịu ảnh hưởng như thế nào. Từ đó anh
mới phân tích sâu xa nguyên nhân của các tác động, ảnh hưởng đó và nghĩ
ra các giải pháp tối ưu cho vấn đề. Đó có thể là những việc không thuộc
trách nhiệm thường xuyên của mình nhưng anh vẫn luôn nghĩ đến nó. Còn
nếu là những vấn đề quốc kế dân sinh thì anh chẳng bao giờ bỏ qua.
Đã 4 sinh nhật anh trải qua trong tù - thời gian để một người như anh
làm được rất nhiều việc lớn có ích cho đời nếu không bị giam cầm tùy
tiện. Và cũng trong thời gian đó nền kinh tế đất nước tiếp tục trượt dài
đúng như anh đã cảnh báo và phê phán. Nhưng tôi biết rằng anh không hề
hối tiếc. Anh cho rằng những gì đã xảy ra với mình và đất nước là điều
khó tránh được để dẫn đến những thay đổi tốt đẹp. Nên anh chấp nhận
những nghịch cảnh ấy như một sứ mệnh mà mình nhận lãnh.
Phong trào Con đường Việt Nam sắp phát hành trong tháng tới một quyển
sách viết về anh và biên tập, tổng hợp lại những bài nghiên cứu tình
hình đất nước và cảnh báo nguy cơ về kinh tế - chính trị - xã hội của
nhóm Chấn (cùng với luật sư Lê Công Định). Dù đã được viết cách đây 5
năm nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự và giá trị của nó. Cuốn sách cũng
giới thiệu rõ hơn nội dung của quyển sách "Con đường Việt Nam" mà anh
Thức đang viết dở về các biện pháp cải cách, chấn hưng đất nước.
Quyển sách sắp phát hành cũng mong muốn thức tỉnh lương tri của cộng
đồng về một con người bị cầm tù vì nặng lòng với đất nước mà nói lên
chính kiến của mình để anh không phải trải qua thêm một sinh nhật nữa
trong tù.
Những nỗ lực vận động của gia đình, bạn bè và cộng đồng quốc tế đã
đạt được những kết quả quan trọng. Nhóm công tác của Liên Hợp Quốc chống
giam giữ tùy tiện (WGAD) đã phán quyết việc bắt giữ anh và những người
bạn mình là vi phạm luật pháp quốc tế mà Việt Nam ký kết và sẽ đưa vấn
đề ra Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nếu Chính phủ Việt Nam không đáp
ứng việc trả tự do cho anh, anh Lê Công Định và anh Nguyễn Tiến Trung.
Nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế cũng đã tiến hành và chuẩn bị
những chiến dịch vận động mạnh mẽ cho anh và những tù nhân chính trị
khác. Liên minh Châu Âu và chính phủ nhiều nước cũng đã và sẵn sàng tiếp
tục lên tiếng để tiếp sức cho những tiếng nói của lương tri đòi tự do
cho anh và nhiều tù nhân lương tâm nữa.
Chỉ cần thêm những tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa từ cộng đồng thì sẽ dẫn
đến tự do cho anh và nhiều người khác. Đó cũng sẽ là sự khởi đầu cho
những điều tốt đẹp đến với đất nước.
Và ngay bây giờ, ai đọc được bài viết này thì xin hãy thầm gửi anh
một lời chúc sinh nhật. Tôi tin người có tâm hồn như anh sẽ cảm nhận
được và thấy rất ấm lòng nơi ngục tối lạnh lẽo, hoang vắng. Xin cảm ơn.
Chúc mừng sinh nhật bạn. Hãy giữ sức khỏe và yên tâm rằng con đường bạn đi đang ngày càng có nhiều người bước tới.
Lê Thăng Long
1h sáng, 28/11/2012, một ngày trước sinh nhật Thức.