Diệu Hoa
Dân Luận: Cho tới ngày hôm nay, cuộc thi viết Quyền Con Người và Tôi
đã nhận được 15 bài dự thi, và chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là cuộc thi
kết thúc. Rất mong độc giả Dân Luận cùng tham gia để thúc đẩy hiểu biết
của người dân về Quyền Con Người của mình, giống như ước vọng của cụ
Phan Chu Trinh là "Khai dân trí, chấn dân khí và hậu dân sinh".
Ô hay, phải chăng Chí Phèo đã sống dậy và chỉ mong mỏi được “làm
người” chứ chưa nói đến làm người lương thiện!? Thời đại nào lại bi đát
hơn những năm 1940 thế nhỉ?
Nếu thật sự bạn muốn biết, thì đó không phải là tiếng kêu uất ức của
Chí Phèo hay của một người nào đó, mà là của một cả đất nước, một dân
tộc!
Nhân quyền (hay còn gọi là quyền con người) lẽ ra là điều đương
nhiên mọi người được hưởng chứ không cần phải hỏi han xin xỏ, và đương
nhiên cũng không ai được phép ban ân hay cấp phát cho người khác. Tuy
nhiên, trong nhiều hoàn cảnh với nhiều lý do khác nhau, có lúc người ta
không biết rằng mình có quyền nên đã bị lấy mất mà không hay biết. Và
những người tước đoạt nhân quyền của người khác tự cho mình cái quyền
đứng trên mọi người, thậm chí đứng trên cả luật pháp mà tôi tạm gọi là
"quyền hơn người", quyền giẫm đạp lên người khác. Đây chính là nguyên
nhân dẫn đến tình trạng bất bình đẳng, dung túng cho những bất công
trong xã hội và đẩy những người dân lương thiện trở thành “chí phèo”:
chí phèo bắn đạn hoa cải để giữ đất; chí phèo tự thiêu vì con cái bị
giam giữ không qua xét xử; chí phèo đập phá trụ sở ủy ban, hành hung chủ
tịch đòi thả người; chí phèo bất mãn bất lực trong hành trình đòi công
bằng cho cha/ chồng/ con bị công an đánh chết…
Theo tôi, nhân quyền là quyền cơ bản trong xã hội để từ đó hình thành
nên các quyền khác. Thật khôi hài và nực cười khi cả một dân tộc từ thế
hệ này sang thế hệ khác bị ma mị lừa phỉnh về “quyền làm chủ” nhưng lại
chưa hề có nền tảng gì về quyền con người. Thành thực mà nói, tôi cũng
đã từng không biết, không quan tâm đến quyền con người vì thấy nó có vẻ
trừu tượng và "khó gặm". Thế nhưng em google (em ấy nhỏ hơn tôi mấy chục
tuổi mà thông thái tột bậc) đã gào lên: Chị ngu thế, chị có quyền tự do
tư tưởng, quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm, quyền tự do tín
ngưỡng, quyền tự do hội họp và lập hội, quyền đi lại, quyền an toàn cá
nhân, quyền được pháp luật bảo vệ bình đẳng,… và ngút ngàn các quyền
khác nữa!
Chao ôi… Chưa bao giờ tôi thấy mình "oai" như thế, có nhiều quyền đến
thế! Nhưng khổ nỗi, tôi không nhớ đã bỏ quên các quyền của mình ở đâu
rồi, kẻ nào đang giữ quyền của tôi, bao giờ thì trả lại cho tôi? Tôi
không thể hình dung và cũng không giải đáp được: Nếu như không có quyền con người thì tôi đang là con gì, cả dân tộc này là con gì?
Có một thực tế vô lý và đáng buồn rằng không ít người tỏ ra lo lắng
và sợ hãi trước quyền của mình. Kỳ thực nguyên nhân là do không hiểu
biết đến nơi đến chốn. Không lẽ việc bạn đòi hỏi được làm người là sai
trái? Hay chuyện bạn yêu cầu được tôn trọng, được đối xử như một con
người đúng nghĩa là vi phạm pháp luật? Vì vậy, hành động thiết thực đầu
tiên để thoát khỏi tâm lý sợ sệt là tìm hiểu thấu đáo và trang bị đầy đủ
kiến thức về nhân quyền để có nền móng chắc chắn cho lời khẳng định
“Tôi có quyền!”
Đã bao giờ bạn thắc mắc tại sao giáo phái Scientology đình đám của
diễn viên Tom Cruise với những hoạt động kỳ bí và quái đản vẫn ngang
nhiên tồn tại mà không bị cấm đoán? Đấy là do quyền con người được tôn
trọng - ở đây là quyền tự do tín ngưỡng, quyền tự do lập hội.
Bạn ghét nó nhưng không có nghĩa là nó không được phép tồn tại!
Bạn ghét nó nhưng không có nghĩa là nó không được phép tồn tại!
