Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

Văn Giang không lẻ loi, đơn độc!

Trần Ngọc Kha

Vào một ngày đẹp trời như hôm nay, người dân Văn Giang thuê hai chiếc xe ô tô đón hàng chục người khách từ mọi miền đất nước về thăm quê mình. Ngoài ra, họ còn dùng hàng chục chiếc xe máy kẹp đôi nhau đi “đón” và “hộ tống” chúng tôi. Đó là chưa kể còn mấy chiếc xe con các loại khác cũng tấp nập kéo về đây tụ họp. Và, họ đón chúng tôi như đón những người khách quý một cách thực lòng.
Xe chúng tôi đi giữa hai hàng cở đỏ sao vàng, những tràng vỗ tay dài không ngớt và những lời hoan hô dậy đất trời của hàng nghìn bà con Văn Giang… Trên xe, nhiều bà con, cô bác vội lau nước mắt, hô lớn: “Cố lên! Cố lên bà con ơi…”. Dường như niềm vui thắng lợi trong cuộc đối thoại với GS Đặng Hùng Võ hôm 8/11 vừa qua, bước ngoặt trong cuộc đấu tranh giữ đất của bà con, vẫn còn trên từng gương mặt. “Tư lệnh” ngành Văn Giang - cụ Lê Hiền Đức, người từng bám trụ mảnh đất này cùng bà con đêm 23, rạng sáng ngày 24/4/2012 và được bà con ở đây trìu mến đặt cho cái biệt danh như thế, hôm nay cùng có mặt. Cụ vận bộ đồ người chiến sĩ công an năm xưa đầy rắn rỏi. Hàng trăm con mắt đổ dồn vào cụ, chạy theo mỗi bước chân cụ, tay nắm bàn tay gầy guộc của cụ, miệng cười rất tươi mà mắt đầy ngấn lệ. Cụ ôm chầm lấy mọi người và đáp lại không ngớt những lời quá đỗi thân thương của họ.
Tôi đã nhìn thấy đồng nghiệp của mình ở các báo Tuổi trẻ TPHCM, Pháp luật TPHCM, Bảo vệ pháp luật...
Tôi cũng đã nhìn thấy TS Nguyễn Quang A, TS Nguyễn Xuân Diện, Đại tá Nguyễn Văn Cung, Đại tá Nguyễn Đăng Quang, Thạc sĩ Đào Tiến Thi, Chủ trang Basam và hàng chục Bloger khác cùng những người chung chí hướng No U (phủ nhận tính pháp lý đường lưỡi bò của Trung Quốc trên khu vực Biển Đông), chung chí hướng xây dựng một nước Việt Nam ngày một dân chủ, độc lập, tự do, hòa bình và thịnh vượng như chị Bùi Thị Minh Hằng chẳng hạn, chị đến đây từ miền Nam xa xôi...
Dòng người cứ thế ùa theo nhau, dẫn nhau vào trong “hội trường”. Gọi là thế nhưng thực ra nó chỉ là một cái lều bạt được dựng lên rộng chừng hơn hia trăm mét vuông, ngay trước cổng HĐND, UBND xã Phụng Công, chiếm quá nửa con đường mà vẫn hẹp đến mức chỉ có thể kê vừa hai dãy bàn, như bày đám cưới. Hỏi ra mới hay, tuy hôm nay là ngày nghỉ và mặc dù đã xin phép nhưng nhân dân xã này vẫn không được dùng cái trụ sở to đẹp, khang trang kia đón khách. Thấy vậy, cụ Lê Hiền Đức nối đóa lên: “Sao lại thế? Cái trụ sở kia (vừa nói cụ vừa trở tay hướng về phía trong HĐND, UBND xã) có phải của nhân dân ta, được làm từ chính những đồng tiền thuế của bà con hay không? Sao bà con không được đón chúng tôi ở đó?”. Tất cả đều ngậm ngùi, chia sẻ.
Cư dân mạng và những ai quan tâm đến mảnh đất vô cùng nóng bỏng vì buộc phải tiến hành khiếu kiện chủ đầu tư Ecopark 8 năm qua hẳn đều biết: Vì sao họ phải chi phí tốn kém mời mọi người đến đây? Và cũng không khó để trả lời một câu hỏi: Vì sao hôm nay không có bất kỳ một Đại biểu Quốc hội hay một quan chức nào của Đảng và Nhà nước này đến đây? Kể cả đội ngũ lãnh đạo địa phương cũng vậy.
