Nguyễn Duy Vinh
Vừa qua, trong buổi chất vấn tại Quốc hội Việt Nam ngày 14
tháng 11 năm 2012, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (DTQ) đã khéo léo
nêu lên bốn chữ “văn hóa từ chức” như một sự gợi ý cho Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng (NTD) về một sự từ chức mà những viên chức của cơ quan hành
chính có thể làm, đặc biệt là người đứng đầu của cơ quan ấy tức là Thủ
tướng NTD. Mặc dù ông Dương Trung Quốc không yêu cầu thẳng Thủ tướng NTD
từ chức, cách nói khéo léo của ông DTQ đã được bàn tới rất nhiều qua
các báo chí trên mạng và cách nói đó có thể được hiểu như một thách đố
đối với Thủ tướng NTD và nội các của ông. Và ông NTD đã trả lời như sau
cho sự gợi ý văn hóa từ chức này:
Về ý kiến của ĐB là có nghĩ đến văn hóa
từ chức không, tôi xin trình bày ý kiến thế này. Đối với tôi, còn 3 ngày
nữa tròn 51 năm tôi theo Đảng, hoạt động cách mạng, chịu sự quản lý
trực tiếp của Đảng. Trong 51 năm qua, tôi không xin với Đảng cho tôi đảm
nhiệm chức vụ này hay chức vụ khác. Mặt khác, tôi cũng không thoái thác
hay từ chối bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng và Nhà nước giao phó cho tôi. Là
cán bộ, đảng viên, tôi đã nghiêm túc báo cáo với Bộ Chính trị, Ban chấp
hành Trung ương về bản thân mình. Đảng, Ban chấp hành Trung ương đã
hiểu rõ về tôi, cả về sức khỏe, thương tật, cả về năng lực, phẩm chất,
đạo đức cả về tâm tư, nguyện vọng của tôi. Đảng lãnh đạo trực tiếp tôi,
hiểu rõ về tôi, Đảng ta là đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và toàn xã
hội. Đảng đã phân công tôi tiếp tục làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ,
Quốc hội bỏ phiếu bầu tôi làm Thủ tướng Chính phủ thì tôi sẵn sàng chấp
nhận và hoàn thành nghiêm túc mọi quyết định của Đảng, của Quốc hội. Tóm
lại, có thể nói, gần suốt cuộc đời tôi theo Đảng, cách mạng, dưới sự
hoạt động trực tiếp của Đảng, tôi không chạy, tôi cũng không xin, tôi
không thoái thác nhiệm vụ gì mà Đảng, Nhà nước phân công. Tôi sẽ tiếp
tục thực hiện nghiêm túc như đã làm trong suốt 51 năm qua.
Trước khi đi vào việc phân tích câu trả lời của TT NTD, chúng ta hãy
cùng nhìn lại Hiến pháp Việt Nam, hiến pháp hiệu lực hiện nay còn được
gọi là Hiến Pháp 1992.
Văn bản Hiến pháp 1992 của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam (CHXHCNVN) minh định rõ ràng tính cách lập hiến và lập pháp tối cao
của Quốc hội cũng như quy định rõ rệt chế độ chính trị, kinh tế, văn
hóa, xã hội, bảo vệ Tổ quốc, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cũng
như cơ cấu tổ chức và quyền hạn của các cơ quan nhà nước. Các cơ quan
nhà nước ở đây hoạt động theo phương châm (hay thể chế) “đảng lãnh đạo,
nhân dân làm chủ và nhà nước quản lý”. Tuần tự qua 10 chương của văn bản
Hiến pháp 1992, các cơ quan nhà nước và các chức năng lãnh đạo sau đây
đã được mô tả đầy đủ: Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Hội đồng nhân
dân, Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân. Riêng
phần Thủ tướng chính phủ thì Điều 110 ghi rất rõ ràng:
Chính phủ gồm có Thủ tướng, các Phó Thủ
tướng, các Bộ trưởng và các thành viên khác. Ngoài Thủ tướng, các thành
viên khác của Chính phủ không nhất thiết là đại biểu Quốc hội.
Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác với Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
Điều 109 cũng ghi rõ Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Và Điều 83 xác định tính cách dân làm chủ của Quốc hội qua đó Quốc hội là đại biểu nhân dân và là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.