Tương tự, phong trào Con Đường Việt Nam
có thể khiến một số người bất an, thậm chí là chướng mắt. Vậy bạn sẽ
làm gì nếu bị gây áp lực, ngăn trở khi cùng tham gia tìm hiểu quyền con
người? Hãy mạnh dạn sử dụng quyền con người của mình, cụ thể là quyền tự
do ngôn luận, bao gồm: (i) quyền tìm kiếm thông tin và tư tưởng; (ii)
quyền tiếp nhận thông tin và tư tưởng; và (iii) quyền chia sẻ thông tin
và tư tưởng.
Phải chăng vì e ngại quyền sẽ đi kèm với trách nhiệm nên mọi người
không dám đòi hỏi những thứ thuộc về mình? Hay sợ phải thay đổi một lối
mòn mịt mù để rẽ ra một con đường đúng đắn? Cả hai giả thiết đều sai
lầm! Tức nghĩa sẽ là phi lý và lệch lạc nếu bạn cho rằng mình không/
chưa có đầy đủ quyền con người thì bạn cũng không cần nhận lãnh trách
nhiệm nào cả. Trái lại, khi ấy, trách nhiệm của bạn, của những người
chưa có nhân quyền càng tăng lên bội phần, đó là trách nhiệm đối với bản
thân và với cộng đồng.
Tôi có thể lấy ví dụ như bạn đang sống trong một tập thể chưa biết
chữ. Vậy thì trách nhiệm của bạn không những là biết đọc, biết viết mà
còn phải giúp những người khác tập đọc, tập viết. Tương tự như quyền con
người, khái niệm này có thể xa lạ với bạn lúc ban đầu, nhưng bạn cần
phải tìm hiểu cho chính bản thân bạn và chia sẻ hiểu biết của mình với
cộng đồng. Người ta không thể đi mãi trên con đường xa rời nhân loại,
biết sai mà vẫn đi!
Câu hỏi đặt ra là mỗi người chúng ta nên làm gì để đóng góp, vực dậy một đất nước? Ai đó đã nói rằng “khi không thể làm những điều bạn muốn, hãy làm những điều bạn có thể”.
Vậy hãy bắt đầu từ những điều giản dị, từ chính bản thân mình. Hãy bắt
đầu chấn hưng đất nước bằng chấn hưng từng con người cụ thể. Từng con
người với nhận thức đúng đắn sẽ dần dần làm cho các hành động lạm quyền
trở nên lạc lõng. Nó có thể "to tát" như việc bạn thẳng thắn bày tỏ quan
điểm chê cười thói sách nhiễu, lên án giặc ngoại xâm, chỉ trích quan
tham… hoặc chỉ nhỏ nhặt như tôn trọng ý kiến của người khác, từ bỏ thói
quen áp đặt người thân trong gia đình làm theo ý muốn của bạn, không ép
buộc con trẻ trong chuyện trang phục... Những chuyện tưởng chừng rất đơn
giản nhưng không dễ chút nào, nhất là khi chúng ta không sẵn sàng thay
đổi.
Viết đến đây tôi bỗng nhớ đến những bài tập làm văn thuở bé với vô
vàn lời hứa theo khuôn mẫu, nhưng thiết nghĩ trong hoàn cảnh này tôi
không cần phải hứa, và chắc cũng chẳng còn ai ngây thơ trông chờ những
lời hứa. Tôi sống là cho tôi, tôi tìm hiểu là cho tôi, tôi hành động là
cho tôi, thì hà cớ gì tôi không thực hiện mà phải lần lữa đối phó bằng
sự hứa hẹn? Thật vậy, nhận thức của tôi đã thay đổi và tôi đang nỗ lực
đánh thức những người vẫn còn mê muội theo quán tính, bởi họ chưa nhận
ra các tổn thất kinh tế, gánh nặng tài chính, thiệt hại vật chất, sa sút
tinh thần cũng như trăm ngàn mối lo âu trăn trở khác đều dẫn xuất từ
nguyên nhân mất mát quyền con người.
Thay lời kết, tôi xin thú nhận rằng mình cũng chỉ mới ở bước đầu chập
chững tìm hiểu về quyền con người, nhưng ít ra giờ đây tôi cũng đã cảm
thấy quyền con người rất gần gũi và cần thiết, gắn kết với rất nhiều
hoạt động trong đời sống hàng ngày. Có thể hiểu biết của tôi còn sơ khai
và ngây ngô, nhưng tôi vẫn quyết định góp tiếng nói cùng với mọi người.
Bởi lẽ chúng ta đã im lặng quá lâu, và nếu tiếp tục im lặng thì chẳng
khác nào sự khước từ, phủ nhận quyền của mình. Mỗi lời nói khẳng định
quyền con người là một bước tiến, nếu chúng ta không bước đi thì sẽ
chẳng bao giờ đến đích.
Diệu Hoa
[*] Nguyên bản câu hỏi tu từ của Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của
nhà văn Nam Cao: “Tao muốn làm người lương thiện. Ai cho tao lương
thiện?"