Quả thực có dịp đến đây ta mới thấy vì sao mà nhóm người Ecopark quyết lấy cho bằng được mảnh đất này. Lướt lướt qua trước ống kính tôi là bạt ngàn những bờ xôi ruộng mật, những vạt vườn nhà sinh thái quy hoạch hài hòa, trù phú có một không hai trên đất nước này, những khang trang đường ngang, ngõ dọc… Chỉ có thể dùng những từ tốt đẹp nhất để ca ngợi một lợi thế vô cùng hấp dẫn về một miền quê lẽ ra chỉ có đẹp giầu, yên ả. Nhưng, ôi thôi! Chưa đủ ngấm vào mình những trầm trồ, ngợi ca đến tận cùng cảm xúc thì ruột gan chúng tôi đau như cắt.
Những “Bãi chiến trường”, theo như cách gọi của bà con, khi họ quyết “sống - mái” một lần với những người Ecopark ngày 24/4/2012 đây rồi. Nơi hai nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam bị lực lượng cưỡng chế đánh đây rồi. Cả nơi mà đêm trước ngày 24/4 ấy, bà con đốt lửa “canh chừng” lực lượng cưỡng chế nữa, cũng đây rồi. Tất cả như đang được hiện ra từ lời dẫn chuyện bất đắc dĩ của những người nông dân quanh năm suốt tháng chỉ biết ruộng vườn, no, đói, từ chính đất và người Văn Giang mà ta có thể cảm được từ mọi giác quan hôm nay, như những thước phim quay chậm. Nhiều người không khỏi nhăn mặt, uất ức thét lên những lời thóa mạ lực lượng cướng chế: “Họ không còn là người nữa!”.
Đoàn xe dẫn chúng tôi đi dọc những con đường nối văn Giang với QL 39 và nhiều con đường khác song song với nó, những con đường rộng rãi, khang trang đã và đang phát huy tác dụng cho địa phương này trong việc phát triển kinh tế, xã hội, quốc kế dân sinh. “Với những con đường hiện có như thế này thì tại sao lại phải cho Ecopark làm một con đường cao tốc “chiến lược” khác hoành tráng đến thế? Đó chỉ là xuất phát từ lợi ích của chính họ mà thôi” - Một trong những chủ nhà bức xúc nói.
Về đây hôm nay có nhiều người không quan hệ gì với Văn Giang nhưng họ chung một nỗi niềm với họ - bị đè nén, chịu bất công, thua thiệt một cách oan khuất. Và chính vì vậy mà về đây, ngay lập tức họ là anh em, là chị em thân thiết. Những cái bắt tay nắm chặt, bùi ngùi, những cái ôm chầm ướt nhòe nước mắt, thấm đậm bờ vai… đã xóa nhòa mọi khoảng cách, mọi lứa tuổi, hoàn cảnh sang, hèn. Về đây, dường như tất cả cảm thấy về quê mình, nhà mình thì phải. Chia nhau ăn một chút quà quê bánh dày, bánh tẻ, mời nhau một miếng trầu nồng nàn tình bạn, mỗi chúng ta như vợi bớt đi nõi buồn nhân thế, bớt lẻ loi, cô độc… “Bà con hãy nghe lời tôi: Hãy đoàn kết, quyết tâm chiến đấu đến cùng với bọn tham nhũng để giành giật lấy từng tấc đất này” - Lời Cụ Lê Hiền Đức vang lên nhiều lần trong những tràng vỗ tay dài không ngớt. Mặc dù không đón được lấy một vị ĐBQH nào, một quan chức Đảng và Nhà nước nào hôm nay, nhưng tôi nghĩ, chỉ cần nghe được những lời của cụ, họ cũng đã mãn nguyện lắm rồi.
Sống mũi tôi cay cay. Lẽ ra bà con Văn Giang không phải vất vả, tốn kém để đón chúng tôi trong bối cảnh như vậy. Lẽ ra đất và người Văn Giang được chúng tôi biết đến và yêu mến bằng cách khác thi vị hơn, công bằng hơn. Nhưng…
Trần Ngọc Kha
Xem ảnh và video tại đây:

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"