Đọc đến đây thì chúng ta đã có thể vỗ tay khen ngợi và mừng cho tính
cách dân chủ tuyệt vời của Hiến pháp VN 1992. Ngụ ý rằng đã là cơ quan
quyền lực cao nhất thì làm gì có cơ quan quyền lực nào cao hơn được. Đã
là đại biểu của dân thì chắc chắn dân làm chủ rồi còn gì mà phải thắc
mắc. Tuy nhiên, cái tuy nhiên chết người, cái tuy nhiên phải gió, đoàng
một cái, có một ai đó vô cùng thâm độc, bắn xỉa vào cái văn bản Hiến
pháp 1992 đó có một điều thôi và điều mới được bắn vào này làm vỡ toang
sự liên hệ mật thiết của sự cai trị và quản lý quốc gia qua sự nối kết
lá phiếu của Dân – đại biểuQuốc hội – vàNhà nước Việt Nam (gồm Chủ tịch
nước, viên chức Chính phủ và những cơ quan nhân dân còn lại). Cái điều
khủng khiếp này có khả năng xé tan cấu trúc lập hiến và lập pháp vững
chắc của nền dân chủ Việt Nam. Nó tạo ra một cái lỗ hổng rất lớn mà
tiếng Anh mình có thể gọi là flaw và tiếng Pháp là faille. Nó chính là
Điều 4 của văn bản Hiến pháp Việt Nam:
Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong
của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai
cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác -
Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã
hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp
luật.
Điều 4 Hiến pháp VN biến Quốc hội thành bù nhìn vì Quốc hội không còn
là cơ quan quyền lực cao nhất nữa. Điều 4 Hiến pháp VN vô hiệu hóa tất
cả những điều nào khác trong văn bản đụng tới quyền lãnh đạo nhà nước.
Đây là một cái gậy thọc vào bánh xe. Ai nghĩ ra cái điều 4 này và cho
vào Hiến pháp một cách ngang xương như thế này chắc chắn phải hoặc là
(1) một người rất xảo quyệt và đồng thời coi thường văn bản Hiến pháp VN
hoặc (2) một người dốt không hiểu tí gì về cấu trúc đầy luận lý (lôgíc)
của văn bản Hiến pháp này. Từ đây ai muốn nói gì thì nói, không ai qua
được điều 4 này nữa. Đảng là cơ quan lãnh đạo tối cao.
Quay lại câu trả lời của ông Nguyễn Tấn Dũng, chúng ta có thể hiểu
ngay sự khôn ngoan của câu trả lời này. Ông đã sử dụng cái lỗ hổng lớn
của Hiến pháp VN. Ông đã dùng điều 4 của Hiến pháp VN và gạt phắtQuốc
hội sang một bên. Ông chịu sự quản lý trực tiếp của đảng và ông nhắc lại
“đảng lãnh đạo trực tiếp ông” và ông nhấn mạnh điều 4 của Hiến pháp VN
thật rõ ràng trong câu trả lời của ông:Đảng ta là đảng cầm quyền, lãnh
đạo Nhà nước và toàn xã hội
Ông Dương Trung Quốc và toàn thể đại biểu Quốc hội Việt Nam á khẩu.
Câu trả lời rất rõ ràng: chỉ có Đảng CSVN mới có thể bãi nhiệm ông Thủ
tướng Chính phủ mặc dù theo Điều 84 của Hiến pháp 1992, quyền mãn nhiệm
và bãi nhiệmThủ tướng Chính phủ nằm trong tay của Quốc hội VN.
Ngày nào Điều 4 được lấy đi khỏi Hiến pháp VN, ngày ấy sẽ không còn
vị Thủ tướng nào dám coi thường Quốc hội nữa (mà coi thường Quốc hội
cũng chính là coi thường dân). Lấy điều 4 đi văn bản Hiến pháp 1992 sẽ
trở thành rõ rệt và lôgic hơn.
N.D.V.
(cựu học sinh trung học Nguyễn Trãi Sài Gòn)
(cựu học sinh trung học Nguyễn Trãi Sài Gòn)
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN